Đánh thức giá trị một vùng đất

23/10/2019 - 17:08

PNO - Cuộc thi bút ký Quận 5 trong tôi, được UBND quận 5 (TP.HCM) tổ chức dành cho các nhà văn lẫn cây bút không chuyên.


 Một cuộc thi cấp quận, mở ra rất nhiều góc nhìn về những giá trị văn hóa - lịch sử, di sản - con người của một vùng đất.

Quận 5 có diện tích hơn 420ha, là quận nhỏ thứ hai so với các quận, huyện khác của TP.HCM (chỉ lớn hơn quận 4). Đất chật người đông như vậy, nhưng đây lại là vùng đất khá đặc biệt, nổi bật hơn cả là khu vực Chợ Lớn với cộng đồng người Hoa sinh sống. “Ăn quận Năm, nằm quận Ba”, câu vè dân gian minh chứng cho nét văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo của vùng đất này.

Đề tài Sài Gòn xưa và nay nói chung là mảnh đất màu mỡ cho các nhà văn, nhà nghiên cứu khai thác. Nhưng viết riêng cho một khu vực quận, huyện có lẽ còn hiếm. Với quận 5, nhà báo Nguyễn Đình từng có cuốn Chuyện nhỏ ở Chợ Lớn (Phương Nam Books và nhà xuất bản Thế Giới ấn hành tháng 6/2018), viết riêng về nếp sống, văn hóa, sinh hoạt của cộng đồng người Hoa. Tuy nhiên, đó chỉ mới là những cuộc tìm kiếm, khắc họa riêng lẻ của những người cầm bút.

Danh thuc gia tri  mot vung dat
Cầu chữ Y quận 5 - ảnh: vanchuongphuongnam

“Chúng tôi tổ chức cuộc thi này dành cho các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên, để không chỉ nhà văn mà người dân cũng có thể bày tỏ những tình cảm, kỷ niệm, dấu ấn đặc biệt về mảnh đất mà họ đang sinh sống. Chúng tôi mong rằng, từ cuộc thi này, từng góc nhỏ, từng mảnh nhớ trong cảm xúc rất riêng của mỗi người sẽ góp phần khắc họa một cách đầy đủ, trọn vẹn về mảnh đất này”, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5, bày tỏ.

Theo nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, cuộc thi khiến ông nhớ đến những bài viết về 20 phố chuyên doanh của quận: phố Đông y, phố thời trang, phố vàng bạc - đá trang sức, phố lồng đèn… Tại đây còn có các chợ chuyên ngành như chợ vải Đồng Khánh, chợ sắt Hà Tôn Quyền, chợ gạo, chợ phụ tùng xe máy… cùng các ngành dịch vụ truyền thống làm đầu lân, thêu phướn, viết liễn…

Trong khu vực còn các di tích lịch sử - văn hóa như nhà đèn Chợ Rẫy (nơi thành lập một trong những chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Sài Gòn - Chợ Lớn), nhà đèn Chợ Quán (cơ sở công hội đỏ đầu tiên của thành phố), số 5 Châu Văn Liêm (nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước, nơi hy sinh của hai chiến sĩ cách mạng Lê Thị Riêng và Trần Văn Kiểu)… Trong sự lãng quên của du lịch di sản TP.HCM, những địa chỉ đỏ này cũng rất ít khi được nhắc đến.

Ngoài ra, lễ hội Nguyên tiêu thường niên, sau 30 năm tổ chức tại quận, hiện đang được làm hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. “Trong thời gian tới, quận sẽ phát triển mô hình du lịch văn hóa, các điểm đến sẽ là phố Đông y Hải Thượng Lãn Ông, sau đó kết hợp cho du khách tham quan, trải nghiệm làm kim hoàn, giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc sắc của người Hoa khu vực Chợ Lớn”, ông Huy nói thêm.

Hiện 19 di tích của quận 5, trong đó có 11 di tích cấp quốc gia và 8 di tích cấp thành phố, vẫn chưa phát huy hết giá trị về du lịch. Bên cạnh đó, còn có 8 công trình, địa điểm đang chờ xếp hạng di tích, trong đó có mộ học giả Trương Vĩnh Ký, khu phố cổ Hải Thượng Lãn Ông.

Một số liệu thú vị cho người cầm bút tìm hiểu: hiện quận có 500 hiện vật và 350 cặp liễn đối, hoành phi, bài vị, văn bia có giá trị cần được bảo tồn. Đây cũng là nơi giao hòa các giá trị văn hóa Việt - Hoa, Đông - Tây, kim - cổ.

Những khám phá và sự khác biệt về vùng đất này có thể tạo nhiều cảm hứng lẫn bất ngờ. Kênh Tàu Hủ - chảy qua các quận 5, 6 và 8 - từng là nơi giao thương, vận chuyển hàng hóa từ miền Tây lên Sài Gòn. Tín ngưỡng thờ tự từ ngoài cửa nhà đến tận bếp của người Hoa, mỗi món ăn gia truyền có cho riêng nó một câu chuyện, từng ngôi đình, chùa, miếu, các hội quán… đều gắn liền với những giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của cộng đồng. 

Một cuộc thi cấp quận sẽ nhắc nhớ những người cầm bút về giá trị của những vùng đất trong lòng thành phố, có thể đang bị văn chương bỏ quên. 

Cuộc thi bút ký Quận 5 trong tôi dành cho tất cả công dân sinh sống trên địa bàn TP.HCM, thời gian nhận bài dự thi từ ngày 15/11 đến hết 31/12/2019. Bài dự thi gửi về: Phòng văn hóa và Thông tin Q.5 (203 An Dương Vương, P.8, Q.5) hoặc qua email: vhtttt.q5@tphcm.gov.vn.

Bài dự thi không quá 4.000 từ, thuộc thể loại bút ký, mỗi tác giả có thể tham dự nhiều bài nhưng chỉ với một bút danh. Phạm vi đề tài: viết về các thành tựu chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của quận; cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp; đề cao giá trị lao động và con người gắn với truyền thống văn hóa. 

Ban giám khảo gồm: nhà văn Bích Ngân, Trầm Hương, Đỗ Viết Nghiệm và đại diện lãnh đạo quận 5: bà Hồ Thị Trúc Giang (Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo quận ủy quận 5), bà Trần Thị Minh Tân (Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận 5). Lễ trao giải dự kiến diễn ra ngày 30/4/2020, tổng giá trị giải thưởng trên 130 triệu đồng. Các tác phẩm chất lượng sẽ được in thành sách.

 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI