Độc quyền duyệt phim: Không đổi mới sẽ thụt lùi

21/10/2019 - 19:00

PNO - Một nền điện ảnh muốn phát triển, rất cần những tiếng nói đa dạng, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi chuyện duyệt phim được thay đổi.

Việc chỉ có một hội đồng duyệt phim quốc gia với các thành viên làm công việc kiêm nhiệm trong bối cảnh phim nội và phim ngoại ra rạp ngày càng nhiều, không chỉ khiến chất lượng công tác thẩm định phim bị thả nổi, (nhất là phim ngoại có cài cắm yếu tố chính trị nhạy cảm), mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác gây cản trở cho điện ảnh trong nước. 

Phim nhập cũng gặp khó

Cùng với chuyện buồn xảy đến với Thất Sơn tâm linh - bộ phim bị can thiệp nội dung đến nỗi phải thay đổi thể loại, và Ròm - bộ phim bị yêu cầu tiêu hủy “tang vật” là bản phim đã “trót” thi chui và “trót” đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan 2019, kèm theo mức tiền phạt bốn mươi triệu đồng, cơ chế duyệt phim càng cho thấy cần phải thay đổi.

Doc quyen duyet phim: Khong doi moi se thut lui
Khán giả của dòng phim kinh dị mong rằng phim Bắc kim thang (ra rạp ngày 25/10 tới), sẽ không bị can thiệp nội dung thô bạo như Thất Sơn tâm linh

Đặc biệt là khi xảy ra vụ việc hội đồng duyệt phim quốc gia để “lọt lưới” hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò trong bộ phim hoạt hình Everest: Người tuyết bé nhỏ, thành viên của hội đồng, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát biện minh lý do sai sót rằng: mỗi năm, hội đồng thẩm định hàng trăm bộ phim, mà đã làm thì không tránh khỏi sai sót. 

Là một thị trường điện ảnh được đánh giá tiềm năng, mỗi năm lượng phim ra rạp tại Việt Nam ngày càng tăng. Thống kê của Cục Điện ảnh năm 2018 cho thấy, nếu như năm 2008 chỉ có 10 phim trong nước và 108 phim nhập khẩu, thì mười năm sau, con số này lần lượt là 37 và 234 phim.

Tuy vậy, năm 2018 vẫn chưa phải là năm có lượng phim nội và ngoại ra rạp nhiều nhất, vì có năm có đến 42 phim Việt, 248 phim ngoại. Với một số lượng xấp xỉ gần 300 phim/năm, khó tránh khỏi tình trạng quá tải cho một hội đồng chỉ có mười một người. Sai sót vì vậy có thể tới bất cứ lúc nào, chẳng hạn trường hợp để lọt những chi tiết nhạy cảm chính trị với phim Everest: Người tuyết bé nhỏ vừa qua, và phim Điệp vụ Biển Đỏ trước đây của hội đồng duyệt. 

Đối với phim nhập, sự quá tải còn dẫn đến trường hợp phim không thể ra rạp đúng hạn như dự kiến, do chưa duyệt kịp, nhất là giai đoạn cao điểm như lễ, tết. Hậu quả là phim bị giảm sức hút vì đã có bản phim lậu trên mạng. Một cái khó nữa mà các đơn vị nhập phim gặp phải, là có những tác phẩm nội dung liên quan đến chính trị giữa các nước trên thế giới, được các nước phổ biến, nhưng về Việt Nam bị xem xét là nhạy cảm, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng mức độ nhạy cảm là như thế nào, nên khâu kiểm duyệt bị trục trặc.

Doc quyen duyet phim: Khong doi moi se thut lui
Hình ảnh cụ thể về khung hình chỉ chiếm "vài giây" trong Everest - Người tuyết bé nhỏ nhưng ẩn chứa nhiều nguy cơ

Trói tay nhà làm phim trong nước

Với phim trong nước, độc quyền duyệt phim dẫn đến tâm trạng “sống trong sợ hãi”, phim có thể bị cấm chiếu, hoặc được chiếu nhưng nội dung bị can thiệp thái quá. Làm phim ma nhưng không được phép kết luận là có ma, làm phim hành động không thể có quá nhiều cảnh bạo lực, máu me.

Chỉ có một hội đồng kiểm duyệt, nên tư duy thẩm định khó có sự đa chiều, mang tính áp đặt, gây trói tay cho người làm phim, nhất là trong bối cảnh những quy định cấm trong Luật Điện ảnh vẫn còn mơ hồ, cảm tính. Cụm từ “thuần phong mỹ tục” ám ảnh không ít người làm nghệ thuật, khiến họ chùn bước khi muốn đi đến tận cùng một thể loại phim. Và trong khi điện ảnh là bộ môn đề cao tính sáng tạo, thì góc nhìn của những người làm công tác kiểm duyệt chưa có sự cởi mở, mà thường theo khuynh hướng bảo thủ, chuộng sự an toàn. 

Trong văn bản góp ý Luật Điện ảnh sửa đổi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị này đã chỉ ra bất cập của việc độc quyền kiểm duyệt. Theo đó, từ năm 2010, đã cho phép một số địa phương thẩm định và phổ biến phim, nhưng đây chỉ là sự phân cấp quản lý, chứ chưa phải là sự cạnh tranh, và nhà làm phim vẫn chưa được lựa chọn đơn vị kiểm duyệt phim của mình. VCCI so sánh với một số lĩnh vực khác cũng cần kiểm duyệt nội dung như xuất bản.

Doc quyen duyet phim: Khong doi moi se thut lui
Hình ảnh trong phim Ròm - bộ phim chưa biết số phận sẽ ra sao sau khi đoạt giải cao tại LHP Busan 2019

Có đến sáu mươi nhà xuất bản, nên tác giả có quyền lựa chọn các nhà xuất bản khác nhau. Nếu đơn vị nào kiểm duyệt chậm trễ, tác giả có thể mang bản thảo đến nhà xuất bản khác. Người làm phim không có được lựa chọn đó như người viết sách. Khoảng cách giữa kiểm duyệt và làm phim thậm chí càng bị kéo xa, khi thiếu những cuộc đối thoại giữa người “cầm kéo” và người làm phim, xung quanh những vấn đề còn tồn đọng của tác phẩm trong giai đoạn kiểm duyệt. 

Phim ảnh phản ánh góc nhìn của những người làm phim, nên quyền “ngôn luận” đó cũng cần được tôn trọng, thay vì bị cơ quan kiểm duyệt phán xét, can thiệp, yêu cầu chỉnh sửa theo suy nghĩ chủ quan. Một nền điện ảnh muốn phát triển, rất cần những tiếng nói đa dạng, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi chuyện duyệt phim được thay đổi.

Một cơ chế duyệt phim mới, xóa bỏ sự độc quyền cùng những thủ tục hành chính phiền phức, mất thời gian và nhiều rủi ro. Một hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay, hoặc phân chia theo tỉnh, thành như mô hình các nước trên thế giới đã và đang áp dụng, để đảm bảo chất lượng kiểm duyệt cũng như số lượng phim được duyệt. Đó là những gì mà người làm phim lẫn công chúng đều mong đợi. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI