DV Thiên Bảo: “Muốn nổi tiếng, tôi đã làm khác”

19/01/2014 - 06:31

PNO - PNCN - Được khán giả biết đến từ vai Ân trong bộ phim Ngã rẽ cuộc đời (năm 2006), từ đó đến nay, cái tên Thiên Bảo xuất hiện thường xuyên trong các bộ phim truyền hình nhiều tập Sóng gió cuộc đời, Nữ sinh, Vòng tròn cạm bẫy,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cơ duyên dạo bước trên màn ảnh rộng của Thiên Bảo cũng đến với phim Cầu ông Tượng, nhưng không may bộ phim này đến giờ vẫn chưa có dịp ra mắt. Gắn bó với phim truyền hình từ dạo phim Việt giờ vàng mới khai sinh, nhưng đến nay nhắc đến Thiên Bảo, người xem chỉ nhớ đến một chàng diễn viên có gương mặt điển trai với nụ cười hiền lành, không ai nhớ nổi tên một vai diễn nổi bật của anh, mãi đến khi phim Thái sư Trần Thủ Độ phát sóng. Quãng đời trải dài của nhân vật này từ năm 17 tuổi đến 72 tuổi cho Thiên Bảo cơ hội biến hóa diễn xuất, ghi điểm cho cái tên Thiên Bảo sau hơn mười năm lặng lẽ “ăn cơm nghệ thuật”.

DV Thien Bao: “Muon noi tieng, toi da lam khac” 

Nặng duyên với nhân vật chính trực

* Sau khi bộ phim Thái sư Trần Thủ Độ được công chiếu, hẳn anh đã có thể thở phào nhẹ nhõm vì không làm người xem thất vọng với vai diễn “khó nhằn” này?

- Trước khi nhận kịch bản phim Thái sư Trần Thủ Độ, hiểu biết của tôi về nhân vật lịch sử này rất ít ỏi. Sau khi tìm hiểu thông tin liên quan đến ông, tôi càng hoang mang, vì công danh sự nghiệp của ông tương đối phức tạp, đến giờ vẫn còn gây tranh cãi. Đây cũng là lần đầu tiên tôi phải thể hiện một nhân vật có quãng đời dài nhất, từ lúc còn trẻ đến khi râu tóc bạc phơ. Phim lại không quay theo tuổi đời của nhân vật, mà đan xen lúc trẻ, lúc già, nên việc giữ cảm xúc, tâm lý rất khó. Vì nhân vật phải hóa trang với râu tóc, nên khó diễn bằng cơ mặt, do đó tôi chọn cách diễn bằng mắt để lột tả mọi trạng thái tâm lý, khí chất của ông. Mất gần hai năm tôi mới thoát ra khỏi nhân vật.

* Vậy sau Trần Thủ Độ , anh đã tìm được một vai diễn “đáng tiền” nào khác chưa?

- Tôi đang tham gia vào 50 tập phim truyền hình Cao hơn bầu trời do hãng phim Giải Phóng sản xuất (đạo diễn Hồ Ngọc Xum và Lê Ngọc Linh). Phim kể về những anh hùng không quân lái máy bay tiêm kích bảo vệ vùng trời miền Bắc VN năm 1965-1972, góp phần lập nên trận Điện Biên Phủ oanh liệt trên không. Trong phim, tôi vào vai Trịnh Nhung, một người con ưu tú của miền Nam tập kết ra Bắc tham gia bảo vệ vùng trời Tổ quốc. Vai diễn đòi hỏi phải lột tả được khí chất của một người chiến sĩ luôn sống và chiến đấu hết mình cho đồng đội, cho Tổ quốc. Được tham gia vào một bộ phim nói về những phi công anh hùng với những trận không chiến ấn tượng là vinh dự không dễ diễn viên nào cũng có. Tuy nhiên, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi phải tập lái, tập diễn xuất trong buồng lái MiG 21. Những ngày quay phim cũng là quãng thời gian tôi được sống và trải nghiệm trong kỷ luật nghiêm của quân đội - một cảm giác rất thú vị.

* Một lần nữa anh có dịp hóa thân vào hình ảnh người lính sau Cầu ông Tượng (phim điện ảnh), Huyền thoại 1C (phim truyền hình). Ngoài vai bộ đội, hình ảnh anh còn gắn chặt với những vai công an như trong Những bước chân hoàn vũ, Chỉ còn lại tình yêu. Anh nghĩ những dạng vai chính diện ấy là cái duyên hay là dấu hiệu cho thấy anh đang tự “đóng khung” mình?

- Chưa bao giờ tôi nghĩ mình tự đóng khung cho nhân vật, mà có thể do gương mặt của tôi mang nhiều nét thiện nên luôn được các đạo diễn lựa cho các vai chính diện. Nhưng cho dù chính hay phản diện, tôi nghĩ người diễn viên cũng phải lột tả được tính cách nhân vật. Nếu có đạo diễn mời vai phản diện hay, mới lạ, nhiều đất diễn, tôi không bao giờ từ chối, vì tôi luôn muốn học hỏi thể hiện nhiều dạng vai để làm mới mình.

DV Thien Bao: “Muon noi tieng, toi da lam khac”

DV Thien Bao: “Muon noi tieng, toi da lam khac”

Thiên Bảo trong Cao hơn bầu trời

* Trên màn ảnh, anh là bộ đội, chiến sĩ công an - những con người oai hùng, nhưng trên trường quay, trong điều kiện an toàn lao động cho diễn viên còn nhiều bất cập như hiện nay, hẳn “người hùng” cũng “rét” khi phải dầm mình trong những cảnh súng đạn, bom mìn, cháy nổ. Anh “phòng thủ” như thế nào để tránh tai nạn trường quay, hay cứ “xung trận” với tâm lý thôi thì “trời kêu ai nấy dạ”?

- Không ít lần tôi đối đầu với tình huống ngoài khả năng kiểm soát, mặc dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ. Còn nhớ trong phim Cầu ông Tượng, có cảnh nhân vật tôi đóng hy sinh, được đồng đội đặt xác lên lưng voi để chuyển về đơn vị chôn cất. Theo kịch bản, cảnh này trời đổ mưa tầm tã. Đoàn phim dùng hai chiếc xe cứu hỏa làm mưa, tiếng máy bơm nước khởi động rất ồn, khiến chú voi hoảng hốt bỏ chạy, lao thẳng vào rừng. Cành cây va quẹt, cào cắt khắp người nhưng tôi chỉ biết trân mình chịu trận, cố gắng ôm chặt cổ voi để không bị té văng xuống đất. Chạy hơn 300m, chú voi mới chịu dừng lại. Phim Huyền thoại 1C, trong một cảnh quay, do tiếp xúc gần vị trí trái nổ, tôi bị sức ép mạnh gây ngất một lúc lâu. Còn trong những cảnh hành động võ thuật thì luôn bị bạn diễn hăng say đấm đá, nhẹ thì tức thở, nặng thì bầm giập, bong gân. Tuy nhiên tôi nghĩ, những thương tích đó cũng đáng, vì có vậy mới mang đến những cảm xúc chân thật nhất cho khán giả.

Muốn đứng ngoài vòng showbiz

* Đến giờ, nhìn lại các vai diễn, anh ấn tượng với nhân vật nào nhất?

- Tất nhiên là vai Trần Thủ Độ trong phim Thái sư Trần Thủ Độ. Nhân vật lịch sử này cho tôi trải nghiệm qua mọi cung bậc cảm xúc, từ trong phim ra ngoài đời. Tiếng tăm và cả sự thị phi ẩn sâu trong tôi một thời gian dài hóa thân thành nhân vật đó.

* Có phải ý anh muốn ám chỉ vụ ồn ào cách đây mấy năm, khi có báo viết anh và Nhật Kim Anh “phim giả tình thật” và sau đó có một người phụ nữ lên báo khóc tự nhận là vợ anh, trách anh lơ là vợ con.

- Trước đây, khi mới bước chân vào làng giải trí, tôi luôn nghĩ ngoài công việc, tôi sẽ sống an phận, bình thường, khép mình chứ tuyệt đối không dính dáng đến bất kỳ scandal ồn ào nào. Nhưng rồi “chạy trời không khỏi nắng”, thời gian đó, tôi đang tập trung toàn tâm toàn lực cho phim Thái sư Trần Thủ Độ. Áp lực công việc rất lớn khiến tôi như quả bom muốn phát nổ bất cứ lúc nào. Người ta nói, phía sau người đàn ông thành đạt là bóng dáng của người phụ nữ vĩ đại. Có lẽ tôi chưa có được may mắn như vậy và tôi nghiệm ra một điều, trên đời này không có gì là tuyệt đối và hoàn hảo. Được một thứ, rồi mình sẽ mất đi nhiều thứ, cho nên tôi học cách im lặng để thời gian sẽ dần chôn vùi đi. Bây giờ thì mọi chuyện cũng đã qua, tôi không muốn nhắc lại.

DV Thien Bao: “Muon noi tieng, toi da lam khac”

Thiên Bảo trong Thái sư Trần Thủ Độ

* Ngoài scandal hiếm hoi đó, còn lại, thông tin về anh gần như chìm nghỉm trên mặt báo. Khi báo chí, công chúng không chú ý quá nhiều anh thấy đó là may mắn hay bất lợi của người làm nghệ thuật?

- Khi đã là nghệ sĩ, là người của công chúng, được báo chí và công chúng chú ý là niềm hạnh phúc, nhưng tôi lại rất ngại bị mang ra bàn luận chuyện riêng tư nhạy cảm. Do đó, tôi luôn chủ động đứng ngoài showbiz. Tôi rất ít khi xuất hiện trước đám đông. Quay phim xong, nếu không gặp gỡ cà phê với bạn bè thân quen thì tôi về thẳng nhà. Tôi chỉ muốn công chúng chú ý mình qua những nhân vật tôi thể hiện chứ không phải nhìn vào đời tư của mình.

* Nhưng cách sống khép kín cũng tạo ra bất lợi cho anh, khi mà nhìn mặt anh khán giả nào cũng biết là diễn viên, nhưng tên tuổi thì mãi không “hot”...

- Đôi khi tôi cũng hơi chạnh lòng vì cái tên Thiên Bảo chưa đọng lại nhiều ấn tượng với khán giả. Có thể do những phim tôi tham gia không đúng thời điểm đến với khán giả hoặc làm xong cất vào kho, không được quảng bá mạnh. Về phần mình, tôi lại luôn chủ ý lui vào bên trong hậu trường, không tạo scandal để đánh bóng tên tuổi, cũng không bao giờ lên báo nói gì về những dự án mình đã tham gia nên cái tên Thiên Bảo chưa được “hot”. Ngoài ra, cũng có thể do tôi đóng nhiều phim mà mỗi phim đều hóa thân vào những bộ dạng khác nhau. Có khi để tóc làm anh công an, sau đó lại lấm lem thành người lính rồi có lúc lại cạo trọc vào vai nhà sư, nhân vật không giống nhau nên khán giả có cảm giác rằng tôi là một diễn viên mới xuất hiện. Từng có người khuyên tôi nên đóng rập khuôn một nhân vật công tử nhà giàu ăn chơi sát gái liên tiếp hai, ba phim để khán giả quen phong cách của mình, nhớ đến mình rồi hãy đổi dạng vai khác.

* Ngoài những bộ phim hiện đại, khán giả còn thấy anh đóng phim Hổ ly sơn thất thế, thường xuyên đi bái chùa, sắp đặt đồ lễ thành thục. Phật dạy con người không tham sân si, nhưng anh lại sống trong môi trường nghệ thuật - nơi phải có tham vọng mới nổi tiếng được. Anh có thấy mình đang ở thế khó?

- Đúng là sống trong giới nghệ thuật nhiều sân si, đôi khi không tham vọng khó đạt thành công. Tạo scandal để đánh bóng tên tuổi? Nếu muốn như vậy, có lẽ tôi đã nổi tiếng từ lâu. Tuy vậy, như đã nói, tôi chỉ muốn khán giả cảm nhận, đồng cảm cùng nhân vật tôi thể hiện. Còn trong cuộc sống đời thường, xin cho tôi làm kẻ đứng ngoài showbiz. Đời nghệ sĩ nhiều thăng trầm, lại ngắn ngủi, nhưng với tôi, được ăn cơm tổ nghiệp hơn mười năm là may mắn lắm rồi. Có thể mỗi người một cách sống, tôi thích sống lặng lẽ, không ồn ào. Tôi từng ăn chay cả tháng mỗi năm hai lần vào tháng Giêng và tháng Bảy - mùa Vu lan báo hiếu. Khi không đóng phim, có thời gian rảnh là tôi lại khăn gói đi lễ khắp các đền chùa. Có lẽ đó là những ngày bình yên nhất của tôi.

* Một người thành tâm kính Phật như anh ắt hẳn cũng tin rằng công việc diễn xuất đến với mình như một cái duyên?

- Cha mẹ tôi đều làm ngành y, nên tôi từng nghĩ lớn lên sẽ theo nghề cha mẹ. Tuy nhiên, tôi cũng rất thích xem phim và muốn được sống, được thể hiện các nhân vật mà mình cảm nhận, hình dung qua sách báo, truyện. Vì vậy, tôi đã chọn thi vào trường Cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM. Khó khăn lớn nhất với tôi khi đó là phải tự lo chi phí ăn học. Tôi bắt đầu tự lực bằng cách tham gia những video clip ca nhạc, đóng phim quảng cáo… Năm 2001, sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn được mời ra Bắc đóng vai chính trong phim truyện nhựa Cầu ông Tượng. Đó là bộ phim tôi xem như mối lương duyên với nghề. Sau Cầu ông Tượng, tiếp theo là các phim truyền hình nhiều tập như Ngã rẽ cuộc đời, Sóng gió cuộc đời, Nữ sinh, Vòng tròn cạm bẫy…

Diễn viên Thiên Bảo quê gốc ở Phụng Hiệp, Cần Thơ, sinh ra và lớn lên tại TP.HCM trong một gia đình có ba anh em trai. Cha anh từng là bác sĩ chấn thương chỉnh hình, mẹ là bác sĩ nhi. Thiên Bảo đến với nghệ thuật xuất phát từ lời khuyên của danh hài Hoài Linh. Ít ai biết Thiên Bảo là con nuôi trong gia đình Hoài Linh.

Hương Nhu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI