Đạo diễn Tường Phương giã từ phim truyện

08/07/2019 - 07:22

PNO - Ông nói, những gì còn chưa làm được thì để thế hệ sau tiếp nối. “Còn mình, xem như đã an phận”. Với ông, quãng đời làm phim truyền hình như thế có lẽ đã đủ.

Sóng ngầm - bộ phim phát sóng lúc 22g, các ngày thứ Hai đến thứ Bảy, trên HTV9, từ ngày 28/6, chính là lời từ giã của đạo diễn Tường Phương với phim truyền hình. Ông nói, những gì còn chưa làm được thì để thế hệ sau tiếp nối. “Còn mình, xem như đã an phận”. Với ông, quãng đời làm phim truyền hình như thế có lẽ đã đủ.

Nhắc đạo diễn Tường Phương, người trong giới vẫn dành sự nể trọng vì cách ông sống lẫn cách làm việc. Lòng yêu nghề, sự tận tụy ông dành cho nghệ thuật thể hiện qua từng góc máy, từng thước phim được chăm chút kỹ lưỡng. Ông có thể đi tìm, chờ đợi hàng giờ chỉ để có được vài giây quay cảnh hoàng hôn. Một phân đoạn phim ngắn ngủi cũng có thể khiến ông đi đến bốn tỉnh thành, tìm cho được bối cảnh ưng ý, để chuyển tải không gian phim theo mong muốn.

Dao dien Tuong Phuong gia tu phim truyen
Đạo diễn Tường Phương trên phim trường Sóng ngầm - Ảnh: TFS

Như trong phim Sóng ngầm lần này, trên màn ảnh nhỏ, khán giả chỉ thấy vài phút chuyển cảnh từ khi nhân vật chèo ghe đến chợ. Thực tế, cảnh đầu quay ở đảo Dừa Lửa (TP.HCM), cảnh sau ở tận Đồng Tháp. Phân đoạn giữa được chen vào một khung cảnh hoàng hôn trên sông ở “đâu đó trên đường đi” mà đoàn làm phim tình cờ “bắt” được. Hoặc một đoạn hồi ức của nhân vật chính được quay từ Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) đến Phan Rí Cửa (tỉnh Bình Thuận).

Nhiều người nói, có thể giản tiện bằng cách quay giả cảnh hoặc giản lược chi tiết. Nhưng với đạo diễn Tường Phương thì không. Ông luôn muốn mang đến cho khán giả những khung hình điện ảnh nhất có thể. Sự trau chuốt này cũng có thể tìm thấy ở những thước phim tài liệu của ông.

“Tôi không dám nhận phim mình làm là phim nghệ thuật. Tôi chỉ làm theo nguyên tắc: phim ảnh là ngôn ngữ hình ảnh thì mình phải tìm cách chuyển tải được hình ảnh tốt nhất có thể. Với tôi, đó là niềm vui chứ không có gì là khó khăn cả. Tất nhiên, kinh phí cho phim truyền hình luôn có hạn, nên người đạo diễn phải biết gói ghém. Càng khó khăn càng phải tìm cách gỡ” - đạo diễn Tường Phương bày tỏ.

Dao dien Tuong Phuong gia tu phim truyen
Một cảnh trong phim Sóng ngầm

Nhiều năm trước, tôi từng theo chân đoàn làm phim Đất mặn của ông về quay ở Cà Mau (phim được trao giải nhất, thể loại phim truyền hình, tại Liên hoan Phim truyền hình toàn quốc 2013); đã thấy được sự chỉn chu và tâm huyết trong từng thước phim của ông. Từng chi tiết, đạo cụ nhỏ, hậu cảnh… đều được ông để tâm, quan sát, sàng lọc tỉ mỉ. Phim truyền hình thời ấy có thể vàng thau lẫn lộn, nhưng phim của đạo diễn Tường Phương luôn nhận được sự tín nhiệm lớn từ người trong nghề lẫn khán giả.

“Ông có lo rằng, những ý đồ nghệ thuật mà bản thân đã cố vượt khó để chuyển tải, khán giả truyền hình lại không nhận ra?” - tôi hỏi, khi thấy Sóng ngầm có nhiều hình ảnh ẩn dụ, chi tiết nghệ thuật được lồng ghép đầy ẩn ý. Chi tiết đắt rất cần cho phim điện ảnh, nhưng đôi khi không phải là lợi thế của phim truyền hình.

Đạo diễn Tường Phương lắc đầu: “Chúng ta không thể nói về nghệ thuật nếu khán giả không tiếp nhận. Trong nghệ thuật nói chung và phim ảnh nói riêng, đạo diễn luôn phải đi tìm sự tương thích giữa nội dung và hình thức thể hiện. Với phim Sóng ngầm, tôi cũng phải tìm một cách riêng để chuyển tải. Khi làm, tôi đã tính toán về mặt kỹ thuật, để khán giả ít nhiều có thể cảm nhận được. Còn về những thông điệp, hãy cứ để mỗi người xem tự tìm thấy, suy ngẫm và nhận diện” - đạo diễn Tường Phương nói.

Sóng ngầm có lúc cực kỳ căng thẳng với những pha rượt đuổi, hành động; nhưng cũng có khi chậm rãi, chất chứa nhiều ưu tư về thế thái nhân tình. Đạo diễn Tường Phương đã gửi trong lời từ giã phim truyền hình của ông một thông điệp về đạo lý con người. Đó là những gì không do bản thân làm ra nhưng lại sở hữu, chiếm đoạt thì đến một lúc nào đó, nhân cách con người cũng sẽ bị hủy hoại. “Có những giá trị làm nền tảng rất lớn mà nếu chúng ta phá bỏ cũng tức là phá bỏ luôn nền tảng con người” - ông suy niệm.

Dao dien Tuong Phuong gia tu phim truyen
Đạo diễn Tường Phương trên trường quay Sóng ngầm

“Phim ảnh là ruột thịt, là xương máu” là cách đạo diễn Tường Phương định nghĩa về chặng đường hơn 30 năm làm nghề. Trong cuốn sổ ghi chép của ông, vẫn còn rất nhiều đề tài ấp ủ, muốn dựng thành phim. “Nhưng thôi, giờ về hưu rồi, xem như mình an phận đi. Tôi có công việc giảng dạy làm niềm vui, còn phim ảnh dành lại cho các thế hệ kế cận. Các em chắc chắn sẽ làm được nhiều hơn những gì thế hệ trước đã làm” - đạo diễn Tường Phương gửi gắm.

Còn ông, những gì để lại cho màn ảnh nhỏ là những dấu ấn khó quên: Người Bình Xuyên, Câu chuyện pháp đình, Dưới cờ đại nghĩa, Ngã rẽ… 

Tiếp tục với Hành trình cây lúa

Dự án phim ký sự tài liệu Hành trình cây lúa (kịch bản Võ Đắc Dự, VTV9 đặt hàng) vừa khởi quay ở giai đoạn đầu. Đạo diễn Tường Phương cho biết, ê-kíp vừa ghi hình ở Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).

“Chúng tôi đi theo ngày mùa. Phim tài liệu này gồm 30 tập, là hành trình đi tìm những câu chuyện từ văn minh cội nguồn, dòng chảy của cây lúa, qua dọc các tỉnh thành Việt Nam. Chúng tôi lên cả Fansipan (tỉnh Lào Cai) để ghi lại những câu chuyện, lịch sử trồng trọt của đồng bào dân tộc; những tập tục, dòng tộc, văn hóa tín ngưỡng, tâm linh… ở cả miền núi lẫn đồng bằng” - đạo diễn Tường Phương chia sẻ thêm. 

Đây cũng là hành trình làm phim tài liệu xuyên Việt, kỳ công của đạo diễn Tường Phương, sau dự án phim tài liệu Ký sự biển đảo quê hương (2016) của TFS.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI