Cannes 2019: Bóc trần sự thật chưa ai biết

25/05/2019 - 10:13

PNO - Cannes mùa LHP diễn ra là nơi có thể thoả mãn những khát vọng phù phiếm nhất của con người. Trên mảnh đất rộng gần 20 km vuông này, thật - giả, trắng - đen khó thể phân biệt.

Trong hơn 10 ngày qua, "Cannes" luôn là từ khoá “nóng bỏng” của dư luận toàn cầu. Cannes luôn hiện lên trong sự màu nhiệm đến mê hoặc. Nhưng, cũng trên chính mảnh đất xinh đẹp của miền Nam nước Pháp, vẫn còn những góc tối về Cannes, chưa được hé lộ.

Từ cửa ngõ đến thảm đỏ 

Trải qua những chuyến bay dài, Nice là điểm dừng chân đầu tiên với ai muốn đến Cannes. Từ đây sẽ mất khoảng 30 phút để đi chặng đường dài 26km đến với Cannes. Du khách có thể chọn đi xe buýt hoặc có thể tận hưởng việc di chuyển tốt hơn với những chiếc xe sang trọng được gắn logo cành cọ vàng của Liên hoan phim (LHP) Cannes với giá 2.000 NDT (khoảng 6,8 triệu VND).

Nhưng những phương tiện này không liên quan gì đến LHP Cannes đang diễn ra. Bởi theo quy định của ban tổ chức (BTC) LHP, những phương tiện di chuyển chính thức không được rời Cannes trong suốt thời gian diễn ra LHP. Những chiếc xe trên đều là giả mạo, và không ngừng tăng số lượng, khiến BTC LHP đau đầu. 

Nhiều người không biết thông tin này, hoặc không có cách nào để xác minh. Nhưng có vẻ họ không quan tâm bởi được tận hưởng dịch vụ sang trọng như các ngôi sao đã đủ hài lòng. Nhờ thế, các đơn vị kinh doanh này đang ăn nên làm ra. Từ cửa ngõ này, những điều thật - giả, trắng - đen lẫn lộn tại Cannes trong mùa LHP chỉ mới thực sự bắt đầu.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Sân bay ở Nice là cửa ngõ để đến Cannes.

Thảm đỏ Cannes là nơi chứng kiến sự khác biệt trong tư tưởng và mục đích của những người đến dự. Với những khán giả yêu phim ảnh, nơi đây là thánh đường. Họ di chuyển nhanh trên thảm đỏ hoặc những lối đi lân cận để vào bên trong rạp thật nhanh. Trong khi đó, với những nghệ sĩ ít tên tuổi, muốn tìm chút phù hoa ở chốn đông người này, thảm đỏ Cannes trở thành nơi để họ trình diễn. Họ sẽ đi chậm hết mức có thể, tìm cách nán lại, tạo sự chú ý để được các nhiếp ảnh gia ghi lại nhiều hình ảnh hơn.

Năm nay, thảm đỏ Cannes xáo trộn khi mỗi đêm đều xuất hiện lượng lớn khách mời vô danh, phần nhiều đến từ Trung Quốc, họ không có tác phẩm tranh giải, cũng không có hoạt động nào thiết thực trong nghề. Sau khi điều tra, nhóm phóng viên của QQ cho biết chỉ cần tìm đúng “kênh phân phối”, thì dù không có phim tranh giải, nghệ sĩ vô danh đều có thể xuất hiện tại thảm đỏ LHP danh giá này. 

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Lượng khách mời vô danh đã khiến thảm đỏ Cannes 2019 trở nên hỗn loạn, bát nháo.

“Phim mở màn và phim chốt màn LHP Cannes thường sẽ có giá vé cao hơn. Các phim còn lại giá vé dao động từ vài chục nghìn đến 100.000 NDT (khoảng hơn 340 triệu VND). Năm nay, suất vé để tham dự ngày ra mắt phim Once Upon A Time của Leonardo Dicarpiro và Brad Pitt lên đến 160.000 NDT”, T. một người môi giới cho biết.

Thị trường bán vé tham dự thảm đỏ LHP Cannes đang có sức hút rất lớn với những khoản lợi khổng lồ. Một chiếc vé có giá khoảng vài trăm Euro nhưng được bán lại đến hàng chục nghìn cho đến hàng trăm nghìn NDT. Bán một vài suất này là đã có một khoản hậu hĩnh. Và người như T. không hiếm tại LHP Cannes.

Tuy nhiên, Xiao A., một người Trung Quốc sống nhiều năm ở Cannes cho biết cũng không thể quá tin vào những người môi giới như thế bởi không ít người từng nếm trái đắng khi gặp kẻ lừa đảo. Nhiều vé chỉ có thể vào xem phim chứ không thể sử dụng đi thảm đỏ.

Xiao A. cũng là một người môi giới. Tuy nhiên, anh ta đảm bảo độ tin cậy lớn hơn vì hợp tác với một số nhãn hàng để có lượng vé ổn định. Vừa nói, trên chiếc bàn tròn, Xiao A và nhóm bạn để lộ hàng loạt vé VIP để đi thảm đỏ Cannes. Kèm theo đó, họ có các gói dịch vụ như xe đưa trước, trang điểm, stylist... với tổng chi phí từ 200.000 đến 300.000 NDT (khoảng 670 triệu đến 1 tỷ VND). Cũng nhờ lượng khách này mà giới nhiếp ảnh ăn nên làm ra. Các tay máy người Trung Quốc bắt đầu làm việc ở thảm đỏ từ 3g chiều mỗi ngày. Họ nhận 4.000 NDT (khoảng 13 triệu VND) cho suất chụp 1 người.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Vé đi thảm đỏ ngày ra mắt phim của Brad Pitt và Leonardo Dicarpiro có giá khá cao.

Ngoài những nghệ sĩ ít tên tuổi, một số người bình thường hoặc hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cũng áp dụng hình thức đi thảm đỏ để làm hình ảnh, PR. Phóng viên của QQ gặp được một người khách, tự nhận là doanh nhân kinh doanh nhiều ngành nghề vừa chi 600.000 NDT để đi thảm đỏ Cannes nhưng chưa hài lòng. Người này sẵn lòng chi số tiền tương tự để xuất hiện lại, nhằm có được hình ảnh như mong muốn. Với họ, tiền không là vấn đề to tát.

Một đạo diễn thường xuyên đến Cannes nhận định: “Cannes là nơi có thể thoả mãn những sự phù phiếm trong trái tim con người”.

Lời nói khó tin

Vanity Fair, một buổi tiệc bên lề LHP Cannes cũng là từ khoá hot tại sự kiện này. Đêm tiệc thu hút nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới tham gia vì thế là cơ hội béo bở cho những kẻ hám danh đu bám. Vé của tiệc này không được bán, chỉ dành cho diễn viên có phim tranh giải, khách mời đặc biệt, nhà tài trợ... Tuy nhiên, năm nay có sự xuất hiện của khá nhiều người vô danh hoặc những gương mặt ít tên tuổi. Họ thậm chí còn mang theo nhiếp ảnh riêng, đi từng bàn gặp các ngôi sao để chụp ảnh cùng. 

L. (tên nhân vật mà phóng viên QQ tiếp cận) cho biết cô đến tiệc này theo lời mời của một thương hiệu làm đẹp nổi tiếng từ châu Á. Tuy nhiên, sau đó BTC xác nhận không có bất kỳ sự hợp tác nào với đơn vị này. Qua tìm hiểu, phóng viên thu được thông tin thương hiệu trên mang danh Nhật Bản nhưng lại có nguồn gốc ở Trung Quốc. Vị giáo sư đứng đầu thương hiệu này cũng chỉ là thông tin giả mạo.                 

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Taylor Hill và Miles Teller trong tiệc Vanity Fair thuộc LHP Cannes 2019.

Đại diện BTC cho biết rất đau đầu vì vấn nạn này. Một số người trà trộn vào các đoàn khách đông để vào tiệc. Số khác tìm cửa phụ lẻn vào. Số khác nữa lại tranh thủ lúc nhân viên không để ý để vào được bên trong. Vì phép lịch sự, BTC không thể kiểm tra từng người một.

Nhưng nếu muốn nhận được lời mời chính thức cũng không phải là việc khó. Amy Amy, một người môi giới cho biết cô đảm bảo sẽ để những khách vô danh này đến Cannes, tham dự các bữa tiệc, sự kiện bên lề một cách chính danh, theo lời mời từ các nhãn hàng. Bởi một số đơn vị địa phương có hợp tác với LHP Cannes đang âm thầm chấp nhận các giao dịch danh - tiền này.

Rạp chiếu tại Cannes: Hai sắc thái đối lập

Với khán giả yêu thích phim ảnh, Cannes được xem là thánh đường bởi mọi hoạt động đều phục vụ cho môn nghệ thuật thứ bảy. Nhiều người muốn xem phim nhưng không có cơ hội vào rạp. Thậm chí, họ phải chờ nhiều ngày nhưng vẫn không có được tấm vé. 

Trong khi đó với người làm nghề, không gian này rất thiêng liêng. Một đạo diễn cho rằng khoảnh khắc các đoàn phim bước ra, nhận được tràng pháo tay của khán giả trước khi phim bắt đầu là khoảnh khắc quý giá, đến nỗi “những nỗi buồn và bất lực tại Cannes đều đáng giá”.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Bên trong rạp chiếu của LHP Cannes luôn tồn tại hai trạng thái đối lập.

Thế nhưng với những kẻ lắm tiền nhiều của, muốn lợi dụng sự kiện này để gây chú ý thì Cannes không có ý nghĩa gì ngoài những trò lừa phỉnh dư luận. T. tiết lộ những vị khách của anh ta không quan tâm họ sẽ đến xem bộ phim gì, thậm chí chẳng buồn hỏi tên bộ phim hay diễn viên. Nhiều người rời rạp khi phim chiếu chưa đến 20 phút. 

Một doanh nhân người Trung Quốc thẳng thắn nói: “Chúng tôi không biết tiếng Pháp hoặc tiếng Anh. Chúng tôi không thể chịu đựng được nữa. Bạn tôi đã rời đi ngay sau khi khai mạc. Nếu không vì đi giày cao gót và váy quá bất tiện, tôi cũng muốn đi thật nhanh”. Bức tranh tương phản giữa người muốn nhưng không được, kẻ có nhưng không biết trọng diễn ra hằng ngày tại Cannes.

Những giá trị “ảo”

Ngoài không gian chính trình chiếu những phim tranh giải, Cannes còn sôi động với chợ phim, nơi có lượng lớn người mua và người bán bản quyền phim trên toàn cầu tham gia. Có 10 phòng chiếu với sức chứa 50 người/phòng được sử dụng cho việc này. Trung bình mỗi ngày có 80 phim được giới thiệu tại đây. Một NSX người Pháp cho biết bất kỳ phim nào cũng có thể xuất hiện tại đây, miễn chịu chi một số tiền nhất định, tuỳ thuộc vào phòng chiếu và khung thời gian.

Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa phim nào mang đến Cannes cũng được xuất hiện ở không gian này. Thực tế, có những phim được mang trình chiếu ở một số nơi khác thuộc khu vực Cannes, thậm chí chiếu ở một số quán cà phê ven đường. Lợi dụng điều này, những kẻ lừa đảo đã làm giá với các nhà làm phim mới, trẻ, đảm bảo phim họ xuất hiện tại Cannes. Nhưng cuối cùng, mọi thứ chỉ là sự lừa gạt.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Tại LHP Cannes, không phải giá trị nào được đưa ra cũng thật và hào nhoáng.

Một góc khác của LHP Cannes chính là phim ngắn. Thực chất, đây là không gian để định hướng, trao đổi. LHP Cannes sẽ cung cấp một bộ sưu tập phim ngắn cho các nhà làm phim đến thăm Cannes và thực hiện một loạt các hoạt động đào tạo, trao đổi xung quanh những bộ phim ngắn này. Nhà làm phim muốn đưa tác phẩm của mình vào góc phim ngắn, chỉ cần chi trả khoảng 90 Euro. Hàng nghìn phim ngắn có thể được chọn mỗi năm. Những năm trước, nhiều tác phẩm hô hào lọt qua vòng kiểm duyệt chất lượng của LHP Cannes nhưng thực tế cũng chỉ được xếp vào nhóm này.

Thật-giả trên các phương tiện truyền thông tại LHP Cannes cũng là yếu tố dễ khiến dư luận bị đánh lừa. Nhiều ấn phẩm báo, tạp chí, thậm chí trang trong của một số tờ có tiếng cũng rao giá một bài viết có giá vài nghìn NDT. Chỉ cần chi khoảng dưới 10.000 NDT là đủ để có một bài với nội dung đại ý như phim ra mắt ở Cannes, nhận những lời khen từ các cơ quan truyền thông/nhà phê bình phim ảnh. Một số người môi giới cũng giới thiệu các đài truyền hình địa phương để các nhà làm phim, NSX có cơ hội tâng bốc sản phẩm của mình.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Thông tin trên các mặt báo tại LHP Cannes cũng không đủ tin tưởng hoàn toàn.

Ngoài ra, một số giải thưởng “ảo” cũng ra đời trong lòng LHP Cannes. Chẳng hạn năm 2018 xuất hiện giải Cannes China Film Honor Award, bao gồm 5 giải thưởng chính, do một đơn vị tại Pháp kết hợp với một số công ty Trung Quốc lập nên. Giải này còn được quảng bá có cùng bản chất với tuần lễ đạo diễn của LHP Cannes. Thế nhưng, sau một mùa, năm nay giải này đã im hơi lặng tiếng.

Đồng tiền đang thể hiện sự chi phối ngày càng mạnh tại Cannes. Ngoài những hình thức trên, một số NSX, đơn vị còn cho thuê địa điểm tổ chức họp báo, giới thiệu phim trong thời gian diễn ra LHP Cannes để hớt váng “quảng bá toàn cầu”. 

Lừa đảo

Trong mùa LHP Cannes, mọi việc diễn ra rất sôi động. Ai nấy đều bận rộn, đặc biệt là nghệ sĩ, doanh nhân, NSX đến Cannes có mục đích. Nhưng một số người lại cố tình tỏ ra bận rộn để đánh lừa mọi người xung quanh.

Ming Ge, tự xưng là một nhà đầu tư Trung Quốc nói với cánh phóng viên rằng: “Trong hai ngày qua tôi đã gặp 6 nhà làm phim hàng đầu Hollywood, 5 nhà sáng lập các thương hiệu. Có quá nhiều thứ để bàn bạc”. Ming Ge luôn tỏ ra rất vội vàng và không có thời gian. Anh ta cũng không quên khoe mình đang thực hiện một bộ phim với vốn đầu tư 50 triệu USD. Đến Cannes lần này là để Ming Ge tìm diễn viên nam chính, và nhắm đến Leonardo Dicarpiro.

Những chia sẻ của Ming Ge nhanh chóng thu hút những người Trung Quốc xung quanh. Một nhà kinh doanh đã chủ động bắt chuyện và bàn chuyện hợp tác với Ming Ge. Nhìn vào cách ăn mặc, sự chắc chắn trong từng lời nói, ắt hẳn nhiều người sẽ tin vào những điều trên. Nhưng cánh phóng viên lại bắt gặp anh ta cùng nhóm người Trung Quốc tìm cách đi chung xe để tiết kiệm, và Ming Ge cũng không thạo tiếng Anh. Ming Ge không phải là trường hợp duy nhất như thế tại Cannes.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Mùa LHP là lúc Cannes đứng trước những điều thật - giả lẫn lộn

Cannes rộng chưa đến 20 km vuông nhưng những gì diễn ra tại đây đủ thấy ranh giới giữa thật-ảo, trắng-đen vô cùng mong manh. Giữa một mặt là ước mơ, khát khao cháy bỏng dành cho nghệ thuật thì ở mặt còn lại, mọi thứ bị chi phối bởi những giá trị thương mại. Ở đó, con người bất chấp tất cả để mua vui một vài trống canh.

Bên ngoài sự sang trọng lồ lộ trong những ngày qua, có một Cannes không dễ dàng nhìn thấy. Bên ngoài rạp chiếu, những khán giả mộ điệu phim ảnh phải chịu trận với những cơn gió, những trận mưa lạnh thấu người. 

Những người làm nghề có phim tranh giải gần như không có thời gian để ăn uống vì lịch trình dày đặc của các cuộc họp bởi sân khấu được xem là vinh quang của cuộc sống. Ở góc này, Cannes không còn là danh tiếng, không còn là tài sản, doanh thu, mà trở nên thuần khiết, đơn giản hơn, chỉ là phim ảnh.

Cannes 2019: Boc tran su that chua ai biet
Khán giả đội mưa chờ xem phim tại LHP Cannes năm nay.

Những năm trước, LHP Cannes luôn diễn ra trong điều kiện thời tiết đẹp, nhưng năm nay lại có sự thay đổi lớn. Mưa liên tục trong nhiều ngày, có ngày nhiệt độ giảm xuống chỉ còn 10 độ C. Trái với hình ảnh quyến rũ mà các nghệ sĩ thể hiện trên thảm đỏ hay trong các buổi tiệc, lúc ra về ai cũng phải mang những lớp áo khoác dày sụ. 

Trong những ngày thời tiết xấu, để vượt qua đám đông đến với cổng an ninh của thảm đỏ LHP Cannes cũng là một thử thách lớn với các nghệ sĩ, đặc biệt phái nữ. Một đạo diễn có mặt tại đây phải thốt lên rằng: “Tôi nghĩ bây giờ cái thảm màu đỏ thật lố bịch. Mọi thứ thật đáng thương”.

Thuỵ Khuê (theo QQ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI