'Đại chiến' nhạc thị trường và nhạc nghệ thuật: Nghe 'free' thì đừng đòi hỏi?

20/01/2018 - 06:30

PNO - Nhạc Việt năm 2017 “hẻo” những album hay nhưng lại bùng nổ nhiều ca khúc hit, những MV triệu view, những gương mặt thuộc giới “ngầm” (underground) dần dần bước ra ánh sáng.

Nhạc Việt năm 2017 “hẻo” những album hay nhưng lại bùng nổ nhiều ca khúc hit, những MV triệu view, những gương mặt thuộc giới “ngầm” (underground) dần dần bước ra ánh sáng. Và nhạc Việt năm 2017 vẫn luẩn quẩn quanh cuộc “đại chiến” giữa âm nhạc (tạm gọi là) thị trường và nghệ thuật.

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe 'free' thi dung doi hoi?

Nhạc sĩ Dương Cầm và ca sĩ Miu Lê

Nói “tạm gọi” là bởi cho đến nay, chưa có một định nghĩa chính xác thế nào là “nhạc thị trường”, “nhạc giải trí”, “nhạc rác”, “nhạc cao cấp”, “nhạc đích thực” hay “nhạc nghệ thuật”... Ở ta, chưa có nhà phê bình âm nhạc nào đúng nghĩa, được đào tạo bài bản để có thể định danh một cách chính xác và thuyết phục. Tất cả vẫn chỉ là cảm nhận chủ quan của mỗi người. Những cuộc tranh cãi ầm ĩ trong thời gian qua nói cho cùng cũng bắt nguồn từ việc “đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng”.

Có lẽ, cuộc tranh cãi ầm ĩ nhất, tốn bút mực của báo chí nhất chính là “đại chiến” giữa nhạc sĩ Dương Cầm và Miu Lê trong chương trình Sao đại chiến. Nếu Dương Cầm nói: “Miu Lê chưa đủ trình để được gọi là ca sĩ”; “Tôi không nghe rõ Miu Lê hát, giọng hát yếu ớt, hời hợt”; “Tôi không thể nghe Miu Lê hát dù đã cố đọc rap để hát ít đi” thì người đẹp 9x cũng không vừa: “Anh Dương Cầm không coi tôi là ca sĩ thì tùy, còn tôi search Google anh Dương Cầm, chỉ ra đàn piano”.

Hay trong phần thảo luận, nhạc sĩ Dương Cầm nhiều lần trở thành kẻ một mình một chiến tuyến khi có quan điểm khác với nhạc sĩ Đỗ Hiếu, Only C… Dẫn chứng vậy để thấy, cuộc “đụng” nhau về thẩm mỹ âm nhạc sẽ bất tận khi mỗi người đều nói từ điểm nhìn của mình.

Một nhạc sĩ, một nhà sản xuất âm nhạc giỏi chuyên môn và khó tính như Dương Cầm không thể nào chấp nhận nổi một người được gọi là ca sĩ nhưng giọng hát không đạt. Một người đẹp luôn được thị trường và công chúng ưu ái cũng chẳng thể nào chấp nhận nổi việc bị một nhạc sĩ nào đó đánh giá, thậm chí phê bình bằng những lời lẽ khá nặng nề, thẳng thắn. Đó là chuyện đương nhiên. Tương tự, nhạc sĩ chạy theo nghệ thuật, muốn thay đổi nhận thức của công chúng và nhạc sĩ chiều lòng công chúng như hai đường thẳng song song, làm sao có tiếng nói chung?

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe 'free' thi dung doi hoi?
Showbiz Việt từng "náo loạn" vì Chi Pu đi hát

Khi những ồn ào xoay quanh Sao đại chiến chưa nguội thì chuyện Chi Pu đi hát và phát ngôn “từ hôm nay, hãy gọi tôi là ca sĩ” lại làm bùng lên một cuộc khẩu chiến mới. Một phía cho rằng showbiz Việt và ngay cả những thị trường âm nhạc nước ngoài như Mỹ, Hàn Quốc… cũng đâu thiếu những ca sĩ không có giọng mà vẫn trở thành ngôi sao.

Phía còn lại thì khẳng định đây là một “giọng ca thảm họa”. Có người còn kêu gọi Chi Pu đừng hát nữa, hãy yên phận làm “hot girl” đi. Để đáp trả, cô gái này tuyên bố: “Từ giờ đến cuối năm, mỗi tháng tôi sẽ cho ra mắt một MV”. Có người còn nói đùa: “Việt Nam nói là làm, sau MV Từ hôm nay, đúng là Chi Pu nói là làm thật”. Và dù là thảm họa hay không, cái tên của người đẹp đi hát này cũng là một từ khóa hấp dẫn trong suốt thời gian qua. 

Cũng trong thời gian này, hai giải thưởng âm nhạc đại diện cho hướng giải trí và hướng chuyên môn cũng được khởi động, đó là Zing Music Awards 2017 - giải thưởng âm nhạc trực tuyến, nhạc số đầu tiên, duy nhất tại Việt Nam cho đến nay và giải thưởng âm nhạc Cống hiến lần thứ XIII. 

Nhìn vào danh sách đề cử top 5 Zing Music Awards, ta có thể thấy sự phân hóa rõ rệt của thị trường nhạc Việt khi sáu tên tuổi hàng đầu là Min, Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Hương Tràm, Noo và Rhymastic chiếm đến 33/70 đề cử. Những cái tên này sở hữu lực lượng fan đông đảo và cũng là những cái tên “làm mưa làm gió” trên các bảng xếp hạng trong thời gian qua. 

Trong khi đó, trước khi đưa ra danh sách đề cử chính thức, ban tổ chức giải thưởng âm nhạc Cống hiến vừa qua đã có cuộc họp thảo luận về nhạc Việt trong năm qua. Tại đây, nhiều vấn đề về thị trường nhạc Việt đã được đưa ra mổ xẻ và trao đổi. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng, không phải lúc nào lượt xem hoặc lượt nghe cũng song hành với chất lượng nghệ thuật. Những cái tên, những sản phẩm “hot” được chia sẻ rầm rộ mà không phù hợp tiêu chí chất lượng nghệ thuật và cống hiến đối với âm nhạc đại chúng vẫn bị loại ra khỏi đề cử. Và chắc hẳn khi danh sách giải thưởng chính thức được công bố, sẽ có những xì xào như những năm trước. 

Cuộc “đại chiến” giữa nhạc giải trí và nhạc nghệ thuật vẫn sẽ là những chuỗi đụng độ kéo dài, không phân thắng bại trong thị trường âm nhạc sôi động, mới phát triển như Việt Nam. Hai hướng này không phải lúc nào cũng như mặt trăng và mặt trời. Vẫn có những sản phẩm quen thuộc với thị trường giải trí, được “xây đi đập lại” bằng các bản phối văn minh, hay ho; và vẫn có những sản phẩm mang tính chuyên môn cao mà vẫn bắt tai, dễ nghe. Nói cho cùng, tất cả phụ thuộc vào tài năng của nghệ sĩ.

'Dai chien' nhac thi truong va nhac nghe thuat: Nghe 'free' thi dung doi hoi?

Nghệ sĩ quốc tế Ngô Hồng Quang cho rằng: “Ở Việt Nam, khán giả đang tập trung nghe những gì mang tính đại trà. Đa số chưa nghe một cách có ý thức. Tất nhiên, âm thanh nói riêng và âm nhạc nói chung thiên về cảm xúc nhiều. Đánh giá khen chê chỉ mang tính chủ quan. Song, nếu có tư duy, có kiến thức về âm nhạc thì độ cảm nhận sẽ khác”. 

 Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI