Đây; thành phố tôi yêu: Vùng đất dễ sống, đáng sống

06/06/2016 - 13:25

PNO - Người Sài Gòn là vậy, hễ ai giúp họ, dù không gợi ý, đòi hỏi nhưng họ vẫn sẵn sàng giúp lại; họ không ganh ghét, không “dìm hàng”...

LTS: Ngày 2/7/1976, Sài Gòn chính thức mang tên Thành phố Hồ Chí Minh. Bốn mươi năm mang tên vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thành phố Hồ Chí Minh luôn là tiếng gọi tha thiết, cuốn hút, để những dòng chảy từ mọi miền lúc âm thầm lúc rộn rã tìm về, góp thêm tiếng nói trong tổ hợp lộng lẫy sắc màu của đất Gia Định xưa. Loạt bài Đây, thành phố tôi yêu là một góc nhìn, một phút trầm tư, một cái cúi đầu ơn nghĩa, một “khai quật” hào sảng và kiêu hãnh về đất và người phương Nam… của cư dân Sài Gòn, những người đã ở, đã đến và dấn thân, cống hiến hết mình để làm nên thành phố hôm nay, những người không thể rời xa âm giai quen thuộc: Đây TP. Hồ Chí Minh - thành phố tôi yêu.

Day; thanh pho toi yeu: Vung dat de song, dang song
Sau này, đi nhiều nơi, tôi nhận ra rằng, Sài Gòn vẫn là nơi dễ sống nhất

1. Năm 1986, chùm thơ Hát với đất của tôi đoạt giải nhất trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập TNXP TP.HCM. Một sinh viên năm thứ ba đứng chung với những nhân vật tên tuổi mà đoạt giải “ngoại lệ” như Nguyễn Nhật Ánh với trường ca Hơi thở đất đai, truyện dài Sống giữa mùa hè; Bùi Chí Vinh với kịch thơ Thành Taberd… Tôi hết sức sung sướng, tiền giải thưởng giúp tôi sống thong dong thời gian dài. Cũng nhờ đó, sau này, tôi tìm việc, bước chân vào chốn “làng văn trận bút” thuận lợi hơn nhiều người khác.

Tuy nhiên, lúc ấy, tôi vẫn chưa thể quen với Sài Gòn. Mỗi dịp tết, hè về quê nghỉ ngơi, đến ngày chen chân mua vé xe vào lại Sài Gòn, với tôi chẳng khác nào bắt đầu một chuyến lưu đày. Xứ sở gì đâu mà lúc nào cũng xe cộ ầm ầm, hàng xóm sát vách nhà nhưng chẳng ai chơi với ai… Rồi sống đâu quen đó. Riết một thời gian dài, tôi nhận ra, Sài Gòn là nơi dễ sống nhất. Bởi tình người nhẹ nhàng mà sâu nặng. Ân cần mà dung dị. Không hoa hòe, khách sáo, rào trước đón sau, “giữ kẽ”.

2. Còn nhớ, có những ngày từ “làng đại học” ở Thủ Đức, tôi cùng các bạn đạp xe về Sài Gòn xem sách cho thỏa nỗi mê sách, chứ làm gì có tiền mua. Đó cũng là dịp đi chơi cho biết đó đây. Trưa trời nắng gắt. Bụng đói cồn cào. Biết tìm nơi nào nghỉ ngơi hoặc ít ra cũng kiếm bữa ăn chực? Nói thật, chẳng ngại gì. Thời đó khốn khó, thương lắm, quý lắm, ruột thịt lắm người ta mới nhường cơm cho mình.

Lần nọ, đói quá, chúng tôi quyết định vào chùa. Ăn mày lòng từ bi cửa Phật. Được bữa cơm no nê, lại có thêm phần oản đem về nữa. Có một điều lạ, tôi thấy nhà sư mặc áo rách, lòi cả khuỷu tay. Bèn hỏi, nguyên cớ vì sao. Thầy đáp: “Chùa nghèo, chung quanh đây bà con cũng nghèo, mình mặc áo lành xem sao đặng?”. Đó là bài học thứ nhất mà tôi đã lãnh hội. Thiên hạ sao, mình vậy, khoe khoang làm chi. Cứ sống hòa đồng là hơn. Lại những lần khác, vượt qua cầu Sài Gòn lên lại Thủ Đức, cổ họng khát đắng, chỉ cần tạt vào bất kỳ ngôi nhà ven đường là có thể xin nước uống ngon lành. Nếu thích, nằm võng giữa vườn đánh luôn một giấc, chủ nhà chẳng phàn nàn gì. Chà, người Sài Gòn sao mà dễ tính quá. Họ chẳng cảnh giác gì. Thấy người hoạn nạn thì thương. Đơn giản vậy thôi.

Day; thanh pho toi yeu: Vung dat de song, dang song
Chỉ gặp nhau ngoài quán nhậu nhưng đã thân tình thì rất mực

Sau khi ra trường, tôi quyết định ở lại Sài Gòn, chỉ vì nơi này… kiếm tiền dễ quá. Nhiều tờ báo, nhiều nhà xuất bản, nhiều cơ sở in ấn tha hồ múa bút. Nhiều đồng nghiệp trách tôi sao viết nhiều quá, cái danh đã có rồi, chẳng lẽ còn muốn thêm? Tham thế ư? Chẳng phải đâu. Thời mới ra trường, do mất xe đạp nên thỉnh thoảng tôi phải đi xích lô. Đi từ chợ Bến Thành về đến nhà thờ Ba Chuông, nơi tôi đang ở trọ chỉ tốn 30 ngàn đồng. Trong khi đó, chỉ ngoáy vài phút đã có nhuận bút cao hơn số tiền đó nhiều lần, vậy sao lại không viết? Chỉ đơn giản thế thôi. Nói cách khác, đừng làm biếng, ở Sài Gòn, với nghề viết (dù viết tự do hay thuộc cơ quan nhà nước), người ta vẫn đủ sống.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI