Đại Nghĩa ray rứt chuyện làm nghệ thuật hay đi tu

15/03/2013 - 00:16

PNO - PNCN - Được xem là một trong những nhân tố hiếm hoi có triển vọng kế tục lớp diễn viên đàn anh tài danh của sân khấu IDECAF, Đại Nghĩa không chỉ là gương mặt có nhiều sức hút trong các vở diễn, phim truyền hình mà còn được chú...

Dai Nghia ray rut chuyen lam nghe thuat hay di tu

Đại Nghĩa ngoài đời thường Ảnh: Nhân vật cung cấp 

* Có phải vì tiền thưởng cho người thắng cuộc đến 100 triệu đồng mà Đại Nghĩa “liều mình” xông vào một gameshow thi hát với những ca sĩ thứ thiệt?

- Nói không cũng đúng, nói đúng cũng không sai. Lúc đầu, tôi từ chối vì biết mình là một diễn viên, không thể “đấu” nổi với năm ca sĩ chuyên nghiệp trong chuyện thi hát nhưng rồi sau hai tuần suy nghĩ, tôi bị thuyết phục bởi mục đích từ thiện, dù không trông mong gì việc đoạt giải. Ba lần dẫn điểm về đầu đối với tôi là một bất ngờ, sung sướng vì thắng thì ít mà vui thì nhiều vì nhờ vậy mà mình có được một số tiền kha khá để giúp đỡ người bất hạnh. Thường ngày, gặp những cảnh đời khó khăn, mình muốn làm nhiều điều cho họ nhưng không có khả năng kinh tế. Chính chương trình Gương mặt thân quen đã tạo điều kiện để tôi thực hiện được mong muốn đó.

* Dư luận lại nghĩ ngược lại, cho rằng chính nghề diễn đem lại cho Đại Nghĩa lợi thế “đóng vai người khác” dễ hơn ca sĩ?

- Là diễn viên nên chuyện hóa thân vào người khác đối với tôi cũng không quá khó, bởi mình đã quen cách nghiên cứu nhân vật. Họ có nhiều bài hát hay được công chúng biết và tôi luôn chọn những bài tiêu biểu nhất của họ để thể hiện. Việc hóa trang đòi hỏi nhiều công sức, ví dụ như khi đóng tài tử Ngọc Bảo, tôi phải tự ngồi chấm từng nốt đồi mồi trên mặt, trên cổ, vẽ từng sợi gân lên mu bàn tay. Làm Phạm Anh Khoa thì không quên những hình xăm trên cánh tay… Nhưng, khó khăn lớn nhất của tôi là giọng hát. Tôi không thể hát hay như họ nên chỉ biết cố gắng tìm những nét đặc trưng trong cách phát âm, nhả chữ, luyến láy để khán giả nhận ra nhân vật.

* Cuộc chơi đã sắp đến hồi cuối, cảm giác của anh bây giờ ra sao?

- Không ngờ cuộc chơi đem lại nhiều niềm vui như vậy, nếu lúc đó tôi không nhận lời hẳn bây giờ rất tiếc. Đây là một cuộc chơi hiếm hoi không mang tính cạnh tranh, rất trong sáng. Ngay từ đầu, sáu người chúng tôi ngoéo tay với nhau, sáu tuần thi đầu, dù thắng hay không thắng, tất cả số tiền đó cũng để làm từ thiện. Những tuần sau, ai thắng cũng chia đều để tất cả cùng vui. Riêng tôi, có thêm điều thú vị nữa là tất cả những ca sĩ mình thể hiện đều là những thần tượng mình ngưỡng mộ từ nhỏ, không bao giờ nghĩ có ngày mình lại được dịp hóa thân vào họ trong chính ca khúc mình yêu thích. Mặt khác, ở khía cạnh diễn viên, tôi có dịp giới thiệu với khán giả những khám phá mới về khả năng của mình.

Dai Nghia ray rut chuyen lam nghe thuat hay di tu

Hóa thân thành một nông dân hiền lành trong phim Xương rồng trên cát - vai diễn lọt vào top 5 hạng mục diễn viên phụ - HTV award 2013
 

* Nói đến Đại Nghĩa, người ta thường nghĩ ngay đến những vai “quậy” tưng bừng, chẳng hạn như vai Lê Chậm trong vở Miêu nữ hí miêu gia trong dịp Tết Quý Tỵ vừa qua. Trở thành diễn viên hài là mong ước của anh?

- Lúc học trong trường, tôi chuyên đóng vai bi (khóa I Trường cao đẳng Sân khấu điện ảnh TP.HCM), không nghĩ mình có thể đóng được vai hài. Nhưng khi ra đời, diễn viên như tôi không được chọn vai, người ta phân vai gì thì làm vai đó, lâu dần thành diễn hài lúc nào không hay. Tôi nghĩ, diễn được hài còn cần có cái duyên trời cho, không thể muốn hay học là được. Thỉnh thoảng nhận được một vai bi, tôi thấy như mình được trở lại những ngày xưa. Tôi thích diễn những vai có tâm lý phức tạp, có số phận trắc trở. Như trong vở Cuộc chơi nghiệt ngã, tôi làm một anh chồng bị vô sinh, thấy tôi vừa bước ra sân khấu là khán giả cười nhưng xem một hồi người ta lại thấy thương cảm. Hay như trong phim truyền hình Xương rồng trên cát (ĐD Lê Lộc), tôi đóng vai ông Tồ, một nông dân hiền lành, xấu xí, khờ khạo, chất phác nhưng có tấm lòng biết hy sinh cho vợ con. Vai này đã giúp tôi lọt vào top 5 diễn viên nam phụ xuất sắc HTV Award năm nay.

* Nhưng lâu nay trên sân khấu, Đại Nghĩa dường như chỉ còn là người chuyên làm công việc gây cười. Có bao giờ anh sợ khán giả chán mình?

- Chuyện này là do nhiều nguyên nhân. Khán giả đến với sân khấu chúng tôi phần đông chỉ thích xem hài, trong khi diễn viên có thể đóng hài không nhiều nên đạo diễn thường đẩy những người có khả năng ra cho an toàn. Vả lại, khán giả cũng chỉ thích xem Đại Nghĩa diễn hài thôi. Vì rất sợ khán giả chán nên lúc nào tôi cũng cố gắng tìm cách “đổi mới” vai diễn, từ tính cách, hình dáng bên ngoài, cách phát âm, hoặc cho nhân vật một thói quen nào đó để tránh sự trùng lặp. Như trong vở Một ngày làm vua, tôi cho nhân vật tể tướng của mình là một người lùn. Suốt vở diễn, tôi đi đứng bằng cách ngồi trên hai mũi chân của mình, kể cả những cảnh phải nhảy múa, rất mỏi, rất đau, rất nhức. Lần nào trước khi diễn, tôi cũng phải làm công việc khởi động rất kỹ.

* Việc lọt vào top 5 HTV Award phim truyền hình lần này chứng tỏ Đại Nghĩa cũng “sáng giá” ở sân quay. Sức mạnh đồng tiền đã kéo không ít diễn viên rời bỏ sân khấu, còn anh?

- Tôi luôn xác định sân khấu mới là cái nôi, đã cho tôi rất nhiều, từ công ăn việc làm ổn định lẫn danh tiếng. Tôi chỉ nhận lời tham gia phim nào không ảnh hưởng tới lịch tập và diễn ở sân khấu mà thôi. Tôi đóng phim không vì mục đích kiếm tiền mà để mở rộng thêm đất diễn cho mình. Cát sê một suất diễn kịch có thể không nhiều nhưng “góp gió” sẽ thành bão, chưa kể những món lợi khác về mặt tinh thần mà “trôi nổi” theo phim sẽ không có được.

Dai Nghia ray rut chuyen lam nghe thuat hay di tu

Vai diễn ông Sáu Lôi của Đại Nghĩa trong vở Tía ơi má dìa

* Gia đình không ai theo nghệ thuật, vậy từ lúc nào anh nghĩ tới nghề này?

- Bạn bè cùng lứa có đứa học đến lớp 12 chưa biết mình sẽ theo nghề gì nhưng tôi từ năm 15 tuổi đã xác định lớn lên làm diễn viên. Tôi may mắn nhận ra niềm đam mê sớm và âm thầm chuẩn bị cho ước mơ. 16 tuổi, tôi tham gia CLB diễn viên Tân Sơn Nhất như một bước đệm để hai năm sau thi vào trường cao đẳng Sân khấu và điện ảnh.

* Hơn 10 năm theo nghề, có điều gì khiến anh buồn phiền?

- Những năm mới ra trường còn non nghề, tôi bị chấp chới. Ra diễn, luôn bị chê khi thì giống Thành Lộc, lúc lại giống Hữu Châu, giống Trung Dân… trong khi mình có muốn thành bản sao của ai đâu. Bị la rầy, nghe những lời chê bai, tránh sao khỏi hoang mang, day dứt, nhiều đêm tôi không ngủ được. Nhưng cũng nhờ tôi luôn đau đáu, trăn trở, về nhà tập một mình, cố tìm chìa khóa cho vai diễn mà dần dần, tôi đã được khán giả chấp nhận.

* Chất lượng các vở kịch trên sân khấu thành phố vài năm trở lại đây không khỏi khiến công chúng quan ngại, trong đó không loại trừ sân khấu IDECAF. “Anh cả” IDECAF đã không còn mấy những vở khiến người xem phải ngất ngây như xưa mà thay vào đó là không khí ồn ào, cười cợt một cách hời hợt. “Người trong cuộc” như anh có nhận ra điều đó không?

- Nội bộ chúng tôi hầu hết đều cảm nhận được hiện trạng nhưng biết làm sao khi kịch bản hay không có, dàn nghệ sĩ tài năng như Thanh Thủy, Trung Dân, Thành Hội, Ái Như, Kim Xuân, Tú Trinh… vì nhiều lý do đã ra đi. Thế hệ tiếp nối như Đại Nghĩa, Lê Khánh, Đức Thịnh… không thể nào bù đắp nổi chỗ trống mà các anh chị để lại. Lớp trẻ sau chúng tôi lại càng chưa đủ lực. Diễn viên không giỏi thì dù kịch bản có hay cách mấy cũng khó nên cơm nên cháo. Tâm lý khán giả bây giờ phần đông thích đến với sân khấu để cười cho vui rồi về. Đành rằng sân khấu phải định hướng cho khán giả, không chiều theo thị hiếu mãi được, nhưng nỗi lo phòng vé lại là một hiện thực buộc người làm sân khấu phải cân nhắc. Một vở bi kịch, dẫu hay cách mấy, tuổi thọ cũng chỉ vài ba năm. Nhiều vở hài, có khi nhảm thiệt, nhưng nó sống khỏe được cả chục năm, khán giả có người đi coi đến năm, bảy lần. Thật không biết phải đổ lỗi cho ai.

Dai Nghia ray rut chuyen lam nghe thuat hay di tu

* Nhà bây giờ chỉ còn hai mẹ con nhưng mẹ anh đang định cư ở nước ngoài, anh làm gì để xua tan nỗi buồn?

- Giữa năm 2013 này, mẹ tôi sẽ về VN sống luôn với tôi. Nói thật, cuộc sống tôi xưa nay không có gì để buồn. Tôi là Phật tử từ nhỏ (pháp danh là Thiện Đạt Bảo) luôn tìm đến triết lý đạo Phật nên biết cách giữ cho tâm tĩnh trước sự xô bồ của thế giới showbiz. Trước đây, để trụ được với nghề, tôi lao theo công việc nhằm tạo dựng tên tuổi, nhưng thời gian sau này, tôi buông xả nhiều thứ, tìm cách thanh lọc tâm hồn nên thấy cuộc sống nhẹ nhàng, không quay quắt như trước. Tôi thấy cần phải biết san sẻ nhiều hơn, làm được điều đó sẽ thấy lòng mình thanh thản.

* Trước đây, trong một bài trả lời phỏng vấn trên báo mạng, anh nói mình chọn cuộc sống độc thân, không lấy vợ. Tin này đã gây ra nhiều lời đồn đoán, suy diễn. Nhân đây, anh có thể cho biết thêm vì sao anh có sự lựa chọn đó?

- Ba tôi là một người có máu nghệ thuật nhưng từng có nhiều năm sống ở chùa. Tôi giống ba tôi, nói theo Phật pháp là có duyên gì đó với đạo nên từ nhỏ đã hướng về Phật. Bao nhiêu năm qua, tôi day dứt, căng kéo hằng đêm khi đứng trước hai con đường, đi tu hay làm nghệ thuật. Khi mới bước chân vào nghệ thuật, để không bị đào thải, tôi buộc phải lao theo nó. Chưa nổi tiếng thì khao khát, nổi tiếng rồi lại thấy đó cũng chỉ là hư danh, là ảo vọng. Đó là lúc tôi nhận ra đâu mới là giá trị thật. Thỉnh thoảng khi rảnh, tôi thường lên chùa ở vài ngày, nhưng có lẽ do cái nghiệp mình còn nặng quá nên chưa buông bỏ được. Hơn nữa, nếu tôi đi, ai sẽ lo cho mẹ.

* Ở vị trí người làm nghệ thuật với tiêu chí truyền tải những thông điệp về giá trị “chân, thiện, mỹ” đến cho công chúng thông qua tác phẩm, qua vai diễn… cũng là cách giúp “chúng sinh” một cách thiết thực, đâu cứ phải xuống tóc vào chùa?

- Chính vì ý thức được điều đó nên tôi vẫn nấn ná ở lại với nghệ thuật cho đến bây giờ. Thôi thì, trước mắt hãy cứ giữ sự thiện tâm trong cuộc sống, không sân si, không tranh giành.

Cát Vũ (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI