‘Chiến thắng Điện Biên’ và số phận một ca khúc hào hùng

07/05/2019 - 13:24

PNO - Giữa đêm tối, ngồi cạnh bếp lửa đỏ rực, nhạc sĩ Đỗ Nhuận vừa viết ‘Chiến thắng Điện Biên’ vừa bóc sắn ăn. Không ai nghĩ, 65 năm sau, những giai điệu của ca khúc ấy vẫn vang lên trong niềm tự hào chiến thắng.

Giai điệu của tự hào

Chiến thắng Điện Biên là ca khúc đặc biệt trong nhiều ca khúc của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận viết về vùng đất chịu nhiều đau thương – Điện Biên Phủ. Có thể, nhiều thế hệ sau này, do sự thay đổi của cuộc sống, ít có cơ hội nghe Chiến thắng Điện Biên, nhưng thời ấy, bất cứ ai ở hậu phương hay tiền tuyến đều nằm lòng giai điệu sục sôi chiến thắng ấy.

Nhớ lại thời điểm sáng tác ca khúc Chiến thắng Điện Biên, trong hồi ký Âm thanh cuộc đời của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, có những dòng: “Ngày 7/5/1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá, thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ y ỷ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn”.

Ca khúc Chiến thắng Điện Biên do tốp ca nam nữ thể hiện:

Câu chuyện hoàn cảnh sáng tác của Chiến thắng Điện Biên về sau trở thành yếu tố giúp tác phẩm nổi tiếng hơn. Bởi lẽ mùa xuân 1954, khi nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc bấy giờ là Trưởng đoàn văn công Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, đã cùng sống, chiến đấu trực tiếp với anh em. Do đó, ông cảm nhận được niềm vui sướng ngày quân ta chiến thắng chảy rần rần trong máu, trên những gương mặt đồng đội thân thương.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận tuyệt nhiên không than vãn, không kể nhiều về khó khăn mà chỉ gợi lại kỷ niệm tuổi trẻ của mình trong một phần hồi ký. Ngày ấy, biết bao thanh niên yêu nước lên đường đi chiến đấu. Hy sinh có, mất mát có nhưng đó là những năm tháng đáng sống vì lý tưởng của tuổi trẻ.

‘Chien thang Dien Bien’ va so phan mot ca khuc hao hung
Ca khúc Chiến thắng Điện Biên nằm trong tốp những bài ca đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đưa vào ca khúc Chiến thắng Điện Biên sự lạc quan, chất thơ của cảnh vật núi rừng Tây Bắc xen lẫn niềm tự hào vì chiến thắng chung cuộc thuộc về quân và dân ta. “Giải phóng Điện Biên/Bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/Bản mường xưa nương lúa mới trồng/Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa” - trích tác phẩm.

Giai điệu của mọi thế hệ

Ngay trong buổi sáng sau khi Chiến thắng Điện Biên hoàn thành, bài hát đã được phổ biến bằng miệng cho nhiều chiến sĩ và được hát trực tiếp ngay tại mặt trận. Sau đó, đến ngày 13/3/1954, trong lễ mừng chiến thắng tại Mường Phăng, tập thể các văn công, chiến sĩ cũng hát vang ca khúc này.

‘Chien thang Dien Bien’ va so phan mot ca khuc hao hung
Quân và dân trong ngày vui chiến thắng. Ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Triệu Đại, được lấy từ cuốn sách Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ 1954-2009.

"Mỗi người, mỗi gia đình, mỗi làng xóm đều hân hoan một niềm vui vô tận. Nhưng niềm vui của cả dân tộc là vĩ đại, bởi đã giành được chiến thắng vinh quang trước kẻ thù. Trước hào quang toàn thắng, lòng tôi trào dâng một niềm vui. Chân gõ nhịp để tìm tiết tấu và ca từ mà như muốn nhảy lên, reo lên: "Ấy biết bao sướng vui, từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào nao nức mong đón ta trở về...", nhạc sĩ Đỗ Nhuận từng chia sẻ lại với báo chí cảm giác vui sướng của ông khi nghe tin chiến thắng.

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác ba nhạc phẩm trong chưa tới 2 tháng gồm: Hành quân xa, Chiến thắng Him Lam Chiến thắng Điện Biên. Năm 1996, ông đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 1) với những nhạc phẩm xuất sắc kể trên và Nhớ chiến khu, Du kích sông Thao, Việt Nam quê hương tôi...

‘Chien thang Dien Bien’ va so phan mot ca khuc hao hung
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận và con trai - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Nhắc về Chiến thắng Điện Biên, trong ký ức của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc. Điều này được thể hiện trong cuốn hồi ký Âm thanh cuộc đời ra mắt 14 năm sau ngày mất (năm 1991) của ông. Cuốn hồi ký dày trên 500 trang, gồm 3 phần chính với nhiều tư liệu quý thuật lại sự nghiệp của nhạc sĩ Đỗ Nhuận nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung từ kháng chiến chống Pháp đến khoảng những năm 1960.

Chiến thắng Điện Biên có một sức lan tỏa kỳ lạ, theo lời kể của nhiều nhạc sĩ cùng thời ngày đó, đi đến đâu cũng nghe văng vẳng "Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về" được bắt nhịp ca vang. Về sau, khi ca khúc hoàn chỉnh chính thức, Đài Tiếng nói Việt Nam đã trực tiếp thu âm và Chiến thắng Điện Biên trở thành bản nhạc chào ngày mới, phát rộng rãi trên toàn quốc.

Minh Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI