Để trại sáng tác không là nơi... an dưỡng

20/10/2016 - 07:40

PNO - Trại sáng tác (TST) là hoạt động thường xuyên của các hội nghề nghiệp. Ở lĩnh vực sân khấu (SK) và điện ảnh (ĐA), TST là hoạt động không thể thiếu trong kế hoạch hàng năm của hội nghề nghiệp địa phương lẫn trung ương.

Thế nhưng, trong khi giới làm nghề kêu thiếu kịch bản hay, thì kịch bản được đánh giá tốt ở các TST hoặc không tìm được đơn vị chịu dàn dựng, hoặc được dàn dựng chỉ nhằm tham gia liên hoan hội diễn rồi sau đó xếp kho. Nghịch lý muôn năm cũ này không chỉ làm hao tiền tốn của mà còn mài mòn khát vọng sáng tạo của không ít tác giả và là nguyên nhân của nhiều hệ lụy khác.

Nhiều trại nhưng hiệu quả kém

Ở lĩnh vực ĐA, mỗi năm Hội Điện ảnh tổ chức khoảng hai - bốn TST dành cho tác giả ở các khu vực hoặc theo thể loại: phim truyện, tài liệu khoa học, hoạt hình. Các TST thường kéo dài 10-15 ngày ở các địa điểm do Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch quản lý như nhà sáng tác Đại Lải, Tam Đảo, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu. Ở lĩnh vực SK có TST của Hội Sân khấu, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch địa phương.

Chỉ tính từ cuối tháng Chín đến nay đã có ba TST dành cho các tác giả viết kịch bản SK và ĐA: TST tại Đà Nẵng dành cho các biên kịch là hội viên Hội Điện ảnh viết về đề tài thiếu nhi, TST kịch bản SK về đề tài công an nhân dân và TST kịch bản đề tài lực lượng vũ trang - chiến tranh cách mạng.

Trong bối cảnh các lĩnh vực đang khát kịch bản hay, TST là nơi tạo cơ hội để các tác giả cho ra đời những kịch bản tốt, đồng thời là nơi phát hiện nhân tố mới. Trước đây, khi phim ảnh tư nhân chưa phát triển mạnh, TST là nguồn cung cấp kịch bản tốt cho các hãng phim Nhà nước.

De trai sang tac khong la noi... an duong
Đập cánh giữa không trung - hai trong số ít các tác phẩm từ trại sáng tác tạo được ấn tượng tốt với công chúng

Tham gia trại, người làm nghề có dịp giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, bàn bạc, góp ý để hoàn chỉnh kịch bản. Thực tế, không phải tác giả nào cũng có điều kiện kinh tế để an tâm đầu tư sáng tạo. Nên khi có tiền đầu tư, có hứa hẹn về đầu ra cho kịch bản được đánh giá tốt từ TST, họ có thêm động lực sáng tác.

Nhưng bao nhiêu TST đã qua, chẳng có bao nhiêu kịch bản từ TST để lại dấu ấn trong lòng công chúng. Không ít vở được đánh giá cao từ TST nhưng chủ yếu được các đơn vị dàn dựng để đi liên hoan, hội diễn. Các vở này được vinh danh với những huy chương, giải thưởng, nhưng đa phần sau hội diễn chỉ xếp kho hoặc biểu diễn phục vụ vì rất khó bán vé.

Tính đến nay, TST kịch bản SK đợt 1/2015 đã kết thúc gần một năm rưỡi, nhưng trong số 16 vở tham gia TST, chỉ có một vở được nhiều người nhớ là Bông hồng vàng (tác giả Trần Kim Khôi). Tuy nhiên vở này được nhớ không phải vì hay mà là vì tham gia hai liên hoan SK liên tiếp trong năm 2015.

Ở lĩnh vực ĐA, khi thị trường phim hầu như nằm trong tay các nhà sản xuất tư nhân thì họ chủ động tìm kịch bản, tùy theo thời điểm, “mùa” phim, không trông chờ TST. Kịch bản phim sau khi kết thúc trại đa phần bị xếp cất.

TST kịch bản phim năm 2015 do Cục Điện ảnh tổ chức, từ 24 đề cương tuyển chọn dự trại, đến khi kết thúc trại chỉ nghiệm thu được 12 kịch bản. Các sản phẩm đạt yêu cầu từ TST của Cục Điện ảnh may ra có cơ hội được đưa vào sản xuất, còn các TST của Hội Điện ảnh thì khả năng xếp kho cao vì là hội nghề nghiệp, không sản xuất phim. Cứ vậy mỗi năm, kho kịch bản từ các trại dày thêm nhưng nguồn kịch bản làm phim truyện vẫn khan hiếm.

Nơi... trả nợ hiếu hỉ?

Một trong những nguyên nhân khiến TST kém hiệu quả là cách chọn lựa tác giả, tác phẩm tham dự. Thực tế, TST không có sức hấp dẫn đối với lực lượng sáng tác trẻ hoặc những tên tuổi đang có nhiều tác phẩm trong đời sống nghệ thuật hiện tại. Một tác giả trẻ đang có nhiều kịch bản được dàn dựng ở các SK kịch TP cho biết: “Động lực lớn nhất của tôi nếu có tham gia TST thì chỉ là để gặp gỡ, giao lưu với đồng nghiệp. Vì tôi chưa thấy hiệu quả của TST, chưa thấy các tác phẩm ra đời trong TST gây được tiếng vang”.

Có ý kiến cho rằng TST đang bị biến tướng thành nơi trả nợ, hiếu hỉ. Có những tác giả thành “chuyên gia đi trại”, đi hết TST này đến TST khác, cả SK lẫn ĐA, nhưng suốt thời gian dài không có tác phẩm nào được dàn dựng. Họ xem TST như một cơ hội để nghỉ dưỡng miễn phí và tận dụng tối đa cơ hội đó. Cách đây chưa lâu, xảy ra chuyện các tác giả một TST kịch bản SK phản ứng khá mạnh khi hơn 30% tác phẩm dự TST là những kịch bản dưới mức trung bình và không thể sửa chữa của những tác giả lớn tuổi, đã rất lâu không sáng tác.

TST tập trung các tác giả vào một nơi, sinh hoạt ăn uống theo giờ giấc cố định. Các tác phẩm ra đời thiếu hơi thở cuộc sống là điều dễ thấy. Thêm nữa, tham gia TST được tổ chức từ nguồn kinh phí nhà nước, kèm trách nhiệm định hướng tuyên truyền, nên tư duy sáng tác của tác giả thường thiên về những điều vĩ mô.

De trai sang tac khong la noi... an duong
Trung thần - hai trong số ít các tác phẩm từ trại sáng tác tạo được ấn tượng tốt với công chúng

Cứ thế họ tự làm khó mình, làm khó luôn cả khán giả nếu vở diễn được một đơn vị công lập nào đó dàn dựng theo yêu cầu vì là vở được đánh giá cao ở TST. “Nhiều vở diễn ở TST đúng định hướng, nhưng không đi vào đời sống, không chạm được vào cảm xúc của người xem”, tác giả Vương Huyền Cơ băn khoăn.

Lỗi không chỉ do tác giả, mà còn do cách thẩm định kịch bản. Một thời gian dài, những vở diễn chống tiêu cực rất khó qua cửa ải của nhóm thẩm định. Một phần do tác giả còn non vốn sống, cách đặt vấn đề lỏng lẻo, xử lý tình huống, chi tiết thiếu logic, nặng tính chủ quan. Nhưng phần lớn hơn là do tư duy của những người thẩm định.

Có mặt ở khá nhiều TST, NSƯT Triệu Trung Kiên cho biết: “Có những kịch bản chống tiêu cực nóng hổi tính thời sự được đánh giá rất cao ở TST, nhưng về địa phương, những người có trách nhiệm không duyệt cho dựng vì… ngại đụng chạm”.

Có những TST, ban thẩm định yêu cầu sửa chữa hoặc không đánh giá cao những kịch bản chống tiêu cực. Tất cả như cái vòng lẩn quẩn, mài mòn sáng tạo của tác giả, lâu dần họ thành quen với cách viết an toàn, không dám mạnh mẽ đấu tranh với cái xấu, cái ác trong xã hội.

Kỳ vọng từ những đổi mới

Lĩnh vực ĐA năng động hơn khi mạnh dạn bỏ hẳn mô hình TST, chuyển sang hình thức đi thực tế sáng tác. Bà Dương Cẩm Thúy, Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM cho biết: “Phim ảnh là công trình tập thể, liên quan đến nhiều thành phần khác ngoài biên kịch. Tổ chức TST thì chỉ dành cho những người có khả năng viết lách, trong khi đó đi thực tế, các bộ phận khác như âm thanh, dựng phim, họa sĩ thiết kế… đều có thể tham gia. Mỗi năm Hội Điện ảnh TP.HCM Đập cánh giữa không trung và Trung thần - hai trong số ít các tác phẩm từ trại sáng tác tạo được ấn tượng tốt với công chúng Để trại sáng tác ể trại sáng tác không là nơi… an dưỡng hông là nơi… an dưỡng có vài ba chuyến đi thực tế, tùy theo đề tài mà lựa chọn điểm đến. Cách làm này giúp các thành viên tham dự chuyến đi có thể thu thập tư liệu, hình ảnh nhanh để cho ra đời sản phẩm”.

Bà Thúy cho hay, năm 2014 có hai phim tài liệu phát trên Đài Truyền hình TP.HCM được thực hiện từ chuyến đi thực tế đến Điện Biên Phủ. Năm nay, Hội vừa tổ chức các chuyến đi đến vùng đảo Kiên Giang và đang hoàn tất loạt phim tài liệu về biển đảo để lên sóng.

Một thay đổi nữa là Hội Điện ảnh TP.HCM đầu tư kinh phí trực tiếp cho tác giả đi thực tế, lấy tư liệu hoàn thành kịch bản. Cách làm này hiệu quả hơn việc đổ đồng kinh phí đầu người tham gia TST. Mô hình TST nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff ) của Cục Điện ảnh cũng khá hiệu quả. Tham gia các TST này, người tham dự có dịp tiếp xúc và nhận hướng dẫn trực tiếp từ những chuyên gia nước ngoài. Bộ phim Đập cánh giữa không trung của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là dự án ở TST Haniff năm 2012.

Từ năm 2015, TST của Hội Sân khấu Việt Nam có quy định, trước khi tham gia TST, mỗi tác giả phải cung cấp thông tin đã đi dự trại bao nhiêu lần, đã có kịch bản nào được sử dụng. Nếu trong ba-bốn năm liền không có kịch bản được sử dụng, hoặc kịch bản không có gì mới thì không tham dự trại.

Những TST gần đây, một trong những tiêu chí luôn được ban tổ chức nhắc nhiều là kịch bản phải phản ánh trung thực, sinh động thực tế đời sống xã hội, đáp ứng được yêu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của công chúng. Hay như ở TST kịch bản SK về đề tài công an nhân dân mới đây, ban tổ chức phải lên tiếng khuyến khích các tác giả viết về cuộc đấu tranh chống lại cái xấu ngay trong đội ngũ công an nhân dân để kịch bản phong phú, đa dạng và có nhiều màu sắc hơn.

Tuy nhiên, theo NSƯT Triệu Trung Kiên: “Vì nhiều lý do khác nhau, có thể do gặp khó khi mang tác phẩm về địa phương, hoặc tâm lý chọn lối đi an toàn, nên tư duy sáng tạo của một số tác giả vẫn chưa thay đổi”.

Người làm nghề vẫn muốn duy trì mô hình TST, với điều kiện phải thực sự đổi mới về hình thức tổ chức.

Tác giả Vương Huyền Cơ cho rằng: “Nếu những tác phẩm đoạt giải thưởng cao nhưng chỉ có người làm nghề biết với nhau mà không đến được với công chúng, thì đó là sự lãng phí và không sòng phẳng khi tác giả đi trại bằng tiền từ nguồn do người dân đóng thuế. Đừng tự khen ngợi nhau, hãy để công chúng tham dự vào việc thẩm định và trao giải thưởng, huy chương cho các tác phẩm nghệ thuật. Để làm được điều này, những người quản lý văn hóa phải thay đổi tư duy, phải vượt qua những rào cản đã trở nên xưa cũ do chính mình đặt ra trong việc kiểm duyệt tác phẩm. Mỗi tác giả khi tham gia trại phải có ý thức và trách nhiệm với ngòi bút của chính mình. Phải viết như thế nào để không uổng phí số tiền được Nhà nước đầu tư trong suốt 15 ngày”.

Song Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI