Gia đình tài tử

22/10/2014 - 17:52

PNO - PN - Ngày thi đầu tiên của vòng bán kết cuộc thi Hội ngộ tài tử phương Nam do Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM tổ chức, cả hội trường sôi động hẳn lên với sự xuất hiện của ba tài tử ca “nhí”: Ngọc Sơn (SN 2006), Ngọc Hân (SN...

edf40wrjww2tblPage:Content

Còn ở lứa tuổi tiểu học nhưng bên cạnh chất giọng trong trẻo trẻ thơ, cả ba bé đều thể hiện sự chững chạc, nhịp chắc, lối luyến láy, ngân nga dễ thương khi thể hiện các bài ca thuộc thể điệu tương đối khó so với lứa tuổi: Xàng xê, Nam xuân. Các bé có khả năng thích ứng nhạy bén khi có sự cố bất ngờ. Đi từ Bù Gia Mập lúc 3g sáng, bé Minh Trang (SN 2008) bị cảm, không thể lên sân khấu. Sát giờ thi, bé Ngọc Sơn được phân công “thế vai”. Không cần tập luyện, em vẫn làm tròn vai trò hoàn hảo.

Thế nhưng, khán giả sẽ không còn ngạc nhiên nếu biết các bé là anh chị em họ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có tình yêu kỳ lạ với ĐCTT. Về thôn Cây Da, xã Phú Văn (H.Bù Gia Mập), hỏi CLB ĐCTT Đồng Thanh Quán, ai ai cũng biết. Gần 20 năm nay, Đồng Thanh Quán vốn nổi tiếng trong cộng đồng dân cư với hình ảnh một gia đình gồm ba thế hệ, trẻ con lớn lên với ngũ cung hò xự xang xê cống, “dẫn đầu” là ông Phạm Thành Thiên và bà Huỳnh Thị Đồng.

Sinh ra và lớn lên ở Cần Thơ, cuộc sống khó khăn, ông bà rời Cần Thơ lên Bù Gia Mập lập nghiệp. Miền đất mới nhiều khó khăn, không điện, không ti vi. Vốn có giọng hát trời phú, ông bà tự đờn ca cho nhau nghe để giải trí sau những giờ lao động vất vả, cũng để vơi đi nỗi nhớ quê. Bốn người con trong gia đình lớn lên cùng lời ca, tiếng đờn của cha mẹ giữa vùng đất đỏ miền Đông Nam bộ, rồi cũng yêu ĐCTT. Làn điệu này đã se duyên cho anh Phạm Thành Khánh - người con trai thứ hai với cô gái cũng mê ĐCTT không kém: Tăng Thị Bích Tuyền.

Năm 2006, với mong muốn giúp người dân miền Đông Nam bộ hiểu và yêu mến ĐCTT như mình, ông bà Thành Thiên đã đầu tư mua máy nổ, âm thanh để xây dựng một CLB ĐCTT tại quán cà phê của gia đình. Có lẽ từ CLB này, thế hệ thứ ba, những đứa cháu nội ngoại được sinh ra ở Bù Gia Mập, nói chưa rành đã biết líu lo ca tài tử. Trong bảy cháu nội ngoại thì đã có hết năm bé có thể ca một số thể điệu Tây Thi, Nam xuân, Bình bán, Cổ bản, Lưu trường thủy... từ lúc lên ba.

Gia dinh tai tu
Ngọc Sơn, Ngọc Hân và Ngọc Chi cùng hòa giọng với bài Hương sắc mùa xuân

Sau giờ học và những ngày cuối tuần, nhà ông bà Thiên lại rộn rã bởi những âm thanh trong trẻo của các tài tử nhí. Từ sáu-bảy tuổi, các bé đều đã có thể ca rành rẽ 20 bài bản Tổ, ngay cả những bài bản khó, rất hiếm khi được các tài tử chuyên nghiệp thể hiện như Tứ đại oán, Ngũ đối hạ… dù giọng ca còn not nớt, cách ngân nga chưa thật xuất sắc, chưa "mùi" như người lớn.

Để thế hệ thứ ba yêu hơn ĐCTT và cảm nhận ĐCTT dễ dàng hơn, gia đình chủ động chọn những bài ca có chủ đề gần gũi với trẻ thơ như về trường học, quê hương, công ơn cha mẹ, tình cảm gia đình… để tập cho các bé. “Được biểu diễn trong các buổi văn nghệ ở trường, tham gia những chương trình liên hoan, hội diễn ca múa nhạc thiếu nhi… cũng là động lực để các cháu gắn bó hơn với nghệ thuật ĐCTT thay vì có xu hướng nghiêng về tân nhạc như đa số thiếu nhi hiện nay”, anh Phạm Thành Khánh chia sẻ.

Không dừng ở các đợt liên hoan, hội diễn ở địa phương, tại Liên hoan ĐCTT trong khuôn khổ Festival ĐCTT Quốc gia - Bạc Liêu 2014, tiết mục Mục đồng, theo thể điệu Cổ bản của Ngọc Sơn - Ngọc Hân đã được ban tổ chức trao huy chương vàng. “Con vui vì thấy mình hết run khi hát trước rất đông khán giả và vui hơn vì được ba thưởng cái bánh kem để vô lớp ăn chung với cô giáo và các bạn”, Ngọc Sơn hồn nhiên nói.

Dẫu biết không ai sống được bằng ĐCTT nhưng cả gia đình vẫn chăm chút cho thế hệ tài tử thứ ba. Hễ nghe ở đâu có tập huấn, giao lưu, gia đình lại phân công nhau đưa các bé đi để được học hỏi, rèn luyện thêm với ước mong các bé sẽ gắn bó dài lâu với ĐCTT. Tuy nhiên, với các bé, việc học văn hóa vẫn là quan trọng nhất, bởi theo anh Khánh: “Khi có kiến thức, các cháu sẽ biết cách làm đẹp hơn cho nghệ thuật ĐCTT của dân tộc”.

 THẢO VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI