“Vua vọng cổ” Viễn Châu qua đời ở tuổi 92

01/02/2016 - 20:37

PNO - Vào lúc 13 giờ 15 phút chiều ngày 1/2, soạn giả cải lương Viễn Châu đã từ trần tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.

Sau một thời gian lâm bệnh và được an dưỡng tại nhà riêng, Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Viễn Châu qua đời vì tuổi cao sức yếu.

Được biết, 9 giờ sáng ngày 2/2, linh cữu của soạn giả Viễn Châu sẽ được đưa sang Nhà tang lễ Thành phố. Lễ động quan diễn ra sáng ngày 4/2, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

NSND Lệ Thủy, NSND Kim Cương và Ban ái hữu Hội Sân khấu TP HCM đang cùng gia đình chuẩn bị hậu sự cho ông.

“Vua vong co” Vien Chau qua doi o tuoi 92
Soạn giả - NSND Viễn Châu đã từ trần vào lúc 13 giờ 15 phút chiều ngày 1/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Soạn giả - Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá, sinh năm 1924 tại xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ông xuất thân trong gia đình vọng tộc, thân phụ là Hương cả, là con thứ sáu trong gia đình, ông còn có tên là Bảy Bá theo thông lệ người miền Nam.

Ông được biết đến là người đã khai sinh ra thể loại cải lương tân cổ giao duyên và đã có công đào tạo ra nhiều thế hệ nghệ sĩ cải lương danh tiếng một thời.

Năm 1942, ông tham gia Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Tuy nhiên, dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay "Chàng trẻ tuổi" được đăng trên báo Dân Mới và bài thơ "Thời mộng" được đăng trên báo Tổng xã mới cũng trong năm đó.

Cuối năm 1943, ông theo đoàn Tố Như lưu diễn. Hai tháng sau, ông tham gia gánh ca kịch của Năm Châu ra Hà Nội lưu diễn. Trên bước đường nghệ thuật của mình, ông có cơ hội tiếp xúc với các nghệ sĩ tài danh bấy giờ như Năm Châu, Lê Hoài Nở, Trần Hữu Trang, Duy Lân... và học hỏi được nhiều kỹ năng về tư duy sáng tác.

Năm 1945, Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương. Bấy giờ, ông đã viết vở cải lương đầu tay "Hồn chiến sĩ", với nội dung cổ vũ cho cuộc Kháng chiến chống Pháp. Vở tuồng đã được Ủy ban Kháng chiến hành chánh quận Trà Cú (lúc bấy giờ là quận Trần Chí Nam) tổ chức biểu diễn bán vé để góp quỹ kháng chiến.

Năm 1946, quân Pháp kiểm soát phần lớn vùng Trà Vinh. Để tránh bắt bớ do từng cầm súng chống Pháp, ông bỏ xứ Đôn Châu lên Vĩnh Long tá túc trong nhà một người bạn rồi sau đó phiêu bạt lên Sài Gòn, tìm đến đoàn Năm Châu (lúc này đổi tên là đoàn Con Tằm) để nương nhờ và theo nghiệp nghệ thuật cải lương từ đó.

Tại Sài Gòn, ông bí mật hoạt động cho Ban công tác thành ở Sài Gòn. Không lâu sau, ông bị người Pháp bắt giữ cùng với 4 người khác để khai thác. Mặc dù không đủ bằng chứng kết tội, ông vẫn bị giam giữ mà không xét xử, sau đó bị đày đi an trí ở Cẩm Giang (Tây Ninh).

Mãi đến cuối năm 1949, ông mới được trả tự do. Ông trở lại Sài Gòn, lại tìm đến đoàn Con Tằm với cái tên mới Trương Văn Bảy. Năm 1950, ông viết vở cải lương "Nát cánh hoa rừng" với bút danh Viễn Châu, phóng tác từ truyện đường rừng của Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu đại ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được công chúng hoan nghênh nhiệt liệt.

Sau năm 1975, ông cộng tác với Đoàn Văn công (1975), hãng băng Sài Gòn Audio (1978) và nhiều đoàn hát ở các tỉnh. Năm 1984, ông cùng đoàn nghệ thuật 284 lưu diễn ở các nước Tây Âu như: Đức, Bỉ, Pháp, Ý.

Cả cuộc đời ông từ năm 1950 trở đi toàn tâm ý dồn hết cho nghệ thuật cải lương. Mặc dù tuổi cao và bệnh trọng, nhưng ông vẫn miệt mài sáng tác. Nghệ sĩ Ưu tú Phương Quang (một học trò của NSND Viễn Châu) từng cho biết, thầy mình từng dặn con trai là nhạc sĩ Trương Minh Châu : "Ba chết, nhớ bỏ vô quan tài một mớ giấy, bút để xuống đó ba viết bài vọng cổ".

Ông được mệnh danh là vua của các vị vua cải lương, "là người tạo danh cho các nghệ sĩ", bởi qua nhiều sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ khi thể hiện đã được cái ưa thích để đông đảo người xem chú ý hơn, ví dụ như: Mỹ Châu với bài "Hòn vọng phu", Út Trà Ôn với "Tình anh bán chiếu",... Bên cạnh đó, ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa,...

Hơn 50 năm sáng tác, ông đã để lại một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Trên 50 vở cải lương đã được trình diễn trên các sân khấu đại ban và trên 2000 bản vọng cổ đã được các hãng đĩa, băng thu thanh và phát hành.

Trong đó có các tuồng cải lương nổi tiếng như : Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Chuyện tình Lan và Điệp, Tình mẫu tử, Nát cánh hoa rừng,… Song song đó, còn có các bài vọng cổ Tình anh bán chiếu, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ, Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Lan và Điệp, Hàn Mặc Tử,..

 Hữu Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI