Công chúng dễ dãi hay ngây thơ?

26/10/2018 - 13:18

PNO - Việt Nam đang thiếu một thế hệ công chúng có trình độ, thiếu chiều sâu văn hóa, nặng tính giải trí, hời hợt. Điều đó đúng không?

Việt Nam thiếu một thế hệ công chúng có trình độ?

Khi mổ xẻ một hiện tượng hoặc một toàn cảnh nào đó, nhiều người thực hành văn hóa, các nhà sư phạm, những trí thức hay nói rằng: Việt Nam đang thiếu một thế hệ công chúng có trình độ, thiếu chiều sâu văn hóa, nặng tính giải trí, hời hợt. Điều đó đúng không?

Nói về trình độ của công chúng, ta nên nhìn trên diện rộng để thấy rằng, trong đời sống văn hóa của công chúng Việt những năm qua, giới trẻ đang đông dần lên và ngày một trẻ hóa (phần lớn là 9x - những người sinh trong thập niên 1990, có cả 2k - những người sinh từ năm 2000 trở về sau).

Cong chung de dai hay ngay tho?
Kiều Minh Tuấn và Bảo Anh trong MV Như lời đồn đang bị dư luận chỉ trích

Hành trình teo tóp

Ở mỗi bộ phần cấu thành nền văn hóa, đều có những hội nhóm, diễn đàn của những người trẻ quan tâm và phản biện lẫn nhau. Chẳng hạn về lịch sử, ngoài một số diễn đàn có tiếng như The X-File of History, Thư quán Cội Việt… có thể kể tới chuỗi sinh hoạt chuyên đề của Sử Talk, qua chín sự kiện được tổ chức tại TP.HCM, tới nay vẫn thu hút hàng trăm bạn trẻ yêu lịch sử tham dự và bàn luận sôi nổi.

Trong lĩnh vực điện ảnh, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, Doclab ở Hà Nội và Xinê House, Art House Saigon… ở TP.HCM đang là những “ngôi nhà” truyền cảm hứng cho những bạn trẻ đam mê phim ảnh. Các sự kiện văn hóa do Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức cũng thu hút số lượng lớn người đến dự và đã có một lớp công chúng riêng dần được hình thành tại đây.

Hay trong lĩnh vực âm nhạc, khi nhạc số thống trị, lớp ca - nhạc sĩ trẻ soán ngôi nhau liên tục và chóng vánh trên các bảng xếp hạng, những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật nghiêm túc, có đầu tư vẫn sống được bằng nghề và có khán giả của riêng mình. Tại TP.HCM, các chương trình âm nhạc giao hưởng thính phòng - thể loại được xếp vào hàng cao cấp, do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM (HBSO) tổ chức định kỳ ba chương trình/tháng cũng thu hút được lớp công chúng nội địa bên cạnh khách quốc tế.

Khi những rạp phim chiếm vị trí áp đảo, chiếm lĩnh thị trường văn hóa - giải trí, những sân khấu một thời huy hoàng của Sài Gòn như Hoàng Thái Thanh, IDECAF… hoạt động ngày một khó khăn, những vở diễn chất lượng vẫn có công chúng, dù không phải là nhiều...

Cong chung de dai hay ngay tho?
Vẫn có một thế hệ công chúng trẻ biết chọn lọc

Rõ ràng, ở hầu khắp các lĩnh vực, chất lượng công chúng (nhất là công chúng trẻ) của ta hiện nay không hẳn “về mo” mà vẫn đang có sự vận động ít nhiều ở đâu đó. Tuy nhiên, lớp công chúng này vẫn còn lép vế, khiêm tốn, chưa đủ sức tạo ra những cú hích mạnh trên bức tranh thưởng thức văn hóa toàn cảnh của Việt Nam. Những gì chúng ta thấy hôm nay vẫn nặng tính giải trí, thiếu chiều sâu và dễ chiều.

Mặt bằng chung dễ dãi

Mấy hôm nay, dư luận lại dậy sóng chuyện nhạc sĩ trẻ viết ca khúc với tiêu đề phản cảm mà trung tâm cuộc bàn cãi là hai ca khúc của nhạc sĩ Khắc Hưng: Như cái lò Như lời đồn. Ca khúc phản cảm là chuyện chẳng có gì mới và Khắc Hưng cũng chẳng phải trường hợp cá biệt. Thế nhưng, sự thực không thể phủ nhận là công chúng đang bị bội thực với hàng loạt ca khúc lời lẽ phản cảm, thô tục; âm nhạc thiếu chiều sâu, nhạt nhẽo; nhưng cũng chính công chúng là những người đã dung dưỡng, tạo điều kiện cho những ca khúc này tồn tại và phát triển như nấm sau mưa.

Nếu không “dung”, sao có “đất” cho những thứ âm nhạc như thế vào hàng siêu “hit”, nghệ sĩ mua nhà, tậu xe, khoe đồ hiệu?

Hay như các chương trình game show hiện nay, công chúng miệng thì nói chán chiêu trò, scandal, dàn xếp kết quả… nhưng vẫn xem và bàn tán để giúp chúng tăng rating (tỷ suất người xem), giúp nhà sản xuất củng cố thêm niềm tin, có thêm động lực để tiếp tục làm những show nhảm và rẻ tiền như thế.

Những tin tức về người đẹp, chân dài lúc nào cũng được xếp vào hàng tìm kiếm và có lượng người đọc nhiều nhất, thậm chí lắm khi át hết cả những thông tin quan trọng về xã hội, giáo dục, y tế… của đất nước. Chẳng hiểu những người đẹp mang lại lợi lộc gì cho ai mà người ta tò mò đến thế. Và có lẽ, chẳng ở đâu như ở Việt Nam, một năm không thể thống kê nổi có bao nhiêu cuộc thi nhan sắc, bao nhiêu người đẹp đăng quang nhưng sau đó chẳng làm được điều gì tốt đẹp cho xã hội.

Ở Việt Nam, công chúng không cảm thấy phiền bởi scandal, chiêu trò của nghệ sĩ. Nghệ sĩ hết lần này tới lần khác “làm càn”, lộng ngôn, lộng hành… vẫn có đất sống, vẫn được yêu thương và bênh vực. Lắm trường hợp, sau scandal, hợp đồng quảng cáo, đi event đổ về dồn dập, cát-sê tăng lên. Hậu quả: chúng ta có một lớp nghệ sĩ không chịu trau dồi chuyên môn, có chút năng khiếu để “lòe” thiên hạ, chọn scandal làm con đường tiến thân, một bước trở thành... sao và vẫn sung túc với nghề.

Cong chung de dai hay ngay tho?
Bao giờ số đông công chúng nói không với những chiêu trò trong nghệ thuật?

Công chúng Việt dễ tính, dễ dãi, bao dung, vị tha… hay ngây thơ? Công chúng Việt bao giờ mới đủ trình độ để thẩm định chất lượng một tác phẩm nghệ thuật? Thật khó trả lời. Nghệ sĩ Thanh Bùi, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, biên đạo múa Trần Ly Ly… cho rằng, nói cho cùng, vẫn phải quay về với giáo dục. Chỉ khi nào vấn đề đó được giải quyết, chúng ta mới hy vọng về một thế hệ công chúng Việt Nam đủ chất và lượng.

Nhìn sang những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… để thấy công chúng xác lập quyền của họ ra sao. Không ít nghệ sĩ thực lực hạng A, dính bê bối lạm dụng tình dục hoặc ma túy, vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận, đã không thể trở lại hoạt động nghệ thuật được. Nghệ sĩ ngoại tình hoặc có vấn đề về đạo đức, không phải nói nhiều, sẽ bị cạch mặt không thương tiếc...

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI