'Đảo Khát': Góp thêm tiếng nói chủ quyền biển đảo

12/08/2019 - 12:44

PNO - Được thực hiện từ thời điểm Trung Quốc ngang ngược đưa giàn khoan HD-981 vào vùng biển Việt Nam (năm 2014), nhưng mãi đến nay, bộ phim 'Đảo Khát' mới chính thức lên sóng.

Đạo diễn Lê Phương Nam nói, dù muộn, tính thời sự vẫn còn đó, những vấn đề được phản ánh trên phim không bao giờ cũ.

Ước vọng vươn ra biển lớn

Kịch bản phim Đảo Khát được lấy cảm hứng từ truyện ngắn Thương quá rau răm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Không gian truyện diễn ra ở một cù lao heo hút của miền Tây Nam bộ, nhưng bối cảnh phim đã được chuyển thành đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Câu chuyện được mở rộng với nhiều tuyến nhân vật, lồng ghép hiện tại - quá khứ, những vấn đề nóng của biển đảo. Quan trọng hơn hết là tính tư tưởng: ước vọng vươn ra biển lớn của ngư dân và khẳng định chủ quyền biển, đảo trong giai đoạn hiện nay.

'Dao Khat': Gop them tieng noi chu quyen bien dao
Đảo Khát có đề tài lẫn bối cảnh rất khác biệt so với các phim truyền hình hiện nay

Đạo diễn Lê Phương Nam đã dành gần 3 năm để hoàn thành kịch bản (20 tập phim). “Anh đã lồng ghép rất nhiều chủ đề, từ thế kỷ XVII nhà Nguyễn đưa đội hùng binh ra Hoàng Sa - Trường Sa xác lập chủ quyền đến chuyện người dân Lý Sơn ra khơi, lặn biển, phát hiện hài cốt liệt sĩ, phản ánh cả chuyện đánh bắt cá bằng chất độc xyanua… Ngôn ngữ thoại, hình ảnh đầy chất thơ, kịch bản mang tính văn học rất cao” - nhà báo Minh Diệu, Phó phòng Phim truyện hãng phim TFS - người biên tập kịch bản Đảo Khát, nhìn nhận.

Đạo diễn Lê Phương Nam cho biết, anh đã chắt lọc các sự kiện lịch sử, những câu chuyện có thật gắn liền với lịch sử phát triển của Lý Sơn để làm mạch nối cho phim.

Trong chuyến ra khơi đầu tiên của Hai Hên (Huỳnh Thanh Tùng đóng), lúc chỉ mới là cậu bé 12 tuổi, để con quên đói khát, người cha đã kể cho con nghe chuyện của làng, về dòng họ Đặng - từ thời những ngư dân đầu tiên đặt chân lên đảo. Những “bí mật” được khám phá từ chuyện 15 tên cướp đi tìm kho báu trên đảo, mở ra câu chuyện về văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa hòa cùng văn hóa Việt. Kho báu của đảo chính là di sản văn hóa cha ông để lại, quý giá nhất là tờ lệnh của quan bố chánh - giao nhiệm vụ cho dòng họ Đặng ra Hoàng Sa xác lập chủ quyền.

“Các nhân vật trên phim không chỉ nói riêng về người dân Lý Sơn, mà có thể là hình ảnh của những người dân ở các đảo khác. Mỗi người giữ một sứ mạng lịch sử, cùng góp sức khai thác tài nguyên bền vững, bảo vệ biển đảo” - đạo diễn Lê Phương Nam chia sẻ.

'Dao Khat': Gop them tieng noi chu quyen bien dao
Một cảnh trong phim Đảo Khát

Đảo Khát là nơi nhiều thế hệ ngư dân đối mặt với bão tố, chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Trên nền những câu chuyện lịch sử, văn hóa, chủ quyền là câu chuyện tình yêu giữa 3 nhân vật: Hai Hên, Mịn (Thanh Tú đóng) - đại diện cho thế hệ trẻ bám đảo và bác sĩ Văn (Tuấn Phương) từ đất liền...

Chuyện làm phim ở Lý Sơn

Nhiều phân cảnh trong phim được thực hiện tại Hà Tiên (Kiên Giang), Ninh Thuận, nhưng bối cảnh chủ yếu diễn ra trên đảo Lý Sơn và đảo Bé (còn gọi là đảo An Bình). Ngày đoàn làm phim về đến cảng Sa Kỳ, người dân hỏi: “Mấy anh dân đâu?”. Diễn viên Huỳnh Thanh Tùng trả lời vui: “Tụi tui dân biển”. Người dân bảo: “Tụi tui cũng dân biển nè, mà đâu có đen như mấy anh”.

Nhà báo Minh Diệu nói, ngày đi, ai cũng trắng trẻo, sau 4 tháng ghi hình về, không nhận ra anh em đoàn phim. Đen nhất là quay phim Nguyễn Thái Huân, vì diễn viên còn có cảnh quay cảnh nghỉ, còn quay phim phải liên tục làm việc dưới nắng, trên đảo, dưới biển, trong mưa…

“Trước khi ra đảo, hãng TFS đã cho đoàn phim học một khóa lặn biển. Những cảnh bão trên phim, chúng tôi chọn vùng biển có nhiều sóng, rồi làm mưa nhân tạo. Nhưng cũng có những cảnh đoàn gặp bão to thật, mọi người đều lo lắng, hỏi thuyền trưởng mới biết, bão cấp 4, cấp 5 là phải vô bờ, vậy mà anh vẫn cố gắng lèo lái phục vụ đoàn phim làm tròn cảnh” - đạo diễn Phương Nam chia sẻ.

Đạo diễn cẩn trọng từng câu thoại, mỗi cảnh quay đều muốn đạt đến khung hình điện ảnh. Diễn viên, vì sự chân thật cho từng thước phim mà dấn bước, lăn xả, bất kể mưa nắng, chấn thương. Suốt 4 tháng, đoàn phim sống hòa mình như người dân trên đảo. Diễn viên Kiều Trinh (vai mụ Năm) nói, giờ ngồi xem lại từng cảnh phim, chị đều nhớ như in hình ảnh lúc ở hiện trường.

“Có những ngày đoàn phim ngồi ăn cơm bên ụ cát, gió thổi cát bay hòa cả với cơm. Rồi có khi giăng võng trước nhà dân nằm chờ bão tan. Về đất liền thì tay chân trầy xước hết cả” - Kiều Trinh tâm sự.

'Dao Khat': Gop them tieng noi chu quyen bien dao
Diễn viên Thanh Tú trong Đảo Khát

Nhưng cũng nhờ sống trong lòng dân mà các diễn viên càng thấm thía cuộc sống khó khăn của đảo, hiểu được giá trị của từng giọt nước, từng viên thuốc ở đảo Khát, như những nhân vật trên phim. Lý Sơn - hòn đảo gắn liền với sứ mệnh lịch sử, giữ trong lòng nó những giá trị văn hóa quý báu. Nơi ấy đã có rất nhiều hy sinh, đau thương, nước mắt và nơi ấy bây giờ, những mầm non vẫn đang từng ngày lớn lên.

Đảo Lý Sơn và đảo Bé hiện đã có điện, phát triển du lịch. Đạo diễn Lê Phương Nam nói, dịp phim phát sóng lần này, anh và các diễn viên sẽ cố gắng sắp xếp ra thăm lại bà con trên đảo… 

Đảo Khát sẽ lên sóng tập đầu lúc 22g, ngày 14/8, trên HTV9 và phát từ thứ Hai đến thứ Bảy hằng tuần. Ngoài Thanh Tú, Kiều Trinh, Huỳnh Thanh Tùng, Nhất Phương, phim còn có sự tham gia của các diễn viên: Hùng Thuận, Nguyễn Sơn, Quốc Hùng, Hồ Ngọc Tú…

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI