Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh: ‘Nghệ sĩ và người làm truyền thông nên tỉnh táo’

21/02/2019 - 13:00

PNO - 'Niềm tin của khán giả với nghệ sĩ vốn mong manh, xây dựng thì khó nhưng để 'đập vỡ' thì rất nhanh. Các nghệ sĩ và người làm truyền thông nên tỉnh táo', chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh chia sẻ về truyền thông 'bẩn'

Không ít người làm truyền thông lẫn nghệ sĩ ngộ nhận về truyền thông 'bẩn'. Họ xem đó là đường tắt hữu hiệu nhất, để 'bán' hình ảnh, tiếp thị sản phẩm, PR cá nhân. Nhưng mọi thứ đâu có đơn giản thế.

Phóng viên: Hiện có không ít nghệ sĩ, quản lý truyền thông “ngộ nhận” về sức mạnh của truyền thông “bẩn” và lạm dụng nó. Là người hoạt động trong lĩnh vực này, anh thấy sao?

Chuyên gia Hồng Quang Minh: Mọi người cần phân biệt giữa việc “đưa ra những thông tin gây chú ý” để làm tên tuổi cho nghệ sĩ, và chiến lược truyền thông “lấy scandal làm tâm điểm”. Tôi đánh giá những người chỉ tập trung vào scandal và luôn cố tạo ra scandal mới để gây chú ý là những người làm truyền thông không chuyên nghiệp; hay nói thẳng thắn, đôi khi, chúng tôi không xem họ là những người làm truyền thông chân chính.

Ở khía cạnh khác, bạn có thể quan sát được, những ngôi sao đường dài, để lại ấn tượng trong tâm trí của khán giả về năng lực chuyên môn thực sự, họ thường chọn im lặng trước các rắc rối vô tình gặp phải, khác với một số nghệ sĩ cố tình đào sâu thêm scandal (đôi khi là scandal chủ động) bằng các chiêu trò “đưa đẩy” thông tin không lành mạnh.

Tôi thấy tiếc vì đôi khi có những nghệ sĩ, giá họ kiên trì thêm một chút, gặp được những người quản lý truyền thông tốt hơn, nhìn mạch lạc hơn về con đường mình đi, thì bằng năng lực chuyên môn, họ hoàn toàn có được những vị trí xứng đáng, hơn là việc lạm dụng chiêu trò truyền thông “bẩn” và đến một lúc nào đấy, tự sa chân và vòng xoáy đấy mà không thể rút ra.

Niềm tin của khán giả với nghệ sĩ vốn đã mong manh, xây dựng thì khó nhưng để “đập vỡ” thì rất nhanh. Các nghệ sĩ và người làm truyền thông nên có sự tỉnh táo của riêng mình.

Chuyen gia truyen thong Hong Quang Minh: ‘Nghe si va nguoi lam truyen thong nen tinh tao’
Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh

* Nói gì thì nói, để làm truyền thông được, đối tượng truyền thông chắc không chỉ có cái “vỏ ngoài”?

- Quan điểm “truyền thông từ lõi” vốn là điều tôi làm trong nhiều năm qua. “Truyền thông từ lõi” có nghĩa là bạn tự quy hoạch cho mình những điểm nổi bật, những điểm thể hiện bản thân cao nhất để từ đó có chiến lược từng bước cho khán giả thấy, nó khác với kiểu làm truyền thông “tốt khoe, xấu che” trước đây.

Một số nghệ sĩ còn lấy những xu hướng thông tin, hình ảnh đang là trào lưu ở thị trường showbiz, dù đó không phải là yếu tố họ có để quảng bá cho bản thân, điều đó là không khôn ngoan. Khán giả ngày càng thông minh, sắc sảo và trong thời kỳ mạng xã hội lên ngôi thì cái gì không phải của mình sẽ rất khó che giấu được lâu.

Nếu chỉ có vỏ ngoài thì làm truyền thông cho họ nổi lên cũng là “nổi váng” ở lớp vỏ. Nghệ sĩ có những sự lựa chọn để xây dựng hình ảnh và đây cũng là một cuộc chiến đòi hỏi họ phải suy tính thiệt hơn. Đôi khi, tôi nghĩ nghệ sĩ dồn tâm sức vào chuyên môn, vào sản phẩm, còn đỡ “cực nhọc” hơn việc hàng ngày phải luôn “đầu tư” vào scandal ở lớp vỏ ngoài.

Chuyen gia truyen thong Hong Quang Minh: ‘Nghe si va nguoi lam truyen thong nen tinh tao’
Phim Chú ơi đừng lấy mẹ con thất bại cũng do ảnh hưởng từ truyền thông, bị khán giả phản ứng

* Xu hướng làm truyền thông hiện đại ngày nay như thế nào?

- Như tôi đã nói một phần ở trên, xu hướng làm truyền thông ở thời kỳ 4.0 đã thay đổi chóng mặt, nó tăng sự tương tác thật giữa đối tượng được làm truyền thông (là nghệ sĩ và sản phẩm), đối với đối tượng tiếp nhận là công chúng nói chung. Chính vì vậy không thể lấy nguyên si tính cách hình ảnh của người này và áp cho người khác được. Một hình ảnh với nghệ sĩ A là đúng, khán giả ủng hộ, nhưng nếu dùng nó cho nghệ sĩ B thì lại bị phản đối. Chính vì vậy mà người làm truyền thông hiện đại và nghệ sĩ vừa phải hiểu nhau, nhưng bản thân 2 đối tượng này cũng phải “đấu trí” với nhau rất nhiều để xem người nghệ sĩ trong từng giai đoạn, hình ảnh truyền thông đúng nhất với họ khi đó là gì.

Ở Việt Nam, nghề truyền thông cho nghệ sĩ vốn chưa được bản thân người làm truyền thông coi trọng và đa phần còn làm máy móc, cũ kĩ, điều đó vô hình có ảnh hưởng ngược kìm hãm sự phát triển của những nghệ sĩ có tài năng thực sự.

* Xin cảm ơn anh!

Đậu Dung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI