Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng: 'Kỳ vọng là thứ dễ giết chết người khác'

08/12/2019 - 10:49

PNO - "Nhờ internet, mọi thứ dễ dàng được tiếp cận. Khi muốn làm một cái gì đó thì nảy sinh ý nghĩ lo ngại, cái này người ta làm rồi, cái kia người ta làm rồi..."- đạo diễn Vũ Ngọc Phượng.

Bốn năm trước, Vũ Ngọc Phượng tốt nghiệp thủ khoa ngành đạo diễn tại London Film School - ngôi trường điện ảnh lâu đời nhất của Anh quốc với tấm bằng thạc sĩ. Đến năm 2019, Phượng có trong tay ba bộ phim mà phim nào cũng cho thấy tay nghề chắc chắn, lối kể chuyện giàu sáng tạo. 

12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy - bộ phim đầu tay của Phượng - ngoài ba giải Cánh diều vàng 2016 ở các hạng mục Đạo diễn, Nữ chính/phụ xuất sắc nhất, cùng với 100 ngày bên em (2018) - bộ phim thứ hai - đã nhận được giải Ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam. Cuối tháng 11/2019, Anh trai yêu quái, bộ phim thứ ba của Phượng từng khiến khán giả tại Liên hoan phim Busan 2019 khóc cười, đang tung hoành rạp chiếu.

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'
Vũ Ngọc Phượng (giữa) đang có những bước chuẩn bị để trở thành nhà sản xuất phim, tiếp sức cho nhiều đạo diễn trẻ

Trở về từ Busan, Phượng nói điều làm anh vui và bất ngờ nhất chính là việc Anh trai yêu quái dù là phim dựa trên bản gốc của Hàn nhưng vẫn được khán giả Hàn đón nhận nồng nhiệt và có những phản hồi tích cực. Ngạc nhiên nhất là họ có thể cười giòn tan trước những màn hài bản địa đậm tính Việt Nam. Nhưng ấn tượng của tôi về Phượng không chỉ nằm ở những bộ phim hay việc anh đã can đảm bắt đầu một hành trình mới ở tuổi 25 mà còn là góc nhìn thẳng thắn của Phượng trước những vấn đề của ngành điện ảnh thị trường non trẻ. 

Trước kia, Phượng bị người trong nghề “săm soi” không ít khi bày tỏ ý kiến: “Việt Nam thiếu nhà sản xuất (NSX) giỏi”. Và Phượng đang có những bước chuẩn bị để trở thành NSX phim, tiếp sức cho nhiều đạo diễn trẻ.

Không có gì xấu hổ khi làm phim remake

Phóng viên: Cách thức để tiếp nhận bộ phim của anh là gì?

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng: So với hai phim trước, áp lực của tôi với Anh trai yêu quái lớn hơn. Mọi người thường nghĩ làm phim remake dễ hơn vì chỉ cần dựa trên dữ liệu của bộ phim gốc. Nhưng rõ ràng, nhà làm phim phải xử lý dữ liệu đó như thế nào, khuôn hình, diễn xuất ra sao để mang lại sự mới mẻ, sáng tạo. Tôi muốn lấy câu chuyện vốn tốt để làm tốt hơn, cảm động hơn, hài hước và hợp gu khán giả Việt Nam hơn. Thực tế cho thấy không phải phim nào remake cũng thành công, cả ở Việt Nam lẫn thế giới.

Áp lực thứ hai đến từ việc khán giả biết đây là phim remake sẽ đặt kỳ vọng cao hơn một bộ phim bản địa. Hơn nữa, gần đây nhiều phim ra rạp nhưng chất lượng không cao. Do đó, một bộ phim remake có thể khiến khán giả hứng thú hơn hoặc “nhăn nhó”: “Lại là phim remake à? Việt Nam không viết được kịch bản sao?”…

* Rõ ràng, hiệu ứng tích cực từ mạng xã hội, giới truyền thông đang tỷ lệ nghịch với doanh thu của phim sau một tuần công chiếu.

- Tôi muốn làm một bộ phim mà khán giả dẫu đã xem rồi vẫn có thể xem phiên bản khác để trải nghiệm. Tiêu chí của tôi khi chọn kịch bản phim là cảm xúc. Tôi thích Anh trai yêu quái bản Hàn nên đã nhận lời đạo diễn ngay lập tức. Một số phim gốc đã hoàn hảo rồi, việc làm lại rất khó. Thế nhưng, bộ phim này cho tôi kể câu chuyện theo nhiều cách khác nhau. Dựa trên nền tảng xúc động về tình cảm gia đình, những câu chuyện xung quanh nó rất tự do.

Tôi hạnh phúc vì sự yêu thương, lan tỏa trước tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và khán giả. Tôi cũng rất lo lắng và xót đứa con tinh thần của cả đội trước tỷ lệ nghịch mà chị nói. Đây thực sự là một ca thú vị để các nhà làm phim quan sát. Khi tiến hành đo lường phản ứng của khán giả, chúng tôi nhận ra khâu quảng bá, truyền thông phim “hiền” quá nên ngay từ đầu, phim kém gây tò mò. 

Nhưng nhờ diễn xuất của các diễn viên, chất lượng phim và tổng hòa nhiều yếu tố khác, mỗi ngày phim lại có thêm tín hiệu vui, những con số nhích lên dần chậm nhưng chắc, các suất chiếu ngày thường cũng đầy ắp. Tôi luôn tin một bộ phim chất lượng, chạm được trái tim khán giả sẽ được đón nhận. 

Anh trai yêu quái có thể không bùng nổ phòng vé như kỳ vọng nhưng đã chiến thắng theo cách của riêng nó.

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'

* Tôi theo dõi khảo sát của Box Office Việt Nam, một trong những lý do đầu tiên khiến khán giả không mặn mà với phim là vì họ chưa mở lòng với Kiều Minh Tuấn sau scandal của anh ấy. Khi anh và ê-kíp chọn Tuấn đóng chính có cân nhắc?

- Là đạo diễn, tôi làm việc với Tuấn vì sự xuất sắc và tài năng của anh ấy. Nếu không phải Tuấn thì không ai có thể đóng được vai người anh trai, vừa hài hước, vừa bản năng, nhìn là thấy ghét nhưng cũng rất tình cảm. Chúng tôi có niềm tin vào Tuấn và chấp nhận mạo hiểm. Tôi mừng vì bộ phim đã giúp Tuấn chứng minh được thực lực bản thân và mở cho Tuấn con đường trở lại với khán giả.

Tôi theo dõi khảo sát đó, ngoài lý do về Tuấn, những ý kiến còn lại của khán giả rất đáng lưu tâm và cho tôi nhiều bài học. Chẳng hạn như khán giả không thích phim remake. Gu của khán giả bây giờ rõ ràng khó hơn, khắc nghiệt hơn.

* Nghĩa là sau phim này, các NSX cần thận trọng hơn khi quyết định chọn dự án remake?

- Đúng vậy. Remake giờ đây như chuyển thể một cuốn sách thành phim, cần có sự khác biệt và chất lượng.

* Sự kỳ vọng của khán giả với đạo diễn sau mỗi phim tăng dần. Ở dự án remake này, bạn có nghĩ sự kỳ vọng giảm đi?

- Kỳ vọng là thứ dễ giết chết người khác. Bản thân tôi cũng kỳ vọng ở mình. Và lần này, mình phải chấp nhận. Nghệ thuật đầu tiên là làm vì cảm xúc. Một khi đã có rất nhiều cảm xúc thì tại sao không làm chỉ vì sợ mang tiếng nọ kia? Tôi rất thích câu chuyện này và không muốn chối bỏ cảm xúc của mình.

Làm phim remake không có gì xấu cả. Hollywood, Nhật, Hàn… đều có những dự án remake. Trong sự vận động nhanh của nền điện ảnh và sáng tạo, đây là xu hướng khó tránh khỏi và là dòng chảy chung của thế giới. Không thể bảo ý tưởng này có rồi mình không làm nữa. 

Có những ý tưởng hay, có thể kể lại theo một cách tốt hơn, tại sao mình không làm? Tìm ý tưởng mới thì tìm đến bao giờ nếu không làm việc? Tại các liên hoan phim, có những ý tưởng mới mẻ nhưng khán giả lại không tiếp cận được. Đồng thời, có những phim không remake nhưng xem thì thấy họ lấy chỗ này một tí, chỗ kia một tí. Như vậy gọi là sáng tạo ư?

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'
Vũ Ngọc Phượng đoạt Đạo diễn xuất sắc nhất tại Cánh diều vàng 2016

* Dường như có một sự phân cực ở đây?

- Sự tiếp cận văn hóa ít quá thì mang đến sự ngạo mạn và chủ quan. Chẳng hạn phim tốt nghiệp của các bạn sinh viên, năm nào cũng có đề tài nghệ sĩ mắc kẹt trong sáng tạo, gái điếm, người lao động dưới đáy xã hội… nhưng các bạn vẫn tự tin bản thân đang làm những cái rất mới trong khi thật ra chúng đã rất cũ. Tất nhiên, sự tự tin đó đôi khi mang đến những cái mới thật nhưng rất hiếm.

Trường hợp thứ hai là tiếp cận quá nhiều, như chúng ta bây giờ. Nhờ internet, mọi thứ dễ dàng được tiếp cận. Khi muốn làm một cái gì đó thì nảy sinh ý nghĩ lo ngại, cái này người ta làm rồi, cái kia người ta làm rồi. Hoặc đôi khi, mình nghĩ ra một thứ, không cố ý nhưng lại bị in sâu cái người khác đã làm. Người sáng tạo vì thế vừa phải tìm cách biết nhiều hơn, vừa phải tỉnh táo và liên tục đặt câu hỏi: làm sao để kể khác đi?

* Anh đã bù đắp tính bản địa cho phim ra sao?

- Đầu tiên, tôi tăng tính hài hước để phim gần gũi và thân thuộc hơn, khán giả dễ xem hơn. Khán giả có thể trách sao suốt ngày phim hài nhưng thực ra họ rất thích ra rạp để cười. Và nụ cười là cách nhanh nhất để khán giả yêu thương nhân vật hơn. Đã là hài thì phải rất bản địa. Tôi bỏ nhân vật cũ, thay bằng nhân vật mới là dì Tám do nghệ sĩ Phi Phụng đóng. Tôi điều chỉnh mối quan hệ của nhân vật.

Vì đã có trong tay dàn diễn viên rất giỏi nên trong khâu phân tích kịch bản, điều chỉnh đường dây nhân vật, tôi làm cùng các diễn viên của mình để họ sáng tạo và hiểu nhân vật. Phiên bản mới là công sức, sự cộng hưởng của biên kịch, nhà sản xuất và các diễn viên nữa. Trong quá trình trò chuyện với diễn viên, đôi lúc tôi nhặt được những điều rất hay. Tôi cho rằng, đạo diễn không nên là người duy nhất đóng vai trò sáng tạo mà nên là bộ lọc và kết nối sự sáng tạo của mọi người.

Đừng chối bỏ cảm xúc

* Từ phim đầu tiên đến phim thứ ba, tư duy làm nghề của anh thay đổi như thế nào?

- Điều tôi giữ vững nhất là làm phim bằng cảm xúc và vẫn thích có được sự đồng thuận, phối hợp với ê-kíp. Sự khác biệt lớn là tôi biết tiết chế hơn. Trong phim đầu tiên, tôi luôn cố gắng thể hiện mảng miếng, cố gắng “hét” lên với mọi người rằng tôi đang sáng tạo đây. Bây giờ, cảm xúc quan trọng hơn chứng tỏ. Phim phải thật và đời. Tôi rất sợ kiểu làm phim tỏ ra nguy hiểm, mang thông điệp quá lớn và gượng ép đẩy thông điệp đó lên nhưng cảm xúc không tới.

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'

* Vậy dự án tiếp theo của anh cũng sẽ là về những người trẻ loay hoay trong các mối quan hệ?

- Năm 2020, tôi tham gia ba dự án với vai trò sản xuất. Để đi đường dài với ngành phim, vị trí sản xuất thật sự quan trọng. Tôi rất may, cả ba lần làm đạo diễn đều gặp ba NSX rất tuyệt vời. Tôi nhìn thấy rõ sự dẫn dắt, hỗ trợ của người sản xuất giúp đạo diễn như thế nào. Sản xuất là người vạch chiến lược, là hoa tiêu định hướng một con thuyền. Người cầm lái tàu mà không có hoa tiêu chỉ đường chỉ đi bừa.

Về nghề nghiệp, tôi sẽ phát triển và mở rộng bản thân, phát triển ý tưởng trong các dự án để hỗ trợ và học hỏi từ các đạo diễn khác. Còn đạo diễn thì tùy duyên, phải gặp được kịch bản mình thực sự hứng thú. Tôi thường từ chối đề tài mình cảm thấy không phù hợp, thay vì cố vơ vào những dự án lớn.

* Ngoài câu chuyện, cảm xúc, chủ đề nào anh hứng thú khi nhận kịch bản?

- Tôi thích những câu chuyện liên kết giữa con người như tình cảm gia đình, tình yêu. Đó là điều tôi cảm nhận nhiều nhất nhưng tôi không muốn giới hạn bản thân về thể loại. Tôi muốn khai phá bản thân trong những thể loại trinh thám, kỳ ảo nhưng nội dung là cảm xúc con người. Những câu chuyện đi sâu vào sự cạnh tranh khốc liệt hay yếu tố xã hội quá nặng không phải là thế mạnh của tôi vì tôi chỉ trải nghiệm những việc đó qua phim ảnh, sách vở. Kể một câu chuyện mà bị giả nghĩa là mình lừa dối mình và… thiếu tôn trọng khán giả.

* Điều gì khiến anh quyết tâm vượt mọi trở ngại để theo đuổi điện ảnh?

- Thời đi học, tôi mê game nhập vai. Đó là một quá trình trải nghiệm một câu chuyện, kết nối các nhân vật khác, như một bộ phim tương tác. Tôi muốn làm ra những câu chuyện hay, để nhân vật trải qua những hành trình lớn lao. Do đó, tôi theo học công nghệ thông tin. Học hai năm, không chịu nổi nữa nên tôi bỏ, chuyển sang làm truyền hình và nhiều thứ khác, để rồi nhận ra nơi hợp với mình là phim ảnh.

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'
Vũ Ngọc Phượng là một trong số khá hiếm đạo diễn dám thể hiện góc nhìn thẳng thắn trước những vấn đề của ngành điện ảnh thị trường non trẻ

* Đó hẳn nhiên không phải là một hành trình đơn giản?

- Có bạn sớm nhận ra đam mê và được định hướng, 18 tuổi đã theo học làm phim. Còn tôi, phải đến 25 tuổi mới bắt đầu. Trong suốt bảy năm đó, tôi “lang thang” làm MC truyền hình, làm diễn viên... Tôi nhớ, thời điểm tôi bỏ học là năm 2003. 

Đây là một quyết định lớn lao, liều mạng và gây sốc, nhất là trong môi trường học thuật như Hà Nội và tôi là người dẫn chương trình, người ta sợ tôi trở thành tấm gương không tốt cho người trẻ. Bảy, tám tờ báo lao vào hỏi tôi lý do. Bố mẹ tôi khi đó rất căng thẳng và buồn. Người thân, họ hàng lo lắng và nặng lời, rằng bố mẹ không biết dạy con, làm hư con; rằng không có bằng cấp thì làm sao mà sống, suốt ngày ăn bám à? Nhưng tôi thực sự không muốn bỏ thêm hai năm nữa để học công nghệ thông tin vì con đường đó không dành cho tôi.

* Cảm giác đi đúng đường nhưng lại phiền lòng bố mẹ chẳng dễ chịu chút nào…

- Khi chọn đúng đường, mình đi nhanh lắm. Tấm bằng thạc sĩ tôi mang về tặng bố mẹ giúp ông bà yên lòng. Khi đoạt giải Cánh diều vàng cho phim đầu tay, trong Sài Gòn tôi chỉ đi ăn mừng một lần với đoàn phim nhưng ở Hà Nội, bố mẹ tôi ăn mừng đến ba lần. Cảm giác như bố mẹ muốn “khoe” với mọi người: “Chúng tôi không dạy con chúng tôi sai và nó đã đi được trên con đường người khác không đi. Chúng tôi rất tự hào về nó”.

* Tôi cứ nghĩ tấm bằng đã giúp bố mẹ anh giải tỏa được áp lực từ xung quanh?

- Lúc tôi mang bằng ở Anh về, nhiều người bảo, làm quái gì có chuyện không có bằng đại học mà lại có bằng thạc sĩ? Đó là cái trường vớ vẩn nào? Mọi người quen nghĩ và tiếp nhận mọi thứ theo thứ bậc ở Việt Nam. Nhưng chung quy nhất, mọi người lo cho mình thôi. Ai cũng muốn mình được ổn định và bình an, theo suy nghĩ của họ. Muốn theo đuổi đam mê cần phải liều một tí và làm thế nào trong sự liều đó, bố mẹ được an lòng. Với phim ảnh, bạn chẳng thể cầm bằng mà khoe. Phải chứng minh bằng dự án. Sài Gòn là mảnh đất có duyên với tôi, thương tôi và cho tôi rất nhiều thứ.

Dao dien Vu Ngoc Phuong: 'Ky vong la thu de giet chet  nguoi khac'
Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng bên dàn diễn viên phim Anh trai yêu quái

* Anh là một đạo diễn trẻ thẳng thắn dám bày tỏ ý kiến trước nhiều vấn đề. Nhưng nhiều người trong nghề ngại điều đó, họ sợ va chạm…

- Có những điều mình không nói, người khác cũng nói mà. Miễn là cách nói của mình dựa trên sự thông cảm, thấu hiểu, đừng gây khó chịu cho người khác. Lời nói không mất tiền mua, thuốc đắng dễ uống hơn nếu biết lựa lời, thay vì cầm hết bát thuốc đổ vào. Nhưng nếu ốm mà cho ăn ngọt mãi thì bao giờ mới khỏi? Thị trường điện ảnh Việt nhiều tiềm năng nhưng ngành sản xuất phim vẫn còn non trẻ và chưa tương xứng, không đáp ứng được. Lên tiếng và nỗ lực tìm giải pháp là một cách. Im lặng tạo ra sản phẩm tốt cũng là một cách. Quan trọng là làm thế nào để mỗi ngày tốt hơn.

Tôi chọn cách thứ nhất vì tôi nghĩ, dám nhìn thẳng vào vấn đề mình đang vấp phải đã là một sự can đảm.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

"Đạo diễn cần để diễn viên tự do sáng tạo với kịch bản và phải lắng nghe, tôn trọng họ. Không được chặn lại sự sáng tạo của người khác là điều tôi học được ở Anh. Từ cách làm việc với diễn viên, tôi rút ra bài học với cả ê-kíp. Luôn phải kiên nhẫn nghe mọi người nói hết, nếu chưa quyết định được cái nào hay nhất thì về suy nghĩ. Phải trung hòa quan điểm của mình mà vẫn lấy được cái hay của người khác mới có được sản phẩm tốt".

Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng

Hoàng Linh Lan (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI