‘Chúng ta đã bỏ sót tư liệu về hàng hải Việt Nam’

07/10/2018 - 19:30

PNO - Kỹ sư - dịch giả Đỗ Thái Bình cho rằng, tư liệu về hàng hải Việt Nam hầu như nghiêng về sách kỹ thuật là chính; trong khi, con thuyền không chỉ có phần xác mà còn phần hồn.

Kỹ sư - dịch giả Đỗ Thái Bình, thành viên Hội Đóng tàu Hoàng gia Anh (MRINA) và Hội Đóng tàu Hoa Kỳ (MSNAME), là người nặng lòng với ngành hàng hải Việt Nam. Ông từng ra mắt nhiều cuốn sách về ngành hàng hải như: Từ điển bách khoa hàng hải, Thuyền buồm Đông Dương, Đường trên biển, Trong thế giới tàu thuyền... Đây là một vài trong số những tư liệu hiếm hoi về ngành hàng hải phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu.

Mới đây, ông đã có buổi gặp gỡ độc giả nhân dịp tái bản công trình Phác thảo dân tộc học hàng hải Việt Nam. Công trình được chuyển thể từ nguyên bản tiếng Pháp, theo bản in lần thứ nhất trong Bulletin des Amis du vieux Hué năm 1942 và bản in lần thứ hai tại Rotterdam, Hà Lan.

‘Chung ta da bo sot tu lieu ve hang hai Viet Nam’
Cuốn sách gồm 227 hình minh họa, 2 bản đồ khổ lớn, 1 bảng tổng kết và 200 ghi chú quan trọng

C. Nooteboom - nhà dân tộc học Hà Lan, người biên tập cho cuốn sách, nhận xét: "Giá trị của cuốn sách này là đã mở ra cho chúng ta một lĩnh vực hầu như chưa được khám phá và đề cập tới một vùng rất quan trọng mà riêng vị trí địa lý của nó đã nói lên sự đúng đắn cần thiết phải tái bản cuốn sách".

Trong sách, khá nhiều tư liệu và kiến thức được đề cập một cách chi tiết. Các thuật ngữ hàng hải, giải thích các thuật ngữ dùng trong đóng tàu thuyền, các địa danh, tên người, tên thuyền được sắp xếp theo thứ tự để bạn đọc dễ dàng tra cứu.

‘Chung ta da bo sot tu lieu ve hang hai Viet Nam’
Trong sách, có một phần tưởng nhớ về Pierre Paris - tác giả của công trình, do Guilleux la Roerie - thành viên danh dự của Viện hàng lâm Hàng hải - ghi

Ngoài những thuật ngữ, luận giải về hình dáng thân thuyền, phương pháp đóng thuyền, các phương pháp chèo thuyền, trang trí… mang nét đặc trưng, tác phẩm còn mang tính nhân văn cao bởi Pierre Paris - tác giả của công trình - đã dành riêng một chương để cung cấp những dữ liệu lịch sử liên quan đến thuyền bè Việt Nam, mối tương quan giữa thuyền bè Việt Nam và thuyền bè các nước trong khu vực.

“Trong thời buổi hiện nay, đối với những quốc gia có biển, ngành hàng hải và những tư liệu hàng hải rất được họ coi trọng. Ngoài nghiên cứu, học tập về ngành hàng hải, đây còn là cơ sở quan trọng để liên kết với các vấn đề liên quan khác như dân tộc học, lịch sử học cho nhiều thế hệ”, kỹ sư - dịch giả Đỗ Thái Bình chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI