Diễn viên Quang Thảo: "Vì tin lời thầy bói mà gia đình bỏ rơi tôi"

18/04/2017 - 07:01

PNO - Chỉ vì thầy bói 'phán' tôi là quỷ đầu thai mà từ khi tôi sinh ra, cả cha lẫn mẹ đều bỏ rơi tôi. Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình bị đòn như bị trút tất cả những sự giận dữ, tức tối lên người.

Nếu có một điều ước, tôi ước mình có thể xóa sạch những ký ức thời thơ ấu. Không lý gì để oán hận những người ruột thịt của mình, tôi tự lý giải cho những gì phải trải qua là do số phận. Và cho dù cuộc sống có thật nhiều đổi thay thì tôi luôn tin rằng lòng tốt vẫn luôn hiện diện trên đời. 

Dien vien Quang Thao:
Diễn viên Quang Thảo


Khát vọng sống

Mười hai tuổi, tôi bị một căn bệnh về gan rất nặng, trạm xá xã yêu cầu gia đình chuyển tôi lên bệnh viện tỉnh, nhưng nội và cô lắc đầu vì nghĩ bệnh của tôi đã “vô phương cứu chữa”. Tôi hỏi chú y sĩ: “Chú ơi, có cách nào cứu con không chú? Con không muốn chết!”. Câu trả lời “chỉ còn cách thử uống thuốc nam” nhen nhóm trong tôi niềm hy vọng.

Đứa trẻ mười hai tuổi lấy tiền đâu để mua thuốc trị bệnh hiểm nghèo? Chắc thương thằng bé khát khao được sống, ông chủ tiệm thuốc nam đồng ý cho tôi đi hái những loại cây cỏ có thể làm thuốc để đổi lấy thuốc chữa bệnh. Khát vọng sống của tôi mãnh liệt đến mức tôi quên cả những cơn đau nhức để đào, bứng những bụi cỏ tranh, lấy phần rễ nằm dưới đất về phơi khô, xắt lát cùng nhiều loại cây cỏ làm thuốc khác… đem đổi lấy từng thang thuốc uống. 

Sau mấy đợt thuốc, bệnh tôi thuyên giảm, tôi khỏe hơn, nhưng ông chủ tiệm thuốc nói muốn tiếp tục chữa bệnh, tôi phải lên tiệm thuốc nam trên chợ An Định. Chỉ năm cây số từ nhà lên huyện, nhưng với sức tôi lúc đó, quãng đường như dài vô tận. Để đi hết 5km, tôi phải chia làm hai chặng đạp xe. 

Khát khao được sống, tôi đã vượt qua mọi đau đớn về thể xác bằng niềm tin sẽ được chữa khỏi bệnh. Nhưng khỏe lại chưa bao lâu, chính tôi lại muốn tìm đến cái chết. Đã cầm chai thuốc rầy trên tay, chỉ một tích tắc nữa thôi, tôi có thể quên hết tất cả đau đớn, tủi hờn và sự cô đơn cùng cực.

Cho đến bây giờ, tôi cũng không thể lý giải được một cách chính xác điều gì đã “thức tỉnh” mình ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết. Chỉ nhớ, tôi giật mình như bị đánh thức, tôi tự nói với chính mình: “Mình không thể chết, mình phải sống”. Năm đó, tôi mười bốn tuổi.

Dien vien Quang Thao:
Quang Thảo và Ngọc Lan trong một phim

Tôi được nuôi lớn như cỏ cây bên đường. Cha mẹ ly hôn, ba anh em tôi người được ngoại nuôi, người về nhà nội. Ba tháng mười ngày, tôi được nội đón từ Biên Hòa về Bến Tre.

Từ ngày có thể nhận biết cuộc sống xung quanh mình, tôi chưa bao giờ cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, của những người ruột thịt. Năm, sáu tuổi tôi đã biết tự chăm sóc mình. Đói tự kiếm cơm ăn. Khi đó chỉ cần có cơm, thức ăn tôi sẽ tự chế biến, khi ra sau vườn hái rau dại về luộc; lúc chặt dừa lấy nước chan cơm...

Tôi biết gánh nước từ khi chưa đủ chiều cao để nhấc cặp thùng lên khỏi mặt đất. Tôi cứ kéo lê cặp thùng thiếc làm cạnh thùng cứa vào gót chân tứa máu. Cho đến khi có thể đưa thùng khỏi mặt đất, vết thương ở chân mới có thể kéo da non và liền sẹo. Áo quần, giày dép mới với tôi chỉ là giấc mơ. Quần áo tôi mặc là đồ cũ của chị họ thải ra. Quanh năm suốt tháng tôi chỉ đi chân đất.  

Tôi thèm ăn đến mức từng lén lén ăn cắp bánh trên những mâm bánh trong đám cưới. Vì sợ bị bắt gặp, lấy được cái nào tôi phải bỏ vô miệng ngay cái ấy, thật nhanh. Có lần vì quá vội, tôi lấy nhầm giấy màu cắt trang trí phía trên mà không biết. Tới chừng nhai mới biết thứ mình đang ăn chỉ là giấy. 

Sống trong sự hắt hủi, ghẻ lạnh của người thân, với cực nhọc, với những trận đòn thừa sống thiếu chết… tuổi thơ của tôi là chuỗi ngày sợ hãi. Chỉ thoáng thấy bóng người, tôi bất chợt co rúm. Trẻ trong xóm, dù chơi chung, nhưng cũng coi tôi như thứ bụi đời, hễ không cảm thấy hài lòng là sẵn sàng mắng mỏ, xua đuổi.

Dien vien Quang Thao:
Diễn viên Quang Thảo trong một sự kiện cộng đồng

Tôi không thể quên lần bị ăn cái tát như trời giáng của ba vì tôi lỡ làm đứt đoạn dây thun đứa em gái cùng cha khác mẹ giăng ngang hai cái cột để chơi nhảy dây. Tôi từng rất thèm có ba, nhưng cái tát đó là nhát dao đầu tiên, cắt lìa tình cảm giữa tôi và ba. 

Ngày tôi bị bệnh, mẹ về chở anh Hai đi đúng lúc tôi đạp xe lên chợ An Định. Mẹ không thấy tôi, nhưng anh Hai thấy nên chỉ tôi cho mẹ. Nghe tôi kể con bệnh và đang đi lấy thuốc, mẹ chỉ nói “tội nghiệp con!” và cho tôi một ít tiền rồi chở anh Hai đi khuất. Cầm tiền trong tay, đạp xe lên chợ, lòng tôi tê tái. 

Nhiều lần tôi tự hỏi: “Vì sao những người ruột thịt của mình lại không thương mình? Vì sao mẹ bỏ mình để mình phải chịu khổ? Tôi chỉ là đứa trẻ con, tôi có làm gì nên tội?”. Cho đến một ngày, tôi vô tình nghe một người thân nói với nội, thầy bói phán tôi là quỷ đầu thai, chính tôi làm cho gia đình tán gia bại sản.

Khi đó mới chừng bảy-tám tuổi, vẫn chưa thể hiểu hết câu nói kia, nhưng tôi hình dung mình là thứ gì đó, dễ sợ lắm. Khi gia đình khó khăn hơn thì sự khắc nghiệt của người thân với tôi càng nhiều hơn. Tôi không nhớ bao nhiêu lần mình bị đòn như bị trút tất cả những sự giận dữ, tức tối lên người. 

Hành trang vào đời: Lòng tốt

Năm mười lăm tuổi, một người hàng xóm đi làm thuê ở Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) về kể đã gặp mẹ tôi. Anh nói mẹ tôi đẹp lắm, mẹ mặc áo dài, làm lễ tân ở một khách sạn. Anh khuyên tôi nên đi tìm mẹ để cuộc sống đỡ khổ hơn. Ký ức của lần gặp mẹ khi tôi bệnh nặng vẫn còn nguyên, nhưng lúc nghe anh nói: “Không có cha mẹ nào nỡ bỏ con mình đâu!”, tôi đã quyết tâm đi tìm mẹ.

Dien vien Quang Thao:
 

Nội và các cô giận tôi “ăn cháo đá bát”, nuôi cho lớn khôn, đủ lông đủ cánh rồi cũng phản, đòi về với mẹ. Nội dứt khoát, nếu tôi đã quyết định đi thì không bao giờ được quay trở về.

Quá sợ hãi với mười lăm năm sống trong đau đớn cả về thể xác lẫn tâm hồn, tôi đã thề với nội: “Nếu có chết con cũng chết ở chỗ khác. Chỉ khi nào thành đạt con mới về!”. Nói cho tôi sợ mà nhụt chí, nhưng nội vẫn không cho tôi đi tìm mẹ. Tôi đã trốn nhà lúc nửa đêm, hành trang mang theo chỉ có một bộ quần áo và số tiền mấy chục ngàn tôi để dành được lúc đi làm mướn cho một quán cơm trước đó.

Không biết Long Hải ở đâu, đi bao nhiêu xa, tôi bước lên xe ngổn ngang nỗi sợ hãi. Trên xe, một phụ nữ đi buôn chanh quan sát tôi khá lâu. Biết tôi đi tìm mẹ và không dám ăn vì sợ hết tiền, cô đã mua cho tôi một ổ bánh mì thịt. Đó là ổ bánh mì ngon nhất tôi được ăn sau mười lăm năm có mặt trên đời. Ổ bánh mì và lòng tốt của người phụ nữ đó là điều quý giá đầu tiên tôi góp nhặt cho hành trang mang theo suốt cuộc đời này, dù tôi không biết cô là ai, cô tên gì, bây giờ cô ở đâu…

Tìm được khách sạn mẹ làm việc, tôi mừng lắm. Thấy mẹ mặc áo dài lễ tân, tôi chộn rộn hạnh phúc, chân quýnh quáng, muốn chạy nhanh cũng chạy không được. Thấy tôi, mẹ hỏi: “Cậu tìm ai vậy?”. Khoảnh khắc đó đất trời quanh tôi như sụp đổ. Tôi đã định quay trở ra, nhưng biết mình không còn con đường trở về nên phải nói với mẹ: “Con là thằng Thảo nè, con đi tìm mẹ nè mẹ!”.

Mẹ muốn có một cuộc sống yên ổn, không bị làm phiền. Tôi cũng đủ lớn để có thể tự kiếm sống, tự lo cho bản thân. Không thể nhận tôi làm việc chính thức vì tôi chưa đủ tuổi lao động, giám đốc khách sạn nơi mẹ làm việc nhận tôi vào làm tạp vụ theo dạng hợp đồng.

Nơi làm việc của mẹ và tôi cách nhau một hành lang. Mẹ rất đẹp, sang trọng, còn chỗ của tôi là khu nhà hàng tiệc cưới. Trong buổi tiệc, tôi phải giữ cho nhà vệ sinh sạch sẽ, kịp thời “thanh lý” hậu quả của những thực khách đã say xỉn. Tàn tiệc, tôi tiếp tục cùng các nhân viên dọn dẹp phòng tiệc.

Gần hai năm ở Long Hải, những tủi nhục khác lại tiếp tục bủa vây tôi, đau đớn nhất là những lời cay nghiệt khi xảy ra mất mát. Lần nào xảy ra chuyện, tôi cũng là đích ngắm đầu tiên. Người ta vẫn nghĩ “đói ăn vụng, túng làm liều” và dùng những lời lẽ cay độc nhất cho kẻ bị tình nghi.

Dien vien Quang Thao:
Cách đây không lâu anh mở một quán chay, và nó chưa nhiều tâm nguyện của anh

Cũng có việc mẹ biết, có việc không. Nhưng dù mẹ có biết hay không thì tôi cũng đã “khép lòng” mình ngay sau khi mẹ đã không nhận ra tôi. Tôi không có được cảm giác gần gũi để có thể chia sẻ vui buồn, khó khăn của mình với mẹ. 

Sau hai năm ở Long Hải, tôi được một người quen rủ về TP.HCM để trông coi quán cà phê. Rất thèm được đi học bổ túc, tôi nhận lời với suy nghĩ mình chỉ có cơ hội đi học lại khi ở TP.HCM.

Một lần nữa tôi lại bắt đầu một hành trình mới. Nhưng tôi đã không được đi học vì vừa phải quán xuyến quán cà phê cùng một người cũng lang thang cơ nhỡ như tôi, vừa phải chăm sóc một người bệnh ung thư.

Ròng rã một năm làm việc, tôi bị đuổi với lý do buôn bán thua lỗ. Tiền công coi như mất trắng. Phải mượn người chủ số tiền đi Long Hải, tôi trở về với mẹ. Chỉ sau hai ngày, biết mình không thể sống bên mẹ, tôi quay lên TP.HCM. 

Rất may mắn, tôi bất ngờ nhớ số liên lạc của một người quen khi làm ở quán cà phê. Nhờ anh, tôi có công việc ổn định ở cửa hàng bán vật liệu xây dựng. Công việc vất vả, dù là nguyên nhân của căn bệnh về cột sống của tôi hiện nay, nhưng tôi được đi học bổ túc để tốt nghiệp THPT, mở ra cho tôi cơ hội tiếp xúc với nghệ thuật và gắn bó cho đến giờ.

Tất cả những ước mơ thời thơ bé: nhà cửa, xe cộ… giờ tôi đã có, thậm chí còn có nhiều hơn cả ước mơ. Nhưng có những thứ mãi mãi, cho đến hết cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ tìm được, đó là tuổi thơ, là tình cảm gia đình.

Với tôi, tất cả là vô nghĩa khi không có một nơi ấm áp để nhớ thương, để được quay về khi mệt mỏi; không có một điểm tựa tình cảm ruột thịt để cảm thấy yên bình, để cảm thấy mình không bơ vơ trong đời. Không phải là người cứ mãi đeo bám quá khứ để trách cứ, nhưng đó là sự thật không thể đổi thay và những ám ảnh của tuổi thơ thì không dễ để xóa nhòa.

Có lúc tôi nghĩ, giá như mình là trẻ mồ côi để được bay bổng với những giấc mơ đẹp đẽ, êm đềm về cha, về mẹ, nhưng những trải nghiệm của cuộc đời cho tôi nhận thức rõ ràng rằng khi cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác sẽ mở ra, chỉ cần mình đừng bỏ cuộc, đừng thôi cố gắng...

DV Quang Thảo

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • Hồng châu 23-02-2020 19:40:54

    Sao lại có thứ cha mẹ như thế ?sinh ra và tạo ra cho người ta 1 kiếp người rồi hành xử như loài dã thú. ..nếu đã quá vô Phước .bất hạnh ,hãy quay mặt với đấng sinh thành đáng khinh miệt đó ..Và tự cũng cố cho cuộc đời mình ....thà ko có cha mẹ còn hơn có Như vậy. Loài thú chúng còn biết thương con kìa...

    • Anh

      Nội ổng ác thật hiện h ổng có ng em cùng cha khác mẹ ở Cẩm Sơn tên là mai trúc linh

  • NgôAu 20-02-2020 15:17:41

    Hi vọng là cha mẹ ông bà và những người đã từng đối xử tệ và rất tệ với anh sẽ đọc được bài viết này... Làm cha mẹ nhất là người mẹ sinh con ra mang nặng đẻ đau thì dù có khó khăn đến mức nào cũg đừng bỏ con. Đừg đổ thừa cuộc sống khó khăn vất vả, đừng đổ thừa vì khổ sở không hạnh phúc... dù đi đâu hãy mang con theo. Trẻ con cần có 1 tuổi thơ đẹp và cần có mẹ chăm sóc....

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI