Đưa vấn đề xã hội lên sân khấu: Mới nhưng chưa sâu

14/11/2019 - 15:53

PNO - Sự vô cảm và vấn nạn ma túy đã được đưa lên sân khấu qua hai vở diễn Mặt nạ bong bóng và Lằn ranh, ra mắt thời gian gần đây.

Cả hai đều có những góc nhìn khá mới về vấn đề thời sự xã hội, nhưng cách thể hiện vẫn để lại nhiều điều đáng tiếc.

Thời sự xã hội và góc nhìn mới

Mặt nạ bong bóng (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh, sân khấu Idecaf) mang yếu tố giả tưởng, xoay quanh cuộc sống của mẹ con Bạch - anh chàng bán bong bóng có khả năng nhìn thấu suy nghĩ của người đối diện. Vô cảm để bình yên hay nghĩa hiệp để bầm dập? Phải chăng vì Bạch khờ khạo nên chọn làm người nghĩa hiệp để những vết bầm trên mặt không bao giờ lành? Trớ trêu, cả kẻ xấu lẫn người bị hại, đâu phải ai cũng muốn Bạch can thiệp vào cuộc sống của họ. Kẻ xấu căm tức vì bị Bạch vạch mặt, còn người bị hại giận ngược Bạch vì cho rằng anh làm cuộc sống của họ xáo trộn. Người nghĩa hiệp, vì thế khó mà hạnh phúc.

Đề cập đến nạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia, Lằn ranh (tác giả Kiến Bình, đạo diễn Quý Bình, Nhà hát Kịch TP.HCM) mở ra góc nhìn rất mới về sự tàn khốc của cái chết trắng. Khi bị cuốn vào vòng xoáy của ma túy, cả tên trùm khét tiếng lẫn chiến sĩ của đội cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, đều không ai tìm được sự yên bình. 

Dua van de xa hoi len san khau: Moi nhung chua sau
Lằn ranh - vở kịch đặt góc nhìn khá mới về vấn nạn buôn bán ma túy xuyên quốc gia

Đứng đầu một đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia, nhưng nhìn sự hào nhoáng bên ngoài, ít ai ngờ gia đình trùm Thái luôn có những cơn sóng ngầm. Dẫu có là kẻ máu lạnh khi góp phần gieo rắc cái chết trắng cho xã hội, thì ở một góc khuất nào đó trong tâm hồn, trùm Thái nhận ra mình đã mất tất cả khi con gái mất niềm tin vào cha. Phút giây nghe con chất vấn: “Ba hết lòng che chở, bảo bọc con, thì sao ba nỡ tiếp tay giết chết những đứa con của các gia đình khác?” - trùm Thái chỉ ước mình có thể vứt bỏ tất cả, nhưng đã muộn…

Trong cuộc chiến khốc liệt đó, những chiến sĩ công an cũng có nỗi niềm, khắc khoải riêng. Không chỉ đối mặt với hiểm nguy, để làm nhiệm vụ, có những chiến sĩ phải chấp nhận nỗi oan ức không thể bày tỏ. Một lời an ủi, một cái ôm cho những người họ yêu thương, đôi khi chỉ như một giấc mơ ngắn ngủi... 

Nhưng...

Chủ đề thú vị, nhưng cách thể hiện của cả Mặt nạ bong bóng lẫn Lằn ranh đều có nhiều điểm đáng tiếc. Xung đột kịch của Mặt nạ bong bóng chỉ xoay quanh mối quan hệ giữa anh em Hùng, Dũng, Trinh - người yêu của Hùng, và Bạch. Tuyến kịch chính khá mỏng, được “bồi” thêm tuyến nhân vật phụ là những người nhận được sự giúp đỡ của Bạch để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Những lớp diễn thú vị và tạo được sức hút nhờ tài năng của diễn viên, nhưng lại không thể làm nổi bật chủ đề xuyên suốt của kịch bản. Vì lẽ đó, có những câu thoại của nhân vật dù mang nhiều tính triết lý, nhưng đôi khi giống “lời hay ý đẹp”, chưa để lại nhiều ấn tượng cho người xem.

Thiếu hẳn xung đột kịch, Lằn ranh “minh họa” khá dài dòng góc khuất của những người liên quan đến cái chết trắng, với những tình tiết khiến người xem băn khoăn. Là người của đội cảnh sát phòng chống tội phạm ma túy, cũng giả dạng gái ăn chơi để tiếp cận những kẻ buôn bán ma túy, người yêu của Tấn có dễ dàng tin ngay Tấn từ một sinh viên gương mẫu của trường cảnh sát trở thành thanh niên nổi tiếng ăn chơi sa đọa? Có thể lý giải do họ chưa yêu nhau đủ để hiểu hết về nhau, nhưng sự giận dữ, thất vọng của cha mẹ Tấn gây thắc mắc nhiều hơn. Là người từng ở đội cảnh sát chống tội phạm ma túy đã về hưu, cộng thêm linh cảm của một người cha, lẽ nào cha Tấn không mảy may nghi ngờ về sự “hư hỏng” bất thường của đứa con trai đang nối nghiệp mình? Có vẻ điều này sẽ dễ thuyết phục hơn, nếu cha Tấn và người yêu của Tấn là những người ngoài ngành công an. 

Suốt khoảng hai tiếng dàn trải, xung đột kịch của Lằn ranh bắt đầu khiến người xem nín thở với tình huống Tấn bị tay trùm phát hiện là “nội gián” của công an. Hắn bày trò lật mặt Tấn, đồng thời thay đổi địa điểm giao hàng để chơi trò “mèo vờn chuột” với công an. Nhưng cảnh diễn tiếp theo lại để khán giả rơi tự do với màn tuyên dương đội cảnh sát chống tội phạm ma túy vì vừa phá được vụ buôn bán ma túy lớn, và người được chọn lên truyền hình là… Tấn. Tấn và người yêu ôm hoa về nhà tặng cha mẹ, mâu thuẫn, ấm ức… giữa Tấn và những người thân được giải tỏa. Hết kịch!

Đưa thời sự xã hội lên sân khấu không phải dễ, do vậy những vở diễn như Mặt nạ bong bóng hay Lằn ranh là những nỗ lực rất đáng được ghi nhận, nhất là khi sân khấu đang có nhiều kịch bản chỉ đơn thuần giải trí. Tuy nhiên, như phát biểu của đạo diễn - NSND Trần Minh Ngọc: “Các tác giả khi đi vào những vấn đề thời sự nên có thêm những dấn thân, nghiên cứu sâu hơn, để tích lũy vốn sống, tư liệu cần thiết. Khi đó cách lý giải, giải quyết vấn đề sẽ sinh động, dễ thuyết phục người xem hơn”. 

Thảo Vân 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI