Cái nhìn khác về 'thần tượng'

01/10/2019 - 20:00

PNO - Nhìn từ bên ngoài, rất dễ lên án văn hóa thần tượng lệch lạc của giới trẻ. Nhưng không phải lúc nào văn hóa này cũng khiến chúng ta có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Khủng hoảng thần tượng là hậu quả tất yếu mỗi khi fan K-pop đợi chờ thần tượng trong vô vọng tại sân bay Tân Sơn Nhất, hay các hiện tượng như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền được tung hô… Nhìn từ bên ngoài, rất dễ lên án văn hóa thần tượng lệch lạc của giới trẻ. Nhưng không phải lúc nào văn hóa này cũng khiến chúng ta có cái nhìn thiếu thiện cảm.

Người trẻ hâm mộ sao Hàn, bởi những ngôi sao K-pop chăm chút từng chi tiết từ ngoại hình đến thông tin đời tư. Họ khao khát được nghe giọng hát, dễ dàng rụng tim trước một cái nháy mắt hay nụ cười của thần tượng, bởi ở đó, họ thấy được những thứ mình ngưỡng mộ: tài năng, giàu có, và đẹp không tì vết.

Trong trường hợp Khá Bảnh, “sức nóng” của Khá không chỉ thể hiện qua hình ảnh học sinh chờ xin chữ ký, mà lượt tương tác tích cực của Khá Bảnh trên mạng xã hội, xác tín tầm ảnh hưởng rất mạnh của anh ta. Không trau chuốt như sao Hàn, nhưng tạo hình của Khá mang thông điệp về sự nổi loạn. Điều này rất gần với những “mơ ước” của nhiều người trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Ngoài ra, Khá còn nhảy đẹp, nhiều tiền, tôn trọng tình nghĩa… dù đó chỉ là những “vở diễn” mang yếu tố “hoàn hảo”, nhưng cũng đủ cho không ít thanh niên mong muốn trở thành.

Cai nhin khac ve 'than tuong'
Bức ảnh anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy với tạo hình ấn tượng được giới trẻ thiết kế gây sốt trên mạng xã hội - ảnh: Hiệp hội sao năm cánh

Sau những hiện tượng cực đoan của fan K-pop hay trường hợp Khá Bảnh, người ta phàn nàn nhiều về những khủng hoảng thần tượng. Không ít cái nhìn thiếu thiện cảm về xu hướng lệch lạc của giới trẻ trong việc thần tượng một ai đó. Tuy vậy, gần đây, sự kiện anh hùng phi công huyền thoại Nguyễn Văn Bảy qua đời, một tấm hình các bạn trẻ tự thiết kế ông với con số bảy huyền thoại nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội cùng với lòng ngưỡng mộ, tôn kính không giấu giếm, đã khiến tôi có cái nhìn khác về những gì giới trẻ đang thần tượng. 

Hình ảnh người anh hùng có nụ cười hiền lành về quê cuốc đất trồng rau sau binh nghiệp lẫy lừng đã được chia sẻ khắp nơi. Từ câu chuyện của ông Bảy, những câu chuyện về phi công Việt được Mỹ xếp hạng Ace (những phi công bắn rơi năm máy bay trở lên) cũng được nhắc đến. Để rồi giới trẻ bất ngờ nhận ra: ngoài ông Bảy, danh sách Ace của Việt Nam còn nối dài, nhiều nhiều nữa.

Ngoài anh hùng Nguyễn Văn Bảy, chúng ta còn hàng vạn con người tài hoa ở các lĩnh vực, như triết gia Trần Đức Thảo, họa sĩ Lê Phổ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa… Những hương thầm sắc ẩn mà chắc chắn, chúng ta càng khéo gieo vào lòng người trẻ, họ sẽ càng say mê đi tìm những điều họ mong muốn.

Còn nhớ trước đây, khi cuốn sách Điệp viên hoàn hảo của Larry Berman ra mắt bản tiếng Việt, hình tượng tướng tình báo can đảm, đa mưu Phạm Xuân Ẩn mới được nhiều người biết đến. Cuốn sách là một dấu chỉ rõ ràng về cách tạo dựng một thần tượng, giỏi giang mà gần gũi trong lòng người. Dẫu rằng, từ biết tới hiểu, rồi yêu, là chặng đường không phải ngắn. Nhưng đó là điều chúng ta cần phải làm, thay vì chỉ trích văn hóa thần tượng của giới trẻ.

Chúng ta cần phát quang những hình tượng giàu giá trị bị khuất lấp bởi bụi thời gian. Người trẻ cần biết về những người này trước khi chờ họ hiểu và thần tượng. Chúng ta cũng cần những câu chuyện sinh động, đa màu thay cho những lời ngợi ca công thức. Bởi ông Bảy, ông Ẩn không chỉ mang giá trị biểu đạt của những anh hùng thời chiến. Họ còn là niềm tin, lòng tự hào về tài năng và phẩm hạnh của giống nòi ngay giữa thời đại này. 

Mỹ Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI