Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn

17/04/2019 - 20:08

PNO - Một tác phẩm nghiên cứu lịch sử nhà Tây Sơn- The Tây Sơn Uprising của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton vừa được Công ty Sách Dân Trí và NXB Tổng hợp TP.HCM cho ra mắt, với tựa Việt: Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn.

George Dutton là giáo sư môn ngôn ngữ và văn hóa châu Á của Trường đại học California tại Los Angeles. Ông từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều đầu sách viết về xã hội Việt Nam các thế kỷ XVIII, XIX và XX. The Tây Sơn Uprising được Trường đại học Hawaii (Mỹ) xuất bản lần đầu năm 2006. Đây là công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802.

Sách dày 300 trang in, với hơn 700 chú thích, viết trong quá trình nghiên cứu các nguồn tư liệu phong phú từ nhiều quốc gia của George Dutton. Phần lớn tác phẩm tập trung bàn về mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn với các thành phần xã hội lúc bấy giờ, gồm giới nông dân lẫn người châu Âu tại Đại Việt, các sắc tộc thiểu số như người Hoa, người Chăm, người Khmer, đồng bào Thượng trên cao nguyên và cả những thành phần cư dân mà tác giả gọi là “những kẻ sống bên lề xã hội”.

Cuoc noi day cua nha Tay Son

Nhiều nguồn tư liệu, bằng các ngôn ngữ khác nhau, đã được nghiên cứu, nhằm làm sáng tỏ những chi tiết lịch sử còn thiếu sót hay mơ hồ, trong khoảng thời gian tồn tại hơn 30 năm của nhà Tây Sơn. George Dutton có những nhận định khá thẳng thắn khi đánh giá chung về nhà Tây Sơn. Trong đó, ông miêu tả mối quan hệ giữa nhà Tây Sơn và người Hoa không kém phần phức tạp. Mối quan hệ này, khởi đầu từ việc thu nhận các lực lượng người Hoa dưới quyền của hai thương nhân Tập Đình và Lý Tài vào hàng ngũ Tây Sơn. Đến năm 1775, một nhà quan sát người Âu đã viết, phần lớn quân nổi dậy là người Hoa. Song mối quan hệ đó sớm lụi tàn, nhường chỗ cho những ân oán kéo dài, nhất là vào thập niên 1780, khi nhà Tây Sơn tàn sát hàng ngàn người Hoa tại vùng Gia Định.

Những quan điểm của Dutton về nhà Tây Sơn có thể sẽ tạo ra nhiều tranh cãi trong giới học thuật. Tuy nhiên, nó cũng mở đường cho một phương thức tiếp cận mới, mở ra nhiều vấn đề còn chìm khuất của lịch sử. Riêng với vị anh hùng Nguyễn Huệ - vua Quang Trung, ông có góc nhìn khá sâu sắc và trọng thị.

Bản dịch tiếng Việt tác phẩm The Tây Sơn Uprising trong bối cảnh hiện tại không dễ. Dịch giả phải lồng những văn từ bằng tiếng nước ngoài thời hiện đại vào khuôn khổ xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII, với nhiều dị biệt về tổ chức chính quyền, phong tục tập quán, ngôn ngữ thông dụng. Điều này đòi hỏi người dịch phải có kiến thức nhất định về lịch sử Việt Nam thời kỳ này, để chuyển tải đúng những nội dung mà tác giả gửi gắm; đồng thời bổ sung những thiếu sót, đính chính những chi tiết mà tác giả có thể nhầm lẫn khi đi sâu vào những vấn đề lịch sử phức tạp. Đảm trách phần chuyển ngữ tác phẩm là dịch giả Lê Nguyễn. Cùng với quyển Nam Kỳ viễn chinh ký 1861 (DTBooks đã phát hành trước đó), Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn là tác phẩm nghiên cứu lịch sử rất đáng đọc trong năm nay. 

Lê Nhã Vy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI