'Đêm hoa lệ': Một Sài Gòn đẹp, phóng khoáng và bao dung

11/12/2017 - 12:30

PNO - 'Đêm hoa lệ' tái hiện hành trình phát triển của trang phục, văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn từ đầu thế kỷ XX đến thập niên 1960 - 1970.

Văn hóa phương Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng có một thuộc tính rất đặc biệt: nó có thể đón tiếp, bao dung tất cả các giá trị văn hóa khác nhau, nhưng vẫn giữ thế thống trị và sẽ bản địa hóa các giá trị ấy để khẳng định một nền văn minh độc lập. 

Nhìn những tấm hình chụp Sài Gòn xưa đã nhuốm màu thời gian, rất nhiều lần tôi ước giá như mình được đứng trong tấm hình ấy. Đêm hoa lệ là cơ hội để tôi được thực hiện khát vọng của mình. 

'Dem hoa le': Mot Sai Gon dep, phong khoang va bao dung

Thái Hậu Dương Vân Nga - vai diễn để đời của NSND Bạch Tuyết - một trong những vở kinh điển của cải lương Sài Gòn

Tôi sẽ không kể về Sài Gòn trong chiều dài 300 năm mà giới thiệu những cái gần gũi hơn - những thứ như dễ dàng chạm được, nhưng lại biến mất đúng lúc ta tưởng đã có thể cầm, nắm được nó. Điều đó dễ gây tương tư nhiều hơn và là cái tôi muốn có được trong Đêm hoa lệ.

Chọn mốc thời gian là thời điểm khánh thành chợ Bến Thành mới vào cuối tháng 3/1914, tôi mượn hát bội để kể lại câu chuyện của áo dài và thần khí phương Nam. Sự kiện khai trương chợ Bến Thành mới như một lễ hội trong ngày tết Nguyên đán - kéo dài suốt ba ngày ba đêm.

Khi đó, loại hình văn hóa có thể lôi kéo tất cả các thành phần cư dân đang sinh sống ở Sài Gòn, bất kể là dân bản địa hay dân nhập cư và cả người ngoại quốc chính là hát bội. Già, trẻ, lớn, bé, Tây, ta… đều mê mẩn với vở tuồng San Hậu, với lối hóa trang mặt nạ tuồng mang đậm thuộc tính của người Nam bộ: thể hiện rõ ràng gian tà, lương chính.

Nhưng Sài Gòn đôi khi cũng giống một người phụ nữ sáng giá, hời hợt và mau quên. Văn minh phương Tây chào mời quá nhiều thứ, cộng thêm lượng dân nhập cư quá lớn từ các nơi đổ về khiến người ta quên hát bội, dù trước đó không lâu, hát bội rất được tôn sùng. Hát bội trở về với sân khấu đình, miễu… và dần bị thay thế bằng nghệ thuật cải lương. Soạn giả Viễn Châu bắt đầu sáng tác những bài tân cổ giao duyên nổi tiếng. Dạ Lý Hương trở thành đoàn cải lương có sức hút mạnh mẽ nhất thời bấy giờ với cô đào Bạch Tuyết và anh kép Hùng Cường.

'Dem hoa le': Mot Sai Gon dep, phong khoang va bao dung
Đêm hoa lệ

Đêm hoa lệ tái hiện hành trình phát triển của trang phục, văn hóa Sài Gòn - Chợ Lớn từ đầu thế kỷ XX đến thập niên 1960 - 1970. Sự biến chuyển trong trang phục thị dân Sài Gòn từng thời kỳ, những thay đổi trong đời sống văn hoá văn nghệ… sẽ được kể lại qua giọng của Trác Thúy Miêu và sự kết nối của các loại hình nghệ thuật: hát bội, cải lương, âm nhạc… và phần trình diễn của các diễn viên không chuyên thuộc sân khấu Điểm Một Thời.

Chương trình diễn ra lúc 20g thứ Sáu, thứ Bảy hằng tuần, từ ngày 22/12, tại Nhà hát Chợ Lớn (tầng 3, trung tâm thương mại The Garden Mall - 190 Hồng Bàng, Q.5).

Thế hệ của chúng tôi ấn tượng và nhớ cải lương còn nhờ các rạp hát. Tôi nhớ hoài những tấm áp phích quảng cáo vẽ bằng bột màu; nhớ những tiếng loa  quảng cáo, giọng văn giới thiệu các vở tuồng có một ngôn ngữ rất riêng, lâm ly, diễm tình nhưng cũng đáng yêu vô cùng. Chúng tôi nhớ những bộ phục trang của các bà, các cô thập niên cuối 1950 - đầu 1960, dập dìu đi xem hát… Đó là những cảm giác, ký ức rất riêng của Sài Gòn.

Sài Gòn, bên cạnh cái hào sảng, nghĩa tình, phải chăng còn có cả sự... bạc tình, bởi người Sài Gòn nhanh quên hát bội, nhanh quên cải lương? Xin khẳng định là không. Những gì đã nằm trong máu của người Sài Gòn, trở thành một phần của Sài Gòn sẽ không bao giờ mất đi. 

Sài Gòn rộng rãi như đại lộ, dư sức đón nhận, dung nạp những điều mới mẻ, nhưng Sài Gòn cũng đủ sâu như lòng hẻm nhỏ, để giữ lại bằng hết những gì không được phép mất đi. Không một điều gì bị đào thải, phủ lấp hay quên lãng. Tất cả chỉ là một sự xoay vòng như máu tuần hoàn trong cơ thể. Mỗi đặc trưng của đất, của người sẽ nương náu trong một hình thái nào đó để tồn tại và chờ đợi một cơ hội tiếp theo.

Người Sài Gòn cũng vậy. Họ đến đây từ nhiều nơi trên khắp mọi miền đất nước. Những dịp nghỉ lễ, dù chỉ có hai ngày nghỉ, họ cũng chạy ngay về nhà. Thuộc tính của người, của văn hóa Sài Gòn từ bao đời nay vẫn theo lối đó: về nhà, nghỉ ngơi, lấy sức để trở lại. Rõ ràng nhất là boléro. Mệt mỏi ư? Chỉ cần nghỉ ngơi chút xíu thôi, rồi sẽ trở lại.

'Dem hoa le': Mot Sai Gon dep, phong khoang va bao dung
Sài Gòn xưa được tái hiện trong Đêm hoa lệ

Những cao ốc, thương xá, nhà hát… của Sài Gòn có thể thay đổi, mất đi, nhưng vỉa hè Sài Gòn không thay đổi. Nó tồn tại một cách nghiễm nhiên. Ngồi trên vỉa hè giữa đêm khuya, ai cũng có thể dễ dàng bắt gặp một Sài Gòn xưa mà mình vẫn từng tưởng tượng. Dưới ánh đèn vàng, người Sài Gòn hào sảng vẫn nghêu ngao ca những bài mình yêu thích trong tiếng guitar hay những nhạc cụ tự chế bằng tất cả những gì họ có được khi đó.

Mọi sự xếp đặt trong cuộc sống, văn hóa Sài Gòn hợp lý và logic đến kỳ lạ. Hai tiếng đồng hồ với Đêm hoa lệ, tôi muốn chứng minh văn hóa Sài Gòn có thuộc tính và bản ngã. Thậm chí nó có bản ngã đặc sắc hệt như một sinh vật sống.

Sài Gòn ôm trong lòng bao nhiêu số phận, bao nhiêu mộng ước, bao nhiêu tầng văn hóa dị biệt để tạo ra một hồn cốt riêng mình. Đó là một Sài Gòn rất đẹp, phóng khoáng và bao dung. 

Nhà hát Chợ Lớn được xây dựng với mong muốn trở thành một điểm văn hóa để khán giả, đặc biệt là giới trẻ, tìm về với cội nguồn, với những giá trị văn hóa truyền thống.

Chúng tôi muốn khán giả hiểu sân khấu Sài Gòn không chỉ có hài hay những hotboy, hotgirl đang ồn ào trên mạng xã hội. Công chúng cần biết những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất này để thêm tự hào về nơi mình đang sống. Đầu tư cho Đêm hoa lệ, chúng tôi mong mỗi khán giả, khi bước ra khỏi nhà hát, sẽ trở thành một kho dữ liệu, truyền đến công chúng những thông điệp, giá trị về văn hóa và cả tình yêu đối với Sài Gòn.

Đêm hoa lệ không chỉ là bài toán kinh doanh mà còn thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với cộng đồng. Với chi phí đầu tư, chương trình và giá vé như hiện nay, chúng tôi xác định sẽ chịu bù lỗ ít nhất trong một năm đầu. 

Về lâu dài, chúng tôi dự định phối hợp với các công ty du lịch, tổ chức biểu diễn cho học sinh các trường học, hội nghị… Cùng với Đêm hoa lệ, chương trình Âm vang đất nước ở Bảo tàng Áo dài cũng sẽ được chuyển về đây. Ngoài ra, chúng tôi còn có kế hoạch dàn dựng lại những vở cải lương kinh điển.

Đêm hoa lệ nhận được rất nhiều lời khen sau suất diễn khai trương Nhà hát Chợ Lớn. Là người thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn, lại không phải là dân Sài Gòn gốc, làm sao chị lại có nhiều cảm xúc về Sài Gòn đến vậy?

Trác Thúy Miêu: Tôi nghĩ mình chỉ đang làm nghĩa vụ của một công dân - cần có những hiểu biết nhất định về nơi mình đang sống và chịu ơn. Kiến thức của tôi về Sài Gòn là kiến thức cơ bản mà tôi nghĩ ai là dân Sài Gòn cũng phải biết. Một công dân nên có những hiểu biết tối thiểu như thế. Ta phải hiểu rõ mình đến từ đâu và đối thoại công bằng với bạn bè quốc tế.

'Dem hoa le': Mot Sai Gon dep, phong khoang va bao dung
Trác thuý Miêu trong chương trình Đêm hoa lệ

Tôi không thể kể cho người bạn từ đất nước khác đến rằng Sài Gòn có món chả giò, chả cuốn ở khách sạn Rex rất ngon, nhưng tôi sẽ kể với họ về món cơm tấm vỉa hè - món ăn là tổng hòa hương vị ẩm thực cả Bắc - Trung - Nam, của cả những cư dân từng có mặt ở đất Sài Gòn. Tôi tin những người bạn nước ngoài sẽ rất thích thú và có một góc nhìn đặc biệt về Sài Gòn khi hình dung một món ăn nghe rất Việt Nam: cơm tấm, được bày biện trên đĩa, sử dụng muỗng, nĩa như Tây và có thể thưởng thức ngay trên chiếc ghế nhỏ bên vỉa hè.

* Điều chị vừa nói nghe rất khác so với những gì khán giả vẫn hình dung về MC Trác Thúy Miêu trên truyền hình - hình ảnh khiến nhiều người phản ứng? 

- Chính tôi cũng nhận ra mình đã làm gì sai. Tôi sợ hãi khi nhìn lại MC Trác Thúy Miêu ở góc nhìn của một người biên tập chương trình. Tôi đã quá say sưa và tham lam với việc có trong tay phương tiện truyền thông. Tôi tranh thủ từng giây trên sóng để nhồi nhét cho khán giả một lượng chữ nghĩa quá lớn. 

Thực lòng, tôi không hề có ý định tô vẽ cho bản thân mà chỉ nghĩ đơn giản là muốn làm mới kho từ vựng cho khán giả. Không cân đối liều lượng, tôi trở thành kẻ khoe chữ trong mắt công chúng và bị phản ứng. Tôi đã làm một việc quá đỗi thô thiển - cũng giống các bảo mẫu dùng "bạo lực" để nhồi nhét trẻ trong các bữa ăn - tôi đã dùng bạo lực để tống từng xẻng chữ nghĩa vào đầu khán giả. Tôi sai và hậu quả rất rõ rệt: không ai còn muốn nghe tôi nói nữa. Tôi đang điều chỉnh những điều đó.

 Thảo Vân (thực hiện)

Trác Thúy Miêu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI