'Cấp cứu' cải lương không thể bằng hội thảo

28/12/2018 - 19:00

PNO - 'Cấp cứu' cải lương không thể bằng tọa đàm và hội thảo, mà phải bắt tay vào hành động từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất, như có một sân khấu cho nghệ sĩ biểu diễn - mong mỏi bao lâu nay của họ.

Những tọa đàm, hội thảo để “cấp cứu” cải lương thì nhiều, nhưng toàn... lý thuyết suông. Cải lương đang ngắc ngoải từng ngày, chờ một “cánh én mang tin vui”, nhưng điều đó có vẻ như không tưởng.

'Cap cuu' cai luong khong the bang hoi thao
Trong tháng 12, có tới hai tọa đàm về sân khấu cải lương

Nhiều năm qua, người ta vẫn nhìn cải lương như một trong 3 loại ca kịch truyền thống mạnh nhất của nền sân khấu dân tộc nói chung, đặc biệt được xem là dấu ấn của văn hóa Nam bộ nói riêng. Ai cũng nói cải lương là di sản văn hóa phi vật thể, cần được giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị. Dù được Nhà nước rót không biết bao nhiêu ngân sách, sự thật rõ ràng, ai cũng thấy: cải lương đang đi xuống, từng ngày. 100 năm cải lương lẽ ra là cột mốc để tỉnh thức nhìn lại, là ngày vui chung để nghệ sĩ gặp nhau, thăng hoa trên sân khấu thì ai cũng lặng lẽ, tủi phận.

Ngoài Giấc mộng đêm xuân - vở diễn duy nhất được chọn để dàn dựng cho kế hoạch 100 năm cải lương (lại gây hụt hẫng vì chưa phác họa được đầy đủ diện mạo, tầm vóc của nghệ thuật cải lương suốt chặng đường một thế kỷ), có vẻ, những gì mà TP.HCM “làm được” đến lúc này chính là những… cuộc tọa đàm.

'Cap cuu' cai luong khong the bang hoi thao
Giấc mộng đêm xuân- Vở diễn duy nhất ra mắt nhân dịp kỷ niệm 100 năm cải lương

Riêng trong tháng 12 này, có tới hai cuộc tọa đàm về cải lương: đó là tọa đàm khoa học Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương do Hội Sân khấu TP.HCM kết hợp với Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM tổ chức ngày 7/12 và tọa đàm Nhìn lại 100 năm sân khấu cải lương - Giá trị nghệ thuật, những bất cập và giải pháp, do Ban Tuyên giáo thành ủy và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM tổ chức vào hôm qua - 27/12.

Nếu tọa đàm ngày 7/12 gây buồn ngủ bằng những tham luận chung chung, thiếu thực tế; thậm chí mông lung tới mức chủ tọa không dẫn dắt nổi những người tham dự đi theo chủ đề thì cuộc tọa đàm ngày 27/12 cũng không "tươi tỉnh" hơn mấy!

'Cap cuu' cai luong khong the bang hoi thao
Các nghệ sĩ cải lương gần như không quan tâm và tham gia các cuộc tọa đàm vì bận hay vì không thiết thực?

Cuộc tọa đàm kéo dài hơn 3 giờ, kết thúc trong sự mệt mỏi, cũ kỹ và không hề có phiên thảo luận, phản biện nào. Có một điều đáng nói: đại biểu tham dự tọa đàm ngày 27/12 chủ yếu là giới lý luận phê bình, báo chí… Nghệ sĩ cải lương tham dự chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và đa phần đã thôi không còn hoạt động. Vài người “đương nhiệm” gồm vợ chồng NSƯT Kim Tử Long, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, NSND Trần Ngọc Giàu, Quốc Kiệt… Những gương mặt trẻ là tác giả, đạo diễn, diễn viên… của cải lương hầu như vắng bóng.

Trả lời câu hỏi vì sao tọa đàm cải lương mà quá ít nghệ sĩ cải lương tham dự, đại diện ban chủ tọa trả lời, tổng số đại biểu được mời gần 200 người, gồm các nghệ sĩ trong và ngoài công lập, các hội viên Hội Sân khấu TP.HCM, tác giả, nhạc công... Nhưng có người bận việc gia đình, có đoàn thì đi diễn chưa về, có người lại bận... chạy sô cuối năm. Ngoài ra, do lịch tổ chức tọa đàm lẽ ra diễn ra vào ngày 19 thì dời đi dời lại tới ngày 27, làm nhiều người muốn tham dự cũng không thể sắp xếp thời gian.

'Cap cuu' cai luong khong the bang hoi thao
Thay vào các hội thảo, tọa đàm hãy bắt tay cấp cứu cải lương bằng việc tổ chức những đêm diễn

Những lý do nghe cũng hợp lý, nhưng với thực trạng diễn ra ở các hội thảo, tọa đàm nói chung ở nước ta, trong đó có tọa đàm về cải lương, có người đặt câu hỏi, nghệ sĩ bận hay họ không quan tâm; bởi có quan tâm cũng chẳng giải quyết được gì; bàn đi bàn lại cả chục năm nay rồi… vẫn bàn.

“Cấp cứu” cải lương không thể bằng tọa đàm và hội thảo, mà phải bắt tay vào hành động từ những việc nhỏ nhất, cụ thể nhất, như có một sân khấu cho nghệ sĩ biểu diễn - mong mỏi bao lâu nay của họ.  

NSƯT Kim Tử Long: 'Sân khấu có thể sáng đèn hay không, không phải nhờ các cuộc tọa đàm”

Những tham luận được trình bày trong tọa đàm vẫn mang tính lý thuyết, còn thực tế, chúng ta không làm được gì cho loại hình nghệ thuật này cả. Cải lương có thể sáng đèn sân khấu hay không, không phải nhờ lý thuyết hay những cuộc tọa đàm như thế này. Cần nhất bây giờ là hãy cho sân khấu xã hội hóa chúng tôi một nơi biểu diễn. Khi nhiều sân khấu, địa điểm chỉ là nơi tổ chức hội nghị, sự kiện hội họp... thì cải lương biết phải diễn ở đâu.

Nhà hát Trần Hữu Trang xây dựng hơn 130 tỷ đồng cũng chỉ là nhà hát dành riêng cho Nhà hát Trần Hữu Trang. Các sân khấu xã hội hóa bỏ tiền túi làm tác phẩm, nhưng lại không được ủng hộ ngay cả nhu cầu cơ bản nhất là địa điểm biểu diễn.

Chúng tôi không cần cả trăm tỷ để xây nhà hát mới, chỉ cần Nhà nước chịu đầu tư, sửa chữa một rạp hát cũ - ví dụ như Hào Huê - để cải lương xã hội hóa có một điểm diễn cố định, với chi phí chấp nhận được. Nhà nước không cần bỏ tiền để làm tác phẩm thì khi sân khấu xã hội hóa có tác phẩm, hãy tạo điều kiện cho chúng tôi vào nhà hát, để tác phẩm đó đến được với công chúng. Chuyện lời lỗ, chúng tôi sẽ tự xoay xở, Nhà nước cũng không cần phải bù lỗ.

T.S (ghi)

 Hưng Bội

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI