'Châu báu và tông đồ' - Không biết thì đừng nói!

16/11/2018 - 12:00

PNO - Vì sao những trích đoạn hát bội và cải lương được chọn để nhắc nhớ tinh hoa của dân tộc Việt Nam lại là những câu chuyện từ điển tích của Trung Quốc?

Hoài niệm và ký ức luôn tồn tại ở mỗi người, nhưng không có nghĩa ta cứ bám lấy những hoài niệm cũ để day dứt, đớn đau và phủ nhận tất cả những đổi thay. Không ngạc nhiên vì sao Châu báu và tông đồ khiến người ta nghi ngại với những gì được bày soạn.

100 năm cải lương, thành phố vẫn đang thiếu những thánh đường dành cho bộ môn nghệ thuật này. Những nghệ sĩ tâm huyết vẫn đang long đong tìm một nơi để an cư, lạc nghiệp. Đó là chuyện có thật. Nhưng thực tế, khi được đưa lên sàn diễn, trong chương trình Châu báu và tông đồ lại khiến khán giả hoài nghi.

'Chau bau va tong do' - Khong biet thi dung noi!
Trích đoạn hát bội với các nhân vật Chu Du, Lưu Bị ( ảnh : FB Dzung Tran)

Mang sự thảng thốt của người dẫn chuyện Trác Thúy Miêu: “Năm 1990 đã xảy ra một sự kiện là cột mốc quan trọng với người dân Sài Gòn: ngai vàng cuối cùng - Trung ương Hí viện, di tích Aristo đã không còn. Người ta đã xây dựng ở đó một khách sạn năm sao...”. Hỏi thăm một số nghệ sĩ lớn tuổi của sân khấu cải lương, câu trả lời chung là: “Sau khi Kim Chung đi khỏi Aristo để về Olympic, khoảng cuối thập niên 1950, Aristo không còn là địa chỉ của khán giả cải lương”.

Ngay cả NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Điền - những người gắn bó với Kim Chung - cũng chỉ biết về Aristo qua lời kể.

Có lẽ cả tác giả và đạo diễn đều đặc biệt yêu mến nghệ thuật truyền thống nên trong mạch câu chuyện, đờn ca tài tử, hát bội, cải lương được nhắc rất nhiều lần, với sự tiếc nuối và cả khát khao có thể gìn giữ những bộ môn từng là niềm tự hào của dân tộc. Tiếc rằng, những tinh hoa này vẫn chưa được bày biện đầy đủ trên sân khấu.

Vì sao những trích đoạn hát bội và cải lương được chọn để nhắc nhớ tinh hoa của dân tộc Việt Nam lại là những câu chuyện từ điển tích của Trung Quốc? Tại sao phải là Chu Du, Lưu Bị, Quan Công, Điêu Thuyền mà không phải là những nhân vật ở những tác phẩm kinh điển của Việt Nam?

'Chau bau va tong do' - Khong biet thi dung noi!
Kết thúc chương trình, khán giả hoài nghi về cách đặt vấn đề về hoài niệm cải lương

Hát bội Việt Nam nổi tiếng với tuồng San hậu và các nhân vật Khương Linh Tá, Đổng Kim Lân… Sau này, San hậu cũng được chuyển thể sang cải lương. Hẳn sẽ thú vị hơn nhiều nếu khán giả được xem lại sự nối tiếp tuyệt đẹp giữa hát bội và cải lương trong sân khấu truyền thống Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Hồng Dung:

“Chỉ yêu cải lương thôi chưa đủ. Muốn làm, muốn nói về cải lương, phải quay về cái gốc của cải lương để tìm hiểu và có những góc nhìn thấu đáo về cải lương”.

Nhắc về dòng họ bầu Thắng, Minh Tơ, một trong những dấu ấn đặc biệt của dòng họ cải lương Minh Tơ chính là bước chuyển từ cải lương Hồ quảng với những tích truyện Trung Quốc sang cải lương tuồng cổ với những kịch bản lịch sử nổi tiếng của cố NSND Thanh Tòng. Hà cớ gì lại phải chọn Quan Công, Điêu Thuyền?

Hơn nữa, sinh thời, NSND Thanh Tòng đã không muốn con cháu mình diễn tuồng có tích từ truyện nước ngoài mà chỉ diễn tuồng sử Việt. Tác giả và đạo diễn chương trình có quên điều này?

Đình Cầu Quan xưa nay vẫn còn đó. Vào dịp giỗ Tổ sân khấu, con cháu dòng họ Minh Tơ vẫn quay về, cùng nhiều đồng nghiệp khác ca diễn và tưởng nhớ Tổ nghiệp. Nhưng liệu hôm nay con cháu của dòng họ Minh Tơ có còn muốn biểu diễn ở sân khấu sân đình, phía trên là sàn diễn, dưới gầm là nơi tá túc của hàng chục nhân khẩu là nhân viên, nghệ sĩ đoàn hát? Chắc chắn câu trả lời là không.

'Chau bau va tong do' - Khong biet thi dung noi!
NS Thanh Sơn và Trường Giang trong trích đoạn Quan Công khích tử Điêu Thuyền

Một điều nữa ở Châu báu và tông đồ là kết cấu kịch bản khá rối rắm. Xen giữa những hoài niệm về sân khấu truyền thống còn là nuối tiếc những ngôi nhà nhỏ xinh ở khu trung tâm thành phố, hay hồi ức về vũ trường Maxim, chuyện tình của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ…

Ca khúc Đèn khuya (Lam Phương) được dẫn mạch cho một số lớp diễn và đoạn ca từ “Đừng bỏ em một mình cùng một lũ côn trùng rỉa rúc thân hình” (nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức Hoài Trinh) của ca khúc Đừng bỏ em một mình, ở lớp diễn cuối, như vẽ trong cảm xúc người xem một bức tranh đầy những mảng màu tối sẫm.

Chợt chạnh lòng khi có lúc nghe Sài Gòn bị ví như người đàn bà lớn tuổi, tiều tụy với những vết sẹo. Dù vẫn có những tranh luận giữa tác giả và đạo diễn (trong vai hai người dẫn chuyện) về những giá trị cũ - mới; về những đổi thay và phát triển của Sài Gòn; nhưng tranh luận về sự đổi thay lại yếu ớt, không đủ để khán giả yêu thương hơn mảnh đất mình đang sống. Trái lại, chúng khiến khán giả băn khoăn: phải chăng ngày hôm nay chỉ còn dấu tích hoang tàn của thời hoàng kim đã xa?

Hoài niệm nhớ thương những điều xưa cũ, nhưng không thể phủ nhận những điều mới mẻ, dù trong sự đổi thay vẫn còn những điều chưa như mong muốn. Giữ gìn những giá trị khác với ôm khư khư những điều cũ kỹ và gạt bỏ mọi sự đổi thay. 

'Chau bau va tong do' - Khong biet thi dung noi!

Hoài niệm cải lương - bộ môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam, nhưng Châu báu và tông đồ lại sử dụng tuồng tích Trung Quốc

Nhiều tư liệu ghi chép lại, Aristo đã bị bỏ quên từ sau năm 1958. Lý do các đoàn hát không còn mặn mà với rạp hát từng là một trong bốn rạp hát lớn của Sài Gòn này vì Aristo đã xuống cấp, địa điểm không thuận lợi và khu vực xung quanh ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho cả nghệ sĩ lẫn khán giả.

Aristo những năm 1960 trở thành điểm hẹn của những băng nhóm giang hồ khét tiếng của Sài Gòn lúc bấy giờ. Với tất cả những lý do đó, việc một khách sạn hiện đại được xây dựng ở thời điểm 1990 khó có thể làm bất kỳ ai luyến nhớ về một rạp hát với ánh hào quang đã tắt từ cách đó 30 năm.

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI