'Cần có tư duy quảng bá và bán sản phẩm văn hóa nhân những sự kiện quốc tế lớn'

01/03/2019 - 07:35

PNO - Sau sự kiện Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai, qua truyền thông, uy tín của đất nước, uy tín của ngoại giao và cả du lịch, đầu tư Việt Nam đều được nâng lên đáng kể.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai diễn ra tại Hà Nội, được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm trong mấy ngày qua, được các hãng tin khắp thế giới cập nhật liên tục. Rõ ràng, Việt Nam có nhiều cơ hội để quảng bá tiềm tăng đất nước, thu hút đầu tư, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế - du lịch, mà ở cả văn hóa. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch nhìn nhận thế nào về cơ hội này?

Trao đổi với Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Trần Nhất Hoàng - Phó cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (ảnh) - nói: “Không chỉ lần này, trong những sự kiện quốc tế lớn gần đây như APEC, WEF ASEAN và nhiều sự kiện khác, văn hóa được Chính phủ coi trọng như một công cụ để quảng bá bản sắc văn hóa, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam, từ đó thu hút sự quan tâm của quốc tế, hấp dẫn đầu tư, du lịch”.

'Can co tu duy quang ba va ban san pham van hoa nhan nhung su kien quoc te lon'
 

Phóng viên: Còn ở lần này, thưa ông?

Ông Trần Nhất Hoàng: Sự kiện lần này có khoảng 3.000 phóng viên, nhân viên các hãng thông tấn, báo chí thế giới đến Việt Nam. Họ đưa tin phủ sóng toàn cầu. Thực tế chứng minh, nước chủ nhà của sự kiện trước (Singapore - PV) đã rất thành công trong việc thúc đẩy du lịch. Lần này, chúng ta đã quảng bá rất tốt hình ảnh thủ đô Hà Nội, nhờ công tác chuẩn bị rất chu đáo.

Để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, dù thời gian rất ngắn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã gấp rút thực hiện nhiều việc, như xây dựng quầy thông tin du lịch với nhiều tour miễn phí cho báo chí, cung cấp đầy đủ thông tin, hình ảnh tới các phóng viên, họp báo du lịch quốc tế, xây dựng một không gian ảnh quảng bá di sản, điểm đến và nét đẹp văn hóa ba miền Việt Nam.

Đã có nhiều phóng viên quốc tế lấy đó làm điểm tường thuật tại chỗ. Bộ Ngoại giao và TP.Hà Nội cũng đã tạo ra một khu ẩm thực rất hấp dẫn tại Trung tâm Báo chí quốc tế. Tất cả tạo một không gian đậm chất văn hóa Việt và thể hiện tốt thông điệp của nước chủ nhà với bạn bè quốc tế.

Nhận diện về hình ảnh tươi đẹp của TP.Hà Nội cũng được quan tâm qua việc Hà Nội bố trí hoa tươi, bảng biển sự kiện. Các cơ sở văn hóa, du lịch được yêu cầu phải chỉnh trang môi trường và sẵn sàng trực đón khách ngoài giờ.

* Dường như đó mới chỉ là những hoạt động thiên về du lịch tại chỗ và “ăn theo”. Văn hóa Việt Nam đâu chỉ là ẩm thực. Ở những sự kiện quốc tế quan trọng trong tương lai, chúng ta cần làm gì để đón đầu, mang tính chủ động, để phát triển công nghiệp văn hóa?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với việc chúng ta có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh quảng bá văn hóa và ở mức độ cao hơn là qua văn hóa để thu về lợi ích kinh tế cho đất nước. Điều này đã nằm trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa. Sau sự kiện này, qua truyền thông, uy tín của đất nước, uy tín của ngoại giao và cả du lịch, đầu tư Việt Nam đều được nâng lên đáng kể. Thế giới đã nhìn về Việt Nam như một điểm sáng của khu vực.

'Can co tu duy quang ba va ban san pham van hoa nhan nhung su kien quoc te lon'

Phóng viên quốc tế thích thú với việc tường thuật sự kiện trước những bức ảnh di sản và điểm đến của Việt Nam

Trong cuộc họp báo du lịch nhân sự kiện này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng đã chia sẻ những chương trình “hậu thượng đỉnh”, từ nay đến cuối năm, để tiếp tục mở rộng và khai thác ảnh hưởng của sự kiện. Trước mắt, chúng ta đã có kế hoạch cho một loạt sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam ở nước ngoài, ở những địa bàn quan trọng. Dấu mốc của sự kiện này sẽ góp phần đáng kể vào sự chờ đón của bạn bè quốc tế đối với văn hóa, du lịch Việt Nam.

Về lâu dài, những sự kiện vừa qua cũng cho chúng ta nhiều kinh nghiệm quý báu mà chỉ khi bắt tay vào cùng tư duy, cùng làm, mình mới tích lũy được. Chúng ta có thể nói đã tổ chức thành công những sự kiện quốc tế quan trọng và lớn hàng đầu thế giới, kinh nghiệm tổ chức của Chính phủ, các bộ ngành có thể nói đã được thử thách đầy đủ.

Giờ là lúc ta phát triển thêm những nội dung mới, để đem lại lợi ích hơn nữa cho quốc gia - từ việc quảng bá đất nước cho đến khai thác sức mạnh văn hóa và đẩy mạnh truyền thông quốc tế, để thế giới thấy được chúng ta mạnh và giàu đẹp về văn hóa. Từ văn hóa thu lợi ích kinh tế là việc tiếp theo ta phải tích lũy, học hỏi thêm nữa.

Với thành phần kinh tế tư nhân, qua sự kiện lần này, cũng đã học được khả năng đáp ứng thị trường nhạy bén. Họ nghiên cứu, nắm bắt xu hướng rất tốt. Họ dựa vào khía cạnh văn hóa để làm kinh tế, thể hiện qua những chiếc bánh có logo sự kiện, những món ăn mang tên sự kiện, quần áo in, huy hiệu... Đó chính là những bước đầu tiên của làn sóng thực hiện công nghiệp văn hóa, qua những sự kiện lớn của đất nước. Tôi cho rằng, sự kiện này đã tạo ra môi trường rất lý tưởng để các thành phần kinh tế tư nhân thực hành công nghiệp văn hóa.

* Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được đưa ra cách đây vài năm; nhưng đến nay, so với kỳ vọng, hiệu quả đạt được khá khiêm tốn, nếu không muốn nói là yếu kém?

- Chúng ta bắt tay phát triển công nghiệp văn hóa nhìn chung là muộn so với các nước. Khái niệm “công nghiệp văn hóa” với chúng ta còn khá mới mẻ, trong khi nhiều nước trong khu vực đã rất thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc… Để thực hiện thành công công tác này, đòi hỏi nhiều yếu tố, đặc biệt là từ chính sách vĩ mô, những định hướng, hỗ trợ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, với nền văn hóa đặc sắc, đa dạng như Việt Nam, dân số trẻ, cầu thị, ham học hỏi, tôi nghĩ chúng ta có tiềm năng lớn trong lĩnh vực này. Bên cạnh chính sách, điều rất cần là tư duy, là phản xạ về khai phá ngành công nghiệp văn hóa này.

Đơn cử riêng trong quá trình giao lưu rộng mở với quốc tế, mọi cánh cửa đều mở ra theo một chuẩn chung. Từ từng đơn vị nghệ thuật, từng con người làm văn hóa đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn cơ bản của sân chơi quốc tế, để chào đón và đáp ứng những cơ hội. Chúng ta có tiềm năng, có những tài năng, chúng ta cần có tư duy biến đó thành những “sản phẩm văn hóa để bán”, không chỉ góp phần quảng bá Việt Nam, mà phải đem lại nguồn lợi kinh tế bằng sản phẩm văn hóa của mình.

Để hòa nhập vào dòng chảy của thế giới, bên cạnh những sáng tạo, tư duy mới, tư duy về tính đại chúng, nghiên cứu “thị hiếu khách hàng”, những ứng dụng công nghệ đang hỗ trợ đắc lực cho quá trình “rao bán những sản phẩm văn hóa có giá trị”. Song, đó không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà là một quá trình.

* Nhượng quyền văn hóa chỉ thực hiện được khi công nghiệp văn hóa phát triển. Ông có kỳ vọng gì?

- Đó là một tư duy văn minh, mang tính viễn kiến trong thực hiện công nghiệp văn hóa, đón đầu những thử thách tiếp theo để phát triển công nghiệp văn hóa. Tại sao nói vậy? Bởi vì song song với nó, điều trước hết cần quan tâm là cùng nhau xây dựng ngành công nghiệp văn hóa vững chãi, có thương hiệu, có sản phẩm giá trị, thì tiếp theo đó, nhượng quyền mới có đất phát triển.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi, khai thác, tìm ra những sản phẩm văn hóa để quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Chúng ta vẫn cần một giai đoạn nữa để chuyển hóa từ yêu chuộng sang mua “sản phẩm”. Chúng ta có đủ yếu tố để tự tin vào tương lai gần.

* Cảm ơn ông. 

Đậu Dung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI