Giấc mơ của Nguyễn Phi Phi Anh

26/01/2017 - 07:00

PNO - Tôi tò mò về hiện tượng báo chí viết về Phi Anh, ngay từ khi cậu về Việt Nam và dựng một vở “hát múa và kể chuyện” mang tên Góc phố danh vọng.

Đó là một vở diễn ca múa nhạc kiểu Glee mà chúng ta thấy trên truyền hình hàng ngày, trẻ con trong gia đình tôi dán mắt vào xem. Chúng cũng nhảy múa tưng bừng trong mọi hoàn cảnh theo trường phái: buồn vui gì cũng phải hát, thấy thích là hát lên… Bởi thế, khi có Góc phố danh vọng, rồi đến Đêm hè sau cuối… cái cách mà đám trẻ con xôn xao, tôi đồ rằng, nó đúng thời cuộc.

Tôi thấy điều cần thấy: Phi Anh, một cậu đạo diễn mới tinh và manh nha gầy dựng một nhóm bạn trẻ dốc lòng cho một sân chơi lành mạnh.

Tất nhiên phải công bằng mà nói, sự xuất hiện của Phi Anh trong thời điểm sân khấu nước nhà đang bị khô mòn và đặc biệt là ở Hà Nội chẳng còn sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Sức trẻ không tồn tại cả trong người làm sân khấu và người xem sân khấu thì nó báo hiệu một sự khô mòn còn sâu sắc hơn thế sau vài năm nữa.

Năm nay là lần thứ ba họ tái diễn Góc phố danh vọng (thay một vài diễn viên) và ra mắt thêm vở diễn thứ ba. Dù không có gì liên quan về mặt nội dung, nhưng hình thức thì vẫn là “ca múa – kể chuyện”, nên được gói chung vào một dự án mang tên “HOPE” (Mộng ước). Thế là lại có một cơn thủy triều lời khen ngợi từ báo chí, cộng thêm vĩ thanh lan truyền từ mạng xã hội về hiện tượng Phi Anh…

Cậu ta có gì mà lại khiến đám đông xôn xao? Cậu ta là ai lại có thể kiếm được tiền tài trợ cho cả trăm buổi diễn? Cậu ta đã làm được gì để cánh diễn viên nghiệp dư kia có thể vứt hết những công việc chính để lao vào tập luyện quên ngày giờ? …

Tôi thấy mình cần phải đủ thông tin mà trong ba năm qua khi thiên hạ xì xào về Phi Anh mà tôi cố tình lờ cậu ta đi, một cậu nhóc (ai gặp Phi Anh ở ngoài cũng sẽ dễ dàng nói thế) vừa đi học Mỹ về (báo chí nói rằng) ôm mộng nhạc kịch Việt và có thể thay đổi được không khí ảm đạm của sân khấu Hà Nội. Và điều tôi đã thấy, vẫn là sự non nớt vụng về - táo bạo và mộng mơ của tay đạo diễn và gánh hát nghiệp dư ấy.

Thế nhưng chính nó là sự quyến rũ mà tôi không tìm thấy được ở những nhà hát chuyên nghiệp đầy rẫy những sự thi triển tay nghề và thông điệp chính trị xã hội nặng nề. Kịch của Phi Anh ai cũng thấy mình và xã hội quanh mình, trung thực, dí dỏm trong từng câu thoại…

Nó sinh động và cuốn hút dồn dập từng giây, khiến người xem luôn bị lạc trong thế giới của riêng cậu, nhân vật luôn có thừa đất diễn, điển hình làm diễn viên tràn đầy năng lượng thể hiện, và người xem thì cảm thấy thích thú bất kể đó là vai chính xuyên suốt hay vai phụ không tên.

Giac mo cua Nguyen Phi Phi Anh

Thậm chí, cái duyên của Phi Anh là luôn biết tạo điểm nhấn cho những thứ be bé – những vai phụ không tên mang tính chất gia vị nêm nếm như thế. Tay nghề đầu bếp hay dấu ấn đạo diễn vô cùng đậm đà, dí dỏm, thâm, nhưng rất trẻ trung thời cuộc. Và nói như Phi Anh, mỗi vở diễn làm là phải vui: đạo diễn vui, diễn viên vui, và người xem ra về là phải vui - thế là đủ.

May mắn của tôi là xem vở diễn thứ hai Đêm hè sau cuối trước khi xem tác phẩm đầu tay Góc phố danh vọng (có thể là Phi Anh cố tình sắp ngược lịch diễn này cũng nên). Tôi ngạc nhiên về Đêm hè sau cuối khi thấy bóng dáng một đạo diễn có nghề: kịch bản chặt chẽ nhiều bất ngờ, diễn viên ca diễn - nhảy múa đồng đều, sân khấu bé nhưng tận dụng triệt để không có góc chết - tải được toàn bộ tinh thần live của hàng chục diễn viên - nhạc công… 

Thế nhưng vở diễn Góc phố danh vọng thì hơi đơn giản và mơ mộng. Nhưng tôi tin rằng Phi Anh trung thực với tay nghề của mình. Cậu ta không cố làm cho tác phẩm đầu tay của mình phải chững chạc và cũng không làm nó ra vẻ một vở diễn dành cho người lớn.

Cậu không cố phải làm mình cao đạo với những lớp tầng ý nghĩa, mà chỉ đơn giản là làm gì thấy thích, thấy đúng với những gì cậu đã biết và đã được học từ xã hội. Đây sẽ là lần cuối công chúng được xem Góc phố danh vọng, “dù còn nhiều người thích nó, các bạn trẻ mới xem cũng sẽ thích nó, nhưng em thấy hết vui và sẽ không bao giờ dựng lại vở này”- Phi Anh nói với tôi.

Ba vở diễn, chưa đủ để nói gì về Phi Anh, càng không bao giờ đủ sức nặng để tạo dựng một sân khấu riêng, và đừng mơ nó thay đổi điều gì của sân khấu hay thị hiếu. “Sau vài năm làm việc ở Việt Nam, em không còn mơ mộng được nữa”. Phi Anh học Hampshire College, chuyên ngành sân khấu - điện ảnh. Thế nhưng cậu thú nhận, cậu không biết gì về sân khấu Việt Nam cả, không biết một vở kịch nào của Lưu Quang Vũ, không biết bất cứ một ai – cây đa cây đề làng sân khấu-mỹ thuật nước nhà đã từng khen ngợi cậu…

21 tuổi, về Việt Nam, làm một vở diễn vừa vặn với quỹ thời gian nghỉ hè, với những người bạn và cho những người bạn… Rồi thành công, được nhiều người gọi tên, rồi mơ mộng và bắt đầu nghĩ đến những dự tính to hơn… Có những suy nghĩ tích cực ngày ấy bị người này chê là điên cuồng, người khác cho là không thực tế…

“Ngay cả lúc này cũng vậy, em cũng không hiểu nhiều về sân khấu Việt Nam, nên em không thể và không có nhu cầu gầy dựng cái gì cả. Em không quan tâm những điều to tát mà người ta gọi em trong những bài báo, nó không đúng về em. Em chỉ làm những thứ em thấy vui, em có thể làm được và những người bạn xung quanh em làm được. Đã có nhiều cuộc điện thoại mời em dựng các vở sân khấu, nhưng em từ chối. Em đang là người đứng ngoài cuộc của thực tế sân khấu”.

Giac mo cua Nguyen Phi Phi Anh

Vậy em muốn làm gì hả Phi Anh? “Rất có thể em sẽ ngưng, không làm nhạc kịch nữa. Em đã bắt đầu làm nhạc kịch khi cảm thấy hứng thú và nghĩ là có thể làm nó ở Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, em thấy mình không còn cảm thấy vui như trước nữa”.

Trên facebook, trong những quãng thời gian nghỉ của các vở diễn, tôi có đọc được đâu đó những dòng tâm trạng đầy cảm xúc của các bạn diễn viên tay ngang của Phi Anh. Rằng họ nhớ những tháng ngày ăn-tập-vui đùa cùng nhau, họ nhớ những giờ phút căng thẳng hồi hộp chờ được bước ra sân khấu…

Họ vẫn rất vui khi được làm việc trong những vở diễn của Phi Anh, còn cậu ấy tại sao lại đã cảm thấy bớt vui nhiều rồi? “Bây giờ các sản phẩm ra đời không còn hồn nhiên như ngày ra mắt Góc phố danh vọng - một cuộc chơi của em với các bạn. Bây giờ là một cuộc trình diễn đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó là yếu tố con người.

Anh thấy đó, ở Góc phố danh vọng diễn viên có thể nhảy múa và có người hát thế. Nhưng những vở diễn sau bọn em bắt đầu phải tìm ra những bạn diễn viên đa tài, vừa có thể hát-nhảy múa-diễn xuất…. mà những người như thế không có nhiều… Và còn rất nhiều yếu tố khác nữa. Có thể em sẽ làm một công việc nào đó, hoàn toàn không liên quan đến sân khấu nữa…”.

Cuộc sống ai cũng có những bước ngoặt đặc biệt, và những điều đặc biệt ấy tạo cho chúng ta những dấu ấn đáng nhớ. Du học từ thời trung học, rồi nhận học bổng đại học tại Mỹ. Phi Anh đã chọn ngành sân khấu này bởi một lý do rất buồn cười, rằng học bổng đó nhiều tiền hơn học bổng ngành kiến trúc mà cậu cũng nhận được từ một trường khác.

Thế là có Phi Anh bây giờ … Tôi phì cười vì cứ nghĩ đến những danh “cậu bé vàng” gì đó, hay “ba người như Phi Anh thì thay đổi sân khấu”… “Ôi, em không có ý định thay đổi cái gì cả… Em sẽ đi hoặc biến mất trước khi ai đó cảm thấy em trở thành nguy hiểm như những cái danh kêu kêu đó!”…

Thời điểm này, Phi Anh vẫn chưa hết lạc lõng trong môi trường công việc gồm rất nhiều bộ máy ở Việt Nam. Một mình cậu vẫn cứ mò mẫm tìm ra được một khoảng không yên tĩnh cho mình để xoay xở. Ví như cái sân khấu Le’Space chẳng hạn, nó là một sự lựa chọn cuối cùng và an toàn cho Phi Anh để đỡ phải đụng với những sân khấu khác, thì lại quá nhỏ và nông - không phải là một nơi thiết kế để biểu diễn kịch hát.

Vậy mà phải xoay xở thôi, thiết kế một cái sân khấu hộp nhiều tầng là một sự sáng tạo xoay xở như thế - trong cái khó tự khắc ló cái khôn bất ngờ. “Giờ đối với em luôn phải có sự thận trọng. Không cái gì còn là cuộc chơi, hay thử nghiệm nữa. Và một điều đặc biệt em nhận ra, hóa ra em rất yêu thị trường này. Người Việt hóa ra lại rất đơn giản, họ có một điều trắc ẩn gì đó trong lòng mà người làm nghệ thuật chỉ cần chạm đến là sẽ ngay lập tức được yêu quý.

Giac mo cua Nguyen Phi Phi Anh

Sau HOPE, ngay cả chính Phi Anh cũng chưa biết mình sẽ làm gì cả… Tôi đã cố lục tìm trong hành trang của cậu để đoán xem cậu sẽ làm gì trong tương lai gần? Sân khấu ư? “Hay là em làm Mùa hạ cuối cùng của Lưu Quang Vũ nhỉ - Nó có vẻ giống tên Đêm hè sau cuối đấy chứ!”. Em làm đạo diễn sân khấu ca nhạc đi?

“À có… anh nhớ Lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh của ông Trương Nghệ Mưu không? Khi em xem xong buổi trình diễn ấy, em đã bàng hoàng và thực sự là mộng ước. Giá như mình được làm một cái gì đó to lớn, tầm sân vận động với rất nhiều tiền và rất nhiều cộng sự tài năng… Em mơ ước, mơ được làm việc lớn như thế!”

Nhà báo Chu Minh Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI