Có nên nhân rộng đường sách?

12/01/2018 - 08:00

PNO - Một khi đã nhan nhản thì cả giá trị chiều sâu lẫn ý nghĩa về không gian văn hóa này sẽ sút giảm.

“Hai năm qua rồi tôi mới nói, dự kiến ban đầu, mỗi đơn vị chỉ tham gia một gian hàng. Sau đó nhiều đơn vị bỏ. Anh Lê Hoàng lo lắng hỏi tôi thế nào, tôi nói ai bỏ thì bỏ, Nhà xuất bản Trẻ sẽ nhận nhưng anh nên vận động thêm một vài đơn vị mạnh nữa mới chia sẻ được. Đó là lý do vì sao Nhà xuất bản Trẻ có ba gian hàng, mỗi gian đầu tư 500 triệu đồng. Tôi chia sẻ điều này là muốn nói: nếu người thực hiện và điều hành đường sách không phải anh Lê Hoàng, chị Quách Thu Nguyệt thì tôi sẽ không tham gia” - ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, bộc bạch tại hội nghị sơ kết hai năm hoạt động Đường sách TP.HCM vào sáng 10/1.

Co nen nhan rong duong sach?

Đường sách TP.HCM là điểm hẹn quen thuộc của những chương trình nghệ thuật, thơ nhạc, giao lưu tác giả - tác phẩm...

Vấn đề “con người” cũng được đề cập như yếu tố nền tảng trong suốt buổi làm việc của các đơn vị xuất bản cùng lãnh đạo UBND và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. “Dù hội đủ mọi yếu tố thiên thời, địa lợi mà không có được những người tâm huyết thì cũng khó nói Đường sách sẽ thành công. Nếu làm bằng tâm huyết và sự dốc sức dốc lòng, mọi việc sẽ đạt được kết quả tốt” - bà Nguyễn Thị Thu, Thành ủy viên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá.

Tổng doanh thu Đường sách năm 2017 tăng gần gấp đôi (gần 50 tỷ đồng) so với năm 2016 (27 tỷ đồng). Ông Nguyễn Minh Nhựt cho biết, doanh thu của Nhà xuất bản Trẻ trong năm 2017 đã đạt mức bảy tỷ đồng. Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Thái Hà Books - cũng cho rằng, nhờ có Đường sách mà thương hiệu sách Thái Hà đã đến được rộng rãi hơn với bạn đọc.

Có gần 300 sự kiện giao lưu tác giả tác phẩm, hàng chục cuộc nói chuyện chuyên đề, trưng bày triển lãm. Lượng khách trong và ngoài nước đổ đến Đường sách ngày một đông. Đường sách TP.HCM hai năm qua cũng đã để lại những hình ảnh rất đẹp về một không gian văn hóa.

Thành công của Đường sách TP.HCM đã rõ. Nhưng, nhân rộng mô hình ra khắp cả nước (hay đề xuất mỗi quận, huyện tại TP.HCM có một đường sách) lại gây nhiều băn khoăn. Ngoài chuyện tiềm lực của những đơn vị xuất bản thì việc vận hành mô hình ở từng địa phương còn lắm chuyện phải bàn. Thất bại nhãn tiền là việc các đơn vị tham gia Phố sách Hà Nội kêu cứu vào cuối năm 2016.

“Phố sách không có được những con người tâm huyết để góp phần xây dựng và điều hành” - ông Nguyễn Minh Nhựt nói thẳng. “Nếu chỉ vì kết quả kinh doanh và lợi nhuận mà tận thu, bất chấp khó khăn của các doanh nghiệp thì e rằng, sứ mệnh và mục tiêu sẽ bị chệch hướng” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt nói thêm.

Có cần thiết phải nhân rộng mô hình này khắp cả nước? Sự xuất hiện của nhiều “đường sách con” vô hình trung sẽ làm giảm ấn tượng. Du khách nhớ quầy sách cổ dọc bờ sông Seine - Paris (Pháp), khu phố sách Kanda Jimbocho (Nhật Bản), Shaoxing ở Trung Quốc hay Paju ở Hàn Quốc vì dấu ấn riêng. Còn một khi đã nhan nhản thì cả giá trị chiều sâu lẫn ý nghĩa về không gian văn hóa này sẽ sút giảm. 

Diệp Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI