Có gì trong tác phẩm thơ đoạt giải của 'người bí ẩn'?

04/02/2015 - 07:29

PNO - PN - Trong số các tác giả được vinh danh ở giải thưởng Hội nhà văn TP.HCM, Prékimalamak có lẽ là cái tên khiến người ta tò mò nhất.

edf40wrjww2tblPage:Content

Co gi trong tac pham tho doat giai cua 'nguoi bi an'?
Tập thơ Hát đi em đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM 2014

Khi kết quả giải thưởng chính thức dành cho thơ được công bố, cả người trong lẫn ngoài giới văn chương đều ...sửng sốt. Bao nhiêu tác giả thơ quen, có tác phẩm tạo được dư luận và nhận được nhiều đánh giá cao nhưng Hội Nhà văn TPHCM đã vinh danh Prékimalamak (tên thật Trần Vĩnh, người dân tộc Châu Ro). Ông không phải là nhà thơ thường xuất hiện trên văn đàn hôm nay, ông thuộc về  thế hệ văn sĩ của những năm thập niên 60, sáng tác rất ít và cũng không mấy khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Prékimalamak như một "người lạ" của văn đàn cho đến khi tập thơ Hát đi em của ông được trao giải.  

Đây cũng là tập thơ đầu tay của Prékimalamak, gồm 18 bài thơ, tập hợp gần như cả sự nghiệp sáng tác của ông trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ông viết về những người anh hùng của đất nước, hào khí dân tộc quật cường, những thao thức sâu thẳm về không gian văn hóa Châu Ro và hàng thế hệ con người... Ai đã từng đọc Hát đi em đều đánh giá tập thơ rất cao, đặc biệt là những tác phẩm mang hương linh của đại ngàn. Đó là kết tinh của một tâm hồn đã sống và đã đắm mình trong từng giọt nước mắt của đá, của thăm thẳm núi vọng và của trầm tích nghìn năm.

...Không để lại những lâu đài, cung điện
Những thành quách nguy nga
Những đình chùa, miếu mạo
Những tháp cổ kiêu sa
Những lăng tẩm, mộ phần, bia đá...
Ta là ai, Châu Ro?


Châu Ro, ta là ai?
Từ đâu đến?
Từ Cửu Long giang cổ quàng phù sa đỏ?
Từ biển biếc xa mờ sóng vờn lưng cát nhỏ?
Từ Lang-biang sương mù thác khóc mòn mi đá...?
Không để lại ngày sanh tháng đẻ
Không để lại ngày chết năm chôn
Không để lại thanh minh, tảo mộ
Chỉ để lại tiếng vượn buồn kêu lạnh buốt hoàng hôn.
Ta là ai, Châu Ro?


Đâu, những điệu “Ta-vưn” thịt ông xương bà?
Đâu, những bản tình ca hồn cha vía mẹ?
Đâu, những tiếng chiêng đêm hồn thiêng dân tộc?
Đâu, những lễ tục ngày mùa rượu đổ lụt tràn sân...?
Đâu? Đâu? Đâu?


Ta là ai, Châu Ro?
Lục trong mông lung hư không ta kiếm
Bới dưới tầng sâu cát bụi ta tìm
Thấy gì đâu! Thấy gì đâu! Ắng lặng!
Chỉ thấy dấu chân nghèo hằn trên thớ đá khô!

(Châu Ro, ta là ai? - Prékimalamak)

Trên đây là một trong những bài thơ khiến người đọc lặng đi vì sức nặng của nó. Prékimalamak, "người lạ" của thi ca đã cống hiến cho văn đàn một tuyển tập thơ đáng đọc. Tiếc là tác phẩm chưa có được sức lan tỏa cần thiết trước khi đoạt giải thưởng, ít nhiều sẽ trấn an được những hoài nghi của dư luận.

Thiếu sức lan tỏa trước giải thưởng cũng là "tình trạng chung" của các tác phẩm được trao giải Hội Nhà văn Việt Nam năm nay. Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75  (NXB Chính trị Quốc gia, Trần Mai Hạnh) chưa thể sánh được với tiếng vang của nhiều tác phẩm khác trong năm qua, còn Cuộc chiến đi qua  (tác giả người Nga Kanta Ibragimov, Đào Minh Hiệp dịch) quả là một cuộc thách đố người đọc khi “lùng sục khắp nơi” mà không biết sách ở đâu…

Giải thưởng thơ dành cho Trường ca kịch ngắn - kịch thơ (NXB Hội Nhà văn) của tác giả Nguyễn Thụy Kha cũng để lại không ít sóng gió thị phi. Có một thực tế rõ ràng mà các thành viên hội đồng thơ đều chứng kiến: tác phẩm đoạt giải thơ năm nay chỉ nhận được 2/9 phiếu từ hội đồng chấm giải, nhưng không hiểu sao cuối cùng đã được xét lại và vinh danh. “Thôi thì xem như tác phẩm nào cũng có giá trị riêng” - không giải thích được hợp lý hơn lý do đoạt giải bất ngờ của Trường ca ngắn - kịch thơ, nhà thơ Trương Nam Hương, thành viên hội đồng thơ bày tỏ.

Tiếc nuối lớn nhất của những người trong giới dành cho Những tấm ván bên cầu Hiền Lương của nhà thơ Ngô Liêm Khoan. Tác phẩm đã vào chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM nhưng đến cuối lại “trắng tay”, trong khi xét về giá trị, có nhiều ý kiến cho rằng đây cũng là một tác phẩm đáng chú ý trên văn đàn.

SONG GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI