Chữ ký hủy diệt của các 'quý tộc văn hóa'

15/10/2018 - 14:15

PNO - Cần biết rằng, tác phẩm hội họa không phải bìa đĩa hay sổ tay của fan để nghệ sĩ muốn ký lên đâu cũng được. Ký lên mặt tranh của người khác là sự thô lỗ, kém văn hóa của các 'quý tộc' thời đại.

Đêm nhạc Tình nghệ sĩ tổ chức tại TP.HCM nhằm quyên góp kinh phí hỗ trợ diễn viên Mai Phương và nghệ sĩ Lê Bình điều trị ung thư là một sự kiện đẹp, đáng trân trọng, thể hiện tấm lòng của đồng nghiệp và khán giả đối với các nghệ sĩ không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Rất tiếc, cái đẹp ấy đã bị phá hỏng một phần vì hành vi không đẹp của những nghệ sĩ thừa tiền nhưng thiếu tư duy văn hóa.

Chu ky huy diet cua cac 'quy toc van hoa'
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đang “bôi bẩn” tác phẩm của họa sĩ Hứa Thanh Bình

Theo ghi nhận, trong đêm nhạc, ngoài phần ca hát, một số vật phẩm cũng đã được mang ra bán đấu giá và bức tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình - Phó giám đốc Bảo tàng mỹ thuật TP.HCM, do một Mạnh Thường Quân gửi tặng - đã được bán với giá 200 triệu đồng.

Chuyện sẽ cực kỳ đẹp và không có gì đáng nói nếu như sau đó các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê, Vũ Hà không vung tay ký tên trên bức tranh.

Cần biết rằng, tác phẩm hội họa không phải bìa đĩa hay sổ tay của fan để nghệ sĩ muốn ký lên đâu cũng được. Trên một bức họa, người duy nhất được ký tên lên là tác giả và thường thì tác giả cũng chỉ ký rất nhỏ, ở một góc tác phẩm.

Chữ ký khi ấy, ngoài ý nghĩa chứng thực tác phẩm cũng như việc họa sĩ cam kết chịu trách nhiệm cho đứa con tinh thần của mình, còn được xem là một phần của tác phẩm.

Thế nên chữ ký cũng phải thể hiện được bút pháp của nghệ sĩ, được đặt trong tương quan với bức tranh, rất cân nhắc chứ không phải như cách các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Quang Lê… đã làm: ký tên bằng bút lông dầu một cách tùy tiện. Đó chính xác là động tác hủy hoại, bôi bẩn tác phẩm của danh họa Hứa Thanh Bình. Không ngạc nhiên vì sao mà giới họa sĩ lại phẫn nộ đến như vậy.

Chu ky huy diet cua cac 'quy toc van hoa'
Hoa hậu H'Hen Niê ký lên bức tranh Phố cổ

Hủy hoại tranh bằng cách ký tên lên tác phẩm không chỉ xảy ra lần này. Hồi tháng Năm vừa qua, Hoa hậu H’Hen Niê, Á hậu Hoàng Thùy và Á hậu Mâu Thủy cũng đã "trét" chữ ký lên bức tranh Phố cổ trong một chương trình quyên góp xây chùa. Năm 2009, tác phẩm Cây cầu hạnh phúc của họa sĩ Bùi Trọng Du cũng từng được mua và một số quan chức đã được mời ký tên lên để sau đó “bức tranh chữ ký” này lại được mang ra đấu giá. Có lẽ những con người ấy không biết họ đang phô bày sự kém văn hóa của bản thân.

Trả lời báo chí, Đàm Vĩnh Hưng và Vũ Hà cho biết, họ ký tên theo yêu cầu của người mua tranh, để làm kỷ niệm. Lời giải thích vô tình chỉ ra thêm một trọc phú góp tay vào việc phá hỏng bức tranh.

Hẳn nhiên, tranh đã được bán đi. Chủ nhân mới có toàn quyền với tài sản của mình, kể cả việc tiêu hủy hay vứt bỏ. Sự “chiều khách” - ký tên theo yêu cầu - của “nghệ sĩ” trong trường hợp này cũng phơi bày tầm vóc của nghệ sĩ. Và đó là cái công chúng đang ngắm nhìn.

Liên Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI