Có một thứ quá khứ Tùng Dương không chạm vào được

25/08/2017 - 19:00

PNO - Tùng Dương cho rằng bolero thuộc về hoài niệm, về quá khứ nhưng tôi chắc chắn rằng trong nỗi trăn trở về con đường âm nhạc của mình, anh có ước đến mấy cũng không thể là một phần của quá khứ đó, Tùng Dương ạ!

Bolero làm nhạc Việt thụt lùi?

Sẽ chẳng thể có một đích đến chung với những quan điểm cá nhân, nhất là quan điểm về nghệ thuật. Sẽ rất lộng ngôn nếu nhân danh bất kỳ điều gì để phán xét một dòng chảy âm nhạc, dù dòng chảy đó đang cuộn trào hay chỉ nhỏ giọt trong lòng công chúng.

Có lẽ vì thế mà hơn một lần, những nhận định về bolero đã gây ra cuộc tranh cãi không nhỏ. Nếu như 4 năm trước, nhạc sĩ Quốc Trung khiến nhiều người bức xúc khi cho rằng “Thanh niên mà nghe nhạc sến là bất thường” thì mới đây, Tùng Dương cũng làm dậy sóng với phát biểu “Già trẻ lớn bé đắm đuối nhạc bolero đúng là sự thụt lùi”.

Vậy còn bạn? Bạn nghĩ gì về dòng chảy bolero, về sự tràn ngập của bolero trên thị trường hiện nay? Hãy gửi nhận định cá nhân của bạn về diễn đàn Bolero làm nhạc Việt thụt lùi? do báo Phụ Nữ TP.HCM tổ chức, qua email giaitri@baophunu.org.vn. Những ý kiến được chọn đăng sẽ được chi trả nhuận bút, tuỳ theo chất lượng bài viết.

Tùng Dương chê bolero: Cũng là chuyện thường thôi!

Showbiz Việt kẻ phẫn nộ người tổn thương khi Tùng Dương chê bolero

Hãy tha cho âm nhạc!

Tôi kinh ngạc với khái niệm 'kền kền âm nhạc'!

- Bolero có tội tình gì!


Thật lạ là, những người luôn tự xưng mình văn minh, có học thức đã chọn cho mình một lối ứng xử chẳng văn minh, khi đứng ở dòng nhạc này mà phán xét dòng nhạc khác, đứng ở lựa chọn này của mình để phán xét lựa chọn kia của người khác. Nhận xét, mà thật ra là phán xét, của Tùng Dương về lựa chọn của khán giả và của ca sĩ khác, đã chẳng hề văn minh chút nào. Đó mới chính là sự thụt lùi.

Co mot thu qua khu Tung Duong khong cham vao duoc
 

Bolero là cái cũ, không thể phủ nhận điều đó. Những ca khúc bolero mà chúng tôi nghe hầu hết đều đã được sáng tác trên 50 năm. Nhưng, điều đó không có nghĩa là bolero chỉ thuộc về hoài niệm, chỉ mang giá trị của quá khứ. Điều gì chạm đến cảm xúc của hiện tại cũng sẽ mang giá trị của hiện tại. Nếu trong tương lai, bolero vẫn làm được điều đó thì giá trị của bolero ở tương lai vẫn không hề suy suyển.

Tôi rất đồng ý với một phát biểu của nhạc sĩ Tuấn Khanh mấy ngày trước, rằng nếu bảo bolero chỉ mang giá trị quá khứ thì những Beethoven, Mozart… có lẽ cũng nên vứt qua một bên, sao cả thế giới đến giờ vẫn còn xem là đỉnh cao?

Ca sĩ Trần Thu Hà đã từng hát bolero trong chương trình tình bolero, theo một cách rất mới của mình. Thích hay không thích là quyền của mỗi người với cách mới ấy của Trần Thu Hà, nhưng sự sáng tạo và tìm tòi của cô ấy thì không thể phủ nhận. Vậy, sự thiếu sáng tạo mà anh nói, đâu phải do dòng nhạc bolero?

Clip Trần Thu Hà hát Xin thời gian qua mau trong chương trình Tình bolero:

 

Tùng Dương hay Quốc Trung hay Lê Minh Sơn, những người đã nhiều lần nói về bolero như một điều gì đó đã đến lúc cần phải từ bỏ, vốn là những người luôn được tôn trọng bởi những tìm tòi của mình – sự tìm tòi mang tính cá nhân của người nghệ sĩ – nhưng lại không tôn trọng sự lựa chọn của người khác.

Thay vì hỏi vì sao “già trẻ lớn bé chỉ chăm chăm vào bolero”, Tùng Dương hãy hỏi vì sao nhạc của anh – lựa chọn của anh không bao giờ chạm được vào cảm xúc của số đông như bolero đang làm được. Bolero “sống dai” như thế là vì cái mới mà anh suy tôn ấy không đủ hay, không đủ sức thay thế, Tùng Dương ạ.

Riêng tôi, hỏi rằng tôi có thấy Tùng Dương hát hay không thì xin thưa rằng có, ở một số ca khúc. Tôi đã từng bồi hồi biết bao nhiêu khi nghe anh hát bài Hẹn hò của nhạc sĩ Phạm Duy, đã từng kìm để nước mắt đừng rơi khi anh cất tiếng “Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con” của bài hát Mẹ tôi… Và, tôi cũng thổn thức biết bao khi nghe các tình khúc bolero ngọt ngào. Tôi có sai gì không? Tôi cam đoan là không. Với nghệ thuật, vấn đề không phải là mới hay cũ mà là hay hay dở. Cái hay sẽ chạm được trái tim của khán giả, chỉ đơn giản là thế.

Clip Tùng Dương hát Mẹ tôi (NS Trần Tiến):

 

Nếu Tùng Dương cho rằng bolero chỉ mang giá trị quá khứ, thì đó là thứ quá khứ mà anh mãi mãi không chạm vào được.

Hoàng Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI