Chớp thời cơ kiểu châu Á

24/11/2018 - 10:55

PNO - Trong số các quốc gia Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nước có nhiều di sản văn hóa phi vật thể hơn cả và cả hai đều tận dụng rất tốt 'mỏ vàng' này để thúc đẩy ngành du lịch phát triển.

Nhắc đến Hàn Quốc là nhắc đến món ăn truyền thống kim chi và nghệ thuật muối kim chi đã được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2013. 

Du lịch Hàn Quốc tất nhiên không bỏ qua cơ hội. Lễ hội kim chi Seoul diễn ra vào thứ Sáu đầu tiên của tháng 11 hằng năm; trong đó, hàng ngàn người sẽ làm kim chi để tặng người già, người nghèo. Lễ hội văn hóa kim chi thế giới mùa hè Gwangju có các chương trình làm kim chi, trưng bày nghệ thuật, biểu diễn kinh nghiệm nấu ăn và một chợ kim chi. Du khách sẽ có dịp trải nghiệm làm món kim chi mùa hè - loại kim chi ít cay và ít mặn hơn so với kim chi thông thường và phù hợp hơn với thị hiếu của người nước ngoài.

Chop thoi co kieu chau A
Những chiếc túi Noken là món quà không thể thiếu khi du lịch đến Papua, Indonesia

Nói đến lễ hội, không thể không nhắc lễ hội có lịch sử hơn 1.000 năm - Gion Matsuri - một trong ba lễ hội lớn của Nhật (bên cạnh lễ hội Tenjin ở Osaka và Kanda ở Tokyo), diễn ra ở Kyoto vào tháng Bảy hằng năm.

Lễ hội Gion Matsuri gồm rất nhiều sự kiện khác nhau mà phần hồn là lễ diễu hành xe kiệu có tên gọi Yamahoko, đã được Unesco công nhận di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2016. Những chiếc xe kiệu khổng lồ, có thể cao đến 25m, nặng 12 tấn, được trang trí các món đồ thủ công tinh xảo cùng nhiều đồ vật mang đậm nét văn hóa truyền thống Nhật. Ước tính, hơn một triệu du khách đến Nhật xem lễ hội này mỗi năm.

Những người làm du lịch ở Nhật rất tự hào với văn hóa truyền thống của mình và có ý thức truyền bá chúng. Năm 2016, khách sạn Keio Plaza (Tokyo) đã đón sinh nhật lần thứ 45 của mình bằng một chương trình biểu diễn kịch Noh, phục vụ cho những du khách đang lưu trú tại khách sạn. Keio Plaza cũng hợp tác với Sân khấu kịch Noh quốc gia tổ chức triển lãm trang phục biểu diễn, tranh ảnh, đạo cụ, các loại mặt nạ Noh… tại sảnh khách sạn.

Chop thoi co kieu chau A
Di sản văn hóa phi vật thể của Nhật- Lễ diễu hành xe kiệu Yamahoko, nằm trong lễ hội Gion Matsuri- thu hút hàng triệu du khách hàng năm.

Tỉnh Shizuoka tổ chức chương trình kịch Noh ngay trên bãi biển trong Lễ hội Mùa Xuân. Giữa không gian bãi biển, rừng thông, du khách Nhật và khách quốc tế được xem vở kịch cổ tích lãng mạn, trong tiếng sóng biển và ánh trăng. Cuối cùng, du khách thường ra về cùng những sản phẩm du lịch liên quan đến Noh như mặt nạ, búp bê… và được trải nghiệm cách vẽ mặt nạ Noh với chi phí không thấp.

Ấn Độ là đất nước nổi tiếng với du lịch tâm linh. Ngay sau khi lễ hội tôn giáo lớn nhất thế giới - Kumbh Mela được Unesco công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào cuối năm 2017, chính phủ Ấn Độ đã lập tức chuẩn bị mọi thứ cho sự kiện kéo dài 49 ngày, bắt đầu từ giữa tháng 1/2019, ở sông Saraswati huyền thoại, tại Allahabad, dự kiến sẽ thu hút 25 triệu người hành hương và du khách. Riêng ngành đường sắt Ấn Độ đã triển khai 800 toa tàu đặc biệt, sẵn sàng vận chuyển khách đến Allahabad.

Đến Indonesia, một trong những món quà lưu niệm đặc sắc mà du khách khó có thể bỏ qua là những chiếc túi dệt Noken để đựng đồ, có nguồn gốc từ vùng Papua. Năm 2012, Unesco đã công nhận túi Noken là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và Indonesia đã nhanh chóng đưa món đồ này vào khai thác du lịch. Bắt đầu từ năm ngoái, lễ hội Noken được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú như nhảy múa, biểu diễn trang phục truyền thống và bày bán túi Noken, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Papua, Indonesia. 

Quang Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI