Chốn cũ

15/12/2019 - 17:33

PNO - Cảnh nhà phăng phắc theo từng trận say của ba, những lời cằn nhằn cáu gắt của má, nhiều nỗi tủi hờn tưởng nhỏ nhoi mà lớn mãi của một cô gái đa sầu từ tấm bé.

Anh đưa tay đẩy cánh cổng có vẻ như chỉ khép hờ, mở ra một lối đi hẳn là từng được trải xi măng cẩn thận nhưng nay nó ngập lút giữa hai bên là cỏ, lòa xòa lên tới gần đầu gối, chen vào từng bước chân có phần hấp tấp của Yên. 

Ngôi nhà xây theo kiểu cũ thời trước, chỉ có mỗi tầng trệt, phía bên hông trổ ra đầu hồi đầy cây cối. Nay nhà xuống cấp tới nỗi mái tôn gặp cơn mưa to là dột lỗ chỗ. Tường nứt loang lổ, có chỗ rêu mọc lên xanh rì. Căn gác gỗ gợi lên cảm giác chỉ chực đổ xuống. Nền gạch tàu không còn giữ sắc đỏ au khi xưa, mà lởm chởm nhấp nhô theo đà sụt lún của đất. Tất cả đều nhuốm màu hoang tàn.

Cái ao này, em Nhi của Yên đã bị trượt chân té xuống. Khi được vớt lên, vật vã hơn mười hôm sau Nhi mới mất. Với trẻ con miền sông rạch, chuyện tai nạn ao chuôm khó mà tránh được. Từ dạo em Nhi bé bỏng không còn nữa, cảnh nhà vắng lạnh vô cùng. Ba hay đi nhậu, say về ngồi đâu đó trong vườn, Yên đi tìm, kêu mãi mới thấy ba lên tiếng. Má Yên phải lâu lắm mới nguôi ngoai. Có lẽ cũng nhờ sự ra đời của đứa em trai, như một sự bù đắp. Khi đó, ba má mới thôi im lìm với nhau, dù trước đó cũng ít nghe lời đổ lỗi. “Tại phần số của em Nhi chỉ tới đó, nên đành…” - mãi sau này, Yên mới được má thủ thỉ một câu, như giải thích, như má đang tự an ủi chính mình… 

***

Cũ qua, mới tới. Anh nói với Yên, lúc cô kể anh nghe kế hoạch bán nhà của ba má. Yên bảo, mình ít nhiều cũng có chút tiếc nhớ chứ không dám thú nhận rằng lòng Yên xót xa lắm. Nơi ấy, Yên đã trải qua thuở ấu thơ lẫn thời con gái tẻ nhạt muộn phiền của mình. Những buổi tối lặng lẽ ở sân nhà hong tóc ướt, lắng nghe mùi hương mai chiếu thủy nồng nồng. Cảnh nhà phăng phắc theo từng trận say của ba, những lời cằn nhằn cáu gắt của má, nhiều nỗi tủi hờn tưởng nhỏ nhoi mà lớn mãi của một cô gái đa sầu từ tấm bé. 

Chon cu

Cũ qua, mới tới. Dưng không, Yên liên tưởng tới lúc anh bỏ Yên đi theo tình mới. Cô gái trẻ hơn Yên gần chục tuổi, da trắng, dáng cao, xinh xắn gọi mời. Những linh cảm mong manh đã biến thành hiện thực. Yên tuyệt vọng không hẳn vì phụ bạc mất mát, mà bởi chẳng thể nào tin được người đàn ông bấy lâu Yên từng ngỡ, dẫu đất trời có sụp xuống thì vẫn ở bên cạnh Yên, nắm lấy bàn tay Yên rất chặt. Vậy mà người ta phản bội Yên chỉ vì một người đàn bà khác. Đợt đó, Yên ẵm con về quê, tá túc trong những ngày ra tháng, yếu ớt như con cua lột. Nhiều buổi sớm chiều tha thẩn trong khu vườn nhiều cây trái ấy, Yên cứ lẩm bẩm tự nói với mình, rằng Yên đã làm gì sai, Yên có gì không tốt, mà người ta nỡ đành đoạn bạc bẽo thay lòng đến vậy.

***

Khoảng thời gian đó, Yên chẳng dám sẻ chia cùng ai, ngay cả với người thân trong gia đình. Cuộc sống vốn đã nhiều khốn khó, sao lại phải trút thêm bi kịch cá nhân lên những phận đời của mẹ Yên, của đám em Yên nữa chứ. Chỉ có đám cây cối bao dung vỗ về nỗi đau của Yên, khuyên nhủ Yên hãy bình tâm mà sống tiếp. Này là gốc cóc già, tàn nhãn xum xuê, bụi mai chiếu thủy, hàng chuối lao xao, cây muồng cổ thụ như trút hết nhựa sống cho mùa hoa vàng nhưng nhức. Yên ngỡ như mình vẫn còn là cô gái đa cảm, có chút lụy tình, dễ bi kịch hóa, ít bạn bè, sống khép kín năm nào. Cái hồi mà Yên luôn mặc cảm với thân hình gầy gò bé nhỏ lép kẹp. Khuôn mặt tròn xoe tầm thường, mái tóc loe hoe cháy nắng. Nỗi âu lo thầm kín và thường trực trong lòng cô gái trẻ chính là… sợ ế. Biết có ai thèm để ý tới một đứa con gái mờ nhạt như Yên không cơ chứ!

***

Vậy mà Yên vẫn có mối tình đầu năm mười bảy tuổi. Phan trên Yên hai lớp, học trễ như nhiều chàng trai nông thôn thuở ấy. Má Yên bảo, quen đàn ông con trai gốc Hoa không ổn đâu. Nhanh chóng bỏ đi, có tới được với nhau cũng chẳng vui vẻ gì. Yên lúng túng và ngại ngùng hỏi tại sao. Họ keo kiệt, kỹ tính, lại không coi con gái Việt ra gì cả. Yên chỉ biết cười buồn, chẳng dám cãi má. Dù trong thâm tâm Yên vang lên một tiếng nói phản kháng: vậy chứ má lấy đàn ông Việt, cả đời má có hạnh phúc không?

Không. Cả thanh xuân lẫn xế chiều ba má Yên làm khổ nhau vì những lý do vụn vặt lẫn to tát. Ba Yên ham vui, chỉ coi gia đình là chốn nghỉ chân cuối ngày. Hôm sau thức dậy, tắm gội rồi đi tiếp. Đằng đẵng thế thôi, là hết một đời má Yên mòn mỏi. 

Văng vẳng đâu đây ai đó tình cờ mở bài nhạc gì mà sao da diết quá. Em có nhớ căn nhà xưa nơi khu vườn cải, nơi những sớm mai nằm nghe nắng ròn trên mái. Ở đó có những tháng năm buồn tênh, khốn khó quyết nuôi tình duyên...(*) Yên hình dung ra những sớm mai nằm nán lại trên gác, lắng nghe tiếng bồ câu gù dưới hiên nhà. Mọi thứ bình yên quá. Tiếc rằng người ta chẳng muốn sống trong sự bình yên nhàm chán, mà cứ mong thay đổi, vươn về phía trước, theo một cách nào đó. Như ba Yên, mỗi bữa cơm nhà đều hay ỏng eo chê bai. Món này nấu lạt quá, thiếu hành thiếu mỡ. Món kia lẽ ra phải có ba rọi cháy cạnh bỏ vào chung thì mới đúng điệu. Mấy cái rau tập tàng này ai mà nuốt nổi. Mâm cơm vì thế ngày càng vắng tiếng cười. Người ta đôi khi bỏ mặc bếp núc ơ hờ không phải vì lười biếng, mà bởi chẳng tìm được tri âm biết thưởng thức nâng niu bữa cơm đơn giản lành sạch… 

***

Nhớ lúc vừa quen nhau, chuyện phiếm vớ vẩn, Yên từng kể anh nghe về những dự cảm bất an của mình. Lỡ như mai này em chết trước, em vẫn muốn được quay về nhà, nằm giữa khu vườn lộng gió quen thuộc của mình, nghen anh. Anh rầy Yên hay nói nhảm bậy bạ, đâu có được bỏ anh giữa đường như thế. Anh sẽ tìm về tận nơi, nằm ấp lên mộ Yên, chứ đừng hòng mặc kệ người ta mà đi dễ dàng. Chuyện vớ vẩn kinh khủng ấy chắc là anh đã quên nhưng Yên thì vẫn nhớ. Nhất là trong giai đoạn Yên suốt ngày bồng con thơ thẩn trong vườn, lượm mấy quả xoài chín rụng. Giống xoài gì mà lạ lùng, tròn xoe, be bé, ngọt thơm với cái hột khá to. Khi tiếp đất, chạm vào mớ cỏ mềm dưới chân, chúng có đôi chỗ bị giập, nhưng vẫn ngào ngạt thứ hương quả thơm tho. Yên dành kha khá thời gian chỉ để ngồi lặng dưới gốc cây nhãn ít hoa hiếm trái mà ngẫm ngợi. Tự vấn. Tự trách đời mình nông nổi.

Đêm, Yên hỏi má, ở đâu có tiếng múa hát rộn ràng quá vậy. Má bận bịu gì mà như chẳng nghe thấy điều Yên thắc mắc. Yên đành phải nêu phỏng đoán của mình. Chắc người Khmer ăn tết phải không má? Má Yên gật gật đầu, nhìn Yên chăm chú, nhắc Yên nhớ uống thuốc rồi đi ngủ. Khuya lắm rồi. Thức nhiều không tốt cho sức khỏe đâu. Dẫu có thế nào thì vẫn phải nghĩ cho con mình…

Ừ thì con trai Yên giống cha như hai giọt nước. Nhiều đêm, Yên mở đèn lên, chỉ để ngắm con, chạm tay vào làn da ngay từ lúc bé thơ đã rám nắng, dày dặn. Y như làn da một thuở Yên vẫn quen thuộc, mê đắm. Mắt môi này chưa phảng phất nỗi kiêu bạc phong sương nhưng vẫn giống lắm. Ánh nhìn đăm đăm đến nao người. Yên vô thức thấy mình khẽ khàng thơm lên khuôn mặt trẻ con phính sữa ấy, nước mắt từ đâu cứ từng giọt rơi xuống, chẳng thể nào kìm nén.

Mãi sau này, Yên mới biết, bản thân từng mắc chứng ảo thanh, tự nghe thấy tiếng động trong tai mình và mới hiểu, Yên từng làm má hoảng sợ đến thế nào trong đêm dài yên vắng. Nhưng má chẳng dám nói cho Yên nghe, sợ Yên không bước qua nổi chính mình. 

May còn có con trai Yên neo giữ lại người mẹ đáng thương của nó.

***

Những con đường anh đi rồi cũng đưa anh về bên Yên. Sau gần một thập niên tuổi trẻ dông dài, anh cuối cùng đã trở lại. “Hãy cho anh cơ hội bù đắp cho em và con, Yên nhé!”, anh thì thầm. Không còn nhiều giận hờn trách móc, cũng cạn khô mọi khóc lóc rồi. Càng không hỏi han xem sóng gió gì ngoài kia đã khiến cho người đàn ông lịch lãm phong lưu trở nên dịu dàng hối tiếc tới vậy. Yên chỉ có thể bình thản mà đi bên cạnh, nhẹ nhõm chấp nhận. Người ta đâu thể lúc nào hoặc chuyện gì cũng có thể mang ra so đo tính toán thiệt hơn, được mất kia chứ.

Hành trình về quê Yên dài gần ba trăm cây số, qua nhiều đoạn cầu, kênh rạch. Cuối cùng cũng chờ được tới dịp anh đi cùng Yên, một lần. Yên thấy lòng ấm áp mãn nguyện. Thế là đủ. Dẫu có thể sẽ là lần sau cuối. Bởi mai này là chủ mới. Đập phá, xây sửa, cải tạo. Và Yên chưa từng hé với anh về căn bệnh tuy vừa phát hiện nhưng đã ở thời kỳ cuối của mình. Sau bao nhiêu là dâu bể mới có chút ấm êm, Yên chẳng muốn bất cứ ai phải âu lo nữa…

Họ ghé trạm dừng chân ăn bữa xế. Anh ân cần múc cho Yên chén cháo cá, bỏ thêm rau đắng. Yên kể, hồi sinh viên em mỗi năm đi về mấy lượt. Cây cầu dây văng dài nhất khu vực này, trong nhà em là đứa đầu tiên ngang qua. Hồi đó, cứ mỗi lần qua phà là người ta xúm vào ơi ới rao nem chua, trái cây, mía lạnh. Mùa nào thức nấy. Miền tây trù phú rộng rãi. Cái gì cũng bán mớ bán chục. “Chục” thường không phải mười đâu, mà là mười hai mười bốn thậm chí mười sáu. Ra ngõ có thể dễ dàng bắt gặp một chú rùa láo lơ ngơ ngác đi lạc. Bây giờ thì hiếm rồi, thành đặc sản cả. Người ta ăn của thiên nhiên không từ một thứ gì. Yên cười vẻ hối lỗi khi dám “biên tập” lại cái câu có phần nổi tiếng kia, cho hợp cảnh hợp tình.

Ba Yên giờ đã quá tuổi hưu, chồn chân mỏi gối, mang nhiều thứ bệnh mà những người đàn ông hay ăn nhậu mắc phải. Lối cũ ta về chẳng phải vẫn là lựa chọn hàng đầu và duy nhất đó sao? Chị em Yên gom tiền phụ má đưa ba đi mổ cườm mắt; đặt stent để thông thoáng con đường máu huyết chảy về tim, sau một cơn đột quỵ nhẹ. Đều đặn thuốc trị bệnh gout và tiểu đường. Dặn ba ăn uống nghỉ ngơi điều độ. Má vẫn nấu những món ăn còn “thiếu hoàn hảo” ngày nào, dọn lên mâm nóng sốt. Cơm nhà giờ đã bớt lạnh lẽo, mất hẳn những lời ỏng eo. Cũng tuyệt nhiên chẳng thấy má nhắc gì về chuyện cũ. Tựa hồ như người đàn ông hai chân bước đi chẳng còn thẳng thớm kia không phải là người từng làm tổn thương má cả đời.

Yên ban đầu có ngạc nhiên, khó hiểu: hình như má không còn sức oán hận trách cứ. Đã quên hẳn những hờn tủi, ghen tuông, uất ức đằng đẵng? Má Yên cam tâm gánh chịu thiệt thòi suốt vậy ư? Hay quá khứ đã bảng lảng rơi rớt dần sau những trận ra vào khoa cấp cứu của bệnh viện rồi? Giữ được cuộc sống bình an mạnh khỏe đã là quá khó, ai nỡ dằn vặt nhau thêm nữa... Cuối đời, người đàn ông ngập ngừng bao lời hối hận. Rằng chỉ muốn kiếm chỗ đất nẻ nào đó mà chui xuống, trốn tránh nỗi xấu hổ của mình. Má im lặng không đáp, nói theo ngôn ngữ của con trai Yên là “miễn bình luận”. Vậy thôi!

“Em ngồi đây chút đi, cho đỡ mỏi”, anh ân cần nhắc. Yên khẽ lắc đầu, vẫn tiếp tục thơ thẩn thăm nom từng gốc cây bụi chuối; tránh đạp phải mớ rau càng cua, rau dền, rau sam bò đầy mặt đất. Yên chẳng muốn bất cứ thứ cây cỏ nào phải bị đau đớn. Chúng chẳng phải đều giống như “người quen cũ” của Yên đó sao. “Anh biết không, chỗ này xưa mấy chị em Yên từng chôn một con chó nhỏ “chết trẻ”, Yên thủ thỉ. Cái đám ma chó ấy đẫm nước mắt của bọn con nít chưa từng lần nào phải đối mặt với biệt ly chết chóc. Chứ không như bây giờ, “sống lâu trong cái sự tổn thương, Mị quen rồi”. Yên tếu táo xong thì cười, mà mắt mũi cứ rưng rưng.

“Mình về thôi em”, anh nắm lấy bàn tay Yên, thật chặt. Ngả đầu vào vai anh, Yên thổn thức bảo, giá như dư dả chút, thì mình giữ lại mảnh đất này, không bán cho người ta. Cũng chẳng được bao nhiêu tiền. Em tiếc lắm. Anh vỗ về lên tóc Yên nhè nhẹ: “Ký ức thì đẹp nhưng hiện tại và tương lai mới là cuộc sống, em à”. Yên ngoảnh lại nhìn căn nhà vừa khuất sau vườn cây hun hút gió, thấy mình bật khóc vì thương. 

Hoàng Mai

(*) Căn nhà xưa - Nguyễn Đình Toàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI