Cõi thiện của Tiểu Quyên

19/10/2018 - 21:00

PNO - Đọc văn Quyên, có cảm giác như đang uống trà, nhâm nhi từng ngụm, lúc đầu đắng chát, nhưng ngọt hậu.

Trong sự hụt hẫng về một thế giới đổ vỡ, bất toàn và cô đơn mà văn chương đương đại mang lại, Tiểu Quyên mang đến một hơi văn hiền lành, nữ tính, tĩnh lặng nhưng quyết liệt: “Soi chiếu và thấu hiểu sự sống, sinh mệnh và đời người, tôi chọn thiện làm điểm tựa cho những trang viết”.

Coi thien cua Tieu Quyen
Tác phẩm Cỏ dại thênh thang của Tiểu Quyên

Có lẽ vì thế, xuyên suốt 11 truyện ngắn trong tập Cỏ dại thênh thang (top 20 cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI) của Quyên, ta thấy nhiều cuộc trở về: về làng xưa, đất cũ với những kết nối máu mủ ruột rà; về với mảnh vườn của ông nội, vườn thanh long của cha, với nắng chiều rực rỡ trong khu vườn của ngoại… để nghe thiên nhiên sinh sôi và cựa quậy; về với vẻ đẹp của sự tử tế, khát vọng, thiện lương của con người; về với bản thể của mình, để nghe ngóng, ngắm nhìn thế giới xung quanh bằng trái tim ấm áp.

Và dù cho đâu đó có những điều chưa tròn vẹn, bất hạnh, khổ đau thì trong tất cả những lý do có thể, những nhân vật của Quyên vẫn “chọn cách ít làm mình buồn bã hơn” (Hoa thanh long). Trong Khúc mộng à ơi, Quyên viết: “Tôi không muốn làm lại. Mà là muốn đi tiếp. Một cuộc đời thực sự hạnh phúc với lựa chọn của mình”.

Hay như ở truyện Cây: “Sự phát triển nào cũng có hai mặt tàn lụi song hành. Còn con người, chỉ có thể chấp nhận. Phải vậy không? Ông nội, nếu còn sống không biết ông sẽ nói với anh những gì. Có giống như ngày mà ông ngồi dỗ anh khóc tấm tức chỉ vì cây vú sữa sai quả nhất khu vườn nhà ông sau cơn lũ đã bị thối gốc rồi chết đi?”. Đó là lựa chọn của Tiểu Quyên, để đối đãi với cuộc sống, để tái sinh trong chính văn chương của mình.

“Với tôi, văn chương - đúng nghĩa là một cõi thiện. Ở đó, tôi tìm thấy những thân phận và mọi giá trị cứu rỗi ở đời. Viết là để trao đi niềm tin và mộng ước lớn, những thông điệp ý nghĩa, được cày xới và gieo mầm” - Quyên nói. Chị coi văn chương là “một ngọn sáng, rọi cùng tha nhân”.

Coi thien cua Tieu Quyen
Những trang viết của Tiểu Quyên nhẹ nhàng, nữ tính nhưng không kém phần quyết liệt

Chị viết trong Chùa xưa: “Năm tháng đổi dời, lòng người bôn ba, những bước chân của đời cứ đi mải miết về những chiều cuộc sống không thể định lượng trước. Chỉ có đất là giữ lại hết mọi ký ức, đất cưu mang người sống rồi cũng là đất chở che người đã khuất. Đất ơi, xin giữ lại giùm tôi hết những thương nhớ, những bao dung nhân hậu này”. Văn cũng như người: lành như đất và cũng bao dung như đất. Đó là lựa chọn của Tiểu Quyên, trên con đường mải mê chữ nghĩa. 

Đọc văn Quyên, có cảm giác như đang uống trà, nhâm nhi từng ngụm, lúc đầu đắng chát, nhưng ngọt hậu. Vừa đọc vừa nghĩ ngợi, lan man, có khi mỉm cười, có lúc lại nhớ nhung một vài điều thơ mộng quá vãng.

Trong bầu không khí văn chương đương đại nhộn nhạo, đông đặc nỗi cô đơn thành thị, những người viết trẻ lao vào mổ xẻ hiện thực cuộc sống với vết thương đang còn mưng mủ thì văn chương của Tiểu Quyên nhẹ nhàng, duy cảm như một dòng suối nhỏ chảy róc rách, chữa lành tất cả. Dù đôi chỗ còn vụng, lan man, Quyên đã vượt thoát khỏi văn chương thời “ô mai” để bước sang một chặng đường mới, với nhiều chiêm nghiệm về cuộc đời. Tôi chưa từng nghĩ hiền lành là cá tính của một cây bút, cho tới khi đọc văn Quyên.

                                                                                                                    Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI