Đoạt hồn: Thành công và... thiếu một chút

17/07/2014 - 11:44

PNO - PNO - Được xếp vào nhóm phim kinh dị với nhiều hình ảnh kinh dị, nhưng trên tổng thể, Đoạt hồn của đạo diễn Hàm Trần giống một tác phẩm hình sự hơn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tình tiết logic, hiệu ứng âm thanh tốt nhưng chưa đủ “kinh dị”

Đoạt hồn bắt đầu bằng việc cô bé Ái 8 tuổi bị trượt chân xuống sông và mất tích. Một tuần sau đó, cậu của Ái - một cảnh sát tìm được xác Ái ở một vùng quê, và chứng kiến Ái ngồi bật dậy từ nhà xác. Ông mang cô bé về nhà nhưng không nói với bố mẹ Ái chi tiết Ái đã chết khi được tìm thấy. Nhiều sự việc kỳ lạ đã diễn ra ở gia đình em cho đến khi mọi người khám phá ra Ái đã bị đoạt hồn…

Doat hon: Thanh cong va... thieu mot chut

Thông qua câu chuyện của gia đình Vương Gia Huy (Trần Bảo Sơn), Đoạt hồn chuyển tải thông điệp không bao giờ cũ: sự gắn kết của những gia đình đổ vỡ, những tình yêu đổ vỡ. Không ai có quyền lựa chọn gia đình và mẹ cha của mình, ngay cả khi đó chỉ là mẹ kế hay cha dượng. Sự sẻ chia, cảm thông, tình yêu thương sẽ giúp cho những người thân yêu thêm hạnh phúc và không ai phải nói lời hối tiếc…

Xét về nội dung phim, Đoạt hồn là câu chuyện khá logic và trọn vẹn khi các số phận của nhân vật trong phim được xâu chuỗi hợp lý. Diễn biến không quá nhanh giúp người xem bắt nhịp tốt câu chuyện. Bên cạnh đó, phim cũng khắc họa được số phận của những cô gái vùng ven biên giới và hoạt động phi pháp cùng những hành động dã man của bọn buôn người. Phim không đơn thuần thuộc thể loại kinh dị mà đan xem chút tâm lý và hình sự nhẹ nhàng. Song phải thành thật mà nói rằng có lẽ phim chỉ dừng lại ở yếu tố hấp dẫn cùng công tác PR quá tốt hơn là “hay”.

Với phim kinh dị, yếu tố sợ hãi và ám ảnh là quan trọng. Nhưng trừ hình ảnh đầu tiên khi cô bé Ái được phát hiện trong nhà xác và hình ảnh hồn ma bay trên mặt nước là phần nào dọa được người xem, càng về cuối phim sự sợ hãi giảm đi khá nhiều, thậm chí còn vài tiếng cười vang lên. Phần âm thanh sống động là một trong những yếu tố góp phần làm nên cái sợ cho Đoạt hồn, nhưng đôi chỗ vang lên hơi quá đà vì tình tiết đó chẳng mấy làm khán giả sợ.

Doat hon: Thanh cong va... thieu mot chut
Diễn xuất vừa phải, Hồng Ân (trái) thực hiện tốt vai trò kết nội câu chuyện

Cũng như vài phim kinh dị Việt Nam khác, Đoạt hồn đánh mất yếu tố ám ảnh khi mắc phải lỗi lặp trong phim. Thông thường trước những cảnh quay “dọa” khán giả, phim kinh dị Việt luôn chọn những chi tiết quen thuộc để khơi gợi lại tình tiết làm khán giả sợ nhất chứ không sợ vì bối cảnh hiện tại. Đoạt hồn dùng yếu tố tiếng nước rơi lõm bõm và lời ru ma mị để “dọa”. Tuy chiêu thức này có thể làm phim tăng sự ma mị nhưng nó lại không mấy thành công với khán giả trung thành của thể loại kinh dị vì “đô” của nhiều khán giả hôm nay đã vượt trên nên những chi tiết này.

Cái kết của phim cũng khiến không ít khán giả xem phim hụt hẫng khi đạo diễn dùng biện pháp tái hiện lại những cảnh quay đầu để chốt vấn đề. Nhiều khán giả sẽ thấy khó hiểu và do dự rời ghế vì không biết phim đã kết hay chưa. Nếu khán giả yêu mến đạo diễn Hàm Trần vì góc máy đẹp và câu chuyện thú vị mới lạ thì Đoạt hồn dường như chỉ đạt được ở điểm đẹp còn điểm lạ thì không có.

Trần Bảo Sơn - tròn vai người cha nhưng chưa tới vai ác

Trong vai Vương Gia Huy, người nắm giữ trọn vẹn những bí ẩn và gỡ mọi nút thắt trong diễn tiến của phim, Trần Bảo Sơn đã thể hiện tròn vai diễn. Vương Gia Huy là mẫu đàn ông yêu thương con hết mực, và luôn sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ con mình. Và ngay cả những điều mang màu sắc tâm linh anh làm, cũng nhằm vào việc bảo vệ gia đình thân yêu. Đây được coi là diễn đo ni đóng giày cho nam diễn viên này.

Doat hon: Thanh cong va... thieu mot chut
Ấn tượng lớn nhất của Trần Bảo Sơn trong Đoạt hồn là cách anh thể hiện tình cảm với con gái

Diễn xuất của Trần Bảo Sơn không quá xuất sắc. Nếu đã từng xem Ngôi nhà trong hẻm - một bộ phim kinh dị khác mà Trần Bảo Sơn đóng cách đây không lâu cùng với Ngô Thanh Vân, hẳn bạn sẽ có cùng nhận định. Những sắc thái sợ hãi, trợn mắt, lo lắng thậm chí cái nhăn mặt, rung mình của Trần Bảo Sơn trong Đoạt hồn hoàn toàn rập khuôn với Ngôi nhà trong hẻm. Khán giả khó có thể thấy sự đột phá trong diễn xuất của anh vì cùng thể loại kinh dị và tuyến nhân vật cũng tương đồng.

Duy những phân cảnh Trần Bảo Sơn nhập vai khiến người xem cảm động là đoạn anh ôm cô con gái nhỏ vuốt ve, trấn an. Ánh mắt ấm áp và vòng tay che chở của người cha được Trần Bảo Sơn khắc họa rõ nét. Có lẽ, với anh, phân cảnh này không quá khó. Hơn ai hết Trần Bảo Sơn đã là cha của cô con gái nhỏ Bảo Tiên. Nhìn những hình ảnh chăm sóc bé Bảo Tiên của Trần Bảo Sơn hàng ngày cũng đủ cảm động. Anh chỉ việc mang những cảm xúc chân thật đó vào phim là ổn.

Doat hon: Thanh cong va... thieu mot chut
Vai diễn của Ngọc Hiệp (cũng là nhà sản xuất phim) khá an toàn, không nhiều đột phá

Bên cạnh Trần Bảo Sơn, nhân vật Diệp - vợ Huy - của Ngọc Hiệp cũng không xuất sắc. Chị diễn ổn và tròn trịa vai người mẹ thương con. Nhưng sau 20 năm không đóng phim thì khán giả mong mỏi ở nữ diễn viên kỳ cựu một sự lột xác ngoạn mục hơn một vai diễn an toàn và quá dễ dàng so với khả năng.

Các diễn viên khác trong phim cũng gặp phải tình trạng tương tự.

Duy chỉ có cô bé Thanh Mỹ trong vai Ái được đánh giá cao hơn cả. Với khuôn mặt tròn xinh cùng mái tóc dài. Thanh Mỹ chiếm trọn trái tim khán giả và phần nào khiến người xem ám ảnh vì hình ảnh của bé cùng con búp bê gỗ đáng sợ. Mỗi lần em xuất hiện cùng ánh mắt vô hồn, hay cất tiếng nói trong veo nhưng ghê rợn, hoặc cái trợn mắt liếc nhìn…cũng khiến khán giả phát hoảng. Thanh Mỹ đóng khá sắc trong những phân đoạn chuyển đổi tâm lý từ cô bé sang một thiếu nữ khi bị nhập xác, nụ cười nửa miệng rồi bất giác sằng sặc tức tưởi bi thương.

Doat hon: Thanh cong va... thieu mot chut

Em khóc rất tự nhiên nhưng làm người xem ám ảnh vì cảm giác thật giả lẫn lộn, không phân biệt nổi đâu là giọt nước mắt đau đớn của bé Ái, đâu là giọt nước mắt căm phẫn uất ức của thiếu nữ bị hại. Đến cuối phim, em vẫn không quên hù khán giả lần cuối khi xác chết bất ngờ mở mắt trừng trừng nhìn mọi người. So với diễn xuất của dàn diễn viên kỳ cựu quá an toàn thì sự ngây thơ của Thanh Mỹ đã giúp Đoạt hồn ghi điểm. Không phải tự nhiên mà sau khi phim kết thúc, rất nhiều khán giả, không hiếm người nổi tiếng đã chạy đến xin chụp ảnh cùng Vy và đề nghị em biểu đạt lại gương mặt, ánh mắt của Ái và oà lên thán phục.

Làm phim kinh dị đã khó. Làm phim kinh dị cho khán giả Việt và chinh phục thị trường Việt lại càng khó hơn. Có thể, Hàm Trần sẽ “dọa” khán giả chết khiếp hơn nữa nếu khâu kiểm duyệt không quá khắt khe. Thế nhưng, không vì thế mà ta khỏa lấp đi những hạt sạn trong phim. So với một Âm mưu giày gót nhọn đầy kịch tính, đầy mới mẻ, đầy thú vị, đầy “Tây vị” (dù không mới với những khán giả từng xem nhiều phim nước ngoài) thì Đoạt hồn rơi vào lối mòn cũ của cách làm phim xưa. Thậm chí nều so với hành trình làm phim của Hàm Trần từ trước đến nay, Đoạt hồn có thể xem là một bước xuống tay của anh.

Khán giả có thể đến rạp xem một lần, để thích thú, để sợ, nhưng để nhớ về phim thì có lẽ không, đặc biệt với bộ phim được đầu tư kinh phí như Đoạt hồn thì chỉ có thể tạm chấp nhận ở chữ “được” còn đẩy đến chữ “tới” thì vẫn còn một đoạn khá xa.

Phim khởi chiếu từ ngày 18/7/2014.

SƯƠNG LAM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI