Cuộc đối thoại về phận người

27/04/2016 - 15:23

PNO - Với tập truyện ngắn mới nhất này khi đã ngoài 70 tuổi, nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ nói về những xô đẩy của thời cuộc, của lòng người...

Tập truyện ngắn Nhỏ con, có chịu thôi đi không? của nhà văn Lê Văn Thảo (NXB Văn hóa - Văn nghệ) gồm 10 truyện, hai truyện có độ dài của truyện vừa (Mảnh sót lại của chiến tranh, Hòn Sơn Rái) và tám truyện ngắn, kéo độc giả đọc một mạch từ đầu đến cuối, hấp dẫn, thú vị, khơi gợi nhiều suy nghiệm.

Hòn Sơn Rái kể về một thôn nữ Cà Mau 15 tuổi ở nửa sau thế kỷ XVIII được một vị chúa trên đường bôn tẩu chọn làm thiếp. Không thể theo hầu vì chúa thượng đang nguy khốn, nàng phải ở lại trên đảo vắng với cái bào thai và một ít gia nhân, tiền bạc. Nhưng khi khải hoàn, nhà vua quên đón người thiếp và đứa con. Người đàn bà ấy đã làm một cuộc hành trình gian lao đi gặp người chồng giờ đã ở ngôi báu, nhằm trả lời về số phận hai mẹ con bà. Nhưng máu chiến thắng và say máu trả thù của kẻ thắng cuộc - trong đó có một nạn nhân là tương lai đời bà sắp bị hành quyết, khiến bà căm giận và khinh bỉ. Bà quay trở về làm chúa đảo cho đến khi đã trên trăm tuổi.

Cuoc doi thoai ve phan nguoi
Tác giả Lê Văn Thảo và một số tác phẩm

Đó còn là Tám Hoánh, một mảnh đời Nam bộ trong buổi giao thời phong kiến thực dân “gã không biết mình sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai. Gã thấy mình lớn lên, sống trên đời, lây lất, dật dựa trên bến cá, nhà lồng chợ, vác cần xé xốc muối ướp cá, tiền lãnh được một đồng ăn ba đồng uống”, rồi phải làm một “cô hồn” để cuối cùng là thần dân của bà chúa Hòn Sơn Rái. Rồi một “ông cố” - cái tên được gọi theo kiểu giang hồ, từ thằng nhỏ mồ côi lội rừng thành “ông cố” chuyên làm cột buồm uy danh một vùng, lẫy lừng một cõi biển trời vịnh Xiêm La.

Và một thằng Tây con giang hồ từ đảo Corse quê hương của Napoléon sang tận vịnh Xiêm La với thế lực thực dân muốn cướp công việc làm ăn, muốn chiếm người vợ trẻ của “ông cố”. “Ông cố” đã thắng ngoạn mục thằng Tây con một trận kinh thiên động địa... Nhưng trước thế và lực của thực dân, “ông cố” phải xin bà chúa hòn hơn trăm tuổi để định cư Hòn Sơn Rái và chiêu mộ những “cô hồn” ở đây chờ thời quật khởi.

Còn trong Mảnh sót lại của chiến tranh, thì gần đây thôi, có một con người không tông tích bay qua đại dương để làm cuộc tìm về. Hai anh em nửa Mỹ nửa Việt, một lai trắng, một lai đen. Họ chẳng là máu mủ gì nhau, cùng không biết cha mẹ là ai. Họ là anh em được nuôi bởi một người đàn bà điên khùng - một người “từ đứa trẻ sang bà già, chưa sống qua thời con gái”. Không máu mủ nhưng vẫn là ruột thịt, không gốc gác nhưng vẫn tìm về… Nhưng trở về - như ngày bé trong cuộc ra đi hụt để rồi mất trí nhớ một thời gian, nay trở về lại bị thêm một lần mất trí nhớ “ở Mỹ về, đạp nhầm trái mìn nổ đùng, không trúng miếng nào, nhưng không còn nhớ gì được nữa”.

Cuoc doi thoai ve phan nguoi

Nhờ sự kiên trì nỗ lực của Lai Đen, nhất là tự ông Cụt, cũng đạp trúng mìn cụt chân… nhưng chỉ khác là mìn do chính ông gài và ông hẹn sẽ “kể chuyện này” với Lai Trắng nhưng ông Cụt đã không kịp kể câu chuyện của mình. Cái chết và đám tang ông Cụt đã giúp thêm cho Lai Trắng tìm lại được trí nhớ và tiếng người…

Với tập truyện ngắn mới nhất này khi đã ngoài 70 tuổi, nhà văn Lê Văn Thảo không chỉ nói về những xô đẩy của thời cuộc, của lòng người; cũng không dừng lại việc mô tả sự khốc liệt của chiến tranh với hậu quả là những mảnh bom, những phận người cùng những tàn dư sau khi cuộc chiến kết thúc, mà còn như mở ra một cuộc đối thoại lớn về phận người, về nhân dân và cả nhân loại.

Từng con người, những con người, cả cộng đồng đã bị xô đẩy, bị lưu đày khiến tha hóa, vong thân. Thấp thoáng đây đó trong tập truyện là sự gợi ý, đề xuất về sự bao dung, chấp nhận nhau, đối thoại chân thành để tìm kiếm sự hòa giải nhằm đạt đến sự hòa hợp của con người, nhân dân và nhân loại. Đây đó ở tập truyện ngắn, vẫn là những ưu tư ngàn đời của con người: từ đâu đến, đến để làm gì, rồi sẽ đi về đâu… Những ưu tư góp phần làm nên giá trị nhân văn sâu sắc của Nhỏ con, có chịu thôi đi không?

Bích Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI