'Đi tìm Phong': Nỗi buồn bỏ lại

05/10/2018 - 17:00

PNO - Vài năm trở lại đây, đã có nhiều phim truyện và cả phim tài liệu về cuộc đời của những người đồng tính, chuyển giới ra rạp, như: 'Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng', 'Hồn bướm'.

Nhưng Đi tìm Phong (khởi hiếu từ ngày 2/10) là lần đầu khán giả được cung cấp khá cặn kẽ những thông tin y khoa về việc chuyển giới - từ quá trình tư vấn tâm lý, uống thuốc kích thích tố nữ, cách tạo hình bộ phận sinh dục nữ, cách “hành xác” tập nong âm đạo hằng ngày hoặc cả chuyện “phòng the” sau khi phẫu thuật chuyển giới.

'Di tim Phong': Noi buon bo lai
Vợ chồng anh trai Phong tháp tùng em sang Thái Lan phẫu thuật

92 phút phim như một cuốn nhật ký bằng hình từ khi Lê Quốc Phong (sinh năm 1988, Quảng Ngãi) còn là một chàng trai cho đến khi trở thành cô gái Lê Ánh Phong xinh xắn, yểu điệu. Xen giữa từng giai đoạn chuẩn bị cho hành trình “lột xác” là những phút trải lòng của Phong, những đoạn hội thoại giữa Phong với gia đình và bạn bè.

Việc máy quay được trao cho nhân vật tự ghi hình ở một số đoạn khiến từng thước phim trong Đi tìm Phong đưa khán giả vào thế giới nội tâm đầy khao khát của người chuyển giới và vui lây với sự hóm hỉnh, lạc quan của nhân vật lẫn người thân.

Khán giả vừa rơi nước mắt khi nghe Phong tâm sự với mẹ: “Con đau một lần nhưng con sẽ hạnh phúc mãi mãi má ơi”, thì lát sau đã bật cười trước cảnh Phong cởi áo, chỉ mặc chiếc quần lót, đứng trước gương, ráng uốn người để khoe thắt lưng mảnh mai, tự nói với mình: “Coi cũng được chứ bộ”.

Đến với những bộ phim tài liệu về cộng đồng LGBT, người xem thường mặc định sẽ thấy những giọt nước mắt, nghe những lời than thân trách phận của nhân vật, tâm trạng u sầu của người thân trong gia đình nhân vật. Đi tìm Phong cũng có những khoảnh khắc buồn, nhưng đó hoàn toàn không phải là sự bi lụy mà luôn ẩn chứa niềm tin, hy vọng.

Cha Phong năm nay đã 86 tuổi, còn mẹ đã ngoài 70. Ở tuổi gần đất xa trời, lại sống ở miền quê Quảng Ngãi, khán giả cứ ngỡ ông bà sẽ phản đối đến cùng ý định “cãi mụ” của Phong, nhất là khi hình ảnh người cha râu tóc bạc phơ xuất hiện trên màn ảnh luôn trong dáng ngồi hút thuốc trầm ngâm, còn người mẹ luôn lặng lẽ thở dài, mắt đỏ hoe. Thế mà thật bất ngờ, những con người như vậy lại suy nghĩ rất cởi mở, nhân văn, như lời thoại của cha Phong: “Dù là con người nào, giới nào thì đó cũng là con của mình”.

Ngoài cha mẹ, Phong còn nhận được tình thương từ các anh chị em trong gia đình. Tháp tùng cùng Phong sang Thái Lan phẫu thuật là vợ chồng người anh trai. Hình ảnh người chị dâu vịn mãi vào thành giường, không buông, như  muốn theo em vào phòng mổ và bác sĩ phải gỡ tay ra, ngăn lại, chị đành đứng bên ngoài với ánh mắt bần thần, lo lắng khiến khán giả rưng rưng.

Đoạn Cường - anh trai Phong - tâm sự về cảm giác khó tả khi không còn được nhìn thấy hình hài một cậu em trai mà thay vào đó là một đứa em gái cũng làm không ít khán giả cay khóe mắt.

Những lời nói, hành động của những người dân quê chân chất, hồn hậu ấy đã tăng thêm sức nặng cho thông điệp bộ phim muốn truyền tải về sự chia sẻ, thấu hiểu, thừa nhận dành cho người chuyển giới.

Đi gần hết nửa đời người (phẫu thuật năm 28 tuổi) Phong mới tìm được chính mình. Bộ phim Đi tìm Phong cũng đã chu du hết ba năm trời qua 30 liên hoan phim mới đến được với khán giả Việt Nam. 92 phút phim, tuy không thể vẽ lại hết chặng đường chông gai mà cô gái Lê Ánh Phong đã trải qua, nhưng đã phần nào mở một góc nhìn đầy cảm thông về cộng đồng LGBT cùng những kiến thức y khoa mà không phải ai cũng biết. Có hiểu mới tránh được sự kỳ thị. Đó cũng chính là mục đích mà vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo - Swann Dubus hướng đến thông qua Đi tìm Phong.

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI