Đỗ Hữu Chí đưa 'toa tàu' đi gieo thương - yên - vui

04/08/2017 - 21:07

PNO - Khi đoạn clip hơn 4 phút về hành trình của dự án 'Gieo xuyên Việt' đăng trên www.toatau.com và facebook của Toa Tàu đã nhận được rất nhiều lượt “like” (thích) và “share” (chia sẻ) từ cộng đồng mạng

Nhiều người còn háo hức tìm hiểu xem Gieo, Gieo xuyên Việt là gì và có những đánh giá tốt đẹp về dự án này qua những bình luận. Như vậy, mục đích đánh thức cảm xúc mọi người của họa sĩ Đỗ Hữu Chí đã có sức lan tỏa trong cộng đồng. Đỗ Hữu Chí - họa sĩ Bút Chì, người chuyên vẽ bìa và minh họa sách, đã xây dựng dự án từ 3 năm qua, với nhiều lớp học thú vị, do chính anh làm trưởng tàu, cùng các cộng sự điều khiển lăn bánh .

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Họa sĩ Đỗ Hữu Chí lúc còn học ở Mỹ

* Xin chào họa sĩ Bút Chì, dự án Gieo và Gieo xuyên Việt của Toa Tàu đã ra đời như thế nào?
- Toa Tàu là không gian để mọi người đến trải nghiệm nghệ thuật: vẽ, kể chuyện, viết, chơi nhạc, chụp ảnh, nhảy múa, gấp giấy origami…; lấy nghệ thuật làm phương tiện trải nghiệm những khoảnh khắc được là chính mình, thoải mái biểu đạt những cảm xúc và suy nghĩ. Còn Gieo là ước mơ nối dài của Toa Tàu.

Khi Toa Tàu được thành lập, tuy có nhiều người đến nhưng cũng chỉ là số ít so với cộng đồng to lớn bên ngoài - những người đã biết Toa Tàu nhưng không quan tâm hoặc những người chưa biết, chưa thật sự hiểu những điều chúng tôi đang làm. Tôi tự hỏi, nếu những người chưa biết kia được viết, vẽ, nhảy múa, được biểu đạt những gì họ đang cảm thấy thì chúng ta sẽ có gì? Vì thế, Toa Tàu không đứng yên một chỗ mà sẽ chuyển động khắp đất nước xem điều gì sẽ xảy ra trên đường, những người chúng tôi gặp sẽ kể những câu chuyện gì… 

Dự án Gieo được khởi động từ năm ngoái, thử nghiệm với sáu nhóm cộng đồng quanh TP.HCM. Từ những câu chuyện thu thập được, chúng tôi thật sự hứng khởi, muốn đi xa hơn nữa. Vậy là Gieo xuyên Việt ra đời, sẽ đến tám tỉnh thành với tám nhóm người rất khác nhau: nhóm công nhân (Hải Dương), bệnh nhân trong bệnh viện (Huế), cư dân Đảo Bé (Lý Sơn - Quảng Ngãi), dân làng chài (Phú Yên), người dân tộc K’Ho (Lâm Đồng), diêm dân (Ninh Thuận), các sư thầy của một ngôi chùa Khơ Me (Sóc Trăng).

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Họa si Đỗ Hữu Chí đang khuyến khích bác xe ôm vẽ ước mơ của mình
Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Các bé bị xương thủy tinh học đàn

* Vì sao Gieo xuyên Việt chọn tám địa điểm và các nhóm đối tượng khác biệt đến vậy?
- Chọn những nhóm người đa dạng vì chúng tôi nghĩ, mỗi người sẽ kể một câu chuyện từ góc độ và cách nhìn rất khác nhau. Cùng là vẽ tranh chẳng hạn, tám nhóm người đó sẽ vẽ bằng nhiều cách. Chúng tôi muốn xem chuyện gì sẽ xảy ra với những người thật sự khác biệt ấy, chắc chắn là rất thú vị. Còn về tám địa điểm thì đơn giản là chúng có khoảng cách địa lý tương đồng, mỗi điểm cách nhau khoảng 4,5 giờ đi xe và ở đó chúng tôi có những người quen sẽ hỗ trợ về giấy phép, liên lạc với nhóm trong cộng đồng.

* Mục đích sau cùng của tất cả những câu chuyện được kể từ chuyến Gieo xuyên Việt sẽ là gì?
- Là giúp chúng ta - những người ở khắp mọi nơi, hiểu nhau hơn. Nếu chúng ta ngồi một chỗ thì sẽ không hiểu được nhiều về những người sống cách xa mình, nhất là những câu chuyện nhỏ bé, bình dị hằng ngày nhưng hết sức xúc động và đẹp đẽ; trong khi đó mới chính là những chất liệu đan dệt nên đời sống của chúng ta. Cuộc sống không hoàn toàn vui mà còn có những câu chuyện rất đau buồn, nếu chúng ta nghe được những câu chuyện đó hoặc có cách diễn đạt nỗi buồn ấy ra, có thể chạm vào những cảm xúc của nhau thì đẹp biết bao! Mọi người sẽ gần gũi và yêu thương nhau hơn rất nhiều.

Cách của Gieo là mời mọi người cùng ngồi xuống và giúp họ hoàn toàn thoải mái với câu chuyện của mình. Với mỗi nhóm cộng đồng, những người quen ở địa phương sẽ giúp Toa Tàu có thêm thông tin về nhóm đó để thiết kế các hoạt động phù hợp. Có những nhóm chúng tôi thật sự chưa hiểu nhiều về họ, nên Gieo xuyên Việt còn là chuyến đi học của Toa Tàu. Học để biết người khác đang sống như thế nào và cảm nhận cuộc sống ra sao. Với hành trình của mình, chúng tôi luôn gặp những điều kỳ diệu vì không có câu chuyện nào vô nghĩa và trùng lặp. 

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Nhóm thanh niên đang kể chuyện bức tranh của mình

* Từ Gieo năm ngoái, các bạn thấy việc làm cho mọi người xích lại gần nhau có dễ?
- Có và không. Việc tổ chức những buổi workshop thì rất dễ nhưng tôi cảm thấy 3 tiếng đồng hồ là vẫn còn ít, vì có những người nhiều lớp “hàng rào” quá, tôi thật tình không biết sẽ mất bao nhiêu thời gian thì họ mới dỡ bỏ hết các lớp “hàng rào” xuống. Chúng tôi chọn cách để cho họ tự do với giấy, bút, màu vẽ và cố làm cho mọi chuyện diễn ra thật tự nhiên. Mỗi nhóm đều khác nhau. Trẻ con dễ hơn người lớn, người lớn nhóm này dễ hơn người lớn nhóm khác…

Chúng tôi đặc biệt xúc động với nhóm người khuyết tật. Tôi đã hướng dẫn vẽ rất nhiều workshop nhưng với nhóm người khuyết tật năm ngoái thì cảm xúc vẫn đầy đặn trong tôi cho đến tận lúc này. Họ không nghe, không nói được nhưng rất giỏi kể chuyện bằng hình ảnh và màu sắc. Họ vẽ một cách tự do và rất đẹp. Họ còn có sự khiêm nhường, vì biết mình khiếm khuyết nên ai trao cho cái gì thì rất nâng niu, quý trọng. Họ đã thả mình hoàn toàn vào khoảnh khắc có được. Vì những điều đó mà tranh của họ rất chân thật và sinh động.

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Trẻ em ở một xóm ngụ cư cùng nhau vẽ trong dự án Gieo

* Các bạn nghĩ, mọi người đều cần kể câu chuyện của mình và nghe câu chuyện của người khác, nên dùng Toa Tàu để kết nối; nhưng vẫn có những người không có nhu cầu kết nối với một vòng tròn lớn, điều bạn làm có phù hợp với họ?
- Ở đây chúng tôi không nói đến sự khác biệt mà là tìm đến chỗ giao nhau trong tâm hồn của mỗi người. Tuy năm ngón tay khác nhau nhưng vẫn có điểm chung là có cùng lòng bàn tay. Tôi không tin là khi chúng ta chạm được vào điểm chung đó - phần cảm xúc ai cũng có mà không thể làm cho nhau xúc động, dù đó là người lạnh lùng nhất hay người đang muốn bước hẳn ra ngoài xã hội. 

* Các bạn tìm kiếm kinh phí để thực hiện các dự án của mình bằng cách nào?
- Khi chúng tôi kêu gọi tài trợ, các nơi đều hỏi về tính bền vững của dự án, theo kiểu 3 hay 5 năm nữa dự án này sẽ thế nào, được nhân rộng ra sao?... Với Gieo, chúng tôi muốn đề cập đến tính bền vững trong từng khoảnh khắc con người có được, bởi thực tế, có những khoảnh khắc sẽ neo lại mãi trong lòng chúng ta.

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
Ảnh: Quang Trầm

Cái khó của một dự án như là không thể nhìn thấy cụ thể giá trị của nó. Chúng ta chỉ thấy qua tranh vẽ, bài viết… còn ngọn nguồn của cảm xúc - những thứ lay động con người từ bên trong, thì khó diễn tả. Chúng tôi chỉ mơ mộng rằng, biết đâu qua một buổi vẽ vui như vậy, có một em bé sẽ nuôi ước mơ trở thành họa sĩ; từ một workshop mà kết nối được giữa cha và con hay giữa những người sống trong cùng một làng… Tuy nhiên, chú trọng đến từng khoảnh khắc con người có được chứ không phải là kết quả sau này.

Chúng tôi không kêu gọi tài trợ theo kiểu thương hại, mà cần sự tỉnh táo và chia sẻ. Chúng tôi nói mình đang có một hành trình như thế này, bạn có thể giúp không, hoàn toàn không có nỗi buồn và sự thương xót. Với dự án của mình, chúng tôi đang đi học và với nguồn lực được trao từ cộng đồng, chúng tôi sẽ chuyển lại hoàn toàn cho người khác. Xét cho cùng thì chúng ta cho nhau chứ không phải là ai cho ai, nên Toa Tàu không xin tài trợ kiểu có đi - có lại.

Do Huu Chi dua 'toa tau' di gieo thuong - yen - vui
 

Hiện chúng tôi cần một nhà tài trợ cho đi mà không cân nhắc xem họ sẽ nhận lại được gì. Còn sau này, chúng tôi cần kinh phí để làm sách thì nếu tham gia, cái bạn nhận được sẽ là sách (cười). Gieo xuyên Việt cần 600 triệu để thực hiện dự án, hiện Toa Tàu đã có được hơn 300 triệu, còn cần khoảng 280 triệu. Sau đó là làm sách, phim tài liệu và triển lãm thì cần thêm 400 triệu nữa. Đến gần cuối chặng thứ nhất, chúng tôi sẽ tính toán lại xem đủ hay còn thiếu bao nhiêu cho chặng tiếp theo mới kêu gọi tiếp. 

Đỗ Hữu Chí là họa sĩ vẽ bìa và minh họa sách, đã hoàn thành chương trình thạc sĩ về truyện tranh từ học bổng Fulbright của chính phủ Hoa Kỳ. Năm 2013, anh mở các lớp học vẽ kể chuyện, khuyến khích học viên vẽ lại câu chuyện mình muốn kể. Năm 2015, anh cùng hai người bạn sáng lập Toa Tàu - nơi hướng dẫn mọi người phá vỡ những rào chắn để tự do kể câu chuyện của mình bằng các phương tiện nghệ thuật. Phương châm của Toa Tàu là: Sáng tạo - Kết nối - Chữa lành.

Năm 2016, Toa Tàu mở dự án Gieo với lời nhắn Thương - Yên - Vui, lấy biểu tượng là quả chò (hoa dầu), chủ động đến với những người bình dân sống lân cận TP.HCM, khuyến khích họ hát hò, nhảy múa, vẽ… Năm 2017, Gieo có kế hoạch xuyên Việt qua tám tỉnh thành: Hà Nội, Hải Dương, Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Sóc Trăng, bắt đầu từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10. 

Lam Hạnh (thực hiện)   

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI