Chỉnh chiêng: Người tài đâu ra nhiều thế?

04/09/2013 - 21:10

PNO - PN - Tại buôn làng các dân tộc thiểu số ở miền Trung - Tây Nguyên, người đánh chiêng giỏi thì nhiều, nhưng tìm người chỉnh chiêng giỏi không dễ. Ông Dương Ngọc Sang, chủ lò đúc đồng tại làng Phước Kiều, Điện Bàn, Quảng Nam, là...

Khi chiêng của đồng bào vùng Gia Lai, A Lưới, Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), vùng miền Tây Quảng Ngãi, thậm chí ở tận Bình Phước, bị mất tiếng hoặc lạc tiếng là bà con mang xuống nhà ông để chỉnh, bởi cả làng cả huyện không tìm đâu ra được người chỉnh sửa chiêng. Muốn chỉnh được, phải rành rõi thang âm, điệu thức của chiêng từng vùng, từng dân tộc, sửa cho đúng với giọng chiêng của dân tộc đó, bởi không vùng nào giống vùng nào. Chỉnh chiêng lâu nay đều do các ông già đảm trách, chưa thấy ai trẻ mà làm nổi việc đó, bởi chỉ có người già mới nắm vững cách đánh chiêng lẫn bí quyết sửa chiêng.

Vì thế, khi Phòng VH-TT huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi công bố: Hiện ở huyện này có đến 69 người chỉnh chiêng, dư luận không khỏi kinh ngạc. Con số này, theo ông Nguyễn Thanh Tùng, trưởng phòng, có được từ điều tra thực trạng cồng chiêng trong dự án bảo tồn và phát triển di sản văn hóa dân tộc Cor từ 2007-2013. “Ai đánh chiêng giỏi, ít nhiều đều biết chỉnh chiêng - ông Tùng nói - chỉnh nghe được là ổn rồi. Chiêng của người Cor khi đánh là chiêng đôi. Họ chỉnh bằng cách đưa bụng chiêng vào ống lồ ô, dùng búa hoặc đá để rà sửa, đến khi hai chiếc chiêng phát ra tiếng như nhau là được”. Nhưng, chỉnh để nghe được là một chuyện, còn chỉnh để nghe cho thật hay, thật đúng, thì có ai không? Ông Tùng cho rằng, không có ai được vậy.

Chinh chieng: Nguoi tai dau ra nhieu the?

Ông Hồ Ngọc Hoàng, một trong những người chỉnh chiêng giỏi ở Trà Thủy

Con số chỉnh chiêng trên còn bị chính những nghệ nhân đánh chiêng và chỉnh chiêng phản ứng. Thôn 2, xã Trà Thủy là nơi tập trung nhiều chiêng nhất của huyện, có những tay đánh chiêng giỏi, thường đại diện cho Quảng Ngãi “mang chuông đi đánh xứ người”. Ông Hồ Ngọc Hoàng, 96 tuổi, nói: “Cả làng này chỉ có vài người biết chỉnh chiêng thôi, khó lắm! Đánh chiêng giỏi, tập từ nhỏ đến lớn là đánh được, chứ chỉnh chiêng không dễ, có đứa mình bày mãi mà đâu chỉnh được. Chiêng hư bỏ đầy ra đó, có sửa được đâu”. Trưởng ban VHXH xã Trà Thủy - ông Hồ Ngọc An, là người đánh chiêng rất giỏi. Ông nói: “Tôi nghi ngờ con số 69! Tôi đánh chiêng từ nhỏ đến nay gần 60 năm, ai chỉnh được hay không tôi đều biết. Cả huyện này không đến 30 người làm được việc đó, mà làm được toàn mấy ông già. Dạy chưa chắc người trẻ đã học được. Cái này là truyền tâm, không có khiếu là chịu. Người Kinh gọi là tài thẩm âm. Chỉnh chiêng có bài nhưng không có sách vở. Bố tôi là người chỉnh chiêng giỏi, được truyền dạy từ ông nội tôi. Tôi thấy ông làm nhưng không học được. Làm bậy nó mất tiếng là vứt bỏ hoặc bể là nguy. Chỉnh chiêng là gia truyền, như bố, bác tôi, chỉ chỉnh trong nhà, không dám làm giúp nhà khác, bởi bể chiêng là đền cả con trâu. Chiêng đúc những năm gần đây, nếu lạc tiếng, mất tiếng thì dễ chỉnh, bởi chất lượng đồng bây giờ kém, chứ chiêng cũ làm bằng đồng thau pha vàng, nếu lạc tiếng thì phải bậc thầy mới chỉnh được. Đàn hư còn dễ sửa chứ chiêng hư là không dễ”.

Với đồng bào miền núi, người chỉnh được chiêng là người gần như có mối liên hệ với thần linh, họ đọc được hồn núi gửi trong chiêng. Muốn chỉnh chiêng, phải cúng gà, lấy máu bôi lên núm, tim chiêng, cầu cho nó không hư, bể rồi mới chỉnh. Chỉnh được, làm lễ ăn mừng vì hồn chiêng đã về với làng. “Người tài đâu mà nhiều dữ vậy - ông An cười - thôn tôi ở có đến 10 người đánh chiêng giỏi nhưng chiêng hư là bỏ đó vì họ có biết chỉnh đâu. Để khi nào xuống huyện, tôi sẽ hỏi họ nhờ chỉ giùm tôi. Người tài nhiều vậy sao đi biểu diễn trong Nam ngoài Bắc là cứ đến thôn tôi bắt người mà không kêu chỗ khác?”.

 Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI