CEO Thái Minh Châu - Đi một hành trình rất dài để tìm lại mình

25/08/2019 - 12:48

PNO - Hành trình lớn nhất của Châu là tìm lại chính mình, là dám dừng lại khi thấy bản thân không còn có thể tiếp tục tạo ra giá trị ở lĩnh vực đã mang lại cho Châu rất nhiều thứ.

Có thể dùng những định danh xã hội khác nhau để gọi Thái Minh Châu - một người dẫn chương trình (Chào buổi sáng, Bản tin kinh tế tài chính 24h, Món ngon mỗi ngày…), một diễn viên, một diễn viên lồng tiếng, một người làm sách hoặc “oách” hơn, giám đốc điều hành của một công ty khởi nghiệp hoạt động trên nền tảng số Phục Hưng Books.

CEO Thai Minh Chau - Di mot hanh trinh rat dai de tim lai minh

Thái Minh Châu là người nổi tiếng, ít nhất trong lĩnh vực của cô, nhưng Châu chưa bao giờ xem đó là điều quan trọng. Bởi hành trình lớn nhất của Châu là tìm lại chính mình, là dám dừng lại khi thấy bản thân không còn có thể tiếp tục tạo ra giá trị ở lĩnh vực đã mang lại cho Châu rất nhiều thứ: tiếng tăm, tiền bạc và cả những mối quan hệ. Những chương trình Châu cầm mic không phải chương trình giải trí mà là các chương trình hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp; những buổi trò chuyện với các chuyên gia, đòi hỏi ở người dẫn nhiều kỹ năng, kiến thức mà Châu đã tích lũy từ lần cầm mic đầu tiên vào năm 19 tuổi.

Ra đi để được là chính mình

Châu thành thật: “Tôi bỏ hết mọi thứ để qua Ý học xuất bản không phải vì nhìn xa trông rộng như người ta vẫn nghĩ. Đơn giản vì lúc đó tôi cần phải đi, phải tìm một cái gì đó để học và hoàn thiện bản thân. 12 năm làm MC, rồi làm diễn viên, diễn viên lồng tiếng, làm truyền hình, radio, sự kiện… lúc nào tôi cũng trăn trở giá trị thực sự mình theo đuổi là gì. Nếu làm MC thì người ta chỉ nhìn vào ngoại hình, chỉ cần yêu cầu một cô đẹp thôi. Ngoài kia bao nhiêu cô đẹp, mình làm sao cạnh tranh được.

Tôi luôn muốn phát triển một sản phẩm mà khi nhìn vào, nó là giá trị thực sự của mình. Thời điểm ấy, tôi chối bỏ sự ưa nhìn của bản thân và muốn mọi người thừa nhận năng lực của mình hơn. Tôi càng không muốn trở thành người nổi tiếng. Bây giờ ngẫm lại, tôi thấy mình khá cực đoan. Ngoại hình tuy không là yếu tố tiên quyết nhưng là giá trị cộng thêm cần thiết. Cái nhìn đập vào mắt đầu tiên mà”.

Cuốn sách đầu tiên Châu xuất bản là hành trình của một cô gái trẻ mang tên Mùa hè năm ấy. Một hành trình giản đơn, không có nhiều sự kiện ly kỳ, hấp dẫn như những cuốn sách du ký khác nhưng đó là hành trình trưởng thành đầy ý nghĩa. Bạn không cần những biến cố lớn lao để trưởng thành, để trở nên tốt hơn, giỏi hơn. Bạn chỉ cần lòng can đảm, sự thành thật và tất nhiên không thể thiếu lòng ham học hỏi.

Dễ dàng hiểu vì sao Thái Minh Châu đồng cảm với Đặng Huỳnh Mai Anh, tác giả cuốn sách như vậy. Vì Châu cũng cần một hành trình giản đơn nhưng dũng cảm để bứt khỏi những gì đã trở nên quen thuộc, để được là chính mình, làm những điều cô thực sự mong muốn thay vì gò bản thân vào những mặc định dành cho phụ nữ tuổi 30: sự nghiệp ổn định, có chồng, sinh con.

Vài cuốn sách tiếp theo được xuất bản dưới cái tên Công ty Phục Hưng Books do Châu sáng lập, hình thức be bé, xinh xinh, nội dung cũng không to tát, lớn lao, nói những chuyện giản dị, thậm chí bâng quơ mà đủ khiến người ta lắng lòng ngồi xuống. Nhưng đó vẫn chưa phải là điều Châu đang tìm kiếm. Cô muốn được làm nhiều hơn, thử sức ở nhiều lĩnh vực hơn mà đích đến là để sẻ chia câu chuyện của chính cô, chinh phục những thử thách mới, trước mắt là phát triển thị trường podcast (các tập tin âm thanh hoặc video số mà người dùng có thể tải về và nghe) dành riêng cho người Việt.

CEO Thai Minh Chau - Di mot hanh trinh rat dai de tim lai minh

Duyên đến vào lúc bất ngờ

Phóng viên: Trước khi sang Ý học xuất bản, bạn từng có 3 tháng đến Mỹ học về diễn xuất phim. Có vẻ đây là hai câu chuyện khác nhau?

CEO Thái Minh Châu: Lúc đó tôi 26, 27 tuổi, không quan tâm đến tiền. Tôi cảm thấy mình có mọi thứ, có đủ thời gian để sống có ý nghĩa, rủng rẻng, thích đi đâu thì đi. Chỉ cần tối nay bạn tôi gọi rủ mai đi Úc chơi là tôi có thể bay ngay. Tôi đã đi được bốn châu lục, chỉ chưa đến châu Phi. Nhưng như tất cả người trẻ khác, tôi cũng có nhiều câu hỏi trong lòng: mình là ai, mình như thế nào, có thể làm được gì, mình có thích việc đang làm hay không?…

Được đi du học là ước mơ cháy bỏng của tôi từ lúc nhỏ, bắt nguồn từ khát khao phải khác đi so với mình. Tôi muốn lần này là đi học thực sự chứ không phải cưỡi ngựa xem hoa như ba tháng ở Mỹ. Hồi ấy, tôi đang có bạn trai. Tôi hỏi bạn có đồng ý để tôi đi không. Bạn bảo nói không thì tôi vẫn đi mà. Sau nửa năm tôi sang Ý, chúng tôi chia tay. “Mình phải đi tìm chính mình” là điều duy nhất tôi nghĩ ở thời điểm đó. Nó lớn hơn rất nhiều so với bất cứ lý do nào khác. 

* Nhưng tại sao lại là xuất bản mà không phải ngành nào khác liên quan đến công việc của bạn?

- Vì thời điểm ấy, đó gần như là ngành duy nhất tôi tìm được và phù hợp với túi tiền của mình. Tôi tin có những thứ khi duyên đến thì bạn không thể cưỡng lại được.

Ban đầu tôi tính học sản xuất phim nhưng học phí đắt quá. Tình cờ tôi gặp Đặng Quỳnh Mai Anh, nghe chia sẻ về hành trình của bạn. Trước đó, Mai Anh đã xuất bản một quyển sách nhưng không hài lòng lắm. Tôi đề nghị để tôi làm cho bạn và suy nghĩ về lời hứa đó. Thầy giáo tiếng Anh giúp tôi tìm được lớp học xuất bản tại Florence, Ý thông qua một link từ công ty agency tại Mỹ, nhưng khi xem giá thì hai thầy trò chỉ biết lắc đầu. Tôi nghĩ mình không học nổi với mức học phí cao như thế. Đúng lúc ấy, một chị bạn rủ tôi đi châu Âu chơi, vậy là đi.

Đi ngang Florence, tôi đến thăm ngôi trường mình dự định học và may mắn gặp ngay cô tiếp tân là người từng học khóa xuất bản tại trường. Cô cho biết nếu đăng ký học trực tiếp tại trường thì học phí chỉ bằng một nửa so với báo giá của công ty agency bên Mỹ. Mọi thứ như định mệnh được sắp đặt sẵn. Tôi đăng ký, chuẩn bị giấy tờ, 3 tháng sau thì sang Ý học.

* Những tháng ngày của bạn ở Florence thế nào?

- Nếu như những chuyến đi trước đây của tôi là để khám phá xung quanh, đến chỗ này chỗ kia, đầy háo hức thì lúc đến Ý, tôi quanh quẩn ở Florence. Tôi chỉ có một mình mà không thấy cô đơn chút nào. Cả mùa đông đó, tôi ngồi nhà xem Netflix, đọc sách, nấu ăn, cuối tuần đi chợ. Lúc đó chỉ có đối thoại với chính mình. Tôi vui vì mình đã dần cởi bỏ, chấp nhận rất nhiều thứ.

Vươn lên khỏi mặc cảm nghèo khó

- Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở Hà Tĩnh, 3 tuổi mới theo mẹ vào Sài Gòn. Ba tôi là công chức, mẹ làm công nhân, gia đình sống rất chật vật. Sau này, mẹ tôi nghỉ hưu mất sức, phải đi làm lao công. Tôi lớn lên ở một xóm lao động đầy rẫy tệ nạn. Những đứa trẻ từng là bạn của tôi hoặc bỏ học, hoặc lập gia đình sớm, hoặc sa chân vào nghiện ngập. Tôi nghĩ mình không rơi vào con đường của các bạn một phần do ba tôi rất nghiêm khắc. Phần còn lại, tôi luôn muốn mình thoát khỏi nơi đó khi lớn lên.

Hồi cấp II, tôi nói với bố rằng mình muốn đi du học. Bố bảo thế thì con phải cố gắng học vì bố không có tiền. Ước mơ được đi du học của tôi thật ra bắt nguồn từ chính mặc cảm về chuyện nghèo. Sau này, dù có những người bạn trai giàu có nhưng tôi luôn bị mặc cảm ấy đeo bám mà mãi gần đây, tôi mới dũng cảm thừa nhận.

* Ám ảnh về cái nghèo trở thành động lực để người ta vươn lên nhưng đôi khi nó cũng khiến người ta cảm thấy mệt mỏi, thậm chí mất đi nhiều thứ, phải thế không?

- Động lực kiếm tiền đầu tiên của tôi cũng là để không nghèo nữa; là để mẹ không phải làm lao công, để mẹ không bị người ta coi thường. Lòng tự trọng và cả sự tự ái của tôi rất lớn. Lần đầu tiên tôi kiếm được tiền, ngày 8/3 tôi đã đặt một lẵng hoa thật lớn đưa đến tận văn phòng nơi mẹ làm việc để tặng mẹ. Động lực kiếm tiền của tôi còn là để thoát khỏi căn nhà chắp vá, cũ kỹ của bố mẹ.

Tôi luôn biết ơn bố mẹ vì bố mẹ đã không để tôi thất học ngày nào. Bố mẹ đã cố gắng cho tôi cuộc sống tốt nhất mà bố mẹ nghĩ. Nhưng cuộc sống quá khó đã vận lên cách sống của bố tôi rất nhiều. Sự kiểm soát, tiêu cực từ bố khiến tôi áp lực và ngộp thở vô cùng. Thế là, đi du học về, tôi thuê nhà, đưa va-li về đó, trút hết đồ ra rồi đưa va-li không về nhà. Tôi âm thầm chuyển đồ đạc dần. Đến lúc xong xuôi, tôi mới dám nói với bố, rằng con đi đây.

CEO Thai Minh Chau - Di mot hanh trinh rat dai de tim lai minh
Cái tên Thái Minh Châu thường gắn liền với các chương trình hợp tác, kết nối giữa các doanh nghiệp; những buổi trò chuyện chuyên sâu với các chuyên gia, đòi hỏi ở người dẫn nhiều kỹ năng, kiến thức.

Càng đi xa, càng hiểu giá trị của gia đình 

* Còn bây giờ, với tâm thế chấp nhận và cởi bỏ, bạn nhìn những điều đó ra sao?

- Tôi thấy mình sai khi cho rằng gia đình là mọi nguồn cơn cho sự khó chịu của mình. Ra ngoài, mình rất thân thiết với bạn bè, tâm sự với ai cũng được nhưng về nhà thì tuyệt nhiên tôi không mở miệng nói chuyện với bố mẹ. Lúc bắt đầu đi làm, tôi cũng giấu, không muốn bố mẹ biết mình làm gì, không muốn bố mẹ đi khoe con. Tôi đã luôn đổ lỗi cho bố mẹ chuyện tạo ra những cảm giác tiêu cực trong mình mỗi khi về nhà, nhưng thực ra, mọi thứ đều bắt nguồn từ chính tôi. Là do tôi không giải thoát được mặc cảm mình tự đeo mang.

Sau bốn năm bôn ba ở ngoài, tôi quyết định quay về ở với bố mẹ. Tất nhiên, quyết định này ban đầu không dễ dàng vì tôi nghĩ đi rồi mà quay về chẳng khác nào thất bại. Kiểu như, mình không sống nổi ở ngoài mới về nhà với bố mẹ. Nhưng tại thời điểm trên, đó là quyết định khiến tôi thực sự tự hào. Nó đến tự nhiên, không đòi hỏi nỗ lực nào hết. Vì sau chừng ấy năm ở ngoài, mình thay đổi, bố mẹ cũng thay đổi.

Tôi đã chứng minh được mình là cá thể độc lập. Tôi trở về vì muốn ở gần bố mẹ, vì nhận ra không biết mình còn bao nhiêu thời gian nữa để bên cạnh bố mẹ. Người ta nói đúng, càng đi xa, càng hiểu giá trị của gia đình. Khi tôi chia sẻ với bố mẹ ý định dọn về, tôi thấy bố vui hẳn, những cau có tan biến. Mẹ tôi thì bảo, có con về mẹ có thể sống thêm được vài năm nữa. Đi một hành trình dài như vậy, tôi nghĩ mình đã thành công trong việc hiểu bản thân hơn. Tất nhiên chặng đường vẫn còn dài, mai có thể sẽ khác nhưng ít nhất bây giờ, tôi nhìn gia đình với ánh mắt chấp nhận và yêu thương chứ không còn kỳ vọng và xét nét nữa.

* Từ lúc trở về, làm cuốn sách đầu tiên cho đến hiện tại, bạn có cảm thấy băn khoăn với những điều mình đã lựa chọn? Bạn sẽ tiếp tục đi theo con đường ấy?

- Bế tắc là thường xuyên. Hành trình này đầy nghi hoặc, điều duy nhất tôi chắc chắn là phải bước về phía trước. 

Tôi hay tự vấn: hồi đó nếu bị mất cảm hứng trong công việc dẫn chương trình mà vẫn cố gắng tiếp tục công việc đó thì bây giờ mình sẽ như thế nào? Kể cả chuyện đóng phim, rất thành công, tại sao đi học thêm về diễn xuất ở Mỹ về mà mình không tập trung vào công việc diễn xuất? Chuyện yêu đương cũng vậy, hễ tôi thấy giá trị của mình và người ấy không còn tương thích, họ không còn yêu thương mình đúng như mình nghĩ mình xứng đáng hoặc thấy không còn yêu họ nữa, thì tôi buông một cách dứt khoát.

Tôi rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Dấu hiệu rơi vào khủng hoảng là khi mọi người bắt đầu hoài nghi chính mình. Mình còn không tin mình thì làm sao vượt qua được những hồ nghi của người khác? Mấu chốt chung của khủng hoảng đều là như vậy: nó xuất hiện vào những lúc mình buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn.

Sau việc sản xuất audio books (phi lợi nhuận) để chia sẻ, vận hành lối sống xanh, sống tối giản, thời gian tới, tôi sẽ làm audio books và chuỗi talk show có tên Unfold Talks Podcast, nối tiếp talk show đã từng thành công mang tên “Khủng hoảng tuổi 30” trước đó, với mục tiêu lắng nghe, chia sẻ câu chuyện của những người trẻ, cách vượt qua khủng hoảng ở tuổi 30. 

* Cảm ơn bạn đã chia sẻ. 

"Xây mọi thứ từ đống tro tàn

Người ta thường trải qua hai giai đoạn khủng hoảng ở tuổi trẻ. Đầu tiên là vừa tốt nghiệp đại học, thay đổi môi trường. Tôi may mắn không vướng phải vì tự lập sớm. Nhưng khủng hoảng của tuổi 30 vô cùng nghiêm trọng. Vì đến ngưỡng này, người ta kỳ vọng mình phải có cái này cái kia và mình cũng tự áp đặt như vậy với hàng loạt câu hỏi: Mình có nên lấy chồng không? 30 tuổi rồi có nên sinh con? Có nên mua nhà? Sự nghiệp của mình sẽ đi về đâu?

Trước đó, mình được quyền chống chế còn sớm mà, còn trẻ mà, mới hai mấy tuổi thôi mà. Nhưng tự dưng bước đến gần 30, áp lực từ xã hội dội vào tới tấp, nếu không chuẩn bị kỹ là rơi vào khủng hoảng ngay.

Mà, quy luật là khi khủng hoảng, mọi thứ ập đến cùng lúc. Công việc không tốt dẫn đến tình cảm không tốt, sức khỏe không tốt, nhan sắc xuống cấp... Nó tạo thành vòng tròn luẩn quẩn, đổ ngược vào mình, làm mình stress. Tôi chấp nhận và thấy may mắn khi nhận ra mọi thứ cùng sụp đổ là điều may. Tôi sẽ xây dựng lại từ đống tro tàn đó. Tôi đã tự dồn mình đến bước đường cùng một lần nữa, dẹp hết để bắt đầu sắp xếp lại cuộc đời.

Mình phải ổn thì những thứ xung quanh mình, từ công việc đến tình cảm mới ổn được.
                                                                           CEO Thái Minh Châu"

Hoàng Linh Lan (thực hiện)  
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI