Cây bút trẻ Nhật Phi: đọc Doraemon, chơi game và… viết văn

30/08/2014 - 06:58

PNO - PN - Khoảnh khắc Người ngủ thuê được công bố là tác phẩm đoạt giải nhất cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần V, cây bút trẻ Nhật Phi (tên thật Đỗ Minh Quân) ngồi… bất động gần như muốn khóc. Ngay cả khi lên nhận...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Người ngủ thuê được giới thiệu khá lâu, Nhật Phi thấy độc giả đón nhận tác phẩm của mình thế nào?

Nhật Phi: Đây là tập truyện đầu tay, tôi cũng nhận được nhiều chia sẻ của bạn bè. Lúc tác phẩm ra mắt, tôi mang về Hà Nội có nhắn bạn bè thân thiết “tập hợp” đến quán cà phê ký tặng sách. Ở Hà Nội tôi không có những buổi giao lưu họp mặt đông đảo như đợt ra mắt sách ở TP.HCM. Vui nhất là có bạn nói rằng nghe tựa Người ngủ thuê rất… hài hước nên muốn đọc. Ý tưởng viết tập truyện chỉ từ câu nói của một người anh luôn bận rộn ước có ai đó ngủ giùm. Trong khi đó, có rất nhiều người trẻ hoang mang không biết phải làm gì với cuộc đời mình…

* Vậy chắc hẳn tác phẩm cũng có bóng dáng tác giả trong lớp “người trẻ hoang mang”?

- Rải rác trong tác phẩm có một phần cuộc đời, suy nghĩ trở trăn của chính tôi. Còn những nhân vật khác tôi góp nhặt từ cuộc sống. Tôi thấy giới trẻ hiện nay đang sống trong sự hoang mang, chán chường, không biết bản thân sẽ làm được gì cho cuộc đời mình, không định hướng được mục đích sống. Có lúc tôi cũng vậy, học kinh tế (Nhật Phi học Đại học Ngoại thương - PV) nhưng nhiều khi không định hình được ra trường mình sẽ làm gì với tấm bằng đó. Nhưng tôi đã tìm thấy câu trả lời cho nhân vật của mình trong Người ngủ thuê, đó cũng là câu trả lời của chính tôi.

* Nhưng vì sao Nhật Phi chọn thể loại văn học kỳ ảo không hề dễ dàng…?

- Từ nhỏ tôi đọc Doraemon và chơi game nhiều nên thích không gian kỳ ảo. Với tôi thì thể loại kỳ ảo, siêu thực cũng chỉ là cái cớ để chuyển tải câu chuyện. Thật sự, cái khó nằm ở chỗ giữ được mạch truyện, tạo diễn biến sao cho hấp dẫn người đọc, còn thể loại chỉ là cái nền. Tôi cũng đọc nhiều tác phẩm văn học Nhật Bản, ấn tượng với nhiều tác phẩm của văn chương Nhật sau thế chiến II nên cách viết khá bị ảnh hưởng. Tôi nhận ra mình có thế mạnh ở thể loại truyện này.

* Văn chương là giấc mơ của Phi hay chỉ là một cuộc dạo chơi?

- Năm lớp 6 tôi đã thử viết văn và viết từ đó đến sau này. Trước đây có người nói tôi chỉ mới mon men ngoài rìa văn chương thôi, còn nếu muốn đi sâu phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Văn chương là một con đường dài rất vất vả. Thật sự tôi cũng không biết khả năng của mình ở mức nào, sân chơi văn học tuổi 20 là nơi tôi gửi gắm tác phẩm để được những nhà văn đi trước có uy tín thẩm định và đánh giá. Tôi muốn biết mình đang ở đâu.

* Bây giờ đã thấy được vị trí của mình, Nhật Phi có nghĩ sẽ tiếp tục sáng tác?

- Giải thưởng là một dấu mốc đầy áp lực. Tôi vẫn giữ niềm đam mê văn chương của mình ở thời điểm này và sẽ tiếp tục sáng tác. Ngày trước tôi từng nghĩ, nếu không tham gia cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20, tôi sẽ đăng ký thi Giọng hát Việt. May mà chưa thi (cười). Nhưng bây giờ tôi đã nhìn thấy được thế mạnh của mình. Vấn đề là sẽ phải viết tiếp như thế nào, làm sao để xứng đáng với giải thưởng mình đang có.

* Cảm ơn Nhật Phi!

 TIỂU QUYÊN (thực hiện)

Nhà văn Nguyễn Đông Thức - thành viên Ban giám khảo: Người ngủ thuê là câu chuyện hấp dẫn ngoài sức tưởng tượng của tôi. Nhật Phi không chỉ phản ánh được cuộc sống của giới trẻ mà đó còn là phản ánh toàn bộ xã hội hiện nay trong những ngổn ngang, bộn bề của cuộc sống và cả sự hoang mang của một thời đại.

Cay but tre Nhat Phi: doc Doraemon, choi game va… viet van
Nhà văn trẻ Nhật Phi ký tặng sách bạn đọc

Hành trình của những giấc mơ

Cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần V năm nay có sự tham gia của 328 tác phẩm. Có 24 tác phẩm được NXB Trẻ chọn in, trong đó 15 tác phẩm được tái bản chỉ trong một thời gian ngắn. Hình thức hiển danh tác phẩm cũng là cơ hội lớn để các cây bút trẻ giới thiệu mình. Dù không đoạt giải nhưng các tác phẩm đều để lại những dấu ấn riêng, cùng góp phần làm nên dòng chảy mạnh mẽ của văn học trẻ.

Trong 19 tác phẩm vào chung khảo, Ban giám khảo đã chọn trao: Giải nhất: Người ngủ thuê (Nhật Phi) Giải nhì: Cơ bản là buồn (Nguyễn Ngọc Thuần). Giải ba: Hạt hòa bình (Minh Moon), Gia tộc ăn đất (Lê Minh Nhựt). Giải khuyến khích: UREM - Người đang mơ (Phạm Bá Diệp), Charao mùa trăng (Nguyễn Thị Khánh Liên), Nhiệt đới buồn (Phương Rong), Lý Hàng Khơi (Đoàn Phương Nam) và Mất hút bên kia đồi (D.)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI