Đạo diễn Philippe Rostan: 'Tôi muốn trao cơ hội cất tiếng cho những con người nhỏ bé'

15/06/2019 - 07:00

PNO - 'Tôi có cảm giác năm 1975 khi theo gia đình sang Pháp, tôi đã để lại ở Việt Nam cậu bé Philippe Rostan. Cậu bé ấy không giống với con người ở phần đời phía sau của tôi'- Đạo diễn Philippe Rostan.

Ra đời 10 năm trước nhưng phải đến Liên hoan phim tài liệu châu Âu - Việt Nam lần thứ 10 vừa diễn ra, đạo diễn người Pháp gốc Việt Philippe Rostan mới mang bộ phim tài liệu Người lạ, giống Pháp (tên tiếng Pháp: Inconnu, présumé français) về Việt Nam. 

Bộ phim vén bức màn bí mật về số phận khắc nghiệt của hàng ngàn đứa trẻ lai sinh ra thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Sự tồn tại ấy trở thành mối đe dọa đối với trật tự hệ thống thuộc địa và những đứa trẻ ấy bị chối bỏ bởi cả cộng đồng Pháp cũng như Việt Nam. Với số lượng con lai Á - Âu ngày một tăng, một sắc lệnh được ban hành, cho phép trẻ lai nhập quốc tịch Pháp. Khi chiến tranh kết thúc, những đứa trẻ lai được đưa vào trại trẻ mồ côi, sau đó “hồi hương” về Pháp, bất chấp nguyện vọng của những người mẹ. 50 năm sau, những đứa trẻ lai năm nào cùng nhau kể lại quá khứ đau buồn của mình.

Ngay khi công chiếu trên Đài truyền hình Pháp, bộ phim Người lạ, giống Pháp đã gây sốc cho công chúng, giới truyền thông Pháp và quốc tế.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'

Những kẻ bị lãng quên

Phóng viên: Thưa đạo diễn Philippe Rostan, khi quay ống kính hướng về phía những nhân vật trong phim, cảm xúc của ông thế nào?

Đạo diễn Philippe Rostan: Nhân vật đầu tiên mà tôi quay trong bộ phim này là Jacques - một người anh họ của tôi. Anh lúc đầu không đồng ý, nhưng trong một lần chúng tôi đi chung xe, vừa đi vừa nói chuyện, anh mới kể câu chuyện hồi nhỏ của mình, liên quan đến chuyến tàu một chiều, tạm biệt Việt Nam để sang Pháp. Trên chuyến tàu đó có rất nhiều lính Pháp. Mỗi người con lai sẽ chọn một người lính nào đó và gọi là cha. Lúc nào tôi cũng mang theo thiết bị ghi hình nên tôi đã đề nghị anh trở thành nhân vật trong bộ phim của tôi. Lúc đó, anh mới đồng ý kể lại toàn bộ câu chuyện tại nhà mình.

Khi quay, tùy chủ đề, tôi thường chọn một số góc quay để khung hình “tự nói ra” câu chuyện của mình. Không phải lúc nào lời nói cũng có giá trị bằng một khuôn hình. Khi anh kể câu chuyện mà anh chưa từng kể cho ai nghe trước đó, anh đã bị kích động và ngồi khóc. Dù lúc đó rất xúc động nhưng tôi không cho mình quyền được khóc. 

Tôi để ý thấy, có lẽ do áp lực của ống kính máy quay nên biểu cảm của anh Jacques không tự nhiên. Vì thế, với những nhân vật sau đó, tôi chọn cách ghi lại bằng điện thoại vì lúc nói chuyện, họ ít bị tác động hơn. Tôi cũng chọn cách phỏng vấn qua điện thoại trước để khi quay, không quá xúc động; mặt khác, tôi cũng có thể chủ động lựa chọn những chi tiết đắt giá nhất, để lúc ghi hình, trong trường hợp họ quên, tôi sẽ nhắc lại. Chiếc máy quay rất dễ khiến người ta phân tâm.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'

* Dù biết câu chuyện con lai từ trước nhưng khi thật sự bước chân vào và lắng nghe họ, ông có bị sốc không?

- Lúc nào tôi cũng cảm thấy bất ngờ và sốc. Khi bước chân vào, tôi khám phá được nhiều câu chuyện, nhiều phận đời khác nhau. Chẳng hạn trong phim, có câu chuyện của người con lai tên Jeanne. Chị đã trải qua cuộc sống thật khủng khiếp ở Việt Nam trước khi qua Pháp: bị lừa bán vào nhà chứa, hết nơi này đến nơi khác. Không một ai, kể cả người thân trong gia đình chị biết điều đó cho tới khi bộ phim được công chiếu. Xem phim này, những người bà con của chị mới hiểu chị hơn. 

Những người con lai cũng bị buộc phải quên đi ngôn ngữ của mình, được nuôi dạy để trở thành người Pháp. Nhằm thực hiện mục đích này một cách triệt để, nhiều cặp anh chị em, khi sang Pháp bị tách ra mỗi người một nơi, đến tận hôm nay vẫn thất lạc nhau. Trong bộ phim của tôi có một nhân vật như vậy. Anh có may mắn qua Pháp cùng với người em ruột nhưng em trai anh được đưa về một trại định cư khác và thế là anh bị “cướp” mất sự liên hệ máu mủ cuối cùng đó trong suốt một thời gian dài cho tới khi họ tìm mọi cách để gặp lại nhau. 

Bộ phim đã gợi ra một thứ ký ức mang tính tập thể, mà mỗi người lại chìm trong một thứ ký ức riêng tư khác. Họ đã sống một cuộc đời lưu vong giữa châu Á - châu Âu và một thời thơ ấu giữa hai bờ biển, mà sự gợi nhớ duy nhất khiến họ rơi nước mắt cùng hàng loạt câu hỏi chưa có câu trả lời về nguồn gốc của mình: Chúng tôi là ai? Tại sao chúng tôi ở đây? Gốc rễ của chúng tôi là gì? Ngày đó, bước chân lên chuyến tàu để rời Việt Nam, không ai biết đó là chuyến du lịch một chiều và đó là cuộc chia tay dài nhất trong cuộc đời họ. 

* Trong phim, một nhân vật nói: “Chúng tôi không biết chúng tôi là ai, là cầu nối giữa Pháp và Việt Nam hay là gai nhọn giữa hai dòng máu”. Còn ông, đạo diễn của bộ phim tài liệu này, ông nghĩ họ là ai?

- Tôi nghĩ họ là một phần của lịch sử Pháp - Việt Nam. 

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'
Ảnh tư liệu - nhân vật cung cấp

* Nhưng rõ ràng họ đã bị lãng quên. Vấn đề con lai đã không được nhắc đến trong lịch sử chính thống của Pháp lẫn Việt Nam... 

- Đúng vậy. Họ là những người “An nam mít”, những người đã sống một cuộc đời “kỳ lạ”, hoang dã, không được thừa nhận bởi Pháp lẫn Việt Nam. Trong lịch sử chính thống của Pháp, câu chuyện con lai vẫn được xem như một phần lịch sử “nhạy cảm”, người ta ngại nói, ngại nhắc. Để tìm tư liệu cho bộ phim này, tôi phải đến thư viện và thông qua lời kể của những nhân chứng của thời đó rồi liên kết tất cả lại. Mất rất nhiều thời gian.   

* Những người con lai bị buộc phải “rời lìa” khỏi Việt Nam, lịch sử Việt Nam không có một sự liên kết nào đã đành, nhưng vì sao lịch sử Pháp cũng bỏ quên như thế, thưa ông? 

- Tôi nghĩ do Pháp là đất nước thua trận trong cuộc chiến tranh đó. Khi thua trận, người ta không muốn nhắc đến. 

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'
Philippe Rostan xem phim tài liệu là một phương tiện để thể hiện cái nhìn trước cuộc đời

Chiến tranh mang khuôn mặt đàn bà

* Xem Người lạ, giống Pháp, tôi thấy ông không chỉ đặt ra một vấn đề thuộc về lịch sử mà còn cả vấn đề thân phận con người, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ?

- Thực ra, tựa phim tiếng Việt mà người ta đặt - Người lạ, giống Pháp - chưa thể hiện trọn vẹn tinh thần mà tôi muốn nói. Tựa tiếng Pháp Inconnu, présumé français dịch sát nghĩa ra là: “một người xa lạ, hình như ông là người Pháp” gợi ra cảm giác mông lung, vô định, chơi vơi của những phận người lưu lạc trong chiến tranh hơn. 

Mà rõ ràng, những người con lai Á - Âu này được sinh ra trong cuộc chiến tranh Đông Dương, bởi một người mẹ Việt Nam và một người cha "vô danh, được cho là người Pháp" - một người lính mà thông tin về họ có khi chỉ là một bức ảnh, thậm chí không.

Sau trận thua ở Điện Biên Phủ, quân Pháp phải rút về nước. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, những người mẹ đã lựa chọn hoặc buộc phải lựa chọn giao con mình cho Federation des Oeuvres Enfants Francis Indochine - Hội trẻ em Pháp gốc Đông Dương (gọi tắt là FOEFI). Để rồi từ đó, những người con lai cũng bước vào những ngày lưu lạc tủi hổ, đắng cay…   

Trong phim, ta cũng có thể thấy, cách nhìn của thời đó về vấn đề con trai và con gái khác nhau như thế nào. Trên chuyến tàu sang Pháp đó, những con lai là nam được ưu tiên hơn những con lai là nữ. Trong khoảng 45.000 đứa trẻ được đưa lên chuyến tàu định mệnh ấy, chỉ có 20% là nữ. Đàn bà ở xứ nào cũng bị coi thường giống nhau. Ở Pháp cũng vậy, có thể tiến bộ hơn một chút. Khi sang đô hộ Việt Nam, người Pháp cũng mang tư tưởng “khai sáng” theo. Những đứa con lai phải học ở trường Pháp. Họ muốn cắt đứt văn hóa Việt Nam. Người Pháp cho rằng đàn bà Việt Nam không dạy được con nên người.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'

* Một cuốn tiểu thuyết có tên là Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ  - ông nghĩ sao?

- Chiến tranh không mang khuôn mặt đàn bà ư? Nếu biết đến câu chuyện về những người phụ nữ thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), người ta sẽ không nói thế đâu. Ngay cả cuộc chiến tranh Đông Dương sau đó cũng có phụ nữ tham chiến. Chiến tranh không phải là câu chuyện của những người đàn ông, mà chiến tranh cũng mang lại những hệ lụy đầy nước mắt cho người phụ nữ.

Khi quân đội Pháp đến xâm chiếm vùng đất đó, đồng thời, họ xâm chiếm cả những người phụ nữ ở đó. Có một điều đặc biệt là những người lính Pháp rất yêu thích phụ nữ Việt Nam. Những cặp con lai đến từ Việt Nam chiếm số lượng đông nhất trong hệ thống các nước thuộc địa của Pháp thời bấy giờ. 

* Từ một câu chuyện nhỏ, ông nhìn bức tranh chung về thời đó ra sao?

- Trong tiếng Pháp có câu này: nhiều câu chuyện nhỏ xếp cạnh nhau sẽ kể một câu chuyện lớn. Bộ phim này cũng vậy, thông qua câu chuyện của những người con lai, ta có thể nhìn thấy cả một thời kỳ lịch sử thuộc địa của Pháp và Việt Nam, thời chiến tranh Đông Dương, cả thời hậu chiến, để mọi người thấy những thay đổi trong cách nhìn nhận về vấn đề con lai suốt chiều dài lịch sử đó như thế nào. Thời kỳ đầu, người ta rất xem thường họ nhưng ngày nay, đã có cái nhìn cởi mở hơn. Đây cũng là khoảng thời gian có tính biểu tượng cho toàn bộ vấn đề di dân giữa hai nước Pháp - Việt.  

Tôi thực hiện bộ phim không nhằm mục đích phê phán. Chiến tranh đã lùi xa hơn nửa thế kỷ rồi. Chúng ta phải nhìn về quá khứ để hướng đến tương lai nhưng không phải lúc nào cũng nhìn mãi về quá khứ như vậy. Ở Pháp, cho đến giờ, vẫn còn một nhóm người suốt ngày chỉ trích họ là nạn nhân của chiến tranh. Ở Việt Nam, có một điều rất hay, là người Việt rất khoan dung với những gì đã từng xảy ra trong quá khứ. Nhờ sự khoan dung, cởi mở đó, người Việt cấp tiến rất nhanh. Trong khi đó, những nước từng là thuộc địa của Pháp trước đây lại chậm tiến hơn nhiều.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'

Họ là những con người nhỏ bé

* Người ta hay nhắc đến những thứ hoành tráng, có quy mô, tầm vóc; trong khi đó, những câu chuyện nhỏ, chẳng hạn như của trẻ em, của những người đàn bà hay những con người nhỏ bé, yếm thế khác không được nhắc đến nhiều. Tôi thấy, phim của ông hướng ống kính về phía những con người nhỏ bé đó…

- Đó cũng là điều khiến tôi quan tâm. Tôi muốn tạo cơ hội cho những người trước đây chưa có cơ hội cất tiếng nói chia sẻ về cuộc đời mình. Tôi từng làm bộ phim về Madeleine Riffaud, người đã tích cực tham gia vào lịch sử thế kỷ XX với nhiều tư cách: một nữ chiến binh chống phát xít, một phóng viên chiến trường sắc sảo, một nhà thơ trữ tình, một người chống chế độ thực dân hăng hái, một người bạn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam thường nhớ bà với tư cách là người yêu một thời của nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Trong những năm tháng chiến tranh, bà đã đến châu Phi, châu Á - nơi có nhiều cuộc chiến tranh diễn ra, trong đó có Việt Nam - tìm gặp những con người nhỏ bé và trao cho họ cơ hội được cất tiếng. Đó là một phụ nữ đáng mến, đáng trọng. 

* Ra đời cách đây 10 năm nhưng bộ phim tới nay vẫn không hề cũ. Có phải những vấn đề mà ông đặt ra trong bộ phim vẫn chưa được giải quyết?

- Khi thực hiện phim này 10 năm trước, tôi cũng không nghĩ rằng, 10 năm sau, nó tiếp tục được chiếu như vậy. Sở dĩ bộ phim này vẫn còn tính thời sự bởi nó chạm được vào một vấn đề mang tính toàn cầu. Cho tới bây giờ, chiến tranh vẫn đang tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi. Ở đâu đó, vẫn có những câu chuyện của con lai như thế này. Tôi nghĩ, chừng nào còn chiến tranh sẽ vẫn còn những câu chuyện về thân phận con người như vậy.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'

* Trong bộ phim của ông, dù chiến tranh loạn lạc, khổ đau và đầy nước mắt, vẫn thấy ở đó những chi tiết ấm áp tình người. Những người con lai đó đã vươn lên, sinh tồn, mạnh mẽ và sống một cuộc đời có ích… 

- FOEFI ngừng hoạt động vào cuối thập niên 80 của thế kỷ trước. Tuy vậy, những đứa trẻ lớn lên ở đó - giờ đây đã trên dưới 60 tuổi - vẫn thường gặp lại nhau vào những dịp nghỉ cuối tuần hay ngày tết. Họ như anh em một nhà. Nói gì thì nói, FOEFI cũng đã giúp họ nên người, dù họ đã phải trải qua nhiều đắng cay. Điều làm tôi xúc động hơn cả là bản năng sinh tồn cũng như sức mạnh nội tâm của con người. Những người con lai được đưa về Pháp ngày đó đều đã tự vươn lên, vượt qua đau khổ để tiếp tục sống. Họ lớn lên mà không biết gia đình mình là ai. Và cho dù còn đó những thương tích về mặt tâm hồn khó có thể xóa nhòa nhưng họ vẫn còn giữ lại một phần Việt Nam trong lòng.

Khi sống xa quê hương, lúc nào người ta cũng thường trực một sự thiếu vắng nào đó. Để lấp đầy sự thiếu vắng ấy, ta sẽ cảm thấy nhớ nhung. Con tôi nói tiếng Pháp, vành mắt của nó màu xanh chứ không phải màu đen như người Việt nhưng nó vẫn nói nó là người Việt Nam. Đó là điều mà không lịch sử, thời gian hay chiến tranh nào có thể làm lu mờ. Nó gắn liền với chúng ta như một sinh mệnh.

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'
Kỷ niệm trong một lần đi làm phim của đạo diễn Philippe Rostan tại châu Phi

* Đó có phải là lý do ông học lại tiếng Việt? 

- Cha tôi là người Pháp, mẹ tôi là người Việt gốc Huế. Sinh ra tại Việt Nam vào năm 1964 nhưng năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc, tôi theo gia đình sang Pháp, nên vốn tiếng Việt hồi nhỏ không nhiều. Mẹ tôi chưa bao giờ khiến các con quên mình còn có gốc gác Việt Nam. Sau giờ học ở trường, khi chúng tôi về nhà, mẹ tôi yêu cầu tất cả thành viên trong gia đình phải giao tiếp bằng tiếng Việt. Bà tự dạy các con học đọc, viết tiếng Việt, nấu các món ăn Việt. Năm tôi 13 tuổi, mẹ đã dạy tôi viết và đọc tiếng Việt. Dấu ấn Việt Nam còn hiện diện trong gia đình tôi bằng rất nhiều sách, băng cassette bà mang về Pháp, kỷ niệm những lần về Huế thăm gia đình ngoại, ăn các món bánh Huế do chính tay bà ngoại tôi làm…

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'
FOEFI trở thành mái nhà của rất nhiều người con lai sau chiến tranh Đông Dương

* Cảm ơn ông đã chia sẻ. 

Việt Nam là một phần rất đặc biệt của con người tôi

Tôi có cảm giác năm 1975 khi theo gia đình sang Pháp, tôi đã để lại ở Việt Nam cậu bé Philippe Rostan. Cậu bé ấy không giống với con người ở phần đời phía sau của tôi. Năm 1991, khi quay trở lại, hai nửa đó mới hòa thành một, để làm nên con người tôi hiện tại. Việt Nam là một phần rất đặc biệt của con người tôi. Mỗi lúc tôi nghe nhạc Việt Nam, tôi cảm nhận được những điều mà tôi không bao giờ gặp trong văn hóa Pháp. Sẽ có những nhà làm phim khác, khi làm phim, không muốn thể hiện cái nhìn của họ. Riêng mình, tôi luôn muốn thể hiện nhân sinh quan của tôi về cuộc đời trong đó. Bộ phim này, câu chuyện này là một nhân sinh quan của tôi.

Đạo diễn Philippe Rostan

Dao dien Philippe Rostan: 'Toi muon trao co hoi cat tieng cho nhung con nguoi nho be'
Ảnh: nhân vật cung cấp

Philippe Rostan là đạo diễn phim tài liệu người Pháp gốc Việt. Ông cùng gia đình rời Việt Nam sang Pháp năm 1975, sau khi chiến tranh kết thúc. Rời Việt Nam từ năm 11 tuổi nhưng trái tim Philippe Rostan vẫn luôn khắc khoải, mong muốn tìm lại bản sắc Việt trong con người mình. Có lẽ vì vậy mà sau khi tốt nghiệp chuyên ngành đạo diễn Đại học Paris Vincennes, sự nghiệp điện ảnh của ông luôn gắn bó sâu sắc với đất nước Việt Nam. 

Năm 1991, ông nhận làm phụ tá cho đạo diễn Pierre Schoendoerffer thực hiện bộ phim tài liệu Điện Biên Phủ và cho đạo diễn Mathieu Kassovitz với phim Métisse (Con lai) năm 1994. Dù với vai trò đạo diễn, biên kịch hay nhà sản xuất phim, Philippe Rostan đều cống hiến hết mình và thực hiện thành công nhiều bộ phim tài liệu xoay quanh chủ đề chính là Việt Nam, trong số đó phải kể đến Chiếc bánh ít (năm 2001), Nước Việt Nam thân yêu (2007), Người lạ, giống Pháp (2009), Hoa sen (2011)…  

Sắp tới, ông sẽ làm một bộ phim hoạt hình về đề tài chiến tranh Việt Nam.

Đậu Dung (thực hiện, với sự giúp đỡ phiên dịch của chị Như Nguyện)


 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI