Chuyện về gánh cải lương "đồng nữ"

29/03/2013 - 16:33

PNO - PNO - Ở tuổi chín mươi ba, Giáo sư Trần Văn Khê kể những kỷ niệm về gánh hát và những người thân trong gia đình như thể ông vẫn còn là cậu bé sáng dạ được dạy dỗ, cưng nựng năm nào...

Chuyen ve ganh cai luong

Tối 28/3, buổi nói chuyện chuyên đề Đồng Nữ Ban và vở Giọt lệ chung tình không chỉ đơn thuần cung cấp kiến thức lịch sử về một đoàn hát đặc biệt, mà còn tái hiện chân dung những con người tài hoa, khí phách trong phả hệ hai gia tộc Trần - Nguyễn nổi tiếng.

Qua lời kể của Giáo sư, phía sau Đồng Nữ Ban là câu chuyện về cô Ba Viện (Trần Ngọc Viện), người phụ nữ công - dung - ngôn - hạnh vẹn toàn. Chồng con mất sớm, bà không chìm đắm trong nỗi đời riêng mà chung vai gánh lấy cái đau của người thân, của dân tộc. May vá nuôi gia đình, lập đoàn hát quyên tiền cho cách mạng, rồi tần tảo nuôi ba người cháu mồ côi - ba anh em Giáo sư Trần Văn Khê ăn học thành tài... Cô Ba vừa có cái đảm đang, đức hy sinh của người phụ nữ xưa, vừa không thua đấng nam nhi xông xáo giữa thời cuộc, vận nước gian nguy. Thời làm giáo viên dạy đàn trường Nữ Học Đường (còn gọi là trường Áo Tím vì các nữ sinh đều mặc áo dài tím, từng đổi tên thành trường Gia Long và hiện nay là Nguyễn Thị Minh Khai), bà cùng học trò đến dự tang lễ nhà ái quốc Phan Châu Trinh. Những cô gái trong gánh cải lương của bà đều mặc áo dài tím, được dạy cốt cách đoan trang, làm việc vì nghĩa lớn, bước qua định kiến "xướng ca vô loài" thông thường...

Chuyen ve ganh cai luong

Đồng Nữ Ban còn là câu chuyện về ông Nguyễn Tri Khương - cậu năm của Giáo sư. Kế thừa lòng yêu nước từ ông nội - Tổng đốc Nguyễn Tri Phương, với tài nghệ hơn người của mình, ông không cầm giáo cầm súng mà dùng tiếng đàn lời hát như vũ khí cứa vào ách thống trị thực dân thuở ấy, kêu gọi thức tỉnh lòng dân bị đè nén, đô hộ. Là soạn giả, thầy tuồng, thổi sáo cho gánh hát, vở Giọt lệ chung tình của ông mượn tích xưa nói chuyện đương thời, đạt đến chuẩn mực về nhạc lý, ca từ, đối ngẫu, điển tích, ẩn dụ... mà tính thâm sâu giờ tân nhân nhiều người còn chưa thấm hết.

Qua phần Giáo sư ca diễn minh hoạ với tiếng đàn đệm của hai nghệ sĩ Huỳnh Khải, Hải Phượng , những bản Yến tước tranh ngôn, Thất trĩ bi hùng... trong Giọt lệ chung tình được tái hiện đúng phong cách thuần chất, tinh tế. Một vở cải lương ra đời cách đây 85 năm nhưng lời thoại vẫn có tính thời sự. Trong xã hội rối ren, không thiếu kẻ cướp ngày dùng lý lẽ "thân trâu ngựa nên tâm hồn cũng trâu ngựa", thì càng nên trân trọng những Lục Vân Tiên, Võ Đông Sơ không "đem cường quyền đạp công lý" mà luôn tâm niệm "lấy bạc tiền làm nô lệ cho thân hình, chứ đừng để vì tiền bạc mà thân hình làm nô lệ".

Chuyen ve ganh cai luong

Trong thời gian tồn tại ngắn ngủi, Đồng Nữ Ban còn để lại bài học về xây dựng cá tính dân tộc trong nghệ thuật, thoát ly khỏi ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa. Đoàn hát không áp dụng điển tích điển cố, đồ tuồng, khiên giáp, vũ đạo... Tàu. Những Hai Bà Trưng, Trần Quốc Toản, Nguyễn Huệ... từ sử Việt ngạo nghễ bước lên sân khấu. Phục trang cũng khác hát bội, dùng lụa Việt, do chính cô Ba Viện may giản dị mà tinh xảo. Gánh hát thỉnh riêng một thầy dạy võ Bình Định huấn luyện cho các cô gái chân yếu tay mềm mà khí khái không thuộc dạng nhi nữ thường tình. 

Không khó hiểu vì sao những học giả như Nguyễn An Ninh, Vương Hồng Sển hết sức kính trọng Đồng Nữ Ban và cô Ba Viện, trong khi thực dân Pháp theo dõi gắt gao và cuối cùng đã cấm gánh biểu diễn sau hơn một năm hoạt động.

Một năm đã đủ để Đồng Nữ Ban trở thành huyền thoại, với tầm vóc và lý tưởng của những người làm nghệ thuật không tách rời nhân sinh.

Bài, ảnh: DƯ HƯƠNG 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI