Đức Tuấn: “Tôi không đi hát để kiếm tiền”

19/07/2014 - 15:22

PNO - PNCN - Nhắc tới Đức Tuấn là nhắc tới Broadway, dù không ít người chê rằng Đức Tuấn “phá” nhạc cổ điển. Đức Tuấn kệ, cái kệ không phải theo kiểu bất cần mà là của một người tự tin.

edf40wrjww2tblPage:Content

Một liveshow Broadway Music of the night tốn kém vào năm 2009, một liveshow Thiên Thai với hơn bốn tỷ vào năm 2011… Vì vậy, nhắc tới Đức Tuấn còn là nhắc tới những dự án nhạc cổ điển… phá tiền. Vậy nhưng nhạc cổ điển như một ma lực cứ cuốn lấy Đức Tuấn. Nhiều người bảo Đức Tuấn dại, vì với giọng hát của mình, anh thừa sức để có một chỗ đứng đông khán giả hơn trong âm nhạc Việt.

Duc Tuan: “Toi khong di hat de kiem tien”

* Tốn không ít tiền để làm một việc mang tính khai phá với nhạc cổ điển, vậy mà không phải ai cũng khen, “trái đắng” đó giờ anh đã quen chưa?

- Việc khen chê đối với một giọng hát là hết sức bình thường, nhiều thiên tài thế giới còn bị huống gì tôi. Vì vậy, tôi không xem đó là trái đắng. Chỉ là, một chút thôi, tôi thấy nhiều người mang sẵn định kiến, nhắc tới cổ điển là cho rằng phải thế này thế kia, nhưng tôi đâu hát cổ điển nguyên bản. Tôi chưa bao giờ nhận mình là ca sĩ của nhạc cổ điển cả. Cổ điển của tôi là cổ điển giao thoa. Tôi đem cái cũ ra để thổi vào đó sự mới mẻ, gần gũi với công chúng hơn. Việc đó cũng chẳng có gì mới, người ta đã làm nhiều rồi.

Thật ra, hơn ai hết tôi hiểu rằng, con đường mình đi là gì, tôi lường được khen chê. Chẳng sao cả, tôi sẽ vẫn đi con đường của mình như bao nhiêu năm qua. Tôi thừa sự kiên định cho việc đó, dù người ta bảo tôi dại hay khen tôi khôn.

* Kiên định, một mặt nào đó cũng đồng nghĩa với nghe mình nhiều hơn nghe người khác?

- Không, tôi nghe người khác chứ! Sự kiên định của tôi không phải là bất chấp khán giả. Tôi không thuộc týp người chỉ làm điều mình thích mà không cần biết người khác nghĩ gì. Tôi yêu nhạc cổ điển, và tìm cách làm cho mọi người cũng yêu cái mà tôi yêu. Tôi vẫn luôn tự hỏi mình đang hát cho ai nghe, và tư duy người nghe của mình hiện nay đang ở đâu, để rồi tôi sẽ mang cái gì đến với họ. Những ca sĩ được đánh giá cao và có giá trị nào đó đối với nghệ thuật, chẳng phải đều là những người kiên định với con đường của mình đó thôi. Họ kiêu hãnh với việc tìm ra cái mới. Dĩ nhiên, cũng có những người sinh ra để đáp ứng thị hiếu của khán giả, xem số đông khán giả là mục tiêu. Đó là chọn lựa của họ và tôi trân trọng. Nhưng tôi tin mình có một giá trị nào đó với sự kiên định của mình. Giờ nhiều chương trình truyền hình thực tế cũng mang nhạc cổ điển vào đấy thôi. Hay như trước đây, nhiều sinh viên Nhạc viện rất hoang mang, họ không biết khi ra trường sẽ làm cái gì, hát cho ai nghe… vì cái họ được học vốn rất cổ điển. Bây giờ thì khác, họ đã thấy con đường đi. Con đường đó, tôi tin là mình có đóng góp. Người ta bảo tôi dại, nhưng tôi biết mình muốn gì. Tôi không đi hát để kiếm tiền, để mua nhà tậu xe, mà là làm âm nhạc.

* Nhưng, làm gì có ai thờ ơ với nhu cầu mua nhà, sắm xe?

- À, thì có, nhưng nhu cầu đó chỉ dừng lại ở tiện nghi cơ bản. Nhà ở đây là nơi ở, không nhất thiết phải có hồ bơi, sân vườn to rộng trị giá mấy chục tỷ. Xe ở đây là phương tiện di chuyển chứ không phải là một cái gì đó quá sang trọng, thể hiện đẳng cấp. Nói thật, bao nhiêu tiền kiếm được tôi gôm hết vào âm nhạc.

* Anh có phủ nhận không, nếu bảo rằng nhiều ca sĩ trẻ chỉ dùng nhạc cổ điển để làm sang?

- Đó là một nhu cầu chính đáng, chẳng có gì để phê phán cả. Nếu họ nghĩ nhạc cổ điển là sang và họ mượn nó làm sang bản thân, điều đó cũng đáng trân trọng chứ. Quan trọng là họ đi bao nhiêu lâu. Những trường hợp này dĩ nhiên chỉ một thời gian họ sẽ chuyển hướng khác, cũng bình thường thôi. Nhạc cổ điển không dễ theo đâu, không phải ai cũng làm được. Nhạc cổ điển đòi hỏi nhiều thứ lắm.

Duc Tuan: “Toi khong di hat de kiem tien”

* Cơ duyên nào đưa anh đến với nhạc cổ điển, để rồi anh quyết “sống chết” đến vậy?

- Ngay từ lúc bốn-năm tuổi, tôi đã nghe nhạc tiền chiến, song song đó là nhạc của Modern Talking, ABBA… Dù tôi chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi thích nghe. Lớn lên, chín tuổi tôi được học tiếng Anh. Ở “lứa” của tôi, như thế là học tiếng Anh sớm, rồi từ đấy tôi càng nghe nhiều nhạc nước ngoài hơn. Năm 18 tuổi, tôi đọc một mẩu tin trên báo về việc người ta dựng phim hoạt hình Lion King thành nhạc kịch. Tôi nghĩ mãi, thắc mắc mãi, làm thế nào mà một bộ phim lại dựng thành kịch được? Cái thắc mắc của tuổi 18 đó tôi nuôi mãi trong lòng, cho đến năm 2003, có dịp sang Mỹ biểu diễn, tôi nhất quyết phải đi xem vở nhạc kịch đó cho bằng được. Và, trời ơi, nó hay kinh khủng! Nghĩ lại, nếu bảo cơ duyên với nhạc kịch đến từ đâu thì tôi cho rằng nó đã bắt nguồn từ khi tôi bốn-năm tuổi, nhưng nó “ám” trong người tôi một cách rõ nét nhất kể từ lúc tôi xem vở Vua sư tử. Kể từ đó, tôi tìm hiểu về nó, tôi học về nó.

Nhiều người gán cho nhạc cổ điển chuẩn này chuẩn kia, rồi mặc cảm với nó, giữ khoảng cách với nó. Âm nhạc là thứ không giữ khoảng cách với chủ thể khác, chỉ có người ta giữ khoảng cách với nó mà thôi.

* Thật ra không chỉ với nhạc cổ điển thế giới, những bài hát của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn… qua giọng hát của anh cũng được xử lý theo một cách khác. Anh tìm cái mới cho mỗi bài hát đó như thế nào?

- Tôi không tìm gì cả, tôi cũng không chủ ý làm mới nó. Một bài hát cũ giờ được hát với dàn hợp xướng, trên một sân khấu khác ở một thời điểm khác… bản thân những điều đó đã khiến ca khúc mới rồi. Riêng tôi, là một người mới, dĩ nhiên tôi có cảm xúc không thể giống ca sĩ cũ. Tôi chỉ cố gắng cảm nhận bài hát đó theo cách của riêng mình, rồi hát, thế thôi. Tôi cũng biết có nhiều người tìm cách hát sao cho bài hát giống của người cũ nhất, nhưng làm sao thành công được, vì bản thân họ đâu phải là người cũ!

* Trong khi anh miệt mài cho sự sáng tạo, thị trường âm nhạc lại xuất hiện những hiện tượng bong bóng, ví dụ như Lệ Rơi. Anh có thấy thị trường này đang… bất công không?

- Đâu chỉ Việt Nam mới có những trường hợp như thế. Tôi không xem Lệ Rơi là hiện tượng thuộc về âm nhạc, đó chỉ là giải trí. Nó đáp ứng được nhu cầu giải trí, thì người ta thích. Và những điều tương tự như thế nước nào cũng có. Đó là trào lưu, mà văn hóa là trào lưu, kể cả âm nhạc, hội họa hay các lĩnh vực khác. Chúng ta cứ bình tĩnh, đừng kêu ca nhiều quá, đừng phán xét nhiều quá. Thay vì lên án, chúng ta hãy ngồi lại để hiểu, để cảm nhận rồi quyết định sẽ ứng xử với nó như thế nào. Nếu nhìn mọi thứ cởi mở hơn, chúng ta sẽ thấy cái gì cũng có mặt tích cực. Lệ Rơi là một minh chứng cho kỷ nguyên số, và cơ hội ở kỷ nguyên số chia đều cho bất kỳ ai.

Duc Tuan: “Toi khong di hat de kiem tien”

* Nhắc đến kỷ nguyên số, chẳng phải đây là điều đáng lo ngại cho những ca sĩ như anh sao?

- Nhiều người nói nhạc số sẽ soán ngôi hay giết chết các phương tiện khác, điều đó không đúng đâu. Khi nhạc số tưởng chừng như thắng thế, người ta lại quay về với giá trị cơ bản nhiều hơn. Kể cả nhạc chuông, nhạc chờ bây giờ cũng giảm rồi, nhiều người đang quay về với hồi chuông reo cổ điển. Ngược lại, nhạc số giết “giùm” đĩa lậu. Cũng phải thôi, hoặc họ mua một cái đĩa gốc và thưởng thức âm nhạc chất lượng cao, hoặc họ tải nhạc trên mạng về, việc gì phải đi mua đĩa lậu?

Riêng với đĩa nhạc, tôi vẫn cho rằng có nhiều người thích mua một đĩa nhạc gốc hơn là nghe nhạc trên mạng. Cầm trên tay một đĩa nhạc, mang lại cho họ một giá trị tinh thần khác nữa, không chỉ là thưởng thức. Bản thân tôi cũng thế, tôi sưu tầm tất cả những đĩa nhạc yêu thích, dù có thể tải trên mạng bất cứ lúc nào. Chính vì vậy mà với các đĩa nhạc của mình, tôi buộc phải đầu tư rất nhiều, từ hình thức đến chất lượng.

* Những người đi tìm giá trị này có nhiều không, có đủ để tạo thành một nguồn thu không?

- Nếu so với âm nhạc cho số đông thì dĩ nhiên là không nhiều, nhưng như vậy là đủ. Sau bao nhiêu năm, tôi thấy rằng lượng khán giả này đang tăng. Hình như khi càng có nhiều lựa chọn kiểu “fast food”, họ lại càng quay về với giá trị cơ bản. Ngay cả việc chơi đĩa nhựa cũng vậy, nó mang một giá trị khác, không chỉ là thưởng thức những giai điệu. Người nghe đĩa nhựa ngày càng tăng lên, đó cũng là lý do mà album sắp tới tôi sẽ phát hành đĩa nhạc song song với CD thông thường.

Hiện tại, về nhạc số thì chắc chắn tôi không bằng nhạc trẻ, đĩa thì không lỗ cũng không lời, còn lại thu nhập chính của tôi là từ biểu diễn.

* Anh dự định trong năm nay sẽ tổ chức nhiều đêm nhạc ở nước ngoài vào khoảng giữa năm, nhưng giờ im vắng. Mang nhạc Việt ra nước ngoài khó quá đúng không?

- Bảo là mang nhạc mình ra nước ngoài thì to tát quá, chính xác là tôi đi tiếp cận khán giả nước ngoài mà thôi. Xưa giờ ca sĩ Việt biểu diễn ở nước ngoài nhiều, nhưng chỉ là diễn cho người Việt. Tôi thì muốn tìm khán giả khác, tìm ngay chính tại đây chứ không hẳn phải ra nước ngoài. Tôi đang có cơ hội làm việc với một công ty tìm kiếm tài năng khá nổi tiếng của nước ngoài, mọi thứ vẫn đang xem xét, nhưng nếu hợp tác với họ thì sẽ có nhiều dự án cho tôi. 

* Còn album sắp tới, anh sẽ lại hát Phạm Duy chứ?

- Đó là một album chuyên các nhạc phẩm của Phạm Duy, có nhiều bài mà trước giờ chưa ai thu âm như Đường chiều lá rụng, Những gì sẽ mang vào cõi chết, Nắng chiều rực rỡ, Tình kỹ nữ… Dĩ nhiên, tôi sẽ hát nó theo cách của mình, có chút gì đó bị ảnh hưởng của cổ điển.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Võ Hà (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI