Đạo diễn Nguyên Đạt: 'Tôi rất tiếc vì sai sót không đáng có'

19/09/2018 - 07:07

PNO - Phần hát nhép trong vở 'Tổ quốc nơi cuối con đường' ở Liên hoan cải lương toàn quốc khiến nhiều khán giả và người làm nghề phản ứng gay gắt, cho là không cần thiết, làm hỏng tác phẩm.

Được đánh giá là tác phẩm có đầu tư, nhiều tâm huyết, nhưng ngay sau buổi diễn tại Liên hoan cải lương toàn quốc 2018, vở Tổ quốc nơi cuối con đường (tác giả: Lê Thu Hạnh, chuyển thể: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Nguyên Đạt) khiến nhiều người làm nghề và khán giả phản ứng vì thủ pháp dàn dựng trong lớp diễn có sự xuất hiện của NSND Hồng Lựu và NSƯT Minh Vương.

Dao dien Nguyen Dat: 'Toi rat tiec vi sai sot khong dang co'
Tổ quốc nơi cuối con đường sẽ đẹp hơn nếu không có màn hát nhép không cần thiết - Ảnh: Thảo Vân

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM đạo diễn Nguyên Đạt đã có những chia sẻ thẳng thắn.

Phóng viên: Lớp diễn giấc mơ được gặp lại cha, mẹ của nhân vật Tống Văn Sơ được đánh giá là lớp diễn đẹp. Nhưng dư luận thắc mắc về việc sử dụng kỹ thuật thay thế giọng hát. Đây là sự cố hay thủ pháp xử lý của đạo diễn?

Đạo diễn Nguyên Đạt: Tôi đã lắng nghe dư luận và trăn trở rất nhiều. Thực ra, trong kịch bản gốc của tác giả Lê Thu Hạnh không có lớp diễn Tống Văn Sơ gặp cha mẹ trong mơ, nhưng tôi xin phép bổ sung cảnh diễn này, vì tôi nghĩ lớp diễn sẽ mang tinh thần truyền thống, điểm tựa và tư tưởng sâu sắc, hiệu quả hơn.

Tôi rất đắn đo khi tìm người đảm nhận nhân vật cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Cuối cùng, tôi quyết định chọn hai nghệ sĩ có tầm vóc, uy tín là NSND Hồng Lựu và NSƯT Minh Vương với niềm tin họ sẽ có đủ tâm thế và thần thái cho hình tượng cao đẹp, phù hợp với lớp diễn khắc họa tình gia đình, tình yêu đất nước thiêng liêng, nêu bật được đạo lý nhân nghĩa, đạo đức làm người.

Tôi thừa nhận mình đã sử dụng thủ pháp với mong muốn tạo hiệu quả cho vở diễn chứ đó không phải là sự cố.

* Lớp diễn của mỗi nghệ sĩ chỉ khoảng 5 phút. Nghệ sĩ có thể hát thật. Dùng thủ pháp ở đây có thực sự cần thiết?

- Trong suốt quá trình tập, các nghệ sĩ đã rất nghiêm túc từ tạo hình đến trình thức biểu diễn, với mong muốn dù lớp diễn ngắn vẫn chuyển tải được giá trị tư tưởng.  Phần âm nhạc của nhân vật Nguyễn Sinh Sắc được phối trên nền nhạc tài tử cải lương Nam bộ. Chỉ một bài bản và hai câu vọng cổ nên NSƯT Minh Vương ca rất hay và truyền cảm. Phần nhạc dân ca Nghệ An của NSND Hồng Lựu có sự hỗ trợ thu âm trước của dàn bè, tạo độ dày và hiệu quả trong sự phối hợp dân tộc - hiện đại.

Tuy nhiên, đây là lớp diễn cần có sự tương tác giữa nghệ sĩ với phần minh họa của diễn viên múa, kỹ thuật ánh sáng, khói lạnh, sự di chuyển liên tục của các cụm sen trắng - rừng tre - đèn dầu Nam bộ... Yếu tố phối hợp đòi hỏi sự chuẩn xác cao. Tôi lo với điều kiện âm thanh hiện nay, nếu xảy ra sự cố, sẽ phá hỏng hoàn toàn lớp diễn. Để giải quyết, tôi đã cho xử lý kỹ thuật âm thanh. Xin khẳng định, tôi là người quyết định sử dụng thủ pháp và yêu cầu các nghệ sĩ thực hiện.

* Nhưng đã có quy định cấm hát nhép.

- Vì mong đạt hiệu quả cho giấc mơ lung linh, huyền ảo, tôi đã chủ quan và quên quy định không được hát nhép. Tôi không cho phép mình dễ dãi, cẩu thả trong sáng tạo nghệ thuật. Tôi luôn tự nhắc phải hạn chế thấp nhất sự sai lệch, dù nhỏ nên cẩn trọng trong từng chi tiết. Nhưng một sai sót không đáng có đã xảy ra, làm ảnh hưởng đến tâm huyết, công sức và nỗ lực của cả tập thể. Đó là bài học kinh nghiệm quý giá của tôi.

Thảo Vân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI