Còn mãi những thân phận thời hậu chiến

17/05/2019 - 19:10

PNO - Tập truyện ngắn 'Hoa cúc dại' là những ký ức từ chiến trường và những cuộc đối thoại trong vô ngôn của thời đại mới.

Tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm văn học về đề tài hậu chiến, từng nghĩ, có lẽ những gì hiện thực nhất, trần trụi và đau xót, bi thương nhất, đều đã được các văn nhân chạm đến và đưa vào trang viết. Chiến tranh đi qua đã hơn 40 năm. Một thế hệ cầm bút, viết rất hay về đề tài này, nay đã nhiều người dừng lại, nghỉ ngơi. Nhưng rồi một ngày, từ Paris, những trang viết của một tên tuổi xa lạ đã mang người đọc trở lại với những thân phận thời hậu chiến. Tập truyện ngắn Hoa cúc dại (tác giả Kim Ân - hiện đang sinh sống tại Pháp, do Phanbook và nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành) là những ký ức từ chiến trường và những cuộc đối thoại trong vô ngôn của thời đại mới.

Sau cuộc chiến chinh…

“Cái đẹp sinh ra làm gì nếu không phải để tạo ra niềm vui, để dành cho tình yêu?”. Tôi đã dừng lại thật lâu ở dòng chữ in trên tấm chặn sách của tác phẩm Hoa cúc dại. Câu hỏi không phải để trả lời, mà để ngẫm, khi bắt đầu đọc truyện ngắn đầu tiên - Đôi mắt màu đêm. Những truyện ngắn trong Hoa cúc dại chủ yếu viết bằng giọng văn tường thuật, với lối kể chuyện mộc mạc, giản dị đến mức có lúc bỏ quên cả thi pháp văn chương, không màng đến những ẩn ngữ hay sự dẫn dắt khéo léo trong cách xây dựng mâu thuẫn, kịch tính, những kiến giải… Truyện đơn thuần là chuyện. Nhưng kỳ lạ thay, cuốn sách lại cuốn người đọc theo cách của hiện thực và những sự thật, dung dị mà đầy chi tiết đắt giá, nhẹ nhàng mà cảm động.

Con mai nhung than phan thoi hau chien

Trên Đường số 4, có những con người không quen biết, quá giang xe bộ đội, để rồi trong tình cờ, lại gặp nhau ở nỗi đau chung khi xe chạy ngang nghĩa trang liệt sĩ. Trong Nấm mồ có hai hài cốt liệt sĩ, sau gần nửa thế kỷ vẫn còn ôm chặt lấy nhau. Hai người ở hai chiến tuyến, đã gặp nhau trong hang lạnh, khi bị thương quá nặng. Họ đã cố truyền hơi ấm cho nhau trong những giây phút cuối và rồi cùng đi vào cõi vĩnh hằng. Ngôi nhà sàn giữa rừng, trong một đêm, trở thành nơi trú nạn cho người chiến sĩ bị thương. Đến khi trời tảng sáng, anh chiến sĩ mới biết đó là nhà mồ của một người con gái chết trong chiến trận. Một con người trò chuyện với hồn ma, ký thác những ưu tư của đời sống ngổn ngang trần thế trong những mộng huyễn về một thế giới khác… Những hư thực trong màn sương mù của quá khứ, những ranh giới sinh tử, mở ra một thế giới của nhân vật với nội tâm phức tạp, nhưng có tính điển hình.

Hoa cúc dại có lẽ được viết bằng tâm thế soi chiếu độ lượng, một góc nhìn trầm tĩnh đã lùi xa quá khứ, để chuyển tải những thông điệp, cái đẹp hết sức bao dung và đậm tính nhân văn. Truyện ngắn được chọn làm tiêu đề tác phẩm cũng chính là tác phẩm hàm chứa những giá trị tinh tế của tình yêu thương lớn lao trong cõi người. Chuyện về đám tang của làng dành cho người chiến sĩ vô danh gục chết bên đường. Ngôi mộ của anh nằm trên triền đồi, được ủ ấm bằng những đóa hoa cúc dại đầy nâng niu của một đứa trẻ. Cuộc chiến tàn khốc ngoài kia như đứng ngoài sự bao bọc và tình yêu thương con người dành cho nhau.

... và những tự vấn

Hoa cúc dại có 13 truyện ngắn, truyện nào cũng đầy sức nặng - lúc là những cuộc lội ngược dòng về quá khứ, khi là những đối thoại, nhận diện nội tâm và bản ngã của con người trong hiện tại. Tác phẩm không thể đọc vội, chậm rãi bước từ Lời xưng tội lúc nửa đêm, Người chỉ đường ở Lyon, Sao đổi ngôi, Cái bóng, Cõi âm, Đêm mùa xuân, Ba ngày ở thị trấn Cù Cưa… để thấy như mình cũng đi qua một cõi nhân quần xôn xao, bằng âm vọng của quá khứ.

Con mai nhung than phan thoi hau chien
 

Người ta không thể sống mãi với những vết thương hay sự giày vò hôm qua. Đó là thông điệp tác giả muốn chuyển tải trong toàn tập truyện. Thế nhưng, để buông bỏ, lãng quên, người trong cuộc có khi phải đổi bằng một chặng đời dài gặm nhấm, tự vấn và cả lạc lõng giữa hiện tại, ở xứ người.

Hoa cúc dại được viết từ góc nhìn của một ngòi bút tha hương. Cái nhìn ấy còn thấm đẫm nỗi nhớ về cố hương và những năm tháng đã mất. Gánh nặng quá khứ có lúc được đặt lên bàn cân giải thoát của tôn giáo, nhưng thực tế, đó là cuộc đối thoại giữa cái thực và cái ảo, giữa sự thật trần trụi của đời sống và đức tin lóng lánh của con người. Những cuộc đối thoại và tự vấn để cùng hàn gắn vết thương chiến tranh. Uyển chuyển và mê hoặc trong cách kể tưởng chừng nhẹ tênh như không, nhưng lại hàm chứa những minh triết, giản dị mà đủ sức hóa giải những ám ảnh, hận thù…

“Bằng lối viết điêu luyện của người đã trải qua nhiều thăng trầm của thời cuộc, các hình tượng trong văn chương Kim Ân hướng đến tính điển hình, hứa hẹn có sức sống dài lâu. Một tập truyện ngắn hậu chiến xuất sắc, không thể bỏ qua”. Tôi tin, nhận xét trên bìa 4 của tác phẩm là xác đáng. 

Bùi Tiểu Quyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI