Cuộc trở về của người ngoại tộc

03/02/2019 - 06:00

PNO - Đứa bé là món quà từ quá khứ gửi vào hiện tại, là dấu hiệu bất tử của tình yêu, kết nối những thế hệ ruột rà máu mủ khác nhau thông qua xương thịt của một người ngoại tộc. Và đứa bé là con gái.

Thoạt đầu nhìn tên của cuốn sách Outlander, được để nguyên không dịch ra tiếng Việt, cứ nghĩ cuốn sách thuộc dòng sách khoa học viễn tưởng, du hành ngoài không gian gì đó. Hóa ra không phải. Cuốn sách không mới - tác phẩm của Diana Gabaldon xuất bản lần đầu năm 1991, suốt 26 năm qua luôn là một trong những bộ tiểu thuyết lãng mạn hấp dẫn nhất của thời hiện đại, được dịch ra 40 ngôn ngữ với hơn 25 triệu bản in. Bản dịch tiếng Việt mới xuất hiện năm 2017.

Cuoc tro ve cua nguoi ngoai toc
Sau 26 năm kể từ khi ra đời, Outlander luôn là một trong những  bộ tiểu thuyết lãng mạn nhất

Trong một thời buổi hễ cứ nhìn thấy nhiều chữ là nhức đầu, cuốn sách phần nào làm người ta ngại: nó dày lắm, nặng trịch, dịch chưa hết nhưng đã tới tập 4 rồi, mỗi tập đều gần 500 trang, chữ không là chữ!  

Nhưng đọc rồi, nhận ra cuốn sách cũng như một vòng tròn đá thiêng bí ẩn, người đọc mở trang đầu tiên là như đã ngã vào trong cánh cửa đá ấy, bị cuốn vào một không gian hun hút, mê đắm, dữ dội, và không muốn quay về. Outlander là một thông điệp nữ quyền ở dạng quyến rũ nhất, đàn bà nhất, thực tế trần trụi nhất, và do đó, cũng đẹp đẽ khó quên nhất. 

Cuoc tro ve cua nguoi ngoai toc
Tác phẩm đã được dựng thành phim truyền hình cùng tên, rất ăn khách

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, năm 1945, một nữ y tá người Anh đang cùng chồng hưởng lại tuần trăng mật sau thời gian vợ chồng bị chiến tranh chia cắt, tại một vùng nông thôn cao nguyên Scotland. Một buổi bình minh trên ngọn đồi có một vòng tròn đá cổ xưa, cô được chứng kiến một nghi lễ ngợi ca mặt trời của những người đàn bà trong vùng. Ngày hôm sau, cô quay lại đó, khi chạm tay vào một phiến đá, cô bất ngờ bị hút vào quá khứ, rơi thẳng xuống thế kỷ XVIII với nghèo đói, lạc hậu, bệnh tật, chiến tranh và tình yêu.

Cuoc tro ve cua nguoi ngoai toc
Số phận đã đưa nữ y tá trở về quá khứ

Cuộc hành trình bắt đầu, giữa hai cuộc sống là khoảng cách 200 năm, cô vẫn phải sống tiếp vì không thể quay trở về thời hiện đại. Với cuộc hôn nhân đầu tiên ở thế kỷ XX, cô là người vợ mất tích một cách bí ẩn; với thế kỷ XVIII và lãnh địa của dòng Mackenzie, cô mãi mãi là một người ngoài. 

Những cuộc chinh phục của nhân loại thường được tiến hành về phía tương lai, phía những vùng đất mới, cùng với nam tính mạnh mẽ, thống trị. Trong khi cuộc du hành này được thực hiện ngược chiều kim đồng hồ, một cuộc trở về quá khứ, chuyến đi bất đắc dĩ của một người đàn bà mỏng manh. Kỳ lạ thay, cuộc trở về ấy giúp người ta hiểu rõ hơn bao giờ hết lịch sử và con người, tình yêu và thù hận, từ khởi đầu thụ động của chuyến đi, người đàn bà ngoại tộc ấy - mà xét cho cùng, người đàn bà nào chẳng là “người ngoại tộc”, đã chủ động, quyết liệt trong chọn lựa của mình, tồn tại, chữa lành, yêu và sống, tranh đấu và chiến thắng.

Cô gái có tên Claire, nhưng cái tên ấy không ấn tượng bằng cái tên “Sassenach”, cũng là “Outlander”, chữ được dùng để gọi một người “ngoại tộc”. Chẳng phải không có dụng ý gì khi để cho một người ngoại tộc làm người xới lật lại lịch sử gia tộc và hơn thế nữa, đi ngược chiều phả hệ để hiểu và trải nghiệm: những kẻ ngoại tộc có con mắt quan sát và bản năng tìm hiểu để thích nghi, tồn tại. Đây là hành trình mang tính biểu tượng của một người đàn bà.

Đây cũng chính là ý nghĩa sâu xa của thông điệp mang màu sắc nữ quyền ở tầm bản chất: chính người ngoại tộc ấy đã kết nối những thế hệ tổ tiên với con cháu của mình, chẳng phải thế sao? Nếu không có người đàn bà ngoại tộc ấy, những người đàn ông gieo hạt giống của mình ở đâu để có những vụ mùa kế tiếp?

Cuoc tro ve cua nguoi ngoai toc

Sassenach có cuộc hôn nhân thứ nhất, và ở cuộc đời thứ hai này, cô có một người chồng nữa. Cô yêu cả hai. Một người đàn bà có thể yêu cả hai người đàn ông, một cách nào đó chung thủy với cả hai người, không phải chọn lựa, được không? Câu trả lời của cuốn sách này là: được. Cô đã đeo trên hai bàn tay mình hai chiếc nhẫn, chiếc nhẫn vàng từ người chồng trong cuộc hôn nhân thứ nhất, và chiếc nhẫn bạc của người chồng trong cuộc hôn nhân thứ hai.

Không thể loại bỏ cái nào. Hai chiếc nhẫn, một vàng một bạc, là bí ẩn của nguồn cội sức mạnh của cô. Nó nhắc rằng phải có quá khứ, quá khứ phải diễn ra theo cách của nó, thì mới có hiện tại. Hiện tại ấy được quyết định từ trong quá khứ, và cho dẫu biết trước những đau thương, mất mát, cũng không thể tùy tiện thay đổi quá khứ để mong xếp đặt một hiện tại khác. 

Claire, với khát vọng ban đầu cháy bỏng là trốn thoát khỏi thế kỷ XVIII để trở về với thế kỷ XX, trở về với cuộc đời hiện đại của cô, đã dần thay đổi: cô chọn ở lại với thế kỷ XVIII, với cuộc sống thiếu tiện nghi và lạc hậu, với sự mông muội hoang dã. Cô dùng khả năng của một nữ y tá để trị thương, để giúp đỡ mọi người, giảm thiểu những thiệt hại trong cái thất bại của tương lai mà cô biết trước.

Đứa bé là món quà từ quá khứ gửi vào hiện tại, là dấu hiệu bất tử của tình yêu, kết nối những thế hệ ruột rà máu mủ khác nhau thông qua xương thịt của một người ngoại tộc. Và đứa bé là con gái. 

Cô ở lại vì tình yêu của mình, thứ tình yêu hoang dã, bản năng, gắn chặt với cuộc tồn sinh khó nhọc. Trách nhiệm với quá khứ, với lịch sử đã được chuyển thành ý thức cá nhân. Cô góp sức lực nhỏ bé của mình để phần nào làm cho cuộc sống của những người tốt xung quanh cô tốt hơn, thanh thản nhẹ nhàng hơn.

Quyết định cuối cùng của Sassenach, một lần nữa dấn thân xuyên qua vòng tròn đá, trở lại thế kỷ XX, là một quyết định không vì cô, mà vì đứa con trong bụng. Đứa trẻ đã thay đổi ý nghĩa cuộc sinh tồn của cô, thay đổi quyết định của cô. Thiên chức làm mẹ chiến thắng. Thông điệp của tính mẫu, của nguyên lý mẹ có thể nhìn thấy ở đây. Đứa bé là món quà từ quá khứ gửi vào hiện tại, là dấu hiệu bất tử của tình yêu, kết nối những thế hệ ruột rà máu mủ khác nhau thông qua xương thịt của một người ngoại tộc.

Và đứa bé là con gái. Câu chuyện về hổ phách lại là một ẩn dụ mang tính biểu tượng nữa: những giọt nhựa cây ứa ra trong veo, nước mắt của loài thông, qua hàng ngàn năm kết tinh thành hổ phách. Con chuồn chuồn nhỏ bé, mỏng manh đông cứng trong mảnh hổ phách ấy, không hiểu sao cứ gợi người ta nghĩ đến những thân phận đàn bà. Chuồn chuồn hổ phách và sự bất tử mong manh mà nó chọn cũng chính là nước mắt của người phụ nữ, gói giấc mơ của mình - được bay lượn tự do giữa trời, trong sự hy sinh đã gần như là định mệnh. 

Cuoc tro ve cua nguoi ngoai toc

Cuốn sách nói với người ta rằng: hiện tại là quan trọng, nhưng quá khứ chưa bao giờ là thứ chỉ ngủ yên, chỉ là những dòng lịch sử sách vở vô hồn. Quan trọng hơn, cuộc sống hiện tại của mỗi người thực ra đã được quyết định bằng chính quá khứ của họ, dù có khi họ không hay biết. Con đường để mình hiểu và đến với những người khác quanh mình nằm ở bên trong mỗi một con người, ở tầm bản lai diện mục, là sự chia sẻ mạnh mẽ của những tình cảm nguyên thủy cổ xưa, mà đôi khi, những thứ màu sắc hiện đại của ngày hôm nay vô tình che lấp.

Thế giới đang toàn cầu hóa. Lúc nào đó, cách nào đó, mỗi con người đều có thể là một người ngoại tộc. Những cánh cửa mở ra không ngừng. Thế giới thay đổi mỗi ngày, công nghệ vùn vụt phát triển, nhưng nỗi băn khoăn tìm hiểu về chính bản thân mình, hiểu được người thương yêu của mình, hiểu để chia sẻ và sống cùng nhau trong tình yêu dưới một mái nhà… luôn luôn là nỗi băn khoăn hiện hữu.

Con người chưa bao giờ thôi tự nhìn vào nguồn cội của mình, bản chất của mình. Theo cách đó, Outlander không viết về quá khứ theo kiểu tiểu thuyết lịch sử. Outlander viết về quá khứ như một cuộc du hành viễn tưởng, lãng mạn, thú vị, gai góc. Con người hiện tại muốn thực sự hiểu về quá khứ cần phải dấn thân vào cuộc du hành ấy. Lịch sử nằm trong chính trải nghiệm của mỗi con người.

Hoàng Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI