Diễn viên Trần Quang: 'Làm nghệ thuật, phải hy sinh nhiều lắm'

04/11/2018 - 12:05

PNO - Là nam tài tử nổi tiếng của điện ảnh Việt cả trước và sau năm 1975, diễn viên Trần Quang gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài phong lưu, đậm chất điện ảnh, cùng phong thái, giọng nói hào sảng.

Là nam tài tử nổi tiếng của điện ảnh Việt cả trước và sau năm 1975 qua các phim như: Long hổ sát đấu, Điệu ru nước mắt, Như hạt mưa sa, Cô Nhíp, Cầu Rạch Chiếc, Tội lỗi cuối cùng, Con thú tật nguyền… diễn viên Trần Quang gây ấn tượng nhờ vẻ ngoài phong lưu, đậm chất điện ảnh, cùng phong thái, giọng nói hào sảng.

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Diễn viên Trần Quang và Thẩm Thúy Hằng

Trong suốt buổi giao lưu với các sinh viên báo chí có đam mê và quan tâm về nghệ thuật mới đây, ông nhiều lần kêu gọi sự năng động, mạnh dạn của tuổi trẻ. Cách ông chia sẻ và gợi mở khiến nhiều bạn thích thú, dù họ có thể chưa từng được xem ông diễn xuất, chưa cảm thụ hết năng lực, sự cống hiến của ông cho điện ảnh nước nhà.

* Phóng viên: Ông đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu về điện ảnh Việt Nam cũng như ra nước ngoài học hỏi Hollywood. Nhưng hình như ông chưa có nhiều cơ hội để cải biến phim Việt?

 Điện ảnh và nghệ thuật của chúng ta vẫn còn nhiều cái quá ngô nghê, nhiều cái cười hạ thấp nhân phẩm con người. Đừng bao giờ nghĩ mình diễn nhiều người cười là hay. Phải biết họ cười vì cái gì; ai khen, ai chê mình mới quan trọng.
                                 Diễn viên Trần Quang

- Diễn viên Trần Quang: Đa phần đạo diễn thành danh đều từ Hollywood. Diễn viên hay những thứ liên quan đến làm phim đều muốn học hỏi từ Hollywood. Nhưng khi qua Mỹ tôi mới biết, cuộc sống rất bận rộn, quy tụ anh em lại rất khó. Tôi có mấy kịch bản để làm phim mà không thực hiện được.

Năm 1999, tôi về Việt Nam. Nguyễn Chánh Tín nói với tôi: “Lúc anh đi, bộ phim Vết thù năm tháng của anh đưa điện ảnh đi lên, nhưng khi anh trở về thì điện ảnh đang đi xuống. Nếu anh bỏ tiền ra làm, coi như số tiền đó sẽ mất. Thôi thì anh cứ ăn chơi đi”.

Câu nói đó tác động đến tôi nhiều lắm, nhưng tôi vẫn khao khát làm phim, vì tôi nghĩ, “nghệ thuật phụ khán giả chứ khán giả không phụ nghệ thuật”, chẳng qua mình đã làm những bộ phim không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của khán giả, không theo kịp tiến bộ của kỹ nghệ điện ảnh. Tôi quyết định về lại Mỹ, kiếm công việc để làm, để có nhiều tiền mang về Việt Nam làm phim.

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Trần Quang được nhiều khán giả nhớ đến với nét hào hoa, lãng tử trong nhiều vai diễn điện ảnh

Năm 2006, tôi về, muốn làm theo kiểu dùng cái tích cực để đả phá cái tiêu cực. Phim không cần lên gân, chỉ cần nhẹ nhàng, khéo léo lồng ghép những ý tưởng tích cực, để khán giả có thể cảm nhận và bị thuyết phục. Nhưng hình như điều đó không thực tế với xã hội lúc đó nên những anh em ở trong nước, dù rất nhiệt tình, khao khát, những ý định tốt đẹp của chúng tôi không thành hiện thực.

Tôi nghỉ, an hưởng tuổi già, nhưng mỗi khi xem phim thì lòng vẫn nôn nao. Tôi xem phim người ta làm rồi tự hỏi, tại sao đã làm được cuốn phim như vậy mà lại có những cái lỗi lẽ ra không đáng có?

Rồi khi trò chuyện với những đạo diễn hay nhà sản xuất, họ nói: “Nhiều khi tụi em cũng muốn lắm chứ, nhưng để có một bộ phim hay thì phải trả tiền thật xứng đáng. Tiền đâu tụi em trả”. Một bộ phim hay đòi hỏi 3 thứ: truyện phim là nền tảng, diễn viên là sự thể hiện trực tiếp để diễn tả những ý tưởng của phim và đạo diễn kết nối mọi thứ, với cả nhạc đệm, âm thanh, ánh sáng…

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Trần Quang nhận giải diễn viên xuất sắc năm 1973

Nhưng chúng ta bây giờ đa số làm tự phát. Nếu như chúng ta có trường lớp đào tạo kỹ lưỡng, cho chuyên viên đi nước ngoài học nhiều hơn thì mọi thứ sẽ khác.

Tôi mừng vì Việt Nam bây giờ có nhiều bạn trẻ ham học hỏi và đam mê. Mọi thứ sẽ tốt nếu điện ảnh được Nhà nước quan tâm nhiều hơn. Không có gì bằng dùng những hình ảnh, thước phim để quảng bá con người, đất nước, văn hóa của dân tộc mình.

Hàn Quốc đã thành công nhờ gửi chuyên viên đi học nước ngoài và họ đã làm được, tôn vinh đất nước của họ, khiến cả thế giới phải công nhận họ. Điện ảnh Nhật Bản lại không phát triển, vì họ bảo thủ, cứng nhắc giữ những điều họ cho là hay. Các nước Âu châu như Pháp, Ý, Anh… cũng bảo thủ, kiêu ngạo với truyền thống, với những thứ từng đạt được nên họ không phát triển nhanh như Mỹ. Mỹ chấp nhận tất cả những đổ vỡ, vì họ biết cái quan trọng nhất của điện ảnh là sự hấp dẫn.

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Trần Quang thời trẻ

Điện ảnh và nghệ thuật của chúng ta vẫn còn nhiều cái quá ngô nghê, nhiều cái cười hạ thấp nhân phẩm con người. Đừng bao giờ nghĩ mình diễn nhiều người cười là hay. Phải biết họ cười vì cái gì; ai khen, ai chê mình mới quan trọng.

* Điều đó có phải vì nền điện ảnh của chúng ta hiện đang thiếu những “chiếc roi” - những nhà phê bình nghệ thuật thật sự?

- Phê bình là trong phê có bình. Mình phê hay hay dở thì phải bình được tại sao hay, tại sao dở để đạo diễn, diễn viên và nhà sản xuất cảm nhận được họ thiếu cái gì, hay cái gì để phát triển. Chúng ta thiếu những nhà phê bình đủ kinh nghiệm và chuyên nghiệp cũng như kiến thức để nói một cách rạch ròi, bởi chúng ta vẫn còn cả nể nhau. Báo chí cả nể quá, khen nhiều quá, vì sợ chê thì mất lòng, bị phản ứng.

Ví dụ một ca sĩ, hát như vậy được bao nhiêu người khen nên không nhìn thấy cái sai, cái dở của mình để điều chỉnh, phát triển, để được hay hơn. Nếu anh cảm nhận mình thành công quá, ai cũng thích thì cần gì phải làm khác đi hay làm tốt hơn, từ từ anh sẽ mai một.

* Quay lại một chút với chuyện xuất khẩu văn hóa. Việt Nam có cả chèo, hát bội, cải lương… Ông có nghĩ mình nên xuất khẩu chúng?

- Để làm được điều đó, chúng ta phải lồng nó vào một khung cảnh thật hấp dẫn của thời hiện tại, để người xem cảm nhận. Ví dụ nghe nhạc giao hưởng, mình nghe thoáng qua sẽ thấy nó hay; nhưng nó hay cái gì, ở đâu thì mình không biết hết được. Vài bài mà mình nghe quen thì ồ lên “ôi hay quá!”, nhưng để cảm nhận hết thì khó. Thế thì, muốn người ngoại quốc hiểu được văn hóa, văn chương của mình, hiểu được nghệ thuật của mình, càng phải thông qua những nghệ sĩ thực tài.

Chúng ta từng có một ông giáo sư Trần Văn Khê đi khắp nơi giới thiệu về nhạc cụ dân tộc. Bây giờ chúng ta đang có thế hệ kế thừa là giáo sư Trần Quang Hải hay cô Bạch Yến. Họ được khán giả khắp thế giới say mê là vì họ vừa làm vừa nói chuyện, đùa vui; nhưng ta cần những thứ lớn hơn và tầm phổ biến rộng hơn.

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Nghệ sĩ Trần Quang trong một buổi giao lưu với sinh viên

* Xem phim Việt gần đây, ông có chú ý hay ấn tượng với đạo diễn hay diễn viên nào không?

- Nền điện ảnh của chúng ta có nhiều tài năng, nhưng họ vẫn vướng những rào cản. Nhà sản xuất muốn an toàn, ngại đụng chạm, luôn tìm cách “lách” nên họ chỉ làm những bộ phim bình bình để gom khán giả, thu tiền là chính. Sau năm 1975, có những bộ phim đề tài chiến tranh của đạo diễn Hồng Sến rất hay. Ngoài Bắc thì có đạo diễn Trần Phương. Bây giờ chúng ta có Victor Vũ, Charlie Nguyễn… Các em có kiến thức và nhiều tâm huyết, nhưng hình như bây giờ các em cũng đang phải đi theo trào lưu của khán giả để kiếm tiền.

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Gương mặt kỳ cựu thuộc thế hệ diễn viên tài năng

Còn một điều nữa mà tôi cảm thấy đau lắm. Từng có một cậu diễn viên thừa nhận chuyện phải bỏ tiền để được đóng phim, để có tên tuổi. Nếu ta cứ suy nghĩ như vậy là chính ta đang tự diệt mình.

Thời xưa, khi càng nổi tiếng, tôi càng thấy mình tách rời khỏi quần chúng, để làm sao khi tôi lên diễn thì quần chúng còn muốn được xem tôi. Tôi muốn ăn một tô phở lề đường, một tô bún riêu ở góc chợ cũng không dám, vì hình ảnh đó sẽ tác động đến vai diễn của tôi trên phim như là vai anh hùng hay giám đốc oai phong. Đó là cái giá phải trả - sự cô đơn của nhiều người trong giới. Tại sao người ta ít gặp Kiều Chinh hay Thẩm Thúy Hằng? Vì chúng tôi cần phải sống riêng như vậy.

Chưa nổi tiếng thì sao cũng được, nhưng nổi tiếng rồi thì từng lời ăn, tiếng nói, cử chỉ… đều được báo chí, khán giả ghi nhận.

Có một đặc điểm chung của những diễn viên thời trước là khi diễn trên màn ảnh là cô A, anh B, chị C nhưng khi ra đời là Kiều Chinh, là Thẩm Thúy Hằng, là Thanh Nga rất bình thường. Trần Quang ngoài đời khác, trên phim khác. Phải như vậy thì mình mới là diễn viên được.

* Ông vì đam mê và tâm huyết mà hy sinh cả một cuộc hôn nhân. Có đáng không?

Dien vien Tran Quang: 'Lam nghe thuat, phai hy sinh nhieu lam'
Nghệ sĩ Trần Quang hiện tại

- Cái gì cũng có giá phải trả. Tuy tôi phải trả cái giá quá đắt, nhưng cũng được nhiều thanh thản. Giờ tôi nhận ra rằng, thời và nghiệp của mình đã hết, nhưng tôi vẫn mong dùng những kinh nghiệm, hiểu biết của mình để truyền lại cho thế hệ trẻ. Tôi muốn mở một lớp để dạy và sẵn sàng hợp tác với một trường dạy về diễn xuất.

Tôi không đòi hỏi điều kiện gì hết. Tôi chỉ mong các bạn trẻ đam mê nghề này hiểu, khi chúng ta theo nghề diễn, ta phải chịu hy sinh rất nhiều. Hy sinh trước hết là cái tôi, vì mình phải học hỏi, tôi luyện bản thân và cũng phải giữ mình nhiều lắm.

* Xin cảm ơn ông.

Thạch Sơn Phong (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI