Dùng ngân sách nhà nước để sáng tác rồi… cất kho - Sự lãng phí không thể chấp nhận

17/09/2018 - 06:30

PNO - Chuyện các tác phẩm văn học - nghệ thuật được Nhà nước đặt hàng, hỗ trợ kinh phí nhận được “mưa” giải thưởng rồi “ngủ yên” sau những lời chúc tụng, tán dương là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm nay, ai cũng thấy và... kệ!

Ngay trong buổi họp báo về Liên hoan cải lương năm 2018 (diễn ra từ ngày 5-19/9 tại tỉnh Long An), câu hỏi được nhiều người đặc biệt quan tâm là vì sao sau mỗi đợt liên hoan, hội diễn, không ít tác phẩm phải xếp kho, không thể tổ chức biểu diễn. Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh cũng thừa nhận: “Đây là thực trạng đã tồn tại từ nhiều năm nay”.  

Dung ngan sach nha nuoc de sang tac roi… cat kho - Su lang phi khong the chap nhan
Sống cùng lịch sử là một trong những bộ phim do Nhà nước đặt hàng nhưng “cất kho”

Riêng ở TP.HCM, trong lĩnh vực sân khấu, hằng năm, có không ít vở diễn được dàn dựng từ tiền ngân sách nhưng sau phúc khảo, chỉ tổ chức được một vài buổi diễn. Có thể liệt kê hàng tá vở diễn như thế: Chiến binh, Vòng xoáy nghiệt ngã (Nhà hát Trần Hữu Trang), Nàng Xuân đại náo (Nhà hát Kịch TP.HCM), Sống trong lòng địch, Bức chân dung huyền thoại (Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM - Nhà hát Trần Hữu Trang), Kỳ án mặt trời (Hội Sân khấu TP.HCM), Châu về hợp phố (Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM - sân khấu kịch Hồng Vân)…

Trong lĩnh vực điện ảnh, cũng có nhiều bộ phim được Nhà nước rót tiền tỷ để làm, phục vụ những sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước rồi đắp chiếu hoặc thất thu từ phòng vé, như phim Mỹ nhân của đạo diễn Đinh Thái Thụy (16 tỷ đồng), Sống cùng lịch sử của đạo diễn Thanh Vân (21 tỷ đồng). Có những bộ phim trong danh mục Nhà nước đặt hàng nhưng đến hạn, vẫn chưa thấy công bố.

Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 chia làm 2 đợt diễn ra lần lượt ở Cao Bằng (ngày 29/6-7/7) và Đà Nẵng (ngày 20-31/8) cũng mới kết thúc với sự tham gia của tổng cộng 30 đơn vị, hơn một nghìn nghệ sĩ ca múa nhạc từ các tỉnh, thành trên toàn quốc. Sau liên hoan, tổng số huy chương (cả vàng lẫn bạc) lên tới hàng trăm. Mặc dù, theo lời nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Đức Trịnh, thành viên hội đồng nghệ thuật, so với các lần tổ chức trước, liên hoan năm nay có những chương trình đạt chất lượng nghệ thuật cao; thế nhưng, những tác phẩm đó thực sự đi được vào đời sống thưởng thức văn hóa nghệ thuật hay không, vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.

Chỉ biết, lật lại nhiều tác phẩm được huy chương cao của các kỳ liên hoan trước, cho tới nay, đa phần vẫn là những tác phẩm chưa được “nhớ mặt chỉ tên” bởi công chúng. Có thể kể ra trường hợp Khoảnh khắc bất tử (kịch bản: Tuyết Minh, tổng đạo diễn: nghệ sĩ nhân dân Phạm Anh Phương) - công trình phối hợp giữa Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, cũng là kịch bản được chọn trong 18 kịch bản tốt nhất từ cuộc thi kịch bản sân khấu về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng làm ví dụ. Dù được đầu tư kinh phí tới hơn 1 tỷ đồng từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, được đánh giá cao về chất lượng chuyên môn, nhưng ngoài việc dựng vở để đi dự liên hoan, đến nay vở diễn mới biểu diễn phục vụ công chúng có vẻn vẹn… 3 suất.

Dung ngan sach nha nuoc de sang tac roi… cat kho - Su lang phi khong the chap nhan
Châu về hợp phố - vở diễn được đầu tư hoành tráng, chất lượng nghệ thuật tốt nhưng ít có suất diễn do khó quy tụ diễn viên, tổ chức sân khấu biểu diễn

Lỗi ở chất lượng

Có nhiều lý do khiến các tác phẩm vừa chào hàng đã phải “nhập kho” nhưng có lẽ, nguyên nhân chung là do chất lượng. Nhiều người đổ lỗi do khâu quảng bá kém, có người lại cho rằng, thiếu khâu khảo sát thị hiếu, nhu cầu thị trường, lại có người viện cớ phải làm theo yêu cầu của bên đặt hàng, nói về đề tài chiến tranh, lịch sử và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc… khô khan, cứng nhắc, kén người xem.

Thế nhưng, thực tế đã chứng minh, có những bộ phim giải trí được quảng bá rầm rộ, bài bản nhưng vẫn trở thành “thảm họa phòng vé”; có những thước phim Việt làm về đề tài chiến tranh, như Bao giờ cho đến tháng Mười chẳng hạn, dù được sản xuất mấy chục năm trước, vẫn được khán giả nhắc mãi. Hay như nhiều bộ phim Trung Quốc, Hàn Quốc làm về đề tài lịch sử, vẫn đủ sức lôi cuốn người xem ở toàn châu lục. Vậy vấn đề ở đây là gì nếu không phải là chất lượng? Mọi sự đổ lỗi đều là ngụy biện cho một thứ nghệ thuật bất lực, chưa đủ sức chinh phục công chúng.

Trong khi những tác phẩm được Nhà nước đặt hàng, đầu tư phải “đắp chiếu” thì không ít tác phẩm từ vốn xã hội hóa, tư nhân vẫn “sống” tốt. Có lẽ, đã đến lúc cần sòng phẳng trong câu chuyện đầu tư tiền bạc cho tác phẩm văn học - nghệ thuật này, cũng là sòng phẳng với công chúng. Công chúng là người đóng thuế, tạo ngân sách, hơn ai hết, họ có quyền được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật đúng với số tiền mà mình đã bỏ ra.

Nên chăng cần đặt ra cơ chế cạnh tranh công bằng giữa các nghệ sĩ, đơn vị (trong hoặc ngoài biên chế) cũng như cạnh tranh về mặt đề tài, trong đó, chất lượng nghệ thuật là tiêu chí duy nhất để chọn đầu tư. Đã có những trường hợp nghệ sĩ có tài năng, tâm huyết nhưng eo hẹp kinh phí nên không thể tạo được tác phẩm hoàn hảo, nhưng cũng có trường hợp tài năng có hạn, lại được nhận kinh phí để rồi cho ra tác phẩm làng nhàng, không đến được với công chúng. Kinh phí nhà nước rót vào những dự án văn học - nghệ thuật nhiều ít còn phải tùy đặc điểm từng ngành, nhưng nhất thiết phải đúng người, đúng việc. Dùng tiền từ ngân sách nhà nước để thực hiện tác phẩm rồi cất kho là một sự lãng phí không thể chấp nhận.

Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà:
“Tác phẩm phải nói được tiếng nói của người dân”

Một tác phẩm nghệ thuật hay phải đủ sức lay động trái tim khán giả. Bất kể đề tài tâm lý xã hội hay chính trị, tuyên truyền, tác phẩm cũng không thể thiếu yếu tố hấp dẫn. Dựng vở để tham gia liên hoan, hội diễn rồi cất kho là một thực tế đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra khi những người quản lý và đạo diễn chỉ quan tâm đến chủ đề tư tưởng của kịch bản mà bỏ qua yếu tố hơi thở của cuộc sống. Rất nhiều đơn vị đã chọn lầm kịch bản và khi đó, dù cố gắng, vẫn khó thuyết phục được người xem.

Tác phẩm nghệ thuật hay không thể vì nó đáp ứng mong muốn hoặc đi đúng sự chỉ đạo của lãnh đạo mà phải nói được tiếng nói của người dân, phải thấy được khát vọng của người dân, phải có hơi thở thời đại. Không thể làm tác phẩm mình thích mà không cần quan tâm đến nhu cầu, sở thích của khán giả. Mỗi tác phẩm sân khấu cần có đủ ba yếu tố: sâu sắc về chủ đề tư tưởng, chân thật về đời sống và phải có bóng dáng của khán giả. Một tác phẩm hoành tráng nhưng thiếu sự tinh tế, thiếu chiều sâu vẫn không thể chạm vào trái tim, tâm hồn của người xem.

Thảo Vân (ghi)

Đậu Dung - Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI