Đề án Lễ phục Nhà nước: Lại tiếp tục hội thảo?

16/03/2013 - 00:09

PNO - PN - Một lần nữa, vấn đề lễ phục lại được nhắc đến khi Bộ VH-TT-DL vừa ký quyết định số 919/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước vào ngày 6/3/2013 vừa qua.

Theo quyết định của Bộ: “Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước. Kinh phí thực hiện việc xây dựng và triển khai Đề án Lễ phục Nhà nước sẽ được lấy từ kinh phí do Bộ VH-TT-DL cấp cho Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm”.

Thực tế, vấn đề lễ phục đã được đặt ra từ lâu tại hàng trăm cuộc hội thảo, với hàng trăm ý kiến của các chuyên gia suốt 20 năm qua nhưng câu chuyện về bộ lễ phục Việt Nam vẫn còn dở dang. Bởi cho đến lúc này, các nhà thiết kế thời trang, nhà nghiên cứu văn hóa, sử học… vẫn không tìm được tiếng nói chung về kiểu mẫu. Nhiều ý kiến đề cao tính dân tộc với chiếc áo dài truyền thống, nhưng ngược lại, vẫn có nhiều ý kiến coi trọng sự năng động, cởi mở với Âu phục. Đứng về “phe” thứ nhất: GS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân tộc (Bộ VH-TT-DL), cho rằng: điều tiên quyết của lễ phục là tạo nên sự nhận diện cao về quốc gia, sao cho chỉ cần nhìn vào lễ phục là ai cũng biết người đó đến từ đất nước nào. Và, “Chiếc áo dài Việt Nam đáp ứng được điều đó”, ông nói. Nhưng, chiếc áo dài vẫn chỉ nhận được sự đồng thuận cao khi được chọn là lễ phục cho phụ nữ, còn ở nam giới, nhiều ý kiến cho rằng chiếc áo dài sẽ làm giảm đi tính năng động, khỏe khoắn. Mà, nếu phụ nữ là áo dài, thì nam giới không thể là một kiểu trang phục khác. Chính vì thế, “phe” còn lại cho rằng, nên chọn Âu phục làm lễ phục, nhưng có cách tân và chọn chất liệu vải hoặc họa tiết riêng biệt.

De an Le phuc Nha nuoc: Lai tiep tuc hoi thao?

Trang phục nào sẽ là đại diện chính thức cho việc tạo nên sự nhận diện cao về quốc gia? - Ảnh: Q.T.

Những tranh cãi nói trên đã khiến việc xây dựng lễ phục chưa tiến hành được trong nhiều năm qua. Đó là chưa kể, việc phân định lễ phục và quốc phục vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều: một bên nặng tính nghi lễ văn hóa dân tộc và một bên thường được sử dụng cho các nghi lễ ngoại giao, hay cả hai chỉ là một?

Dĩ nhiên, với đặc thù về hình dáng của chiếc áo dài nam giới, việc dung hòa giữa “ta” và “tây”, giữa truyền thống và hiện đại là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, phải mất 20 năm để bàn thảo về chuyện lễ phục mà vẫn chưa có sự thống nhất là điều bất ổn. Quyết định này của Bộ VH-TT-DL cũng không khiến tình hình này khởi sắc hơn bởi đã từng có nhiều quyết định tương tự như thế trong suốt 20 năm qua và cứ giậm chân tại chỗ. Chính vì thế, khi được hỏi về việc xây dựng và triển khai đề án này, người đứng đầu Cục Mỹ thuật - nhiếp ảnh và triển lãm, ông Vi Kiến Thành ngay lập tức thoái thác: “Có lẽ truyền thông đừng nên nói về vấn đề này nữa, vì nói cũng thế thôi, khi mà “ở trên” vẫn không thống nhất được ý kiến”. Dẫu thế, ông cũng thừa nhận, hiện Cục vẫn chưa có phương án nào khác để việc xây dựng đề án này hiệu quả hơn. “Cái gọi là xây dựng, triển khai, chắc cũng sẽ chỉ là tổ chức hội thảo”, ông nói.

Vũ Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI