Chẳng lẽ, đành tìm trong tiếng hát?

09/12/2019 - 11:07

PNO - Không ít lần những người yêu Hà Nội ước, giá mà còn giữ được ngôi thành cổ, giá mà chưa dỡ đường tàu điện, giá mà phố cổ bảo tồn được nguyên vẹn…

Ai cũng cảm thấy hình hài Hà Nội thật đầy đủ nếu những điều trên thành hiện thực. 

Chang le, danh tim trong tieng hat?
Nơi phát đi bản Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 7/9/1945 sắp bị “hy sinh” cho dự án đường vành đai 2 - Ảnh: Phong Lê

Dự án mở rộng đường vành đai 2 với việc xây dựng đường trên cao đã được triển khai suốt hai năm qua. Đây cũng chính là trục huyết mạch có từ thời người Pháp quy hoạch Hà Nội. Trục này đi qua một vài địa điểm mang tính lịch sử: nghĩa trang Hợp Thiện, ngã tư Sở, chợ Mơ và nay là khu nhà trạm phát thanh từ thời Pháp ở ngã tư Vọng cũ. Có nhiều dữ kiện lịch sử cho thấy khu nhà từng là nơi phát đi các bản tin ngày Độc lập 2/9/1945 và các hoạt động của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, cũng như từng là trụ sở nhiều bộ phận của Đài TNVN trong những năm tháng không quân Mỹ đánh phá miền Bắc.

Về mặt kiến trúc, khu nhà thể hiện một hình thức kiến trúc cổ điển Pháp lịch lãm, điều vẫn đang được ngành văn hóa thủ đô ca ngợi khi nói đến khu phố Pháp hiện vẫn còn. Khu nhà còn đánh dấu lịch sử phát triển ngành phát thanh và truyền tin ở Việt Nam, khi bảo lưu các dấu tích kỹ thuật thời đầu thế kỷ XX. 

Ngay chính cơ quan Đài TNVN cũng từng sở hữu các trụ sở do người Pháp xây dựng trên phố Quán Sứ và Bà Triệu, song đều đã nhường chỗ cho các tòa nhà cao tầng kính thép mọc lên, phần nào phá vỡ sự hài hòa đang có. Tòa nhà làm việc ở phố Bà Triệu của Đài TNVN từng khiến giới kiến trúc tiếc nuối khi đây nguyên là ngôi nhà có ghi năm 1886 trên mặt tiền, tức là một trong số ít tòa nhà xây sớm nhất ở Hà Nội. Tuy nhiên, việc thay đổi kiến trúc để phù hợp với nhu cầu và chức năng hoạt động luôn được đặt ra, song có nhiều giải pháp để tôn trọng sự tồn tại nguyên bản của kiến trúc cũ mang tính di sản.

Cách đây hai thập niên, khi tiến hành cải tạo một biệt thự ở 17A phố Trần Hưng Đạo (Hà Nội), các kiến trúc sư đã tìm một giải pháp tôn trọng ngôi nhà kiến trúc cổ điển Pháp bằng cách giữ nguyên cấu trúc bên ngoài, xây lùi khối cao tầng vào bên trong, sử dụng thủ pháp tạo mảng âm khối này để tôn khối nhà cũ thành điểm nhấn tiếp đón. Gần đây, công trình mở rộng đường Võ Chí Công - cầu Nhật Tân đi qua làng Nghĩa Đô đã giữ lại cổng làng cũ cùng cây đa cổ thụ ở dải phân cách. Điều này ít nhiều khiến đô thị có một sự tiếp nối liền mạch thay vì những phá dỡ và cấy ghép một cách thô bạo lên những tầng văn hóa cũ.

Thành Hà Nội từng trở thành sự tiếc nuối của chính người Pháp sau đó, chẳng hạn như viên Toàn quyền Paul Doumer đã nói “tiếc rằng tôi đến quá muộn” khi các di tích cũ đã bị phá dỡ. Phố cổ Hà Nội từng tốn rất nhiều giấy mực và trí lực của nhiều giới, song sự biến mất dần của các công trình nhà cổ cứ diễn ra trước sự bất lực lẫn thờ ơ của các bên. 

Quay trở lại khu nhà trạm đài phát thanh ở Hà Nội. Điều chúng ta mong đợi là những tình huống khó khăn luôn có sẵn những giải pháp hợp lý nhất. Liệu có chỗ nào cho việc chung sống giữa một con đường trên cao và một khu nhà có tính lịch sử? Các dấu tích văn hóa lịch sử đã nằm ở đâu trong các bản vẽ quy hoạch, hay các nhà quy hoạch không phải là những người cảm thấy có trách nhiệm về vẻ đẹp của công trình, về tính lịch sử của dấu tích kiến trúc trăm năm? Hay điều mà chúng ta đang làm là băng băng kiến tạo một thành phố cơ giới, ưu tiên cho những cách làm “đỡ phải nghĩ”? Những cách xử lý như vậy, tiếc thay, diễn ra ở Hà Nội nhiều lần. 

Và những người quyết định phá dỡ đường tàu điện mặt đất vào đầu thập niên 1990 đã không thể ngờ rằng sau gần ba thập niên, việc tái tạo một hệ thống giao thông tương tự vẫn chưa thể nào lặp lại được. Thậm chí, hiện nay, Hà Nội không còn một đoạn đường ray hay toa tàu điện nào được giữ lại để làm bảo tàng. Người Hà Nội chỉ còn vài đoạn phim tư liệu, những bức ảnh và những câu hát về những di sản ấy vang lên trong mỗi dịp kỷ niệm. 

Không giữ được những dấu tích văn hóa đã làm nên giá trị không gian sống, có lẽ người Hà Nội không trách ai được ngoài chính mình. 

Nguyễn Trương Quý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI